Tôi cố tìm lại những gì tôi chưa đánh mất giữa sự hỗn độn của con sóng ký ức. Với sự kiên nhẫn của người đang lột vỏ lụa của từng hạt đậu phọng, tôi gắng gom góp những mảnh nhớ để kể lại một câu chuyện thật – Một thời “đóng tàu vượt biên” của gia đình tôi.
Cây si, không trồng trên lối đi!
1.
Buổi sáng thức giấc với cơn mưa. Tôi ngồi nhìn mưa, nỗi buồn như tru di trong từng bong bóng nước. Ngày nơi đây vẫn bình yên rỏ hạt. Nơi tôi ngồi, cơn mưa trắng xiên ngang mái tranh. Tôi viết trong trang Nhật ký, “Chẳng gì ngoài mưa và nỗi nhớ. Mưa giống như hạt nước mắt mà không có nỗi đau…” Chừng như mỗi ngày, tôi viết cho mình thở.
Tôi bỏ lại anh lạc lõng giữa những chiều Thứ Bảy. Sàigòn đang mùa mưa, hiếm hoi ngày chút nắng xanh xao. Anh lao đao đi nốt những đoạn buồn, “…Bên hiên lề anh đứng trú mưa. Giá mà có em, Sàigòn sẽ dễ thương biết mấy. Cơn mưa sẽ dễ thương biết mấy. Anh đứng đây, chỉ có cổ họng khô đắng niềm nhớ – còn tất cả đều ướt. Em biết không?”
Trang thư anh, trầm luân hơn tôi tưởng. Những hạt mưa làm đau lại quá khứ. Và một Tôi, sao cứ vỡ không ngừng… Một nỗi buồn ùa về phủ dụ. Ðôi mắt tôi biết ướt trong lần đầu yêu. Con mèo nhỏ thu lu dưới góc bàn, ngồi nhìn tôi khóc ẩm ướt.
“Em không về, Sàigòn cũng… giận. Phố cũng lơ ngơ chẳng thèm nhớ phải lên đèn.” Nỗi nhớ sa hạt nặng. Thấm vào đất thật sâu… Những cánh thư anh làm mềm tuổi mộng.
Có bóng ai nhập nhòa trong màn mưa. Tôi giật mình, nhận ra anh Minh đang hối hả dắt chiếc xe đạp lọc cọc, đội mưa bước vô. “Hạnh ơi, có Hải ở nhà không?” Cái giọng khề khà… Huế, nói như ra thơ. Tôi ra vẻ ngó trân người bạn thân của ông anh mình, rồi tinh nghịch,“Trời mưa mà cũng kiếm, ruồng. Hai người này sao chẳng chịu rời nhau?”
Sầu đang lên hoang hoải, tôi chỉ muốn có ai để bầu bạn vẩn vơ. Anh Hải và Xì đang ở ngoài giữ ghe, còn Mẹ về Sài Gòn lo công chuyện. Mình ên ở nhà với nồi thịt kho ruốc và cơn mưa dầm dã.
Ánh nhìn của anh Minh, chợt ngọt như kẹo,“Hạnh mới khóc hả? Sao mắt đỏ hoe?”
“Em mà thèm khóc. Vừa nấu cơm xong, củi làm cay mắt!” Giọt nước mắt vừa bốc hơi chẳng lẽ còn để lại dấu vết. Tôi tưởng chỉ có con mèo làm nhân chứng!
Anh Minh phải dang dở Ðại học ở Sàigòn để về Hải Sơn “giữ ghe” cho ông chú ruột, chỉ mơ ước được một cái vé miễn phí trên tàu. Anh Hải kể, mấy tay giữ ghe chẳng tay nào mặc “quần sịp”, chỉ mỗi có cái quần tà lỏn. Tối ra trông ghe, cởi tà lỏn đội lên đầu rồi lội ra ghe. Nước lên xuống, sình bùn lầy lội. Leo lên đến ghe, người trát bùn từng lớp rít rát. Buổi tối của những tay “lơ ghe” là bầu bạn với cái guitar thùng cũ rích, phách nhịp rời rã, cà rửng cà rơ cũng hết đêm. Ghe anh Minh đậu sát ghe nhà tôi, vậy là hai chàng thanh niên Sàigòn trở thành đôi bạn thiết thân. Tôi luôn vô tư và thân thiết với anh Minh như một người anh, và ghét tiệt cái từ “anh nuôi”. Con gì “nuôi” mà chẳng… ăn chứ!?
Nhìn ra trời. Ðất vẫn đang hứng mưa rơi. Tôi bối rối khi chạm con mắt liếc ngang của anh Minh. Tôi vờ cúi xuống, lật từng trang tập nhạc viết tay “17 tình khúc Ngô Thụy Miên”. Giọng anh Minh, rả rích như cơn mưa bên ngoài, “Hạnh thích nhạc Ngô Thuỵ Miên hả?” Nụ cười tôi kéo ngang cùng cái gật đầu. Chẳng hiểu sao, cái nhìn của anh Minh luôn làm tôi bối rối.
Anh Minh phải về ra trông ghe, tôi gửi anh Hải và Xì mấy trái bắp luộc. Những đường mưa tựa từng dòng lụa là chảy xuống mái tranh, dáng anh Minh nhập nhòa.
Cuộc sống chẳng bao giờ an ổn. Những cuộc đời nơi đây – tựa những nhánh sông vẫn loay hoay tìm lối chảy…
2.
Những đám mây vỡn trắng qua hiên nhà. Mấy con sâu đo vừa chết cạnh mép lá. Nhánh cỏ dại cứ mãi nở hoa, mặc cho cơn mưa đã tạnh. Những trận mưa khốn đốn làm xiêu vẹo giàn dưa gang, tả tơi hai hàng hoa tím “bâng khuâng” trước hiên nhà. Anh Hải bỏ một ngày đi cào để o bế lại cái giàn cây ăn quả. Anh tôi luôn gắng chiều chuộng cái thói ăn vặt cố hữu của cô em tuổi xuân thì. Những trưa nóng Hải Sơn, tôi khó thể thiếu ly dưa gang cắt nhỏ, dằm đường và bỏ vào mấy cục đá mát lạnh.
Một bữa tôi đi chợ về, đổ ra một rổ cá bống tươi rói. Vào bếp loay hoay, bước ra giếng lại chỉ thấy một cái rổ… không còn cá. Tôi hoang mang. Từ giếng vô bếp rồi từ bếp ra lại giếng vài chục bận. Rõ ràng, cái rổ còn tanh tươi mùi cá. Tôi réo anh Hải ơi ời. Ông anh chổng mông chục bận ngó xuống giếng. Chẳng thấy tăm hơi bầy bống bống bang bang. Tôi nhìn như đám mây đang khóc, “Anh Hải, chẳng lẽ nhà mình có… ma!?”
Anh Hải, mặt ngáo đổi sang… ngầu. Mắt chỉ liếc qua cái nhà hàng xóm phía bên tả. Ranh giới giữa hai nhà, chỉ là chỉ vài cái cọc tre giăng mấy sợi kẽm mong manh. Nhà có một em gái quê tên Trúc, úc núc như hột mít lùi. Da dẻ nàng nứt nẻ hơn cả dấu chân chim mùa cạn. Ðồi mồi thì trổ như hoa trên mặt, bộ ngực vung vúc đến bung cả hàng cúc áo. Mỗi lúc gặp anh Hải, nàng dừng chân, giấu cái nguýt dài trong mắt. Vò nát mấy cọng ngò trên cái rổ cắp tay. “Em Trúc”, chỉ có mỗi cái áo dài vàng choé. Mỗi sớm Chủ Nhật đi lễ, nàng Trúc như con bướm vàng lượn lờ vài chục vòng trước cổng nhà tôi. Anh Hải đến nổi quạu, tôi chọc,“ Anh làm ơn ra liếc giùm cái ‘kìa con bướm vàng’ chút đi, để em Trúc còn đi lễ cho rồi. Chóng mặt quá!”
Cây si, không trồng trên lối đi! Cây si, có ngàn gió tuổi vẫn reo. Trúc xinh trúc mọc đầu đầu đình. Chỉ tiếc, em “Trúc khùng” cạnh nhà; thuở bé chắc có lỡ bị té ao hay té giếng mà nàng mang biệt danh nức tiếng xóm đạo.
Buổi chiều hôm ấy. Tôi ngửi thấy mùi cá kho nặng mùi từ phía bếp cô nàng láng giềng té giếng.
3.
Vườn nhà chỉ toàn đàn gà trống. Anh Hải kể trước kia có nuôi mấy con gà mái tre, cứ cục tác cục ta, ngày nào cũng rặn toét phao câu mà chẳng rớt trái trứng nào. Anh tôi bực, chỉ nuôi toàn gà trống.
Một hôm, vừa đi chợ về. Tôi trố mắt reo lên khi thấy bên giếng nước, anh Hải đang hì hục mổ bộ lòng một con gà mái dầu. Bữa trưa, tôi và ông anh xực gọn con gà mái dầu chỉ để lại cậu em út Xì cái đùi gà. Tưởngông anh yêu quý mới “trúng mánh”.
Anh Hải tủm tỉm ngoắc tôi ra sau vườn. Ông anh “tục tục” rồi bắt một con gà trống tre vườn nhà, thả qua vườn nhà “em Trúc”. Chỉ mươi phút, một nàng gà mái te te chạy theo chàng gà trống… về dinh.
Chiều xuống, nàng Trúc điểm danh quân số. Thấy mất đi vài nàng “cục tác lá chanh”. Em Trúc như con gà mắc đẻ, tục tục hết cả ngõ ngách vườn nhà tìm kiếm. Tôi và anh Hải, từ trong cái ô cửa tò vò của nhà, lén mắt quan sát. Cái màn “câu gà” và một cơn cười rũ xuống sàn đất .
Hoàng hôn, rồi cũng đánh rơi cái nỗi buồn xa ngái…
4.
Hai ông chú họ. Một tài công, một phụ máy. Tài công thì luôn say nhè trên bánh lái, còn phụ máy thì rượu rót chẳng bao giờ đủ một cơn say. Ði cào với hai con “sâu rượu” mỗi ngày, nhưng anh tôi chẳng bao giờ đụng tới một giọt rượu. Dân Sàigòn xuống Hải Sơn, không làm ghe cũng chờ đi… canh me. Anh Hải bảo vậy. Chiếc ghe nhà tôi “chiến” nhất bãi. “Tàu mũi Thái Lan, bốn lốc”. Tôi chẳng biết được gì hơn thế. Gia đình tôi quan niệm rằng, con gái chỉ nên tề gia nội trợ.
Thuở ấy, nỗi sầu tôi chỉ lắng đọng trên những trang Nhật ký. Không có lá me bay. Không có lá phượng gầy. Nơi đây, chỉ có ánh đèn dầu võ vàng nỗi nhớ người yêu và Sàigòn. Trái tim tôi thầm lãng đãng những cảm xúc se se. Bờ vai hoài nhớ cái dựa đầu nôn nao…
Buổi tối, tôi ngồi viết Nhật ký. Anh Hải đã ngưng xối nước bên giếng, đang thay đồ trong cái “buồng tắm lộ thiên”. Bỗng, tôi nghe giọng anh gằn lớn, “Ai đó?!”
Một con mắt nhòm qua liếp cửa. “Ma nữ” giọng Bắc, nhừa nhựa như nhựa mít, “Em Trúc đây! Cái quần sịp màu đỏ… dzễ thươơơng quá!”