Viết cho những thế hệ mồ côi hậu 30-4-1975 *
Yôi mới hai tuần tuổi.
Mẹ đem tôi theo trên chuyến xe buýt liên tỉnh để đi từ quê tôi tới chỗ dạy mới. Ði cả nửa ngày mới tới. Cái lệnh đổi trường này là cách chính quyền mới trừng phạt người thân của những quân nhân miền Nam.
Mẹ gói tôi trong miếng vải tốt nhất kiếm được ở nhà. Trước cuộc đổi đời, Mẹ thường mua vải cô-tông tốt nhất và mướn người may áo quần cho anh chị tôi. Mẹ móc vớ, nón, và áo lạnh trắng thật đẹp cho mỗi đứa mặc lúc mới sanh. Mẹ khéo lắm, và lúc nào cũng dồn sự sáng tạo của mình cho con cái.
Miếng vải cô-tông mềm duy nhất mà Mẹ kiếm được cũng không lớn đủ để gói tôi. Mẹ gói thêm vài miếng vải thô mà Dì Thơ mót được trong rương ngày hôm qua. Những vật quý giá trong rương đã bị tịch thu năm tháng trước, hồi Tháng Năm. Cái rương phản ảnh một cách xác đáng cảnh nhà chúng tôi: dở khóc dở cười, trơ trụi, buồn thiu, và bị lột sạch.
Mấy người bộ đội ập vô sáng đó khi cả nhà còn đang ngủ. Gà trong xóm còn chưa ngỏ tiếng gọi mặt trời. Họ mặc quần áo kaki xanh lá cây và đeo một cái cờ đỏ sao vàng trên tay áo, và sục sạo cùng nhà với một thứ quyền uy tối thượng. Họ ra lệnh cho Ba Mẹ đứng sát vô vách, rồi bắt đầu lấy đồ đạc như thể đang đua nhau coi ai lấy được nhiều nhất. Họ không lấy mấy cái tã vải, nên Mẹ mừng thầm trong bụng và lượm lên cất cho tôi. Lúc đó, bụng Mẹ đã bắt đầu đội lên.
Ðám bộ đội tập trung lấy những thứ tiện lợi hoặc có giá: cái tủ lạnh, chiếc xe hơi, cái truyền hình, bộ áo dài đẹp hồi đó Mẹ mặc đi dạy ở trường tiểu học gần nhà, cái ghế nhung, cái quạt máy, cái bếp ga ba nồi, bộ nồi không rỉ sét, cái xe gắn máy của gia đình, cái điện thoại, cái giường gỗ mun, cái tấm nệm, cái tủ đựng quần áo, cái tủ thờ khảm xà cừ, bộ chén kiểu Ông Bà Ngoại tặng cho Ba Mẹ ngày cưới, cái xe đạp mini ruột của Mẹ, cái máy chụp hình, bộ nữ trang đơn sơ của Mẹ, cái bàn làm việc ở nhà của Ba, vài quyển sách còn sót lại sau khi cả nhà đã đốt trụi sách vở ngày 30 Tháng Tư. Họ lấy sạch. Ðám bộ đội trở lại ngày hôm sau để đục nền gạch bông lên và lấy đi từng miếng một. Trong suốt hai mươi năm sau, chúng tôi ở trên một nền đất mà mỗi lần mưa xuống, nó nhũn ra và cả ba ngày sau, cứ làm cho mọi thứ trong nhà trườn tới trườn lui. Cho tới khi chúng tôi đi Mỹ.
Cả nhà bị chặt chân. Chúng tôi không còn gì để đi lại. Không bàn ghế. Không hy vọng. Anh Hai và Chị Ba sợ quá tới nỗi sau khi người ta đã tịch thu đồ đạc và lấy gạch đi cả mấy tiếng đồng hồ sau mà cả hai còn khóc rống. Anh Hai mới bốn tuổi, Chị Ba mới hai tuổi, cùng ôm chặt lấy Ba Mẹ, nắm níu an toàn. Ba Mẹ vẫn còn bị kinh động cả mấy ngày sau đó. Ba Mẹ không biết làm gì hơn là tập thích nghi và lo cho con cái.
Nhưng chúng tôi không ngờ là họ vẫn chưa lấy đi những gì quý giá nhất. Ít ngày sau, họ tới bắt Ba. Mẹ bắt đầu cuộc việt dã bằng nước mắt mà bốn tháng sau, khi tôi đã chào đời, vẫn chưa chấm dứt. Mẹ làm đủ mọi cách để kiếm Ba một cách vô vọng. Mẹ nhờ Ông Ngoại kiếm. Ông Ngoại đi hỏi hết những người bạn đã từng chiến đấu với Ông hồi kháng Pháp, hỏi ở đâu được là hỏi, và cam đoan với Mẹ là Ông Ngoại sẽ ráng hết sức để kiếm Ba. Cả nửa năm sau, Ông Ngoại vẫn chưa tìm được tin Ba. Nhưng ngay cả trong những tháng dài không có tin của Ba, dù chúng tôi không có lương thực dự trữ, Mẹ vẫn ráng để riêng bất cứ lương khô nào Mẹ để dành được cho Ba. Mẹ hy vọng một cách tuyệt vọng rằng Mẹ có thể gửi những thứ đó cho Ba một khi kiếm được chỗ Ba bị giam. Mẹ nguyện xin một cách mãnh liệt rằng Ba vẫn còn sống.
Giữa quay cuồng nước mắt, lo lắng cho hai con nhỏ, và một cái thai trong bụng, Mẹ nhận được lệnh phải nghỉ dạy ở trường gần nhà. Mẹ phải chờ lệnh mới. Bao nhiêu bất định dồn dập. Mẹ phải làm gì để nuôi hai con nhỏ, chính mình, và một đứa con sắp chào đời? Mẹ lặng lẽ khóc mỗi ngày sau khi cho anh chị tôi ngủ trưa trên tấm chiếu mà Mẹ trải phía sau nhà, trên lớp gạch bể Mẹ lượm lặt được và làm thành một cái giường dã chiến. Trái tim Mẹ cũng giống như những miếng gạch: vụn vỡ, cứng trơ.
Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cả đời sống của gia đình đã thay đổi. Căn nhà trống hoác làm Mẹ sợ mỗi lần Mẹ ngừng tay trong lúc làm việc nhà và nghĩ tới Ba. Gió thổi thông thốc từ trước ra sau, rồi ngược lại. Không có gì cản gió. Không cả Ba. Mẹ sợ khi hỏi chính mình: Rồi cả nhà sẽ ra sao?
Thực phẩm khan hiếm. Mọi thứ đều theo hộ khẩu. Mẹ để dành hết mớ gạo mốc Mẹ mua được hằng tháng để cho anh chị tôi. Mẹ nấu cơm trên ba cục gạch, chắt lấy nước cơm, uống làm canh. Mẹ để dành cơm cho hai đứa con nhỏ luôn phải ăn đói. Anh chị tôi càng đói thì lòng Mẹ càng no đau đớn. Mẹ không thiết ăn, và nhiều năm sau, tự trách mình rằng Mẹ đã không tiếp lương cho tôi lúc tôi còn trong bụng Mẹ. Nhưng tôi không bao giờ oán Mẹ. Tôi không bao giờ hiểu được làm cách nào Mẹ – hay bất cứ ai khác – có thể vượt qua được những tháng ngày đó.
Chúng tôi trở thành vô gia cư ngay tại nhà mình. Mẹ xếp những thanh gỗ Mẹ kiếm được sau nhà lại với nhau và lấy dây chuối khô cột lại để làm chỗ cho chúng tôi ăn cơm. Có bữa, đang húp phần cháo tem phiếu của mình, Anh Hai hỏi Mẹ có muốn ảnh làm một cái bàn cho cả nhà không. Anh Hai mới bốn tuổi. Mẹ chỉ xoa đầu Anh Hai mà không nói gì.
Ðiện nước cũng không có. Mọi thứ bị cắt, trung ương hoá, và chuẩn phát tùy theo nắng mưa của ông khóm trưởng. Mỗi ngày, ổng để cho nhà ổng lấy đủ nước để xài trước, rồi mới mở cho cả khóm sau. Nếu trong nhà ổng cần xài điện ban ngày, thì ổng bật điện lên. Nếu không, chỉ có điện ban đêm, từ 8 giờ tối tới 4 giờ sáng. Người dân phải tự tìm cách thắp sáng cho nhà mình trong khoảng hai tiếng trước và sau giờ có điện mỗi đêm. Nhiều khi nhà tôi đang ăn cơm thì bị cúp điện. Mẹ đốt đèn dầu để ăn cho xong, rồi mau thổi tắt để dành lượng dầu ít ỏi mua theo hộ khẩu. Mẹ cho Anh Hai và Chị Ba đi ngủ sớm, hoặc ra trước sân đón trăng nếu đêm đó trăng rằm.
Mấy tháng hè lết đi trong những trận mưa nhiệt đới. Mưa lớn mấy cũng thua cái dầm dề của nước mắt Mẹ tuôn. Lòng Mẹ ngập lụt những nỗi lo ngày càng trĩu nặng cho tính mạng và sự an nguy của Ba. Trong những đêm mưa lớn mà cúp điện, Mẹ vừa ôm Anh Hai và Chị Ba, vừa chống chọi với đau lưng của thai kỳ cuối. Sấm đánh rầm rầm trên mái tôle, sách nhiễu mấy lớp hợp kim và cả những con người đang co rúm bên dưới. Giữa những tiếng sét chói tai, Mẹ nghe được cả nỗi ai oán của đời mình trong đó. Anh Hai và Chị Ba không còn quần áo ấm để mặc nữa, cũng không còn mền để đắp những đêm mưa. Cả hai cuộn tròn như hai con mèo trúng nước, rút vô mình Mẹ cho đỡ sợ và cho ấm.
Giống như mọi người, Mẹ không được đi đâu xa. Ngay cả khi Mẹ xin ông khóm trưởng cho đi thăm Ông Bà Ngoại ở xã kế bên, ổng cũng không cho. Mẹ là người tù không có danh xưng. Nỗi lo và uất ức bào mòn sức chịu đựng của Mẹ từng ngày. Ông khóm trưởng lệnh cho Mẹ nghỉ dạy một cách đột ngột, mà cũng không cho biết sau này có được đi dạy lại hay không. Mẹ trồng rau trong miếng đất nhỏ trước nhà để có cái ăn, nhưng trồng mấy thì cũng không đủ cho hai đứa bé háu đói. Mẹ muốn tạo một mảnh vườn trong lòng mình để trồng một chút hy vọng, nhưng cũng không có chỗ. Lo sợ và oán giận đã chiếm hết.