Nguyễn Thanh Hiện, cử nhân triết học tây phương, ĐH Văn Khoa Sài Gòn, dạy học, viết văn, hiện sống và làm việc ở Quy Nhơn.

Nguyễn Thanh Hiện
Viết sau cuộc va chạm có vẻ khốc liệt giữa hai con người trần gian
Các bạn biết không, tôi rất mê loài chim biết hót. Mê nhất là chim họa mi. Cũng chẳng biết mê vì tiếng hót như xoáy vào tâm can, hay là vì tên gọi của nó thường gợi tôi nghĩ về một vẻ đẹp đáng kể nhất trong trời đất: giai nhân. Họa mi có nghĩa là vẽ mày đấy các bạn ạ. “Làm thế nào để thuần dưỡng một con họa mi rừng thành một con họa mi hót thật hay”. “Thức ăn và phòng bệnh cho chim họa mi”. “Một chiếc lồng đúng nghĩa là lồng chim họa mi”. Vân vân. Trên tủ sách của tôi, bên cạnh sách của các ông Pushkin, Cervantes… là những sách về chim họa mi. Có thể nói vào giai đoạn mê chim hót, tôi xếp chim họa mi cao hơn các ông Pushkin, Cervantes, bởi vì các ông ấy không biết hót (theo nghĩa hiện thực của từ này). Một con họa mi rừng người ta rập được trên rừng đem bán thì giá cả rất dễ mua. Nhưng cuộc chơi bắt đầu bằng kiểu này thì nguôi lắm. Ðôi khi còn làm ta thất vọng. Nuôi con họa mi rừng thì cuối cùng con chim sẽ chết, hoặc không biết hót. Con đường tiến vào cuộc chơi nhanh nhất là mua một con họa mi đã biết hót.
Sáng nào tôi cũng đến quán cà-phê-chim sầm uất nhất thành phố để nghe chim họa mi hót. Cuối cùng thì tôi đã phát hiện được con họa mi hót hay nhất thành phố mà các bạn chơi chim ở đó đều thừa nhận. Vấn đề còn lại là làm sao mua được con chim. Tôi xáp vào thằng cha chủ chim. Sáng nào gặp thằng cha ấy ở quán cà-phê-chim, tôi cũng đờn vào tai chả. Và tôi đã gặp may. Thằng cha chủ chim cũng là tay mê sách. Tôi cũng là tay mê sách, nhưng đến lúc ấy thì tôi mê chim hơn mê sách. Tôi mang các ông Pushkin, Cervantes… cả thảy là mười một ông, đến đổi lấy con họa mi hót hay nhất thành phố. Ðược con họa mi hót hay nhất thành phố rồi, tôi lo tiếp cái lồng chim họa mi đẹp nhất thành phố. Các bạn biết không, thời ấy một trăm nghìn đồng lớn lắm. Nhưng tôi đã dám bỏ ra một trăm nghìn đồng để mua cái lồng chim họa mi đẹp nhất thành phố. Hút một lượt ba điếu thuốc, tôi cùng thằng cha làm lồng chim cùng hô “chim họa mi vạn tuế”, rồi tôi xách cái lồng chim mới về thay lồng chim cũ. Từ đó, con chim họa mi như một phần đời của tôi. Sáng ra là tôi xách cái lồng chim họa mi ra treo trước hiên hè, bắc ghế ngồi chờ. Phải chờ, chứ đâu hễ muốn con họa mi hót là nó hót. Và những phút giây thiêng liêng ấy đã đến. Thánh thót. Chơi vơi. Như châu như ngọc. Như áo em bay giữa trời tháng tám. Cho vào ngoặc hết. Không có từ nào diễn được tiếng hót của họa mi. Nó là âm vang của đất trời, làm sao có thể diễn được bằng thứ tiếng nói của con người. Chỉ nói được với các bạn, là khi nghe con họa mi của tôi hót, tôi đã rơi vào thứ trạng thái tinh thần các nhà huyền học gọi là huyền nhập, hay nói theo cách của phái Pythagore huyền bí là rơi vào nhịp điệu của vũ trụ, hay cũng có thể nói theo cách của nhà triết học Bergson là rơi vào thứ cảm thức tiếp diễn. Nghe con chim họa mi hót, tôi cứ thấy như mình đang rơi vào trạng thái không thức không ngủ.
Trích từ nguồn website tienve.org