“Chuyên tâm đọc sách” là bài tập tốt của não bộ, giúp gia tăng khả năng đồng cảm trong đời sống. Gần đây ông Gregory Currie – giáo sư tâm lý tại Ðại Học Nottingham – tranh luận trên nhật báo New York Times rằng, không thể đòi hỏi văn chương cải thiện tâm tánh của ai đó như mọi người thường nói. Bởi vì không có “bằng chứng thuyết phục cho thấy con người trở nên đạo đức hay có quan hệ tốt hơn nhờ đọc Tolstoy” hay bất cứ những tác phẩm tuyệt vời nào khác. Nhưng có một bằng chứng hiển nhiên về lợi ích của việc đọc sách. Ông Raymond Mar – nhà tâm lý học tại Ðại Học York ở Canada, và ông Keith Oatley – giáo sư danh dự về tâm lý học nhận thức tại Ðại Học Toronto – đưa ra những nghiên cứu công bố vào năm 2006 và năm 2009 cho thấy rằng, những người thường đọc tiểu thuyết có khả năng hiểu biết người khác nhiều hơn, cũng như dễ thông cảm và nhận biết thế giới từ quan điểm của họ. Mối tương quan này vẫn tồn tại ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu phân tích rằng, những người thể hiện sự đồng cảm nhiều hơn có thể là do họ đã chọn đọc nhiều tiểu thuyết. Một nghiên cứu năm 2010 của Giáo Sư Mar, cũng đã tìm thấy một kết quả tương tự ở trẻ em: Càng đọc nhiều sách truyện, trẻ em càng thêm tinh tường và hiểu về “lý thuyết tâm lý,” hoặc nhận ra từng đặc tính tâm lý có trong ý định của người khác.
Trái ngược với cách đọc hời hợt chúng ta thường làm trên trang mạng, chuyên tâm đọc sách là một thói quen có nguy cơ tuyệt chủng – đây là điều chúng ta phải thực hiện từng bước để bảo tồn như chúng ta xây dựng tòa nhà lịch sử, hay một tác phẩm nghệ thuật quan trọng. Một khi thói quen chuyên tâm đọc sách không còn nữa, sự phát triển trí tuệ và tình cảm của các thế hệ lớn lên trong thời đại on line đứng trước hiểm họa bị tàn phá, đe dọa đến sự tồn tại của một phần văn hóa quan trọng, đó là tiểu thuyết, thi ca, và các thể loại văn chương khác – những giá trị tinh thần có thể bị đánh giá bằng những người đọc bằng não bộ – theo đúng nghĩa đen – những người được đào tạo một cách máy móc để “đọc hiểu” sơ sài những tác phẩm văn học quý giá.
Một nghiên cứu gần đây về khoa học nhận thức, về tâm lý học và thần kinh học đã chứng minh rằng chuyên tâm đọc sách – thật chậm rãi và nhập thần – giúp giác quan cũng như tình cảm và đạo đức phức tạp trở nên tinh tế, nhạy bén; đây chính là kinh nghiệm độc đáo, một hình thức khác biệt trong việc giải mã từ ngữ. Nói cho đúng thì việc chuyên tâm đọc sách, không đòi hỏi ở một quyển sách thông thường; nội dung giới hạn trong một trang sách được in ra, chính là lợi ích duy nhất đối với những người có kinh nghiệm về đọc sách. Ví dụ như một quyển sách thiếu sót các đường link nối kết, mặc nhiên để độc giả có quyền tự do quyết định – tôi nên hay không nên click vào link này – vẫn cho phép họ hòa nhập trọn vẹn tâm trí vào câu chuyện.
Cách thức tâm trí giải quyết câu chuyện phức tạp nhiều chi tiết, nhiều ám chỉ và ẩn dụ đã hỗ trợ cho sự nhập thần, bằng cách sáng tạo ra một đại diện tâm linh dựa trên việc các vùng não bộ tương tự có thể hành động y như vậy, nếu cảnh tượng này được diễn ra trong sinh hoạt đời thường. Trạng thái tình cảm và hoàn cảnh luân lý khó xử là chất liệu của văn chương, đồng thời cũng là môi trường để những nhân vật hư cấu xuất hiện trong tâm thức. Các nghiên cứu cho thấy, điều này làm gia tăng khả năng đồng cảm trong thực tế. Từng cảnh ngộ khó xử về tình cảm và luân lý là bản chất của văn chương, và cũng là bài tập mạnh mẽ dành cho trí trưởng, thúc đẩy chúng ta lưu giữ hình ảnh những nhân vật hư cấu trong đầu. Nghiên cứu này thậm chí còn cho thấy, những tình huống nói trên giúp chúng ta gia tăng sự đồng cảm trong sinh hoạt đời thường.
Ðiều này không hề xảy ra khi chúng ta xem TMZ – một trang web chuyên đưa các tin giật gân, liên quan đến đời sống của những người nổi tiếng trong mọi lãnh vực. Mặc dù đây cũng là hành động được gọi là đọc, nhưng chuyên tâm đọc sách và đọc thông tin trên trang web rất khác biệt – khác biệt cả về kinh nghiệm và khả năng mà mỗi một cách đọc tạo ra. Một bằng chứng rõ rệt càng ngày càng cho thấy, việc đọc trên on line ít hấp dẫn và không thu hút, ngay cả đối với những người “sinh ra trong thời đại kỹ thuật số” rất quen thuộc với hình thức lướt web. Thí dụ như một khảo sát mới đây củaTổ Chức Từ Thiện National Literacy Trust của Anh Quốc, thực hiện với 34,910 trẻ em tuổi từ 8 đến 16. Các nhà nghiên cứu phúc trình rằng, mỗi ngày có 39% trẻ em và thanh thiếu niên tuổi teen đọc bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử, trong khi chỉ có 28% đọc bằng các tài liệu được in ấn. Những trẻ em thường chỉ đọc trên màn hình có thể nói không dưới ba lần rằng chúng rất thích đọc, nhưng chỉ có chưa tới một phần ba trong tổng số 34,910 trẻ em cho biết, chúng ưa thích một quyển sách nào đó. Nghiên cứu này cũng phát hiện rằng, con số thiếu niên đọc trên màn hình nhiều gấp hai lần, nếu so với tổng số trung bình của những em đọc bằng sách in, hay đọc cả sách in và đọc trên màn hình computer.
Lý do tại sao chúng ta nên quan tâm đến cách giới trẻ đọc sách, chẳng phải vì họ có đọc một điều gì đó hay không, mà chỉ để biết một số điều có liên quan đến khả năng đọc sách. Maryanne Wolf – giám đốc của Trung Tâm Nghiên Cứu Về Ngôn Ngữ Và Cách Ðọc tại Ðại Học Tufts – và cũng là tác giả của Proust and the Squid: The Story and Science of the Reading Brain – từng nói: “Con người sinh ra không hề biết đọc sách.” Khả năng hiểu biết và phát triển ngôn ngữ, trong những hoàn cảnh bình thường sẽ bộc phát theo một tiến trình được quyết định bởi sự di truyền; riêng khả năng đọc sách đòi hỏi sự cần cù và điều này tùy thuộc vào nỗ lực của từng cá nhân. “Chu trình đọc sách” mà chúng ta xây dựng, được tuyển chọn từ các cấu trúc trong não bộ, sẽ được dùng để phát triển những mục đích khác. Chu trình này có thể rất mong manh hay vô cùng mạnh mẽ, tùy thuộc vào việc chúng ta có thường xuyên và ham thích đọc sách hay không.
Một người chuyên tâm đọc sách là người có thể ngăn ngừa bản thân không sa đà vào những điều phiền nhiễu, luôn hài hòa với bản chất của từng loại ngôn ngữ. Những người này có một tâm trạng, mà nhà tâm lý Victor Nell gọi là họ sống trong trạng thái như bị thôi miên. Nhà tâm lý Nell nhận thấy rằng người đọc càng có kinh nghiệm, họ càng đọc sách chậm rãi. Sự kết hợp giữa việc giải nghĩa tường tận từng chữ, cộng với nhịp điệu thong thả đọc chậm từng trang sách, sẽ giúp những người chuyên tâm đọc có thời gian làm phong phú khả năng cảm thụ văn chương, bằng cách phản ánh, phân tích, đưa ra những hoài niệm và quan điểm riêng. Chính điều này giúp họ có thời gian thiết lập mối quan hệ mật thiết với tác giả, cả hai cùng tham dự vào cuộc đối thoại lâu dài, nồng nhiệt như những người đang yêu.
Ðây không phải là kiểu đọc sách như nhiều người trẻ đã biết. Cách đọc sách của họ thiết thực và máy móc: Sự khác biệt giữa những gì mà nhà phê bình văn học gọi là “đọc sách một cách dung tục ” và “đọc sách như món ăn tinh thần.” Nếu chúng ta chấp nhận để các con của mình tin rằng [chỉ nên] đọc sách một cách dung tục, và nếu chúng ta không mở ra cánh cửa công nhận đọc sách như món ăn tinh thần, có nghĩa là chúng ta sẽ khiến trẻ em bị đánh lừa về một cảm giác thú vị, thậm chí một cảm giác ngất ngây nào đó mà chúng không hề biết hay chưa bao giờ trải qua. Chúng ta sẽ đánh mất cơ hội giúp trẻ em phát triển, làm sáng tỏ từng cảm nhận, để có thể phân tích vấn đề như mọi người. Quan sát những đứa trẻ gắn chặt vào các thiết bị kỹ thuật số, một số nhà giáo dục tiến bộ và phụ huynh phóng khoáng nói về sự cần thiết “thích nghi với trẻ em trong môi trường của chúng,” hướng dẫn rập khuôn theo thói quen lên net của chúng. Ðây là điều rất sai lầm. Thay vì làm như vậy, chúng ta cần chỉ cho chúng một nơi nào đó chúng chưa bao giờ đến, một nơi mà chỉ chuyên tâm đọc mới có thể hiểu được vấn đề.
Theo: http://ideas.time.com/2013/06/03/why-we-should-read-literature/Reading Literature Make Us Smarter and Nicer