Theo Tiến Sĩ Bert Holldobler, Giáo Sư môn Khoa Học Ðời Sống tại Arizona State University và University of Wuzburg, Ðức, xã hội kiến là một tổ chức siêu đẳng về cái đẹp, sự cao quý và cả cái lạ thường của nó.
Ðiều quan trọng nhất mà các chuyên gia về côn trùng tìm thấy từ xã hội kiến là sự tương thân. Côn trùng sống theo tổ chức, từng xã hội nhỏ, nương tựa lẫn nhau để sinh tồn và phát triển. Do sự tương thân, mọi sinh vật trong cộng đồng chia sẻ công việc với nhau, từ đó xã hội nhỏ xíu nhưng hòa thuận kia trường tồn và phát triển, đời này sang đời khác. Các giống côn trùng như ong, kiến, và cả mọt thành công nhờ sự tương thân kia: Một số nhỏ sinh vật giữ nhiệm vụ sinh sản, nghĩa là chỉ làm mỗi công việc sinh nở, và những ngàn hoặc triệu thành phần khác làm công việc xây tổ, giữ tổ và kiếm mồi ăn nuôi sống cả tổ.
Trong xã hội kiến, những con kiến không sinh sản làm các công việc phụng sự, giúp đỡ các kiến chúa (kiến sinh nở). Hệ thống “chia việc” này giúp xã hội kiến phát triển mạnh mẽ. Khi xã hội côn trùng xảy ra việc tranh giành ngôi vị chúa tể; những tổ chức này thường suy bại, tan vỡ vì sự ganh đua, uýnh lộn dẫn đến việc chia rẽ; nếu sống sót, cũng chỉ còn là những nhóm nhỏ, không trường tồn.

Tiến Sĩ Bert Holldobler & Cover “The Ants”
Khi đọc đến đây thì Dế Mèn nảy ý so sánh: Hình như các giống côn trùng có tính tranh giành không khác chi loài người, sự tương đồng rõ rệt nhất dường như xảy ra trong mấy gánh hát cải lương năm xưa. Mỗi gánh hát có một cô đào hay kép chính thu hút khách mộ điệu. Khi những cô đào hay kép phụ bắt đầu thu hút khách mộ điệu vì “mới” hơn, “lạ” hơn thì nảy sinh sự ganh đua (hay ganh ghét), dẫn đến việc chia năm xẻ bảy. Có gánh hát tan rã vì đào / kép chính bỏ đi lập ban cải lương mới, có gánh hát tồn tại vì đào / kép chính là chủ gánh hát, nhưng đào / kép phụ bỏ đi… Ban kịch, ban nhạc cũng không khác bao nhiêu, chỉ được ít lâu là tan đàn xẻ nghé. Khi túng thiếu thì con người đoàn kết để kiếm sống, tranh giành thị trường nhưng lúc rủng rỉnh tiền bạc thì lại hỏng, tại sao thế nhỉ?
Tiếc quá, con người không giống được loài kiến tương thân kia được bao nhiêu?!
Quả thật, những tổ chức trường tồn và phát triển mạnh mẽ kia có nhiều thứ để ta chiêm nghiệm và học hỏi cách tổ chức. Xã hội kiến có thể dạy con người cách chia việc, mỗi người gánh vác một trách nhiệm theo khả năng, các con kiến làm việc của nó với một sự phối hợp nhịp nhàng, chúng nói chuyện với nhau và chia sẻ nơi tìm ra những nguồn thực phẩm, nơi cần thợ phụ…
Không biết kiến bô lão dạy dỗ kiến nhi đồng ra sao để tổ chức kia hoạt động nhịp nhàng thứ tự? Kinh nghiệm được truyền bá theo kiểu cha truyền con nối? Thấy cha ông làm sao thì con cháu cứ theo như thế, không lôi thôi chi cả? Chẳng hiểu đã có con kiến thợ nào “sinh sự” không? Và khi sinh sự như thế thì tổ chức nọ đối phó ra sao?

Tiến Sĩ Edward O. Wilson & Cover “The Super Organism”
Kiến thợ chính tha kiến thợ phụ đến nơi làm việc:
Mỗi thành phần của xã hội giúp đỡ lẫn nhau để cùng có lợi, cùng thành công. Những chuyên gia Kinh Tế thấu hiểu hệ thống ‘chia việc’ này nhưng con người chưa biết cách tổ chức ra sao để thành công lâu dài. Hệ thống “chia việc” đã xảy ra trong vài xã hội con người theo chủ thuyết Karl Marx, và hệ thống chia việc trên lý thuyết ‘cộng sản’ hỏng từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài vì sếp lớn hay đầu sỏ thụ hưởng gần hết nên không phù hợp với con người.
Những chuyên gia Xã Hội cũng đã quan sát tìm hiểu các “tiểu cộng đồng”, sự thành công (trong thời gian ngắn) và thất bại của các cộng đồng ấy. Ðã có những cộng đồng nhỏ, “co-op” như các nhóm hippy, sống chung thành một xã hội nhỏ nhưng các xã hội này không trường tồn. Thế hệ con cháu không cùng quan niệm ý thức tổ chức như cha mẹ chúng nên nhanh chóng lìa tổ và hội nhập vào xã hội lớn. Từ đó, các cộng đồng kia tan rã dần mòn vì không có thành phần trẻ củng cố nền tảng tạo dựng bởi phụ huynh. Những người tổ chức già nua theo thời gian, sức lực mòn mỏi, cần giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày; không có người chung quanh nên các cụ đành bùi ngùi chia tay và trở lại xã hội lớn “bên ngoài”.
Dĩ nhiên là xã hội kiến không hoàn hảo, cùng chủng loại nhưng cũng xung sát, tương tàn để giành ăn như con người. Theo bản tường trình của Tiến Sĩ Holldobler sau các cơ hội quan sát và ghi chép những trận thư hùng của loài kiến sa mạc. Chúng dàn trận để tranh giành lãnh thổ. Hai tổ kiến dàn quân, đối mặt, các con kiến đứng trên một chân, và “kênh” nhau. Chưa hiểu bằng cách nào kiến sa mạc “đếm” số quân của mình và kẻ thù. Khi con số tương đương thì hai bên rút quân về, nhà ai nấy ở. Nhưng khi số quân chênh lệch, phe mạnh ùa đến tổ của phe yếu, giết kiến chúa rồi đánh cướp trứng và ấu trùng.
Sau 26 năm khảo sát, nhà Côn Trùng Học lẫy lừng kia tường trình rằng những quả trứng và ấu trùng bị đánh cướp đem về tổ mới, tăng trưởng và trở thành các đàn kiến thợ hữu hiệu góp tay xây dựng tổ “kẻ thù”. Bản tường trình đến từ việc phân tích di tính của kiến từ nhiều xã hội kiến lớn, rất nhiều kiến thợ không có cùng di tính. Nói một cách khác, các con kiến thợ bị cướp từ tổ khác mang về. Nghĩa là công sanh thành của kiến chúa, việc các kiến thợ giúp đỡ nuôi nấng kiến chúa để sinh sản thành công cốc khi tổ kiến tan vỡ. Một đời xây dựng của cả tổ kiến cũ cuối cùng chỉ làm lợi cho kẻ cướp. Một hình thức bắt “nô lệ” của xã hội loài người ngày trước và các tổ chức xã hội kiến mạnh mẽ cũng là những kẻ “bá quyền” tệ hại dùng thịt đè ‘người’.
Ðọc đến đây thì phe ta thở dài ngán ngẩm, sự đoàn kết tương thân tạo nên sức mạnh, sự thành công và trường tồn nhưng cũng sức mạnh kia khi sử dụng vào việc cướp bóc tàn hại các tổ chức khác thì giá trị của nó không còn bao nhiêu?
Trở lại với ông Holldobler, nhà Côn Trùng Học được xem như một trong những chuyên gia về kiến nổi tiếng nhất của thế giới. Cùng Tiến Sĩ Edward O. Wilson, hai ông viết chung và đoạt giải Pulitzer năm 1991 cho cuốn sách “The Ants”. Năm 2008, họ viết chung cuốn sách thứ nhì: “The Superorganism: The Beauty, Elegance and Strangeness of Insect Societies”. Ðây là một cuốn khá thích thú về mặt khoa học cũng như cái nhìn của tác giả về tổ chức xã hội.

Hệ thống “chia việc” đã xảy ra trong vài xã hội con người theo chủ thuyết Karl Marx, và hệ thống chia việc trên lý thuyết ‘cộng sản’ hỏng ngay từ đầu – NGUỒN BAOTUYENQUANG.COM.VN