Menu Close

Chào đời không cha – Kỳ 2

Viết cho những thế hệ mồ côi hậu 30-4-1975

Tháng Chín. Tôi ra đời sớm mấy tuần. Bà Tám Thỉnh, bà mụ đỡ đẻ trong xóm, quen biết Ông Bà Ngoại và hồi trước 75 hay được Ông Bà Ngoại giúp. Khi Mẹ sai Anh Hai qua kiếm, bả tới liền chỉ trong ít phút. Bả nói Mẹ vịn vô vách rồi ngồi chồm hổm trên đất. Bà Tám Thỉnh đem theo mớ rơm mới để lót chỗ Mẹ ngồi. Mẹ đã nở được tám phân. Mẹ đau bụng oằn oại, nhưng Mẹ không để bật ra tiếng rên nào. Mẹ không muốn Anh Hai và Chị Ba sợ. Hồi nãy, Mẹ đã biểu cả hai dắt nhau ra phía trước chơi. Anh chị tôi không biết nên vui hay nên sợ.

Sau mấy lần rặn, Mẹ hét lên một tiếng. Bà Tám Thỉnh reo lên, “Con gái!” Bả lẹ làng lau chùi tôi với cái khăn lông Mẹ đã chuẩn bị sẵn, và sau khi gói tôi lại trong một cái khăn lông khác, bả đặt tôi lên giường gạch dã chiến mà Mẹ làm, rồi đỡ Mẹ dậy. Bả dọn sạch chỗ Mẹ ngồi đẻ, rồi lấy miếng gừng tươi bả đem theo để nấu nước ấm cho Mẹ uống trước khi bả về. Mẹ kêu Anh Hai và Chị Ba vô gặp tôi. Cả hai líu ríu dắt díu nhau, từng bước từng bước từ phía trước ra phía sau căn nhà trống hoác. Khi tới bên cái giường gạch vụn, cả hai cùng dừng và đứng hồi lâu. Mẹ kêu đi tới, mà anh chị còn sợ. Anh chị thấy tôi nhỏ quá, sợ làm tôi đau.

Tôi cũng khoẻ, nhưng không chịu khóc. Hình như tôi khóc rất ít. Làm Mẹ lo. Mẹ tự trách mình đã khóc quá nhiều trong bốn tháng cuối có mang tôi, nên chắc đã làm cho cảm xúc của tôi bị tê cứng. Mẹ cho tôi bú thường xuyên, ngay cả những lúc tôi không nhép môi đòi ăn, Mẹ cũng cho tôi bú. Mỗi lần Mẹ ôm tôi trên ngực, Mẹ dặn tôi phải nút cho hết cái bầu sữa ít ỏi của Mẹ, để cơ thể của Mẹ biết mà tiếp tục làm thêm sữa cho tôi. Mẹ nói năm học mới đã bắt đầu, rồi Mẹ sẽ sớm được đi dạy trở lại và mua thức ăn cho ba chúng tôi. Mẹ nói rồi cả nhà cũng sẽ bình yên, nhưng giọng của Mẹ nghe không thuyết phục.

Anh Hai không được đi học trường mẫu giáo trong xóm nữa vì Mẹ không có tiền đóng tiền ‘dân’ theo luật mới. Anh nhớ Thầy Cô, bạn bè, rồi không biết tại sao, những bài đồng dao Anh thích hát mới mấy tháng trước bây giờ cũng không còn sức hút nữa, nhưng cũng là điều tốt. Anh Hai không được hát những bài này nữa. Trẻ con phải học những bài hát mới, ngợi ca Bác Hồ, Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Ông Lênin, Ông Stalin, và Ông Góc Ba Chóp. Ngay cả khi Mẹ hát ru Chị Ba và tôi ngủ, Mẹ cũng hát thật kín đáo. Không gian và âm thanh nhũn vào nhau thành một sự thinh lặng vô biên bóp nghẹt chúng tôi.

Chỉ một tuần sau khi sanh, Mẹ nhận được lệnh về dạy ở trường xa ngoài Xuân Lộc, một trong những vùng kinh tế mới. Mẹ phải ra nhận lớp tuần sau đó. Ông khóm trưởng đã báo cáo lên cấp trên về việc tôi chào đời, và nhận được giấy lệnh cho Mẹ phải dọn đi. Ðể chuẩn bị dọn nhà, Mẹ được phép đi thăm Ông Bà Ngoại ở xã bên cạnh. Không có điều kiện để liên lạc thường xuyên, Mẹ không thể báo để Ông Bà Ngoại đến giúp một tay trong lúc Mẹ sanh nở. Không có một người lớn nào khác trong nhà, nên bất cứ đi đâu, Mẹ cũng phải đưa Anh Hai và Chị Ba đi theo. Ðể thu xếp mọi chuyện đâu vô đó trước khi lên đường, Mẹ phải hỏi ý kiến Ông Bà Ngoại coi phải lo cho Anh Hai Chị Ba như thế nào. Ai cũng biết vùng kinh tế mới rất khắc nghiệt đối với trẻ con. Mẹ bắt buộc phải đưa tôi theo tới trường mới vì tôi vẫn còn phải bú sữa Mẹ.

Mẹ đỡ Anh Hai và Chị Ba lên yên sau của chiếc xe đạp duy nhất còn sót lại, rồi đặt tôi trong một cái túi vải mà Mẹ cột vô trước ngực. Cả nhà khởi hành. Bốn mẹ con từ từ đi qua những con đường trống. Sau cuộc đổi đời, mọi người được lệnh ở trong nhà và không được tụ tập, hội họp. Bụng và chỗ kín của Mẹ còn đau vì mới sanh. Mỗi lần đi qua những cái ổ gà đầy dẫy trên suốt đường về nhà Ngoại, Mẹ lại rên nho nhỏ. Nhưng Mẹ cứ đạp tiếp.

Hai tiếng sau thì tới nhà Ngoại. Thường chỉ đi một tiếng là tới, nhưng tại Mẹ còn như vậy nên mới lâu hơn. Anh Hai và Chị Ba thiệt là ngoan. Cả hai ôm Mẹ thiệt chặt, và không nhúc nhích suốt dọc đường. Ông Bà Ngoại hối hả chạy ra cửa đón Mẹ con chúng tôi và đỡ anh chị tôi xuống. Bà Ngoại không ngớt cằn nhằn sao Mẹ không tìm cách báo tin đã sanh tôi, và không nên đi ra ngoài như vậy, nhất là không nên đạp xe đạp chỉ có mấy ngày sau khi sanh. Ở Việt Nam, phụ nữ mới sinh thường phải ở trong nhà cả tháng để được chăm sóc và hồi phục. Trong hoàn cảnh của Mẹ thì chuyện nằm trong nhà để dưỡng sức sau khi sanh là chuyện không tưởng. Bà Ngoại đón tôi từ tay Mẹ và hôn nhẹ lên trán tôi. “Con đặt tên cho em là gì?” Ngoại hỏi. Mẹ nói cho Ngoại biết và kể lại, mấy tháng trước, Ba Mẹ đã chọn tên cho tôi trước khi Ba bị bắt đi.

Ông Bà Ngoại sống ở miệt ruộng, trên mảnh đất mà thân sinh của Ông Ngoại đã khai khẩn. Ông Bà Ngoại xây nhà bằng những vật liệu từ thiên nhiên: mấy cây dầu gió để làm cột lớn, tre để làm sườn nhà, lá dừa nước phơi khô để làm nóc và vách, lạt dừa để cột lá vô sườn nhà hay nóc nhà khi lợp. Ông Bà Ngoại mua mấy tấm gỗ mỏng ở tiệm mộc dưới thị xã, ở gần nhà chúng tôi, để làm cửa sổ. Những vật liệu thiên nhiên này làm cho căn nhà thoáng khí, thích hợp và dễ chịu cho khí hậu nhiệt đới. Ngôi nhà ba căn này đã che chở cho bốn thế hệ của gia đình Mẹ: Ông Bà Nội của Mẹ, thế hệ của Ông Ngoại, thế hệ của Mẹ, và thế hệ chúng tôi.

Âm thanh chuyền đi xa và rõ ở miền quê. Dì Thơ, con thứ năm trong gia đình, đang làm cỏ ngoài gò ổi, đã nghe Mẹ nói chuyện với Ông Bà Ngoại. Dì chạy vô. Không kịp chào hỏi Mẹ và anh chị tôi, Dì nhìn tôi ngủ ngon lành trong tay Bà Ngoại, rồi chạy thiệt lẹ xuống bếp để rửa tay. Xong Dì tới bồng tôi từ tay Bà Ngoại. “Con nhỏ giống Ba nó như đúc,” Dì Thơ nói. Dì nói, tôi là con mèo, sẽ rượt Mẹ và Anh Hai chạy vòng vòng, bởi vì cả hai người cùng sanh năm Tí, cách nhau hai con giáp.

Dì Hiền, em út của Mẹ, cũng biết chúng tôi lên chơi ngay từ đầu, nhưng đang kẹt nấu cơm trên bếp củi phía sau nên không thể chạy lên được. Chắt cơm xong, Dì dụi lửa trong cái bếp ba cục gạch kê lại, rồi chạy lên. Dì Hiền luôn từ tốn và hiền lành. Mẹ với Dì Hiền giống Ông Ngoại lắm, nên có tóc quăn. Dì Hiền tới gặp tôi và nói thiệt nhỏ, như chỉ để mình tôi nghe, “Coi đó. Ai mà sướng quá vậy.”

Mẹ báo cho Ông Bà Ngoại và hai Dì biết Mẹ phải chuyển qua vùng kinh tế mới để đi dạy trong ít ngày nữa. Mẹ sẽ đem tôi theo, nhưng Mẹ chưa biết phải tính sao với Anh Hai và Chị Ba. Mẹ nghĩ là anh chị tôi theo Mẹ không tiện, vì ai cũng biết điều kiện sống ở những vùng kinh tế mới còn rất khó khăn. Mẹ nói không biết có nên đưa anh chị tôi về trên này ở với Ngoại không, nhưng phải có người coi cái căn nhà dù trống hoác nhưng rất mực dấu yêu của chúng tôi. Chúng tôi phải giữ tất cả những gì có thể giữ được, nhất là căn nhà, để khi Ba được thả về hoặc khi Mẹ được chuyển về lại trường cũ còn có chỗ ở. Mà anh chị tôi chắc chắn cũng cần chỗ để ở. Mẹ cũng không muốn con cái phải đi theo mình, vì như vậy anh chị tôi phải cùng Mẹ gánh chịu hình phạt gắt gao của chính quyền mới.

Dì Thơ trước là sinh viên luật, nhưng trường đại học của Dì ở Sài Gòn đã bị đóng cửa sau cuộc đổi đời và sau đó bị giải tán. Dì sẽ không hoàn tất chương trình học được. Chính quyền mới đã ra sắc lệnh là hệ thống giáo dục mới sẽ hoàn toàn khác với nền giáo dục ở miền Nam trước 75, trước khi bị họ tiến chiếm. Dì Thơ trở về giúp Ông Bà Ngoại canh tác. Dì nói Dì sẽ xuống ở nhà chúng tôi để lo cho anh chị tôi.

TGT