Mới đây hai quan tòa tại California ký án lệnh cho phép hai vụ thưa kiện liên quan đến Uber và Lyft được đưa ra trước bồi thẩm đoàn để xét xử. Vụ kiện dính dáng đến luật lao động của Huê Kỳ.
Những người lái xe cung cấp dịch vụ chuyên chở thưa kiện hai công ty này vì họ cho rằng khi đưa đón khách hàng của Uber / Lyft, họ đã làm công việc của nhân viên, làm công cho hai công ty nọ, không phải là những người hành nghề tự do, theo hợp đồng! Tất nhiên, quy chế “nhân viên” sẽ đưa đến một số quyền lợi trả bởi chủ nhân. Về phía hai công ty nọ, tài xế là những người hành nghề độc lập, theo hợp đồng hay “contractor”.
Kết quả của vụ kiện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cung cách làm ăn của các công ty làm ăn kiểu “theo nhu cầu” hay “the On-Demand”. Chẳng là thời đại @, bá tánh dường như ai cũng kè kè một cái điện thoại thông minh bên mình, và cái điện thoại làm đủ mọi thứ công việc, nói chuyện, gửi tín hiệu, gửi điện thư, nghe nhạc, xem xi nê, chụp hình, đo nhịp tim, đếm bước chạy… Cơ man nào là công việc mà chỉ cần gài vào máy một món “app” là nó chạy ro ro theo ý chủ nhân.
Thế là các bộ óc điện toán làm ăn kịch liệt, họ chế ra đủ mọi thứ “app” để máng vào máy điện thoại thông minh. Công ty Uber và Lyft nọ nằm trong danh sách này. Họ làm ăn bằng cách “mai mối” giới thiệu người cần di chuyển (khách hàng) với một nhóm người cung cấp dịch vụ chuyên chở (“crowd-sourced taxi”, tên riêng là UberPool). Khách hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh để “gọi” xe, đi đến đâu, lúc nào; cái “app” nọ cho thấy số tiền chi phí, nếu khách hàng đồng ý thì trả tiền qua mạng ảo (cho số trương mục tín dụng). Ðúng ngày giờ là có người đến đón in hệt như khi ta dùng dịch vụ taxi.

Khách hàng biểu tình phản đối Uber – NGUỒN LOCKERDOME.COM
Uber là một công ty xuất phát từ San Francisco, California, Huê Kỳ, làm ăn tại nhiều quốc gia trên thế giới qua việc bán món “app” môi giới người cần di chuyển với tài xế; món “app” này có tên là Uber. Tính đến ngày 16 tháng Mười Hai, năm 2014, dịch vụ “môi giới” nọ đã xuất hiện tại 200 thành phố trên 53 quốc gia.
Thủa ban đầu, công ty “app”công ty này có tên “UberCab” do hai ông Travis Kalanick và Garrett Camp khởi đầu năm 2009 và món “app” được trình làng Tháng Sáu năm 2010. Chẳng biết món “app” nọ có chi hay ho mà mà chỉ một năm sau, công ty Uber đã gom được 49 triệu tiền đầu tư từ bá tánh, và chỉ một thời gian ngắn ngủi kế tiếp, Uber xuất hiện khắp nơi. Rồi họ ‘cõng’ thêm một vài dịch vụ khác như “di chuyển chung” (carpooling để tiết giảm chi phí). Chỉ bán mỗi món “app”, cộng thêm huê hồng từ khách di chuyển và tài xế mà Uber ăn nên làm ra quá xá, họ rủ rê và đem về một món tiền đầu tư khổng lồ, 2.8 tỷ Mỹ kim, tính đến quý đầu tiên của năm nay dù chưa thấy Uber tính sổ hay thông báo đã được đồng keng lợi tức nào? Hiện nay, công ty này được định giá là 40 tỷ Mỹ kim!? Cách buôn bán chẳng nền tảng lâu dài chỉ dựa trên một ý tưởng mới lạ mà không hiểu sao bá tánh hoan hỷ mở hầu bao đầu tư rầm rộ đến thế? Quái lạ, hay là Dế Mèn “lỡ” chuyến tàu vì tính toán kiểu cổ điển nên chẳng theo kịp cách làm ăn chớp nhoáng nọ?
Trong khi Uber tiếp tục cải tiến món “app” bằng vàng ròng của họ, thêm thắt một vài dịch vụ nữa để thu hút khách hàng vì cũng có những công ty khác cạnh tranh ráo riết; Lyft, Sidecar, và Haxi cũng hăm hở tranh giành thị trường với cách làm ăm “di chuyển giá rẻ”. Và Uber phải chế ra cách làm ăn mới hầu cạnh tranh hiệu quả hơn; chia khách với với công ty taxi (UberTaxi) và UberX (những người lái xe “xoàng xoàng”). Tất nhiên các tài xế xe “xịn” (limosine) lấy làm bất bình vì bị chia khách và giảm lợi tức!
Bài bản quảng cáo của Uber bao gồm việc dùng món app nọ mà theo dấu chiếc xe trên con đường đến đón khách, “Uber is software eats taxis”, nghĩa là khách hàng thay vì ngồi chờ suông, ngó trời ngó đất, ngó đồng hồ đeo tay, ngó đồng hồ trên tường thì có thể ngó màn hình điện thoại di động mà lẩm bẩm…
Nhìn chung, dịch vụ của Uber không nhanh chóng gì hơn các dịch vụ di chuyển khác! Nói giản dị hơn, theo dõi chiếc xe trên đường đến để làm chi nếu thực sự nó chẳng đến nhanh hơn chút xíu nào, ta đợi và vẫn phải đợi bấy nhiêu thời gian?
Mới thì có mới, lạ thì có lạ nhưng từ Tháng Mười năm 2014, the Better Business Bureau (BBB) đã bắt đầu xếp Uber vào hạng bét vì khách hàng than phiền quá xá. Một chút về BBB, đây là một tổ chức không vụ lợi, can thiệp cho khách hàng, người tiêu thụ khi họ bị xử tệ hay lừa gạt. Thí dụ khi mua bán không sòng phẳng, bị người bán bắt nạt, mất một món tiền nhỏ (không đáng để thưa kiện) người mua có thể than phiền với với BBB, và tổ chức này sẽ đứng ra xem xét dữ kiện của việc than phiền, liên lạc với người bán và giúp đỡ người mua. Một công ty buôn bán nhập nhằng vài lần là “sổ vàng” đề tên, khó lòng buôn bán lâu dài. Người tiêu thụ do đó, trước khi dấn thân thuê mướn thợ điện, thợ nề…, hãy vào trang nhà của BBB địa phương xem công ty ta muốn thuê mướn tên tuổi ra sao, hạng A+ là công ty đáng tin cậy nếu họ đã làm ăn nhiều năm ròng.
Khách hàng than phiền về Uber qua các lý do như tính tiền trên mức thỏa thuận, lên giá thình lình, nhưng lời than phiền đáng ngại nhất là tài xế làm ăn qua Uber là tài xế dỏm, bằng lái xe bị tịch thu vì vi phạm luật giao thông; lái xe ẩu, và cả việc bảo hiểm xe hết hiệu lực khi xảy ra tai nạn.
Với taxi, khách hàng có thể đòi công ty taxi bồi thường bất kể tài xế phải hay trái. Công ty taxi chịu trách nhiệm với khách hàng về tài xế của họ, bằng lái xe còn hiệu lực hay không; chiếc xe có được bảo hiểm đầy đủ hay không. Dùng Uber thì khác hẳn, chiếc xe nọ có thể chỉ là xe của tư nhân, mức bồi thường giới hạn vì hành khách không phải là “thân chủ”. Và Uber thì chẳng biết mấy mươi về các tài xế mà họ làm ăn chung.
Nôm na là dùng Uber thì có thể rẻ được ít tiền nhưng khi chẳng may gặp tai nạn thì phiền phức lắm và lỗ nặng!
Việc khách hàng than phiền thưa kiện Uber chưa ngã ngũ thì việc các tài xế cung cấp dịch vụ lái xe đưa khách hàng của Uber đi khắp chốn kiện công ty ra tòa trên khía cạnh luật lao động; họ đòi quyền lợi như nhân viên; giờ phụ trội, lương tối thiểu, bảo hiểm sức khỏe …
Uber và Lyft cho rằng công ty họ chỉ là người trung gian, qua một hệ thống nhu liệu, làm công việc “mai mối” hành khách với người chuyên chở chứ không phải chủ nhân thuê mướn tài xế! Từa tựa như eBay dùng môi trường ảo để quảng cáo hàng hóa, làm trung gian giữa người mua kẻ bán kiếm huê hồng.
Việc quan tòa California cho phép nguyên cáo đưa Uber và Lyft ra tòa để bồi thẩm đoàn quyết định xem Uber/Lyft là người trung gian hay là chủ nhân là một sự kiện mới mẻ, đánh dấu sự chuyển mình của luật pháp và sẽ ảnh hưởng đến các dịch vụ “trung gian” khác, như thuê người đi chợ, dắt chó dạo phố, dọn dẹp nhà cửa qua một trang nhà abc nào đó… và khi nào thì nơi môi giới trở thành công ty chủ nhân của những người cung cấp dịch vụ kia?
Thế kỷ thứ XXI, nhu cầu thay đổi theo cách sinh sống của con người. Cư dân thành phố thời giờ mỗi lúc một hiếm hoi, không gian sống thu hẹp tạo ra nhiều dịch vụ mới mẻ lạ lùng, và ai cũng… sống với chiếc điện thoại di động qua các “app” để xếp đặt sinh hoạt hàng ngày. Các dịch vụ mới mẻ nọ tất nhiên tạo ra những nhức đầu mới, luật pháp ì ạch theo sau hầu giải quyết các vấn đề khó khăn giữa bên cung bên cầu và kẻ trung gian. Như thế nào là “công bằng” cho mọi phía? Nếu phải chịu “lỗ” thì thành phần nào sẽ thua thiệt nếu không phải là người mua, người cần sử dụng các dịch vụ nọ? và phải “lỗ” đến mức độ nào thì luật pháp mới can thiệp?
Ta chờ xem?!

“App” Uber cho smartphone – NGUỒN NYTIMES.COM