Tôi cố tìm lại những gì tôi chưa đánh mất giữa sự hỗn độn của con sóng ký ức. Với sự kiên nhẫn của người đang lột vỏ lụa của từng hạt đậu phọng, tôi gắng gom góp những mảnh nhớ để kể lại một câu chuyện thật – Một thời “đóng tàu vượt biên” của gia đình tôi.
Họa vô đơn chí!
1.
Hải Sơn, chỉ toàn cát và gió núi. Nắng trưa vẫn quái trên những ngôi nhà mái tranh, chẳng chen vai lấn nách. Ngày của tôi nơi đây giàu những thanh âm của đàn gà rống cổ mỗi sớm, hay oang oẳng những tràng tru của lũ chó láng giềng.
Ông anh yêu quý mang về một cái lồng chim. Con Chào Mào mau mỏ, nghiêng cánh, rung cổ từng tràng hót. Giọng bổng, trong thanh như tiếng chuông. Khi chim “lấy nhịp”, có tràng xổ bốn âm tiết “Quét quen quét quèn”. Anh Hải hứng chí phiên âm, “nó hót giọng Sàigòn, có nghĩa là ‘xích lô máy dầu’!”
Tiềm thức đang rung động với những ký ức ngọt ngào về Sàigòn. Anh Hải biết “xịa” đúng chỗ, chợt dưng tôi yêu luôn cái “giọng hót Sàigòn” của con Chào Mào. Tôi muốn đặt cho nó cái tên “Sàigòn”, anh Hải bảo “sến quá, Bé!”
Buổi sáng, giấc mơ mở mắt đã gom lại âm thanh lanh lảnh của tiếng con Chào Mào trong cái lồng chậu treo dưới gốc mít. Anh em tôi yêu con Chào Mào như con thú nuôi thân thuộc. Tôi tìm niềm vui trong tiếng hoa nở, tiếng chồi nứt tách và tiếng hót của con Chào Mào.
Hải Sơn và những ngày chênh vênh, miền đất bám bíu của sự hy vọng. Quê hương như cái tổ ấm thiếu thời với những cọng rơm mốc ẩm. Và con người, đang vật vờ như bầy cá nổi lên mặt nước bị bội nhiễm.
2.
Xì hiếm khi ở nhà. Cậu em út có cái chân “lơ ghe”. Ngày thì đi cào, tối hắn chỉ khoái “biệt trú”ngoài bãi để trông ghe. Cậu út nhà tôi, chỉ tạt về nhà khi cần vòi tiền mẹ. Cuộc đời cày xới trên những khuôn mặt trẻ nhăn nheo. Cái nắng Hải Sơn nám vào da thịt, mặt mày gã em đen như củ súng. Xì trông “cũ” hơn cái tuổi mười sáu, gã em tôi, ngoài việc “trông ghe”, chỉ lo trau dồi tài nói dóc để tán gái.
Mẹ tôi, vật vã với ghe tàu. Cuộc đời dày thêm những bất trắc, lo toan. Gia đình tôi may mắn không bị những đói nghèo quấy quả. Nhưng tự do, vẫn là một cái giá phải trả. Rất đắt!
Cái máy tàu chở về bằng xe lam trong một đêm giông tầm tã. Mẹ như một cái xác ma trơi trở về giữa khuya. Hai tháng căng thẳng ngụy trang “vận chuyển chui” máy móc, đồ phụ tùng ghe tàu từ Sàigòn ra Hải Sơn cũng cơ cực bao la. Mẹ tôi căng thẳng và cần mẫn, như con kiến tha lâu ngày cũng đầy tổ. Máy móc, đồ phụ tùng tàu mua ở Sàigòn từ những chiếc ghe tàu bị “nhà nước tịch thu” tháo rã, bán máy móc và phụ tùng. Vỏ tàu thì được giới thiệu từ một tay trưởng ấp để mua ở Phước Tỉnh. Chẳng hiểu “chạy chọt” bằng cách nào, tất cả giấy tờ, hộ khẩu ghe tàu được “đóng mộc” chính thức hẳn hoi từ tay trưởng ấp.
Tiếng mèo hoang động tình, rên vỡ khuya. Tôi giật mình thức giấc, nhìn bóng mẹ đổ cong bên chiếc đèn dầu. Tiếng thằn lằn tặc lưỡi bờ phên, não nùng.
Tháng ngày vẫn rơi rụng vào những nỗi bất an, lũng đoạn một dấu chấm hỏi về tương lai mờ mịt…
3.
Chuyện “ma nữ” không còn là bí ẩn. Anh Hải đã thôi không thay đồ trong cái phòng tắm lộ thiên phông liếp mong manh. Nàng “ma nữ” Trúc Khùng đã bắt đầu “cảnh giác” với cái tuyệt chiêu “dẫn nàng (gà) về dinh” của anh Hải. Ðàn gà mái dầu nhà nàng, tuyệt đối chỉ lục tục trong cái chuồng tre vuông vức. Mỗi sớm lễ Chủ Nhật, cái áo dài vàng choé đã dần bớt lượn là trước cổng nhà tôi. Con bướm vàng đã bay về phía nắng, và rêu rao rằng, nàng đã (lắm khi) trộm… rình anh Hải tắm khuya.
Buổi trưa, tôi nằm võng nhìn những chiếc mít già vừa tự tận. Anh Hải dẫn về hai con gà “mái tơ” theo nghĩa đen. Một “em Phượng” lêu nghêu, móm mém. Một “em Lan” môi mẻ, cụt ngủn như chú chó phốc. Anh Hải cà tửng, “Hai em cộng lại kích thước, chia hai là lý tưởng!” Phượng và Lan, hai nhánh huê lơ thơ, về Hải Sơn chờ nằm chờ cơ hội vượt biên.
Anh Hải hào phóng, từ thiện với những đóa mân côi tình yêu. Dù ông anh luôn “triết lý” rằng: tình yêu ở cái thời buổi ấy – chỉ còn là thứ mắc kẹt lại sau cái khung cửa. Tôi thì ba phải và bốn trật với hai bà chị… hờ. Ai cũng muốn lấy lòng cô em gái. Nàng Lan ú nú, ngọt như chén chè. Cô nàng Phượng lấy “thiện cảm” của tôi hơn vì cái tính phóng khoáng như gió bể. Nàng dẫu lêu nghêu cũng đã duyên rồi. Con “chủ tàu” nên hai gã thanh niên nhà tôi mọc mầm lên giá. Gái quê hay gái Sàigòn càng đeo như đỉa, chỉ mong cùng anh đi hết một chuyến tàu… bốn lốc.
“Cái đêm hôm ấy,” chẳng biết đêm chi; anh Hải bị nàng Lan Lùn “phục rượu” bí tỉ. Anh Hải kể, nàng Lan chịu chơi, dám chịu chi cho cái chữ trinh vô giá.
“Rồi anh có… làm ăn được gì không?” Tôi nghểnh cổ chờ câu trả lời.
“Chỉ… xoa xoa cái lưng. Rồi gãi lưng!”
Tôi chỉ biết giơ tay đầu hàng. Ở cái tuổi tỉnh giấc, rờ giường thấy ướt sương. Ông anh gà rù, buồn chỉ biết rờ râu, níu lấy cành dâu. Ngồi bên “ghệ” – mỡ tràn miệng mà chỉ biết liếm vành môi sứt của nàng như liếm lá gói xôi. Rồi khuề khuề tấm lưng, rồi chấm hết. Thiệt chán!
4.
Chiều đã cạn. Lòng chỉ muốn vào đêm. Ðêm, chỉ còn hơi thở của bóng tối. Tôi chong đèn, vẽ nguệch ngoạc một ký tự trái tim. Niềm thơ mộng của tuổi xuân thì chỉ vương vấn trong những trang Nhật ký. Tôi dần mất đi thói quen khắn khít với những trang sách. Những cuốn sách thương thuộc mãi mốc meo trên cái kệ tủ ở căn nhà Sàigòn. Sách vở trở thành “kẻ thù” của chữ nghĩa.
Những kỷ niệm về anh vẫn như những vạt cỏ lau mềm trong ký ức. Tôi hẹn anh ngày về lại Sàigòn trên những giòng Nhật Ký. Bên anh tôi hồn nhiên, có thật. Anh gọi tôi là Tình yêu. Trái tim, vẫn mặc kệ cái đầu, chỉ muốn nghe thông điệp về Tình yêu và cái Ðẹp. Anh viết:
“Nụ cười của em, đã từng đánh rơi vào cốc nước. Anh như con ong ruồi, giữa mùa mật đã sa chân. Sàigòn, giờ đây anh chỉ có nỗi nhớ dành cho em. Nỗi nhớ đứng, nỗi nhớ ngồi. Nỗi nhớ luông tuồng đi ra đi vào…”
Cuối thư, anh luôn âu yếm gọi tôi là “Cô học trò nhỏ của Thầy”. Người thầy giáo của một thời khiến trái tim tôi lảo đảo.
Tôi sầu như phố đã thành Thu. Những trang Nhật ký dần dày lên trong nỗi nhớ, cứ như một trái ổi âm thầm chín rục, mòn mỏi nỗi thơm đau. Cuối cùng, cái ngày chia tay ấy phải đến. Thôi, thì cứ như con diều đợi gió. Nhớ để rồi – nhớ để mà quên.
Tôi tắt ngọn đèn dầu. Con mắt rơi sâu vào đáy đêm.
5.
Chú Vững và chú Vận- một tài công- một phụ máy gia đình. Hai ông chú họ, mặt lúc nào cũng đỏ rượu như con gà chọi. Nơi cuộc sống không có tương lai, người ta sống bằng thói quen của loài chim không tiếng hót. Hai ông chú, bất đắc chí với cuộc đời, ngày đêm lênh đênh trong sóng rượu. Buồn vui hôm nào cũng thành rượu. Anh Hải nói, “Hai ổng đi biển, khỏi sợ… xỉn sóng!”
Chú Vận dẫn về giới thiệu một gã em họ, bắn chục phát cà-nông cũng không tới. Gã ở trọ nhà tôi, bằng khuôn mặt rầu của người khó ở. Cặp mắt kiếng chẳng tác hợp với chân dung hơi “đêu đểu” nửa trí thức, nửa nham nhở của gã. Tôi thậm ghét cái lối nửa đùa nửa thật, cứ như “trù ẻo” của gã, “Vượt biên- là quảng bá cho giấc mơ của bà bán hòm”. Gã thường nắn nót, rồi ngâm lớn những câu thơ tự biên, từ lãng mạn sang… lãng xẹt.
Một bữa khi tôi còn ngủ trưa, gã hỏi mượn anh Hải cái xe đạp, “Chú chỉ ra chợ chút xíu, rồi về liền.”
Tôi chờ ngày, chờ đêm. Cái xe đạp vẫn chưa trở về vị trí cũ. Có người bạn trông thấy, gã bỏ cái xe đạp lên xe đò, rồi dông mất về Sàigòn. Thời buổi cái xe đạp là cả một… tài sản. Mất cái xe đạp, cặp cẳng tôi khốn đốn với nỗi sầu lội bộ đi chợ mỗi ngày.
Cái xã hội gì mà nhìn quanh chẳng biết phải “thù” ai?
6.
Một khuya tôi thức giấc. Nghe nhói tai như có vật gì lạo xạo trong màng nhĩ. Cơn đau, mỗi lúc một buốt óc. Tôi la khóc, cả nhà thức giấc. Anh Hải sáng chế, cuộn cái phễu giấy bỏ vào tai tôi. Rồi đốt lửa ngoài vành cái phễu giấy. Lửa nóng, cái màng nhĩ như một đường hầm tối hun hút không lối thoát. Con rít càng chui sâu, như muốn đục khoét cái màng nhĩ. Tôi khóc la như chưa từng khóc. Anh Hải dỗ dành, “Ráng đi Bé, nó không có đường ra, sẽ chết trong đó.”
Tôi nghe, càng khóc hoảng. Cái lỗ tai tôi, không dành chỗ cho mộ phần cho con rít chết tiệt kia. Từ khuya mãi đến gần sáng, ta và địch đều ngắc ngoải. Tôi thiếp đi trong cơn đau lả. Tôi chẳng còn biết con rít còn mai phục hay đã tiêu diêu trong cái màng nhĩ của nàng.
Và cũng là buổi sớm đầu tiên thức giấc. Chẳng còn nghe giọng hót Sàigòn của con Chào Mào. Anh Hải, đứng trước mắt tôi với cái nhìn của một con ốc sên, đang ráng trườn qua một nỗi đau xót.
Nỗi ác mộng về sự khủng bố của con rít vẫn chưa vơi. Tôi nhướng mắt, hỏi nhanh, “Con Chào Mào mình bị gì hả anh Hải?”