Đây không phải câu chuyện được tiểu thuyết hóa của nhà văn Bùi Đức Ái. Nó là một câu chuyện chưa bao giờ được kể hoặc được nhắc đến trên báo, ở trong nước cũng như hải ngoại. Nó diễn ra sau năm 1975, tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng (mà trước đó được gọi là Trung tâm y tế toàn khoa Đà Nẵng).
Đây là một bệnh viện, có thể nói, có một không hai trên… thế giới. Không phải vì hạ tầng cơ sở tối tân hay trang bị y khoa hiện đại. Nó có một thứ mà chắc là không ai thấy ở những bệnh viện khác. Ở đây, phía sau bệnh viện có một nhà thờ và một ngôi chùa dành cho bệnh nhân và người nhà. Nếu bệnh nhân nào qua đời, nhiều khi gia đình đưa quan tài vào làm lễ ngay tại đây. Nhà thờ không lớn nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn để gọi là một nhà thờ. Ngôi chùa trông có vẻ bề thế hơn với diện tích bên ngoài cũng rộng hơn. Có lẽ vì đặc tính văn hóa của Phật giáo bao giờ cũng chú trọng (thêm) quang cảnh bên ngoài ngôi chùa nên được ưu tiên hơn chút đỉnh. Trước sân chùa có một tượng Phật Quan Âm cao khoảng 4 mét đứng giữa một bồn nước xây bằng đá. Trái ngược với sự ồn ào náo nhiệt phía trước bệnh viện, khuôn viên phía sau rất tĩnh mịch. Chắc là trên thế giới không có nơi nào mà nhà thờ và chùa nằm gần cạnh nhau như thế. Trông rất đẹp và đầy ý nghĩa! Ngay sau năm 1975, nhà thờ này bị biến thành nhà… kho chứa bàn ghế giường (bệnh) bị hư hỏng và nhiều phế liệu khác. Người ta vẫn nhận ra ngôi nhà thờ nhờ cây Thánh giá còn ở trên mái. Ngôi chùa (và thầy trụ trì) vẫn được để yên cho đến khoảng đầu những năm 1980. Sau đó ngôi chùa bị biến thành phòng bệnh nhân của Khoa truyền nhiễm. Tượng Phật Quan Âm bị đưa đi nơi khác.

Quân Hồi giáo ISIS phá các đền đài cổ ở Iraq
Không xét về tôn giáo, chỉ về khía cạnh văn hóa thôi thì hai ngôi chùa và nhà thờ này vẫn đáng được trân trọng và giữ gìn. Nó không chỉ phục vụ đời sống tâm linh của bệnh nhân và gia đình mà còn làm tăng mỹ quan của bệnh viện. Nhưng chính quyền Việt Cộng không thấy được điều đó. Nói theo kiểu… Việt Cộng, đấy là bản chất chứ không phải hiện tượng. Điều này được chứng minh qua nhiều chuyện khác, chứ không chỉ ở Bệnh viện Đà Nẵng. Khoảng năm 1983, một số người đào Lăng của bà Hoàng thái hậu Từ Dũ lấy cắp nhiều nữ trang quý giá. Sau đó bị công an bắt gọn cả người lẫn tang vật. Số tang vật thu được, bị chính quyền đem đi… nấu chảy thành vàng ròng rồi cân bán theo lượng. Chưa nói đây là cổ vật của một bà Hoàng thái hậu, chỉ xét về tính kỹ xảo của những thứ trang sức này cũng đã giá trị lắm rồi. Chứ tính giá trị theo khối lượng vàng (đã nấu chảy) thì có đáng chi?
Công bằng mà nói, bản chất ấy không chỉ thuộc về Việt Cộng mà còn có ở quân khủng bố Hồi giáo. Cả hai đều có đặc tính chung là xem thường các giá trị văn hóa, nhất là các di tích lịch sử hoặc cổ vật. Quân Hồi giáo Taliban lấy đại bác bắn vào hai tượng Phật cổ được khắc trên núi đá. Quân Hồi giáo ISIS phá các đền đài cổ ở Iraq. Dĩ nhiên mức độ có khác nhau nhưng bản chất vẫn giống nhau. Đều là lối hành xử… vô văn hóa! Một chi tiết nhỏ khác, cũng ở Bệnh viện Đà Nẵng, nói thêm điều đó về Việt Cộng. Con đường phía trước bệnh viện, trước năm 1975, mang tên Nguyễn Hoàng, là người có công đặt nền móng cho biên cương nước Việt mở rộng về phương Nam gấp hai, ba lần! Một người có công với lịch sử dân tộc như thế lại bị xóa tên sau năm 1975 và con đường ấy có tên mới là Hải Phòng, một thành phố ở ngoài Bắc.
Những kẻ vô học như thế chỉ có đi giải phóng… mặt bằng, như ngôn từ của chính họ sau này. Chứ học hơn ai mà đòi giải phóng ai?

Quân Taliban dùng đại bác bắn vào tượng Phật cổ