Bạn ăn các thực phẩm lành mạnh, tập thể dục hàng ngày nhưng cái cân vẫn không “nhúc nhích” và điều này làm bạn cảm thấy khó chịu. Dưới đây là những cách thông thường và đơn giản giúp chúng ta đạt được mục tiêu giảm cân.

Nguyên nhân làm bạn không thể giảm cân (Nguồn USNEWS.COM)
1. Không theo dõi những gì bạn ăn
Hầu hết những người than phiền về việc họ không thể giảm cân phần lớn là do họ đang ăn nhiều hơn họ tưởng. Các loại thực phẩm bổ dưỡng như dầu ô liu, trái bơ và các loại hạt là những thức ăn chúng ta nên dùng hàng ngày. Nếu ăn mà không đo lường hay theo dõi thì chúng ta sẽ không thể giảm cân theo ý muốn. Trong một nghiên cứu của American Journal of Preventive Medicine, người theo dõi thực phẩm ăn uống của mình hàng ngày sụt cân gấp đôi so với người không theo dõi lượng thức ăn của họ.

Ăn quá nhiều hơn bạn nghĩ ( Nguồn CHRON.COM)
2. Thiếu ngủ
Mất ngủ ban đêm có thể hủy đi những nỗ lực giảm cân của bạn. Theo Bác sĩ nội khoa Patricia Salber, khi chúng ta thiếu ngủ, lượng cortisol và ghrelin (một hormone làm tăng cảm giác đói) tăng cao. Ví dụ trong một nghiên cứu của University of Chicago, người đàn ông trẻ, khỏe mạnh chỉ ngủ 4 giờ đồng hồ trong 2 đêm liên tiếp (so với thường lệ từ bảy đến chín giờ) cho thấy sự thèm ăn gia tăng 24%, cùng với cảm giác thèm bánh kẹo, khoai tây chiên, bánh mì và mì ống. Ngoài ra, ngủ không đủ giấc có thể làm cơ thể bạn tích tụ những gì bạn ăn thành mỡ. Bác sĩ nội tiết Michael Bergman, giáo sư lâm sàng y khoa tại Trung tâm y tế NYU Langone, cho biết sự thiếu ngủ và ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và tăng sức kháng insulin. Rối loạn giấc ngủ, cụ thể là ngưng thở khi ngủ, được gắn liền với sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.

Ngủ ít làm bạn ăn nhiều hơn (Nguồn TELEGRAPH.CO.UK)
Nếu bạn cố gắng đi ngủ đúng giờ và không dùng những thiết bị điện tử trước khi ngủ mà vẫn không ngủ thẳng 8 tiếng một đêm, bạn nên hỏi Bác sĩ để giúp bạn ngủ ngon và dài hơn.
3. Ăn lượng calorie giống ngày đầu tiên ăn kiêng
Trước đây, ở thời điểm bắt đầu ăn kiêng bạn sụt cân và cảm thấy vui. Bây giờ, cũng làm giống như vậy nhưng kết quả là con số 0. Theo các nhà chuyên môn về dinh dưỡng, một khi bạn sụt cân thì nhu cầu về calorie sẽ thay đổi. Nếu bạn ăn ít, lượng calorie cơ thể bạn cần sẽ ít hơn. Vì vậy, bạn cần ăn ít calorie để tiếp tục giảm cân. Không nên giảm quá nhiều calorie cùng một lúc mà chỉ nên cắt bớt 100 calorie mỗi ngày, nhưng phải bảo đảm không ít hơn 1,200 calorie/ngày cho phụ nữ và 1,700 calorie/ngày cho nam giới. Cách này không bao giờ làm bạn cảm thấy đói hoặc yếu sức.
4. Căng thẳng (Stress)
Căng thẳng ảnh hưởng đến khả năng ăn uống của chúng ta. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài và trở thành mãn tính, hormone cortisole do căng thẳng tạo ra sẽ tăng lên và làm tăng cảm giác thèm ăn của bạn, nhất là những thực phẩm giàu tinh bột. Những thức ăn nhiều tinh bột này làm tăng lượng đường trong máu và chất serotonin. Hai chất này không “hợp” nhau nên sẽ làm bạn bị căng thẳng và muốn ăn nhiều hơn.

Căng thẳng trong công việc làm tăng cân (Nguồn HCGDIET.COM)
Trong khi đó, ngoài việc kích thích sản xuất insulin, cortisol cũng làm tăng khả năng trữ lượng calorie dưới dạng mỡ nội tạng, một loại chất béo bao bên ngoài khoang bụng và gắn chặt các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Trong vài trường hợp, mỡ nội tạng kết hợp với chất kháng insulin gây ra bệnh tiểu đường.
5. Sử dụng chất ngọt nhân tạo
Chất ngọt nhân tạo trong nước soda không đường (diet soda), sữa chua hay dùng để khuấy cà phê thay cho đường, là chất giúp giảm calorie và lượng đường cơ thể trong thời gian ngắn nhưng chúng có thể ảnh hưởng xấu đến nỗ lực giảm cân lâu dài. Nguyên nhân vì não phản ứng lại chất ngọt nhân tạo bằng cách cho bạn biết cần phải ăn nhiều đồ ngọt hơn. Do đó, giới hạn dùng chất ngọt nhân tạo trong chế độ ăn uống hàng ngày và thay chúng bằng những chất ngọt chứa vitamin và chất khoáng, ví dụ: mật ong và các loại xi-rô thực vật. Phải xem kỹ lượng calorie trong những chất đó trước khi dùng.