Tôi cố tìm lại những gì chưa đánh mất giữa sự hỗn độn của con sóng ký ức. Với sự kiên nhẫn của người đang lột vỏ lụa của từng hạt đậu phọng, tôi gắng gom góp những mảnh nhớ để kể lại một câu chuyện thật – Một thời “đóng tàu vượt biên” của gia đình tôi.
Những ngày vàng úa
1.
Gió hiu hiu, những chiếc lá môn non vẫy vẫy. Tôi sựng nhìn những chiếc lá môn già oằn mình như gánh nặng của thời gian. Cơn mưa qua, những giọt đọng chẳng thể đủ sức làm xanh lại những chiếc lá môn vàng úa già nua. Nước làm lá úng. Màu vàng như một sự chết đang sống. Buổi sáng quanh tôi cũng chợt úa vàng.
Cơn nghẹn của những buổi sớm mai con Chào mào bặt tiếng hót. Tôi mất trắng những buổi bình minh cho riêng mình. Con Chào mào, chỉ vừa chơi khúc hợp tấu mùa Hạ trước khi rong chơi cùng tử thần. Trong chiếc lồng tre nhỏ dưới gốc mít già, lũ kiến đỏ bâu bám trên cặn xác của con chim yêu quý.
Chỉ một cái chết đơn giản của một con chim nhỏ, vậy mà với tôi “là cả một dấu chấm bàng hoàng”…
Ðiếu thuốc cháy đến gần ngón tay. Lần đầu, tôi thấy anh Hải hút thuốc. Anh “gảy” đàn trở lại. Bản guitar cổ điển như lạc điệu giữa trưa vắng. Ngày như thở dài trong nỗi buồn. Anh Hải, bỏ luôn mấy bữa không đi cào, hết ôm đàn lại ôm ly café “tư duy”, thỉnh thoảng trầm ngâm về hướng cái lồng chim rỗng, lủng lẳng trên cành mít. Chẳng thể ngờ, anh tôi lại yêu con Chào mào đến vậy.
Mặt trời tháng Hạ âm ỉ, u trầm. Những cái xác người như những về lục bình trôi vô định được vớt lên phơi giữa phiên chợ. Những cái xác gói bằng những manh chiếu mỏng mảnh. Cái chết bởi những lằn đạn từ những con tàu biên phòng. Những cái xác màu tai tái của những linh hồn đang chờ đợi sự thừa nhận. Anh Hải nói như nghẹn, “Chỉ dám nhìn, không dám lại gần để nhận người quen”. Chết chỉ là một bước ngắn, thở hắt ra. Ðời sống nơi đây, bình an là không có thật. Tôi như muốn thoát ra những mơ hồ về tương lai. Quê hương, nơi nào cũng là lăng tẩm. Chợt thấy quẩn quanh một vũng lầy.
Dưới gốc mít, một cây hương, một đĩa côn trùng. Tôi bỗng dưng bật cười, “Chắc anh Hải cúng cho con Chào mào.”
2.
Loay hoay mỗi ngày ở gian bếp, tôi dần thành thục công việc bếp núc. Mấy món mẹ nấu, tôi nhuần nhuyễn như bàn tay. Cậu ấm Xì đã thôi mặc cả với mẹ “ai nấu ăn bữa nay?” Coi như, số phận “chị nuôi” đã co rúm tôi trong góc bếp.
Anh Hải đi cào lại, mang về rổ tôm chỉ đủ để nấu canh bầu, kho rim. “Cào tới cào lui, có khi cào lên cả khúc gỗ trôi sông.” Thanh niên Sàigòn chớ có phải là dân ghe chài thứ thiệt đâu! Anh tôi sâu rộng với chữ nghĩa, giỏi Anh ngữ và thèm học, thèm đọc. Anh chỉ ước ao có một định hướng tương lai để được học.
Ở Hải Sơn, trai Sàigòn chẳng cần cao cơ tài nghệ, gái gú quê vẫn đeo dính. Nàng Trúc Khùng cạnh nhà vẫn ngày ngày ngồi phơi tóc rối. Nàng Lan Lùn vẫn hoài lẹt đẹt trên đôi guốc gót nhọn, khuôn miệng cong cong, cố ý nổi bật bằng màu son môi đỏ lòe loẹt. Nàng Phượng thì cong cớn bởi bộ ngực ưỡn. Hoa quả chưa lại gần, nước bọt đã tù tì nuốt ực. Ðời dẫu nhiều hoa hồng không gai vẫn nở. Anh tôi vẫn chỉ thích mỗi “Bé Trang” hiền như lá. Mắt lúc nào cũng ươn ướt. Trang là em gái của anh Minh. Anh Hải bảo, “Gia đình Minh, ai cũng hiền và có cặp mắt… nai, thiệt đẹp!”
Anh Hải gọi tình yêu của tuổi dậy thì là “Cái thời run lập cập trên… răng nhau!” Và vẫn khư khư với cái lý sự cùn, “Dù phở bò hay phở gà thì nước phải trong, mới ngon!” Nói rồi, ông anh nheo mắt, “Minh (hình như) đang… si Bé. Hắn biết ngày nào anh cũng ra trông ghe, nhưng vẫn tìm cớ ghé nhà mình hoài!”
“Ai biết ảnh?” Tôi ngó lơ ra ngoài gốc mít. Trái tim tôi chỉ thuộc về Sàigòn, thuộc về anh- nơi màu nhung nhớ tình yêu đang xưng tội trên môi, mắt. Sàigòn tuy cũ nhưng vẫn như một bài thơ còn mới nguyên. Mùi của hàng me đầy lá. Mùi của hoa phượng. Mùi của môi chanh đường… Con dốc chiều phập phồng nơi ngực phố, văng vẳng lời hò hẹn.
Cơn giông đang khóc trên mái lá tranh. Tôi cảm giác một nỗi buồn mênh mang đang trương nở…
3.
Vị chua thoảng của quả cà chua được cắt ra tử tế trên tấm thớt nâu. Nhưng vết đứt sâu trên lòng bàn tay làm tôi thất thần. Chỉ vì con dao mải liếc liếc trên cái đít tô, rồi trượt đẹp, cắt ngọt ngào vào da thịt. Tôi lẩy bẩy. Nhà chẳng có ai, mình ên thút thít với cơn đau.
Họa vô đơn chí. Chưa qua cơn hãi hùng bị con rít nhỏ chui vào màng nhĩ khủng bố. Cái tháng xui đuổi tôi về phía “tai ương”. Anh Hải về, chạy vội ra chợ mua về một cuộn băng trắng. Tôi độc thủ với cái bàn tay băng bó hơn cả tuần lễ.
Cơn đau còn đang ảo não trên cái bàn tay năm ngón. Buổi chiều, anh Minh xuất hiện như đã được “dự báo thời tiết”.
“Nghe Hạnh bị… đứt tay, anh tới thăm.” Ánh mắt anh Minh như đang toan tính một ẩn ngôn mới. Ánh mắt, luôn mang lại trong tôi cảm giác – nơi tiếng chim luôn gieo lại sự bình tâm. Ðã bao lần, tôi lẩn tránh ánh nhìn ấy. Dẫu vậy, tôi luôn thấy anh Minh hiền như cơn giận hờn của cỏ.
Anh Minh về, để lại mấy giòng chữ trên mảnh giấy nhỏ, “ Anh như một bông hoa đang bị sâu… răng, nở nhức nhối giữa khuya!”
Trái tim tôi chật chội những hào phóng. Tôi chẳng thể hát một khúc tình buồn cho cả hai nơi.
Ðêm, tiếng dế dan díu với đám cỏ tàng. Cuốn Nhật ký với lời bạt cuối, tôi hẹn ngày trở về Sàigòn.
4.
Một đoạn đời có phần Sống, phần Mơ ước. Cuộc sống đã dư thừa những nỗi khổ đau và nước mắt. Mỗi đêm, tôi thường hơn với cái bóng mẹ lặng trên vách tường câm. Bi kịch hay hài kịch của cuộc đời đều phải dàn dựng bằng máu và nước mắt. Mẹ tôi gù lưng thồ nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy. Dường như trong cuộc đời của mẹ, chỉ còn hoài bão lớn lao được gặp lại cha tôi.
Ðêm đầy những âm thanh sột soạt của những bước chân người trên đám lá mít khô. Dân “canh me” thường trực, đầy như muỗi mòng. Trời vừa nhá nhem đã tua túa đóng đô ở mấy gốc mít trong vườn nhà tôi.
Có những cuộc chia tay không làm nên nước mắt. Có những lời giã biệt chẳng tượng trưng cho sự mất mát. Nỗi buồn như con nước mênh mang tư lự. Tôi chẳng còn khêu đèn viết Nhật ký. Trong tôi, dần định hình với những thời khắc chưa tới.
Một tối, Anh Hải bỏ nhỏ, “Bé, ghe mình sắp ‘đánh’ rồi!”