Menu Close

Làm oán mắc ơn?

Một nguyên tắc ứng xử từ xưa tới giờ là phải cảm ơn người nào giúp mình việc gì đó. Dầu sao, điều này không đúng với mọi trường hợp. Nói rõ hơn, nhiều khi không biết có nên cảm ơn người ta hay không. Như chuyện mới xảy ra tuần trước ở Nepal.

Có chín người Hy Lạp đến đây để leo núi. Ðây là dãy núi Hy Mã Lạp Sơn nằm giữa hai nước Nepal và Tây Tạng. Họ tính leo lên đỉnh Sagarmatha mà dân Tây Tạng gọi là Chomolungma. Chẳng rõ hai tên gọi này mang ý nghĩa gì nhưng dân leo núi, đa số là Âu Mỹ, lâu nay gọi là đỉnh Everest. Họ thuê một người Thượng làm hướng đạo. Gọi là “Thượng” cho có vẻ… Việt Nam chứ thực ra đây là những người chuyên sống trên ngọn núi này. Có lẽ nhóm người Hy Lạp nghĩ những người Thượng này ai cũng thật thà chất phác như người Thượng ở Việt Nam. Ngọn núi này cao nhất thế giới nên leo lên đấy rất nguy hiểm; chỉ cần mất tập trung chút xíu là có thể sẩy tay sẩy chân rớt xuống vực sâu lập tức. Thành ra họ giao hết tiền cho người hướng đạo giữ giùm cho khỏe. Ai ngờ, người hướng đạo còn thấy… khỏe hơn, bèn bốc hơi lẹ như Tề Thiên Ðại Thánh trước khi họ sẵn sàng lên đường (leo núi). Không còn đồng bạc để thuê người hướng đạo khác, Thứ Sáu vừa rồi (24 tháng Tư), cả nhóm lủi thủi giã từ Hy Mã Lạp Sơn, khăn gói quay về Hy Lạp. Tưởng được leo núi ai dè chỉ được leo cây! Chẳng biết tiếng Hy Lạp có nhiều danh từ để chỉ người Thượng như trong tiếng Việt hay không? Nếu chỉ có một danh từ thì chắc là họ sẽ thêm nhiều tính từ khi kể cho người nhà hay bạn bè ở Hy Lạp về người hướng đạo ấy. Ðùng một cái, Thứ Bảy vừa qua, cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin hơn 2,500 người Nepal bị chết vì động đất gần dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nhiều người đang leo núi cũng chết theo!

Không biết người hướng đạo ấy có vui hơn không khi nghe tin về trận động đất? Ông đã cứu 9 mạng người… khỏe mạnh. Chứ ốm yếu leo núi sao nổi? Dĩ nhiên, đã cứu người thì dù khỏe mạnh hay bệnh tật đều phước đức như nhau. Tuy nhiên, nếu một người bị bệnh tật lâu ngày rồi chết thì không để lại nhiều đau khổ cho người thân bằng những người đang sống vui, sống khỏe như nhóm người leo núi kia. Giả sử họ ở lại leo núi, giờ đây thế nào những người vợ ở nhà cũng đang oán khóc: “Ðã nói rồi! Rảnh quá không có chuyện chi làm thì chơi tennis hay cầu lông cầu liếc chi đó cũng được. Chớ mấy ông trong xóm đi làm cả ngày tối về còn bị vợ sai làm chuyện này chuyện kia thì có sao? Khuya còn phải leo phải trèo mà có ai chết đâu? Kinh tế nước nhà bị suy sụp cả mấy năm nay, ai cũng lo chạy gạo nuôi gia đình mà mình thì chạy chi qua bên đó? Giờ con cái ai lo, ông ơi là ông ơi?” Vô hình trung, người hướng đạo đã làm một chuyện đại phước đức. Không chỉ cứu 9 mạng người khỏe mạnh mà còn là 9 gia đình hạnh phúc. Chứ trong nhà vợ đau con đói thì ai còn bụng dạ nào mà leo núi? Phải có gia đình an khang, thịnh vượng thì mới dám leo Hy Mã Lạp Sơn. Chứ đang trèo giữa chừng, chợt nhớ tiền nhà tháng tới chưa có, thì… có chết không?

Bởi vậy ở đời nhiều khi một việc được xem là xấu hay tốt còn phải chờ (những) việc khác liên quan sau đó. Cho nên khi bị ai làm điều gì (mình nghĩ là) xấu, nếu không tha thứ được thì ít nhất không oán ghét hay thù hận gì. Thế thôi!

alt

Trận động đất san phẳng một phần của Trại Everest BaseNGUỒN NEWS.YAHOO.COM