7 quốc gia ký vào Hiệp Định Đình Chiến Quân Sự Genève vào tháng 7 năm 1954 bao gồm Pháp, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Minh cộng sản), Anh, Liên Xô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Lào và Cam-Bốt, lấy sông Bến Hải nằm ở vĩ tuyến 17 để làm ranh giới tạm thời cho đến khi tổng tuyển cử và tái lập hòa bình cho Việt Nam. Các giải pháp chính trị sau đó bị thất bại và vĩ tuyến 17 đã chia đôi đất nước.

5 đời Tổng thống Hoa Kỳ can dự đến cuộc chiến Việt Nam là Dwight Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon Johnson, Richard Nixon và Gerald Ford. TT Eisenhower, người đưa ra lý thuyết domino, lo ngại rằng làn sóng cộng sản sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền tại Đông Dương và Châu Á từ sau Hiệp Định Genève 1954, đã mở màn cho các chính sách và sự can dự trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam về sau.

54 tuổi, Tổng Thống Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa vào Tháng 10 năm 1955 và điều hành quốc gia cho đến khi bị đảo chánh và sát hại vào Tháng 11 năm 1963. Từ đó, một số tướng lãnh và chính khách nắm quyền Quốc Trưởng và Thủ Tướng VN cho đến khi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng Thống VNCH vào Tháng 11 năm 1967 và từ chức vào cuối Tháng Tư năm 1975.

TT Ngô Đình Diệm
3,403,000 quân nhân Hoa Kỳ đã phục vụ suốt thời gian cuộc chiến Đông Dương từ 8/1964 đến 3/1973, trong đó có 2,594,000 binh lính Mỹ từng đồn trú hay chiến đấu bên trong lãnh thổ Nam Việt Nam. Con số binh lính tử nạn tại VN có độ tuổi trung bình là 23.11 và tổng cộng là 58,220 người, cùng hơn 300,000 binh lính bị thương.

Chiến xa của quân đội Mỹ tại Việt Nam
1.1 triệu bộ đội tử trận, 300,000 mất tích và 600,000 bị thương, theo số liệu của Hà Nội về chiến tranh Việt Nam. Phía miền Nam Việt Nam, con số binh sĩ tử trận được ước tính khoảng 250,000 người trong khoảng thời gian 1964-1975, theo số liệu của Bộ Quốc Phòng HK. Số thường dân hai miền Nam-Bắc bị chết do bom đạn lên đến khoảng 2 triệu người. Các số liệu mang tính ước lượng và thay đổi tùy theo nguồn nghiên cứu khác nhau.

28 phiên họp tay đôi giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt cùng 174 phiên họp khoáng đại giữa bốn bên tham chiến, bao gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), Việt Nam Cộng Hòa và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, kéo dài trong bốn năm chín tháng để ký kết Hiệp Định Paris vào ngày 27 Tháng 1 năm 1973. Với Hiệp định này, Hoa Kỳ chính thức rút quân và rút chân ra khỏi cuộc chiến VN, mở đường cho Bắc Việt xâm chiếm miền Nam.
42 tuổi vào Tháng Tư năm 1975, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo – Tư Lịnh Sư Đoàn Bộ Binh 18 đã chỉ huy và gây tổn thất đáng kể cho phía cộng quân trong trận chiến 12 ngày đêm tại Xuân Lộc. Đây trận đánh anh dũng cuối cùng của những người lính quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước một địch quân đông gấp bội lần, trước khi bị buộc phải triệt thoái theo lịnh trên và dẫn đến việc thất thủ Sài Gòn.
40 năm sau chiến tranh, Việt Nam hiện nay xếp hạng thứ 163 thế giới tính theo tổng sản lượng nội địa theo đầu người, theo CIA Factbook. Với 93 triệu dân, VN kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài và nguồn kiều hối, bị tổ chức minh bạch thế giới xếp hạng tham nhũng ở thứ hạng cao (119).
