Menu Close

Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa

Một trong những vấn đề nhân đạo lớn nhất sau cuộc đổi đời 30-4-1975 là thân phận của các thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khác những anh hùng đã hy sinh đền nợ nước, thương phế binh là lớp người đã chịu mất mát một phần thân thể cho non sông trong độ tuổi thanh niên.


alt

Một thương phế binh VNCH bán vé số trên vỉa hè Sài Gòn. Ảnh baovecovang2012.wordpress.com

Nay hầu hết thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB-VNCH) đều đã bước sang tuổi lão niên, đã trải đủ đắng cay, nghèo khổ của kiếp người. Thân thể không toàn vẹn của họ là chứng tích 40 năm dâu bể cuộc đời. Sau cuộc đổi đời 1975, nếu cuộc sống của dân thường thời hậu chiến có rất nhiều cơ cực, thì đối với những TPB-VNCH số phận lại càng thập phần nghiệt ngã. Kể như họ thuộc thành phần bị gạt ra bên lề xã hội Việt Nam, vô thừa nhận, cả về tâm lý lẫn pháp lý.

Trong nhiều thập niên, trên phương diện tổ chức xã hội, người TPB-VNCH không có bất cứ giấy tờ chứng nhận, hoặc sự bù đắp nào, tình cảm hay vật chất. Ngoại trừ một vài ngoại lệ may mắn bất ngờ, hầu hết TPB-VNCH kẹt lại Việt Nam thời hậu chiến thường gặp cảnh túng thiếu ngặt nghèo, tật nguyền, đi lại khó khăn, chịu đựng đủ kiểu chèn ép. Và không hiếm chuyện những TPB-VNCH bế tắc, tìm cách quyên sinh nhiều lần. Là phế nhân, người TPB-VNCH vẫn phải mưu sinh, lây lất qua ngày. Họ sống tạm bợ bằng đủ mọi nghề vặt vãnh trên hè phố, phổ biến nhất là đi hát dạo, bán vé số, lượm ve chai, có người chạy xe ôm…

alt

Hòa thượng Thích Không Tánh cùng một TPB trong buổi tri ân TPB-VNCH tại Chùa Phước Thành – HUẾ. Ảnh nhatbaovanhoạcom

Đến nay, vẫn chưa có thống kê rõ ràng về đời sống của người TPB-VNCH còn mắc kẹt tại quốc nội. Có chăng là những nỗ lực riêng lẻ. Thí dụ như trang Website Thiên Lý Bửu Tòa, địa chỉ ttp://www.phuocthien.net/ThuongPheBinh.htm. Chương trình nhân đạo này đăng tải công khai danh sách gần 500 TPB-VNCH từng được yểm trợ, liệt kê cả những thương tích cá nhân một cách chi tiết như: cụt hai chân, mù hai mắt, cụt hai tay, liệt bán thân, cụt tứ chi, v.v… Hay theo ghi nhận của Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn qua 5 đợt khám sức khỏe cho 585 TPB-VNCH: chi trả bảo hiểm y tế cho 175 người; cắt kính mắt cho 132 anh; cấp xe lắc cho 157 người; cấp xe lăn cho 53 người; cấp nạng nách cho 62 người; cấp gậy cho 19 người, v.v…

Hơn 40 năm trước, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, thông qua Bộ Tổng Tham Mưu, đã ý thức về vấn đề nhân đạo đối với giới TPB-VNCH, biểu hiện qua việc hình thành Làng Phế Binh Phước Bình Thủ Đức. Các phế binh nắm chủ quyền chánh thức, được nước VNCH công nhận. Lúc xây dựng, Làng Phế Binh Phước Bình Thủ Đức có khoảng 3 ngàn nóc gia. Anh em TPB-VNCH đang tụ tập để ở được chưa hết chỗ thì lịch sử sang trang. Chánh quyền 30-4 đưa người của họ vào ở lẫn lộn. Tại nơi này, anh em TPB-VNCH dần ít đi: có người qua đời, có người bỏ đi, có người đi kinh tế mới thất bại, khi trở về không còn chỗ ở, v.v… Với số ít TPB-VNCH còn bám trụ lại, từ năm 2006 cũng bị nhà cầm quyền cộng sản tại Sài Gòn tước luôn quyền sở hữu nơi trú ngụ.

alt

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Linh mục Giám Tỉnh DCCT ngỏ lời tri ân TPB/VNCH. Ảnh chungnhan.org.

Ngược lại với sự ngược đãi của bộ máy cầm quyền hiện hành tại quốc nội, giới TPB-VNCH nhận được không ít yểm trợ từ hải ngoại. Ban đầu sự trợ giúp mang tính cách cá nhân, với một số thương phế binh may mắn gặp lại những đồng đội xưa từ ngoại quốc về thăm cố hương. Dần dần số người trở về ngày càng nhiều, có thêm nhiều giúp đỡ xe lăn, lắp tay chân giả, thuốc men, tài chánh, v.v… Mặc dù hoàn cảnh một số TPB-VNCH được cải thiện ít nhiều, nhưng người ta vẫn ghi nhận tình cảnh nhiều thương phế binh sống tại miền Trung, vì hoàn cảnh địa lý xa xôi cách trở, đến nay vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ như những người sống tại các thành phố miền Nam.

Sự hỗ trợ dành cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa càng về sau càng chuyển sang hình thức những hội đoàn, có tổ chức và quy mô, thêm phần lan rộng. Tại quốc nội, các nỗ lực từ thiện đa dạng có thể kể: những lần phát quà; phát xe lăn; các chương trình khám bệnh; những lần tri ân TPB-VNCH… Tại hải ngoại, có nhiều buổi văn nghệ gây quỹ cho các thương phế binh VNCH mang tên “Một chút quà cho quê hương”, hay những sinh hoạt cộng đồng, những “Bữa Cơm Tình Thương” yểm trợ Thương Phế Binh VNCH. Đã có hội đồng hương Quảng Ðà từ đầu thế kỷ 21 đến nay đã tổ chức được 13 buổi gây quỹ cho TPB-VNCH ở quê nhà, lần nào cũng đạt được con số khoảng $25,000. Nhờ các nỗ lực này mà một số anh em thương phế binh có vốn mở một sạp hàng ngoài chợ hay nơi góc phố, cuối đường một thị trấn nào đó trên những nẻo đường của quê hương VN.

alt

Tình nghĩa “Huynh đệ chi binh”. Ảnh phebinhvnch.blogspot.com/

Trong các chương trình yểm trợ TPB-VNCH ngay tại quốc nội, có lẽ cần nhắc nhất nỗ lực của Hòa Thượng Thích Không Tánh bên Phật Giáo, và Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành bên Công Giáo.

Hòa Thượng Thích Không Tánh, Tổng Ủy viên Tổng Vụ Từ Thiện Tăng Đoàn thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là người khởi xướng hoạt động từ thiện giúp cho các Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ngay ở Sài Gòn. Cách đây cả chục năm trước, Hòa Thượng đã mở chương trình mời TPB-VNCH về Chùa Liên Trì bên Thủ Thiêm ăn cơm, phát quà… Công việc từ thiện này thường bị nhà cầm quyền cộng sản địa phương dòm ngó, quay phim, chụp hình, gây khó dễ, v.v… Mới đây nhất, vào ngày 15-3-2015, Chùa  Phước Thành-Huế đã tổ chức buổi tặng quà cho anh em Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa. Biết được, an ninh Thừa Thiên-Huế đã đến từng nhà anh em Thương Phế Binh tịch thu phiếu nhận quà, dọa dẫm, không cho đến Chùa. Còn tại Chùa Phước Thành, nhà cầm quyền bao vây chật kín cả trong lẫn ngoài, công khai đe dọa Hòa Thượng Thích Không Tánh và chư Tăng, không cho tổ chức tặng quà.

alt

TPB Mũ Xanh Trần Đức Bình viếng mộ tập thể Tử Sĩ Sư Đoàn 18 Bộ Binh cải táng tại An Lộc năm 2014. Ảnh baovecovang2012.wordpress.com

Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn có thể là một trường hợp độc đáo khác. Dưới quyền điều động của Linh Mục bề trên, Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, sử dụng cơ sở nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại số 38 Kỳ Đồng, Quận 3 Sài Gòn, trong các năm qua, nhà dòng đã tổ chức nhiều sinh hoạt yểm trợ TPB-VNCH. Có những buổi gặp gỡ bao gồm cả các y sỹ bác sỹ và hằng chục tình nguyện viên, trong đó không ít giới trẻ. Thống kê sơ khởi, Dòng Chúa Cứu Thế đã phát quà đến hằng ngàn Thương Phế Binh VNCH do DCCT Sài Gòn tổ chức thu hút TPB trên khắp nước tụ về. Trong ngày “Tri Ân Quý Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa” hôm Thứ Hai,12-1-2015 thu hút 1,150 người, có sự giúp đỡ của hơn 40 tình nguyện viên. Và mới đây nhất, nhân dịp đại lễ Phục sinh (Easter), nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng đã tổ chức cuộc gặp gỡ vào trao tặng quà cho khoảng 70 Thương phế binh VNCH.

40 năm và bao nỗi gian truân đè nặng lên cuộc sống phế nhân có thể nhuộm bạc tóc họ một phần, để lại nét khắc khổ, chai sạn. Nhưng những sự quan tâm, chia sẻ, yểm trợ, không nhiều thì ít, có lẽ cũng giúp cho người TPB-VNCH và gia đình họ bớt cảm giác phải  tiếp tục chịu đựng, mưu sinh thoát hiểm trong cô độc, cay đắng, như thể đi bên đời vất vưởng như những bóng ma. Những nỗ lực yểm trợ TPB-VNCH ngày càng lan rộng, càng thêm chặt chẽ, quy củ, cho thấy dù thời gian 40 năm dâu bể của cuộc đời, người TPB/VNCH chưa bị lãng quên.

alt

Đại nhạc hội “Cám ơn Anh, người thương binh Việt Nam Cộng Hòa” lần thứ 5, tháng 8-2011 tại Garden Grove, tiểu bang California. Ảnh phivu1956.blogspot.com

TD