Giữa Tháng Tư, thời điểm của rừng Cát Tiên đang sắp bị “làm thịt” bởi những dân đi ươi chuyên nghiệp.
Ươi là trái ươi (dân gian quen gọi là đười ươi hay lười ươi). Ði ươi là đi hái ươi. Cây ươi là cây mọc tự nhiên trong rừng. Thân cây ươi thẳng tắp, cao hai ba chục thước, vài năm mới cho quả một lần, từ giữa Tháng Tư tới giữa Tháng Sáu.

Những đầu nậu mua ươi ngồi chờ người mua ươi.
Mùa nắng, ngâm nước vài trái ươi khô cùng hạt é. Năm phút sau, hạt ươi nở lớn, chỉ cần bóc vỏ, bỏ hột, cho thêm đường, đá là có một ly ươi hạt é ngon lành. Học trò và người lao động là những đối tượng thích hạt é đười ươi nhất vì giá rẻ, lại có tác dụng giải nhiệt tốt. Nhưng vài năm lại đây, trái ươi được đồn thổi là có dược tính thần diệu với các bệnh đau cổ, tắc tiếng, viêm họng và nhất là gai cột sống nên người có bệnh đổ xô đi mua. Thị trường vì thế trở nên tấp nập. Càng tấp nập hơn khi có sự tham gia của các lái buôn Trung Quốc. Một người thu mua ươi ở Tân Phú- Ðồng Nai cho biết: “Hồi xưa mùa ươi rụng, trái trôi đặc suối, không ai thèm vớt. Bây giờ ươi khô loại thường từ ba trăm ngàn tới bốn trăm ngàn. Loại ươi bay (già khô, rụng tự nhiên, bay theo gió) thượng hạng tới sáu trăm ngàn một ký”. Chỗ ông đóng đô là một quán cà phê cặp quốc lộ 20. Gần quán, xe gắn máy đậu đông đúc, người tụ tập ồn ào. Có người xăm trổ vằn vện, mặc áo thun ba lỗ, đội nón két ngược, phì phèo thuốc lá, bấm điện thoại toanh toách, tạo thành một xã hội “người rừng” riêng biệt.

Thay vì chặt cành, dân đi ươi Quảng Nam, Phú Yên chọn cách cưa cây ươi để tận thu
Từ đầu nậu đi ươi là một người từng đi ươi 5 năm, kể rành rọt: Mỗi đội ít thì 6, 7 người, nhiều thì trên chục người, toàn anh em trong xóm hoặc trong họ hàng, không nhận người địa phương khác để khỏi đánh nhau vì ăn bậy chạy làng, tranh cướp cây đã làm dấu. Ði ươi là việc phạm pháp nên phải đi lén, tránh đụng kiểm lâm, dân quân địa phương (không tránh được thì chung chi!) Ðường không có, dây leo, gai góc chằng chịt. Ði bộ không được, phải dùng “trâu” càn lướt ( “trâu” ám chỉ xe cũ, không giấy tờ, máy xe đã được độ lại). Bốn giờ sáng đi, chiều tối về. Trai tráng leo cây ươi, mé nhánh, chặt hoặc cưa cây. Phụ nữ lượm ươi, chất đống. Thương lái lên tận chỗ coi ươi, ngã giá, đóng bao, tự lo chuyên chở. Cây ươi rất cao, muốn leo phải sắm đồ nghề giống thợ điện, là dây bố to bản và đinh thép dài tấc rưỡi. Ðinh phải đặt làm riêng mới đủ độ cứng, không mua đinh làm sẵn. Ðầu tiên đóng một chiếc đinh vào thân cây làm chân trụ. Ðứng lên chiếc đinh này, đóng tiếp cây đinh thứ hai, leo lên. Ðóng tiếp cây đinh thứ ba. Cứ thế lên cao dần. Ðể đề phòng sẩy tay sẩy chân, người leo dùng dây đai bụng mình với thân cây. Cành ươi rất sai trái. Trái ươi lại nhỏ, không thể ngồi vặt từng trái, đành phải dùng dao (rựa) chặt nhánh quăng xuống cho người dưới. Một chị cùng đội đi ươi kể, ‘Ðừng tưởng ngồi lượm ươi sướng. Ðầu tiên phải dọn bãi. Quá trình dọn bãi rất nguy hiểm vì chung quanh gốc ươi cỏ cao um tùm, không cẩn thận có thể bị các loài rắn, bò cạp, ong đất, kiến rừng tấn công. Người dọn bãi phải bịt mặt, mặc quần áo dày dài, đi găng tay, giầy ống, bít bùng suốt từ sáng tới tối, nóng trên 40 độ, mồ hôi như tắm. Lâu lâu cũng có người bị rắn độc cắn. Còn trẹo gân, đứt thịt, chảy máu, sưng nhức thì thường xuyên.

Ði ươi khổ cực và nguy hiểm nhưng lợi nhuận rất cao. Mỗi mùa, người bèo nhất cũng kiếm năm triệu. Nếu tổ đãi có thể được tới hai ba chục triệu. So với làm công nhân, bán hàng ăn, thì đi ươi “ngon cơm” hơn. Vì thế, đến mùa ươi, dù kiểm lâm và chính quyền xã ngăn cấm, người dân quanh khu vực rừng Nam Cát Tiên đi ươi đông vui như đi hội.

Ươi tươi sau khi gom về, phải phơi khô và phân loại (giá ươi tươi chỉ bằng 3/10 ươi khô)
Không chỉ ở Lâm Ðồng, Ðồng Nai mới có nhiều người đi ươi mà suốt từ Quảng Nam, Huế đến Bình Ðịnh, Phú Yên chỗ nào cũng có người đi ươi. Rừng già chẳng lúc nào yên tĩnh. Không tiếng cây đổ, tiếng xe cộ gầm rú thì cũng tiếng chân rậm rịch, tiếng tranh cãi lao xao. Ai cũng nghĩ ươi là lộc trời. Vì thế họ chặt luôn cây để tận thu lộc, vừa khỏi phải leo nguy hiểm, vừa không cho người đến sau “hưởng sái”. Chỉ chục năm trở lại đây những cánh rừng đã bị rách toạc. Hậu quả là mùa khô năm nay, Cao nguyên Trung Phần, Ðông Nam Phần đất khô nẻ, nắng nóng chưa từng thấy.

Loại ươi tốt nhất- ươi bay (già rụng tự nhiên, bay theo gió) ngâm nước sôi cho nở, uống cả ngày thay nước, trị tắc tiếng, viêm họng.
Mùa đi ươi từ vùng Suối Nho, Suối Cát, Ðồng Nai dài tới Lâm Ðồng đã bắt đầu từ đầu Tháng Năm. Những cánh rừng mất đi mầu xanh sự sống. Tất cả, chỉ vì một thứ trái rừng mầu nâu vàng và những đồng tiền từ tay thương lái Trung Quốc. Cái giá phải trả như vậy, là rẻ hay đắt???

Rắn độc là nguy hiểm đối với người đi ươi, thường có ở rừng Tây Nguyên vào mùa khô.