Chiều cuối tuần Dế Mèn được gọi đến nhà thương nhận bệnh. Bệnh nhân là một bà cụ 79 tuổi, trông khỏe mạnh, quần áo đầu tóc vén khéo. Bà cụ ngồi trên giường, nhìn quanh, mắt lơ đãng như thể không mấy quan tâm đến việc chung quanh mình. Một bên giường là người con gái, mắt đỏ hoe không hiểu đã khóc lóc bao nhiêu lâu. Bên kia là ông con trai, ngồi ngó phe ta chăm chăm.
Dế Mèn chẳng ghi chép được chút bệnh sử nào từ người bệnh. Chỉ biết rằng bà cụ được (bị?) con cái đưa vào bệnh viện vì bỏ ăn uống mấy ngày, cứ khóc lóc và có dấu hiệu lẫn lộn, quên nhớ lộn xộn. Bấy nhiêu đó bệnh sử, chưa gặp cụ lần nào, chẳng biết bình thường cụ minh mẫn tinh anh làm sao. Bây giờ gặp nhau lần đầu, bà cụ và Dế Mèn nhìn nhau ngỡ ngàng, xa lạ. Không quen thì ta cũng phải quen thôi cụ ạ! Dế Mèn nói thầm với mình như thế khi bắt đầu khám bệnh và mời hai người con ra khỏi phòng. Ðây là lúc thuận tiện nhất để ta có thể hỏi chuyện bệnh nhân mà không có người thân nói giùm. Người con trai đứng dậy quay lưng ra khỏi phòng liền trong khi bà con gái vùng vằng phản đối. Dế Mèn bảo rằng nếu cần có người quan sát thì sẽ gọi y tá chứ không cho thân nhân ở trong phòng, trừ khi chính người bệnh cho phép hoặc người bệnh là trẻ vị thành niên.
Bà cụ chẳng ừ hử chi khi Dế Mèn hỏi ý, nên phe ta bấm intercom để gọi y tá làm người quan sát (chaperone).
Trong lúc khám bệnh, Dế Mèn tẩn mẩn hỏi thăm, hỏi tại sao cụ bỏ ăn. Bà cụ trả lời tỉnh queo:
– Tui hổng bỏ ăn, chỉ ăn những thứ tui thích. Hmm, câu chuyện tiếp diễn nhát gừng:
– Bữa ăn chót trước khi đến đây là lúc nào?
– Ờ, chiều hôm qua.
– Chiều qua cụ ăn món chi?
– Ờ ờ tui ăn thịt gà.
– Chỉ có thịt gà thôi sao?
– Hông, tui ăn cả khoai hấp bằm nhuyễn nữa.
– Cụ nấu lấy hay ăn ngoài tiệm?
– Ư, ư hàng xóm chở tui ra quán Kentucky Fried Chicken.
– Cụ sống một mình?
– Ðúng rồi!
– Sáng nay cụ ăn món gì?
– Chưa ăn cái chi cả.
– Cụ thường ăn ngày mấy bữa?
– Ba bữa.
– Thế thì hôm nay cụ chưa ăn sáng và cũng chưa ăn trưa?
– Ờ hớ.
– Cụ có đói không?
– …
– Cụ bận rộn chi mà không ăn từ sáng đến giờ?
– …
-Cụ ngủ ngon giấc không?
– …
– Hôm nay là ngày thứ mấy?
– Chiều thứ Bảy (câu trả lời đúng, và bà cụ không lẫn lộn ít nhất là về ngày tháng).
– Cụ là bệnh nhân của bác sĩ xyz?
– Không, bác sĩ abc (câu trả lời đúng, bà cụ còn nhớ tên vị bác sĩ chăm sóc mình).
– Sao cụ bỏ ăn hôm nay?
Ðến đây thì bà cụ ứa nước mắt, những hạt lệ chảy liên tục từ hốc mắt già nua, mệt mỏi. Và câu chuyện quay trở lại với câu hỏi chính, tại sao bà cụ đến đây? Mấy câu khai bệnh mơ hồ kia có bao nhiêu sự thật? Bỏ ăn? Lẫn lộn? Trầm cảm?
Dế Mèn không tìm ra dấu vết bệnh tật trên thể xác, nhưng có thể đoán ra rằng bà cụ không an vui. “Không an vui” không phải là một thứ bệnh tật mà Y học có thể chữa được qua vài ngày và tại bệnh viện.
Chưa biết xoay sở làm sao nên Dế Mèn hỏi tiếp xem bà cụ cần gì. Ðến đây thì bác sĩ bị hỏi ngược:
– Tại sao con cái tui chẳng bao giờ hỏi câu đó? Mèn ơi, phe ta không biết câu trả lời nên đành ngậm hột thị, bà cụ đang hờn con cháu chăng? Và bác sĩ đứng tuốt từ xa như Dế Mèn đây thì nên ba chân bốn cẳng mà tránh cho lẹ chuyện gia cang của bệnh nhân?
Câu chuyện tiếp tục:
– Bác sĩ có thể giúp tui một việc.
– ?
– Biểu mấy đứa con tui đừng đến nhà tui nữa!
– …
– Mỗi lần chúng đến là lại đòi tui chuyển nhượng tài sản!
– ?!…
Dế Mèn không biết câu chuyện kia thật hay giả, bà cụ này đang sống một hoàn cảnh trần trụi với việc con cái vòi tiền, đòi của hay cụ đang ở trên mây, câu chuyện chỉ là giả tưởng. Khoảnh khắc một vài tiếng đồng hồ kia làm sao đủ cho ta nhìn rõ những dữ kiện đằng sau một căn nhà tối om như thế? Và tại sao cánh cửa kia chỉ mở hé khi người ta đem nhau tới bệnh viện mà không phải là ở một nơi khác như bàn ăn, góc bếp tại nhà chẳng hạn? Có thể nào một người lạ hoắc như Dế Mèn đây lại dám dấn thân mà dính dáng đến gia cang người khác?
Bà cụ không có dấu hiệu của người bị trầm cảm nặng và vẫn khá mạch lạc, lưu loát khi muốn nói chuyện. Làm thế nào trong thời gian ít ỏi này mà giúp bà cụ kia “an vui” cho nổi? Bỏ chạy thì Dế Mèn không làm được nên cứ băn khoăn hoài. Cuối cùng phe ta “mua” ít thời gian. Dế Mèn gọi đồng nghiệp, một vị bác sĩ tâm thần nhờ giúp ý kiến khám nghiệm về mức “lẫn lộn” của bà cụ. Gọi thêm dịch vụ xã hội, social services, may ra các chuyên viên xã hội có thể giúp gì được cho bà cụ kia chăng?
Dế Mèn ra về, không biết phải nói với hai người con những gì nên đành im lặng, mà chỉ vắn tắt rằng sẽ có bác sĩ tâm thần khám bệnh và thử nghiệm mức độ lầm lẫn, và sẽ có chuyên viên xã hội thăm viếng xem bà cụ có cần sự giúp đỡ tại nhà hay không, riêng về thể xác, không có điều gì để lo ngại.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nặng nề ảm đạm. Các chi tiết nọ có chính xác không, phe ta không biết, chỉ biết rằng mình băn khoăn khó chịu lắm. Câu chuyện cứ vướng vất trong đầu óc, không biết diễn tiến ra sao, sẽ đi đến kết cục nào. Ðến hôm nay lòng Dế Mèn vẫn bần thần, mảnh gương nào chẳng có hai mặt? Không có người thân thuộc bên mình, cô độc cô quả là một bất hạnh, nhưng có người thân mà không thương yêu tin cậy được là một bất hạnh lớn hơn nữa?