Tôi cố tìm lại những gì chưa đánh mất giữa sự hỗn độn của con sóng ký ức. Với sự kiên nhẫn của người đang lột vỏ lụa của từng hạt đậu phọng, tôi gắng gom góp những mảnh nhớ để kể lại một câu chuyện thật – Một thời “đóng tàu vượt biên” của gia đình tôi.
Giã từ Hải Sơn
1.
Hải sơn – Ngày phơi xác nắng bèo nhèo. Mùa nắng của những mùa đau. Mùa khó.
Họa vô đơn chí. Xì bất cẩn, gã em tôi ghiền khoai lang lùi, để quên lửa âm ỉ. Thần hỏa ghé thăm sức khỏe chiếc ghe nhà, trong lúc Xì đang còn ngồi quán café “chị Hương Sàigòn” nhâm nhi ly chè ba màu. Cũng may, nhờ có “lực lượng cứu hỏa” là mấy gã “lơ ghe” láng giềng. Chiều xuống nước rút phải lấy cả sình bùn dưới sông để chữa cháy.
Chiếc ghe như chiếc đồng hồ bị chết máy, giấc mơ thất tán; mẹ tôi lại còng lưng chạy chọt tiền bạc chỉ mong ước tu bổ lại niềm hy vọng cuối cùng. Anh Hải an ủi mẹ, “Ghe mình chỉ… phỏng nhẹ, chưa cháy… rụi!”
Nỗi buồn rỗng rễnh, hai ông chú tài công và phụ lái, bất đắc chí nên tối ngày chỉ “tiên sư!” cái chai rượu và rền rã bên đĩa thịt cầy. Anh Hải trầm tư hơn, trở lại với thói quen gảy đàn dưới gốc mít mỗi đêm. Nàng Trúc Khùng cạnh nhà, vẫn miên man lượn là trước hiên nhà tôi mỗi sớm Chủ Nhật trong chiếc áo dài vàng chóe đến nhức mắt. Em Lan Lùn, sau cái đêm phục rượu tận tâm; cái lưng nàng không ngứa cũng bị vài vết gãi xước. Anh Hải, từ đó nức tiếng xóm đạo là chỉ biết “gãi lưng” con gái.
Xì, cái cốt ngạo mạn cũng mất đi từ ngày cái ghe nhà bị bốc hỏa, cái mặt dài của gã em luôn cúi gằm vì mặc cảm tội lỗi đến tội nghiệp. Gã em tôi, từ ấy “thù” luôn mấy củ khoai lang lùi, và hết ham ngồi quán cà phê ăn chè ba màu.
Hải Sơn bên nỗi chờ đợi, tôi với những khoảng trống lúc đầy, lúc rỗng; lúc có, lúc không… Một tình yêu màu hồng, đầy những lãng mạn màu tím – tôi gắng pha trộn những màu sắc thi vị của tình yêu – chỉ để khoả lấp những trống rỗng trong đời sống. Tâm hồn tôi chỉ nhàu nỗi nhớ về Sàigon và anh. Cuốn Nhật ký đã trao anh, viết lách cũng khô héo trên nỗi buồn thiu mốc.
Anh Minh như hạt đậu tương tư, chỉ muốn mọc rễ đâm chồi ở vườn nhà tôi. Tình giăng lưới trong ánh nhìn ẩn nhẫn, mênh mông những ân cần. Lời thư đến rụng lá tình si mà tình em vẫn hững hờ.Anh Hải “gạ” cô em gái, “Bé thử yêu Minh, hắn có vẻ đang tong teo chờ đợi.” Tình yêu, đâu phải chỉ có hái hoa bắt bướm là kết thành trái tim? Tôi lý lẽ.
Ngày mỏi mòn qua đi như bấc đèn. Ðời sao mơ chi chữ tự do dài rên siết.
2.
Giữa góc tối cuộc đời, ngày cũng chạng vạng hồi sinh. Anh Hải lại bỏ nhỏ, “Bé, ghe mình sắp ‘đánh’ lớn rồi!”
Chẳng vui, chẳng buồn; tôi chỉ sợ phải đối mặt với cơn biển điên. Mùa vượt biển, sóng táp những cơn đói bụng thủy thần. Thiên đường thì rất xa mà nhà… tù thì rất gần. Những thân phận dài/ngắn trong cuốn tự điển cuộc đời, đánh vần bởi những tên họ. Có cái tên còn, tên mất.
Cá đánh, mẹ giao điều kiện với chủ bãi, “Dầu nước lương thực lên trước, gia đình chủ tàu phải là ưu tiên kế.” Một tuần lễ nằm gai nếm mật ở đầm đước chờ cá lớn, mẹ đếm “số gà” chẵn chọi đến 200 con. Rồi hốt hoảng, hơn một nửa đã là dân canh me.
Chủ bãi chở mình mẹ ra “cá lớn” xem tình hình; mẹ ra ám hiệu với anh Hải. Ghe chỉ chứa 100 mạng, chẳng ai muốn cảnh chìm tàu. Vào hay không cũng là con đường chết. Anh Hải và chú Vững hoa tiêu, nhất quyết không cho ghe vào. Bể bãi. Chiếc xuồng nhỏ tẩu tán âm thầm trong đêm. Chỉ mình tôi, mẹ và ông lái đò. “Nếu bình yên, tất cả đều là ơn trên”, mẹ tôi lầm bầm.
Giã biệt Hải Sơn, tôi để lại những gì nơi đây, mà ngày rời nỗi nhớ vẫn còn bám đất.
“… Anh chẳng muốn sự tuyệt vọng của tình yêu này chạm vào miền trong trắng tâm hồn em. Mà sao anh vẫn chưa điên – Em rất gần mà em xa quá, em có biết?… ” Tôi gấp lá thư của anh Minh. Núi có lúc cũng u trầm, đa cảm. Vẫn biết, anh tự chọn cho mình tiếng “đau” trong bài thơ đã cũ. Tôi lặng lẽ chất nỗi buồn, gắng giữ cho lòng mình đừng đắng.
3.
Mẹ kể. Người canh me trên 100 người là âm mưu cướp tàu của chủ bãi cũng là tay xã trưởng. Tàu không thể ra khơi được với lượng người quá tải. Cái bản án dành cho chủ tàu có mặc cả cũng hơn mười xấp lịch. Mẹ điều đình, cam lòng mất hẳn cái tàu cho ông ta để được xóa vĩnh viễn hộ khẩu nhà, hộ khẩu tàu mà không bị bắt tội tổ chức vượt biên.
Chỉ vài tháng sau, chủ xã cùng với chiếc ghe nhà tôi đã “đánh lọt” 80 người.
Chú Vững, tài công cũ của tàu nhà, vượt biên bằng đường khác.
“Ổng chết lãng xẹt!” Một người quen trong gia đình chú kể lại,“ Giữa biển tối hù mà ổng leo lên mũi tàu đứng tè giữa khuya. Tàu chòng chành, rồi ổng té ùm xuống. Mất hút không tìm thấy tăm hơi. Tàu đến được trại tị nạn, còn ổng thì làm mồi cho cá.”
“Chắc ổng lại bị xỉn… sóng rồi!” Anh Hải cà rỡn, rồi im bặt. Mẹ tôi âm ỉ cầu siêu cho chú.
Có những cái chết xanh, trôi vèo như những chiếc lá chưa kịp vàng. Xì chết trong một chuyến vượt biên sau đó. Anh tôi gọi cái chết của Xì là “Mysterious death”- cái chết bí ẩn. Những tháng ngày đen đúa trong váng nước màu tro, trở thành nỗi ám ảnh đầy đau buồn.
Anh Hải vượt biên năm 1986. Hai năm sau, tôi lên đường đi Mỹ theo diện ODP do cha tôi bảo lãnh. Gia đình anh Minh, vượt biển thành công định cư ở Úc.
Về lại với Sàigòn, tôi tiễn mối tình đầu của mình ra sân bay. “Anh gửi lại em nỗi nhớ trong cơn bất lực của định mệnh.” – anh Hưng – tình yêu đầu đời của tôi – thiên di về miền trời tuyết lạnh Canada.
Tình xa lối nhàu, chỉ còn hình hài của những nụ hôn đau. Tình yêu, giờ cũng chỉ là dấu chấm lặng cuối hàng. Lựa chọn gì vào những điều mênh mông. Khi cơn mê đã tan và màu mây xanh đã lãng?
Tôi lặng cho nỗi buồn an táng, một ngày bỗng rền rĩ với cái câu nhạc sến, “Từ lâu, tôi biết câu thời gian là thuốc… tây. Ðời việc gì đến, sẽ đến…”

Đinh Cường