Lời tòa soạn: Nhân ngày hiền mẫu, Bài viết dưới đây đưa ra một số nhận định xoay quanh đề tài nuôi dạy con cái, trong tương quan với bài viết “Why Chinese Mothers are Superior” của tác giả Amy Chua, đăng trên báo New York Times.
Một số điểm lệch
Trước khi trình bày một số suy nghĩ liên quan đến đề tài này, tôi muốn đưa ra một số nhận xét sau đây:
1. Danh bất chánh: Tự nhận mình là người Hoa, nhưng Gs Amy Chua thật ra là người Mỹ gốc Hoa. Thêm vào đó, tôi cho rằng vì bà kết hôn với một người khác sắc tộc, bà cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa của chồng. Nếu không, bà chắc là ‘vợ Cọp,’ nhất cử nhất động đều bắt chồng phải theo ý mình, và hôn nhân của bà sẽ chịu nạn đồng hóa thay vì là một kết hợp tương kính.
2. Ngôn bất thuận: Tuy là một giáo sư luật, nhưng bà Amy Chua thiếu chính xác trong ngôn ngữ và suy luận. Tôi không thể chấp nhận kiểu quơ đũa cả nắm của bà, sử dụng ngôn từ ‘loosely.’ Một người viết có trách nhiệm không thể nói một cách ‘chung chung’ được. Vô lý hơn hết, là bà tuyên bố là nói ‘chung chung’ về người mẹ Trung Hoa, nhưng lại toàn nói ‘riêng riêng’ về bản thân mình. Thật không ổn.
3. Suy luận một chiều: Trong bất cứ một vấn đề nào, con người cũng sẽ có nhiều cái nhìn khác nhau. Những suy nghĩ tôi đưa ra trong bài này cũng thế, cũng chỉ là một góc nhìn về đề tài này. Tuy nhiên, lối viết của bà Amy Chua quá độc đoán, tự đề cao, và thiếu tôn trọng đối với những văn hóa khác. Điều này khiến cho những suy luận của bà trở nên một sự tấn công đối với một số độc giả không là người Hoa (mà tôi cho là rất đông), cho dù họ có đồng ý với bà hay không đi nữa.
4. Thiếu cảnh quan và thiếu tương quan: Gs Amy Chua viết một cách chủ quan từ cánh rừng của riêng bà, thiếu sự thông cảm với xã hội và thiếu nhận xét thấu đáo về vấn đề giáo dục con cái. Đây chỉ là những kinh nghiệm và chọn lựa rất cá nhân của bà trong lãnh vực này. Khi bà tuyên bố một cách dõng dạc về ‘thành tích’ của mình, người đọc sẽ thấy một bà mẹ hợm hĩnh, gang thép, bảo thủ, và độc tài. Hơn nữa, bà Amy Chua cũng quên một điều: bà thuộc vào tầng lớp xã hội thượng lưu, với một đời sống hoàn toàn khác biệt với đại đa số quần chúng Mỹ. Bà có nhiều quan hệ, cơ hội, và tài lực mà nhiều người dân Mỹ không có. Con cái bà có được những điều kiện tài chánh và xã hội cần thiết cho những chương trình bà đã vạch ra, nhưng không phải ai có đam mê tột đỉnh cũng có điều kiện thuận lợi như vậy, cho dù họ không cần một bà ‘mẹ Cọp’ hùm hổ bắt họ phải tập đàn mỗi ngày.

Bài báo của tác giả Amy Chua – nguồn internetcafedevotions.com
Nên hay không nên?
Có nên quản giáo con nghiêm nhặt và cẩn thận ngay từ nhỏ không? Tôi cho là nên. Nhưng theo phương thức nào? Tôi không nghĩ là phương pháp bà Amy Chua đưa ra là tối ưu. Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cho là con đường trung đạo vẫn là chọn lựa tốt nhất.
Khi chồng tôi cho tôi xem bài viết của giáo sư Amy Chua, tôi đã đùa với anh rằng, tôi là ‘mẹ Việt Nam’ của anh, vì tôi hay ép anh phải rửa mặt mỗi ngày ít là hai lần, nhắc anh đội nón len khi trời lạnh, và cấm không cho anh ăn quá nhiều sôcôla. Đấy, không chỉ thương con mới cho roi cho vọt, mà thương chồng cũng thế.
Thật ra, không cứ là ‘mẹ Việt Nam’ thì mới nhắc ‘chồng’ những việc ấy. Khi quan tâm chăm sóc cho ai, thì chúng ta tất muốn điều tốt nhất cho người ấy. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc hướng dẫn và thúc đẩy con cái phát triển những sở trường của chúng. Người Mỹ thường nói, “Practice makes perfect.” Và những tập luyện phải bắt đầu từ nhỏ, như việc uốn cây từ thuở còn non. (Tuy nhiên, cũng xin mở ngoặc ở đây là trong xã hội Mỹ, vẫn có rất nhiều cá nhân ở tuổi trưởng thành đã vươn lên từ những hoàn cảnh rất giới hạn, cho dù họ không có một ‘mẹ Cọp’ hay những điều kiện thuận lợi.)
Thế nhưng, cho dù chúng ta có thương con đến thế nào đi nữa, mà cứ ép con phải ‘sống’ cho những giấc mơ của chúng ta, thì lối nuôi dạy con ấy chỉ phục vụ một mục đích ích kỷ: bắt buộc con cái trở thành những cái khuôn để chúng ta đổ thép mà thôi.
Mỗi nhân sinh là một tiểu vũ trụ muôn màu muôn sắc. Càng ngày, nhân loại càng nhận ra rằng, one size doesn’t fit all – không có một ‘công thức’ chung cho bất cứ vấn đề của con người, vì sự đa dạng vô tận vô cùng của nhân sinh. “Ngựa chứng, ngựa hay.” Có phải bà Amy Chua đã biến hai con ngựa chứng của bà thành hai con ‘ngựa ngoan’ không, và có làm cho chúng mất ‘hay’ không?
Nước Mỹ có lúc bị chỉ trích là thiếu lịch sử và non văn hóa, với số tuổi ngoài 200. Ngược lại, nhiều dân tộc trên thế giới, như tại các quốc gia Tây Âu chẳng hạn, vẫn hâm mộ sự cởi mở và đột phá của nước Mỹ. Nếu người mẹ nào cũng ‘cọp’ như Amy Chua, thì liệu họ có cản trở những đột phá trong tư tưởng và khoa học?
Con anh, con em
Khi tôi chỉ mới làm mẹ lần đầu, và mới được ngoài một năm, nhưng tôi cảm nhận như mình đã biết cậu con trai đầu lòng cả đời rồi. Một buổi sáng nắng ấm, tôi gọi chồng đang đi làm ở sở và phàn nàn, “Con trai của anh vừa lén bò xuống sàn nhặt bánh mì vụn, và đút cho con trai của em. Bây giờ em phải đi xử tội con trai của tụi mình.”
Vậy là tôi đã ‘xẻ ba’ thằng bé con nhà tôi mất rồi! Một phần thuộc về bố, một phần thuộc về mẹ, và một phần thuộc về cả hai. Đây không phải là kiểu ‘tốt về ta xấu xa về người’ đâu. Tôi có quyền phàn nàn vì ‘con trai của anh’ luôn được Ba của nó bao che, dung dưỡng, chiều theo mọi chuyện. Thích bò trên sàn nhà? Ừ, thì hai cha con mình bò chung! Thích ăn cherios không thèm ăn thịt gà hấp và khoai lang mẹ nấu hả? Được rồi, Ba sẽ lấy cherios cho!
Đôi khi, tôi rất lo lắng khi thấy chồng nuông con quá, nhưng tôi an tâm là nhờ có anh, con tôi không bị ‘độc quyền’ theo lối suy nghĩ của mẹ, tuy tôi cũng có thành tích chiều con không kém. Và tôi cũng thích có những ‘dấu hóa’ trong bản nhạc gia đình, vì nếu cứ khuôn khổ mãi thì sẽ giết chết cái sinh động của đời sống.
Đối với một đôi vợ chồng trẻ song tộc như chúng tôi, thì những dị biệt văn hóa luôn là một phần của bữa cơm hằng ngày. Hôm nay chúng tôi sẽ ăn cơm trắng trước khi ăn canh chua cá kho tộ (theo kiểu của chồng tôi), hay sẽ thưởng thức fondue có nhiều tỏi và ớt (theo kiểu của tôi)? Chuyện ẩm thực đã vậy, chuyện nuôi dạy con cũng thế.
Gs Amy Chua có nhắc lại việc chồng bà can thiệp khi bà ép cô con gái Lulu tập đàn đến tận khuya, nhưng bà đã không nhượng bộ, và kết luận là bà… đúng 100%. Trong đời sống của thiên niên kỷ thứ ba, không ai có thể tuyên bố mình ‘một trăm phần trăm’ trong bất cứ chuyện gì, vì sự di dân ở mức độ cao và những tương tác văn hóa đa chiều. Amy Chua cũng vậy, không thể nào 100% Trung Hoa, khi sinh trưởng tại Hoa Kỳ và hấp thụ nền giáo dục văn hóa của xứ này. Và cũng không thể đúng 100% trong mọi chuyện được.

Bìa báo Time
Những người mẹ của thế giới
Có nhiều phụ nữ, tuy không sinh ra tôi và không cùng văn hóa với tôi, nhưng đã cưu mang một phần tinh thần và ý chí của tôi, cho tôi cái hạnh phúc được thấy mình là một thành viên thật sự của gia đình nhân loại nhờ những di sản mà họ cống hiến cho thế giới.
Họ là những người mẹ vượt qua không gian và thời gian, hài hòa những nhân diện văn hóa và sắc tộc, đưa con người đi tới. Bà Aung San Suu Kyi đã nuôi dưỡng lý tưởng tự do và dân chủ của tôi. Mẹ Têrêsa đã cảm phục tôi với lòng từ nhân vô bờ và một đời tận hiến. Chantal Petitclerc đã cho tôi niềm tin vào ý chí sống và hoài bão siêu việt. Và dĩ nhiên, với gia phả Việt tộc, tôi tự hào có tinh thần bất khuất oanh liệt của Bà Trưng Bà Triệu.
Trong mọi văn hóa, chúng ta đều có thể tìm thấy hình bóng của một người mẹ lý tưởng. Giáo sư Amy Chua có thể là một bà mẹ tốt của con bà, nhưng có rất nhiều người phụ nữ khác được thế giới đón nhận như những hình ảnh thân thương và khả kính nhất của một người mẹ. Thế nhưng chính những vĩ nhân này không hề tự tôn rằng họ là những người mẹ nhất đẳng, hoặc ám chỉ văn hóa của họ là độc tôn.
Đây chính là những người mẹ mà tôi cho là ‘nhất đẳng’ thật sự. Và họ không nhất thiết phải là ‘cọp mẹ’ thì mới thuần phục được những ‘cọp con,’ vì ai cũng biết, đã biết bao lần, nhu thắng cương. Và ở thời đại toàn cầu hóa này, chúng ta không chỉ cần một thôn làng (lại càng không chỉ cần một văn hóa độc tôn) để giáo dục một đứa trẻ, mà cần cả một thế giới đang đến rất gần nhau.