Menu Close

40 năm ngơ ngác

1.

“Cúp điện!” đó là câu tiếng Việt đầu tiên tôi nghe Đ. nói. Tôi reo lên: “Anh nói tiếng Việt được rồi, giỏi quá!” Anh liền huyên thuyên giải thích cho tôi 1 tràng bằng tiếng Anh rằng anh chỉ biết nói mấy chữ như “cúp điện”, “cà phê”, “chị ơi, cho em 1 taxi nhỏ/lớn đến số nhà… đường… cảm ơn.” Đ. là một trong số 3,300 đứa trẻ rời khỏi Việt Nam năm 1975, may mắn không nằm trong số 150 đứa trẻ thiệt mạng trên chiếc C5-Galaxy đầu tiên rời Tân Sơn Nhất cùng Dennis Traynor. Anh đến Mỹ và được một gia đình người Mỹ gốc Đức nhận nuôi, lớn lên cũng vào quân đội rồi giải ngũ và trở thành nghệ sĩ độc lập. 27 năm sau ngày ra đi, anh trở lại Việt Nam và ở lại Sài Gòn mãi cho đến giờ. Anh tìm lại gia đình mình nhưng có vẻ hai bên cũng không gắn kết gì với nhau mấy. Anh sống một mình trong những căn studio thuê từ quận này qua quận kia của Sài Gòn, vẫn ra đường với vóc dáng một người Việt Nam rặt, với cái tên 30% Mỹ, 40% Đức, 30% Việt Nam.

Một dạo, anh chia sẻ trên facebook của anh một tấm hình anh tìm được trên internet. Đó là tấm hình anh cùng mấy đứa trẻ Việt Nam khác trong chiến dịch Babylift trong ngày đầu tiên đến Mỹ với mấy cô bảo mẫu người Mỹ cười toe. Anh bảo rằng cảm xúc khi thấy hình của chính mình khi nhỏ mà bên cạnh không phải cha mẹ hay ai thân thích quả là cảm xúc kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ hỏi Đ. về cảm xúc ấy hay muốn anh thử nói xem nó như thế nào, chỉ nghe anh chia sẻ anh gắn kết với Việt Nam một cách khó tả. Rồi một bữa ngồi phơi nắng ở Toulouse, tôi nhắn tin hỏi anh, sao cuộc đời này, người ta lại chạy từ nơi này đến nơi khác, tôi bỏ Sài Gòn ra đi, còn anh lại tìm về Sài Gòn. Anh bảo điều đó không giải thích được, chỉ biết con người ta, ai cũng có một chốn để đi về.

2.

Năm ngoái, tôi có cơ duyên xem bộ phim tài liệu Daughter from Danang (Đứa con gái Đà Nẵng) kể về câu chuyện ngược dòng về quê của cô Heidi, cũng là một trong số 3,300 đứa trẻ Babylift. Nhưng không may mắn như Đ. (có lẽ, tôi đoán câu chuyện của Đ. ít đổ vỡ hơn), Heidi những tưởng tìm được người mẹ dứt ruột đẻ ra mình thì sẽ chữa lành vết thương đổ vỡ từ người mẹ nuôi, nhưng cô đã thất bại. Những người anh em cùng mẹ khác cha của cô, và cả mẹ cô, sau những chuyện kể lể về ngày cô còn bé thì tiến đến phần đòi hỏi trách nhiệm rằng cô phải gửi tiền về nuôi gia đình cha mẹ. Ai nấy gặp cô đều than nghèo kể khổ, đều coi cô như cái ngân hàng đặc biệt, chi tiền không điều kiện. Thất bại, Heidi quay về Mỹ, không liên lạc với gia đình mẹ ruột nữa, dù hằng năm họ vẫn viết thư qua xin tiền.

3.

Không đi theo chiến dịch Babylift, nhiều người Việt ở Pháp tôi gặp đi theo diện đoàn tụ gia đình hoặc may mắn không bỏ mạng trên biển hay đầu hàng số phận trước khi tới được Galang, Bidong, Palawan, Phanat Nikhom… Họ đến từ Bordeaux, Blagnac, Pau, Tarbes, Narbonne, Béziers… tập trung về Tournefeuille bên hồ Ramée hai ngày cuối tuần. Họ bán rau cải, diếp cá, lá hành cho tới bánh cam, bánh tiêu. Cái chợ tạm đó lập ra giữa một bãi gửi xe trong khu giải trí dành cho người Tây. Họ đến, nói chuyện, bán một xe rau kiếm mấy chục đồng cho tới 100 đồng tùy bữa chợ. Họ lập cả mấy bàn tứ sắc, xì phé, tổ tôm, xóc dĩa. Họ, đôi khi tôi gặp giữa Toulouse, vẫn đi làm lậu và ăn trợ cấp thất nghiệp, vẫn thất sắc khi kể chuyện qua cửa hải quan, nhập cảnh, khi về Việt Nam. Chiều cuối tuần rồi, tôi gặp họ bên bờ hồ, vẫn những câu “xin chào!”, “1 euro một bó cải”, “cô ơi, mua đi!”  Ánh mắt người đàn bà tuổi 60 ngồi bệt một góc chợ bán nước đóng lon ngó ra hồ nước làm tôi nhớ mãi, ánh mắt của một người như thể bị bàn tay khổng lồ bứng đi. 40 năm, thời gian đông cứng, để ánh mắt đó ngơ ngác từ Sài Gòn sang đến Tournefeuille trong tích tắc.

PTLP