Tất cả bắt đầu hôm 12-4-2015 khi 1 thanh niên da đen, Freddie Gray, 25 tuổi, bị cảnh sát Baltimore (tiểu bang Maryland) bắt giữ. Vẫn chưa sáng tỏ lý do vì sao Gray bị cảnh sát hốt lên xe. Trong người anh ta có con dao xếp, nhưng cả triệu người có dao xếp trong túi quần, nhất là đàn ông.
Hủy diệt xe cảnh sát. Ảnh theconservativetreehouse.com
Theo phúc trình ban đầu thì Gray lườm nhân viên công lực, rồi thình lình bỏ chạy, nên cảnh sát mới truy đuổi. Rắc rối lớn khi về đến đồn cảnh sát, khoảng nửa giờ sau, thì Gray đã bất tỉnh nhân sự. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu, hấp hối 1 tuần thì tắt thở. Những người binh vực Gray cho rằng anh là nạn nhân sự bạo hành của cảnh sát, nhất là giữa lúc bị nhốt trong xe bít bùng – một thủ thuật khét tiếng lâu nay qua thuật ngữ “Rough Ride”. Sự kiện những người đàn ông Mỹ đen mất mạng trong lúc bị cảnh sát câu lưu có thể nói là một trong những cơn sóng ngầm của xã hội Hoa Kỳ. Tin mới nhất, văn phòng công tố viên địa phương vừa gọi cái chết của Freddie Gray là một vụ cố sát, và truy tố 6 cảnh sát liên hệ.
Khởi sự ôn hòa của cuộc phản kháng đòi công lý cho nạn nhân Freddie Gray. Ảnh www.stonersjournal.com
Quyết định khởi tố mau lẹ, trong khi nhiều chi tiết của cuộc điều tra còn chưa rõ ràng, hẳn có dấu ấn không ít từ các áp lực chánh trị xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các vụ biểu tình sau đám tang Freddie Gray ngày 25-4-2015. Các vụ phản đối mau chóng biến thành bạo loạn, đập phá, cướp bóc, hôi của, khiến ít nhất 20 cảnh sát bị thương, trên 250 người bị bắt, thành phố bị giới nghiêm, đặt dưới sự tuần tra an ninh của hằng ngàn cảnh sát cùng Vệ Binh Quốc Gia “Maryland Army National Guard”.
Cộng đồng người Mỹ da đen tại Baltimore trong cơn phẫn uất, đã có phản ứng bốc đồng, thái quá, thậm chí bạo lực. Kết quả là thành phố hoang tàn sau khi các phần tử bất hảo lợi dụng, đục nước béo cò. Về sau, các vụ phóng hỏa, đập phá, cướp bóc… chỉ gây thương tổn cho chính Baltimore và dân chúng địa phương. Nhà cửa, tiệm buôn, xe cộ… bị hư hại, trong một cộng đồng vốn dĩ đã nghèo. Khi một tiệm thuốc CVS bị thiêu hủy, là thêm vài nhân viên bị mất việc, đến kỳ lãnh lương thiếu hụt một ngân phiếu nuôi gia đình, chưa kể nhiều bịnh nhân mất một chỗ lấy thuốc men quen thuộc đường đi. Những chiếc xe cảnh sát bị phóng hỏa rồi cũng sẽ được thay thế – bằng chính tiền thuế của dân chúng địa phương.
Cảnh sát Baltimore trước 1 tiệm CVS Pharmacy đang bốc cháy. Ảnh abcnews.go.com
Sau khi bạo lực lắng dịu, Thống Đốc tiểu bang Maryland, Larry Hogan, nói có chừng 200 cơ sở thương mại nhỏ vẫn chưa thể mở cửa lại vì hư hại đáng kể. Nhiều hàng quán, cửa tiệm ở Baltimore do di dân làm chủ, trong đó đến phân nửa là người Đại Hàn. Mà chủ nhân Korea và người Mỹ da màu xưa nay nổi tiếng là rất… kỵ nhau. Sự căng thẳng đặc biệt này có thể cũng là một trong những lý do khiến bạo lực gia tăng mau chóng. Bây giờ tình hình lắng dịu, giới chủ thương mại Baltimore phải đối diện với công việc gian nan: gầy dựng lại cơ sở làm ăn. Một trong những thử thách là chi phí bảo hiểm hầu như chắc chắn sẽ leo thang kỷ lục.
Bạo loạn vì lý do chủng tộc không phải là chuyện mới đây tại Hoa Kỳ. Không ít thành phố lớn phải mất nhiều thập niên mới hồi phục hoàn toàn. Công việc tái thiết vẫn đang diễn ra tại Newark (tiểu bang New Jersey), Biệt Khu Thủ Đô Washington, D.C., và nhiều nơi tại Detroit (tiểu bang Michigan) mới bắt đầu hồi phục. Riêng Baltimore, nhiều cư dân kỳ cựu lâu đời còn nghĩ rằng thành phố vẫn chưa hoàn toàn hồi phục từ những vụ bạo loạn năm 1968 gây tàn hại cho từ tiệm bánh, đến nhà hàng, siêu thị, v.v…
Để hiểu nguyên cớ vụ bạo loạn Baltimore, cần thiết kể những lý do xã hội và kinh tế. Khảo sát xã hội lâu nay cho thấy trẻ con được nên người tốt đẹp hơn nếu trong gia đình có đủ cha mẹ. Trong khi đó, đến 67% trẻ em người Mỹ da màu lớn lên trong cảnh nhà chỉ có mẹ hoặc cha. Có 44% các người cha da đen không ở chung với con mình, vì nhiều lý do, trong đó có tù tội… Tại Baltimore những khu nghèo nhất hầu như không thay đổi trong mấy mươi năm qua. Toàn thành phố có 16,000 căn nhà bỏ trống, trong đó vài khu cứ 4 căn nhà thì 1 căn bỏ hoang. Ngược lại, số tiệm rượu tại những nơi này lại cao gấp đôi mức trung bình của cả thành phố. Tương tự, tỉ lệ thất nghiệp ở những khu nghèo nhất cũng cao gấp đôi con số trung bình toàn thành phố.
Phản kháng ôn hòa trở thành hôi của. Ảnh www.latimes.com
Vụ bạo loạn vừa xảy ra cũng gợi nhớ nhiều chuyện đau lòng trong quá khứ. Tại chính Baltimore, năm 1968 sau vụ ám sát Mục Sư Tiến Sĩ Martin Luther King, các vụ bạo loạn bùng nổ đã khiến 6 người chết, trên 700 bị thương, và 1,000 cửa tiệm, hàng quán, cơ sở thương mại bị hôi của. Năm 1919 tại Chicago (tiểu bang Illinois), sau khi 1 người đàn ông da trắng ném đá người da đen làm 1 người thiệt mạng, mà cảnh sát không bắt hung thủ, bạo loạn liền xảy ra, khiến 38 người chết và 500 bị thương. Tại Watts (phía Nam Los Angeles, tiểu bang California) năm 1965, từ chuyện một bác tài da đen lái xe say xỉn bị cảnh sát chận, nhưng lớn tiếng cãi vã, lại dẫn đến bạo loạn lớn, làm 34 người chết, trên 1,000 bị thương, và gần 3,500 bị bắt. Tại Detroit (tiểu bang Michigan) năm 1967, cảnh sát bố ráp một quán bar chui, bạo loạn nổ ra khiến 43 người chết, gần 2,000 bị thương, và trên 7,200 người bị bắt. Tại Los Angeles năm 1992, sau khi tòa xử các cảnh sát trắng án trong vụ bạo hành hung thủ Rodney King, bạo loạn hôi của, cướp bóc lan tràn, làm 53 người chết, trên 2,000 bị thương tích, và hơn 11,000 người bị bắt. Tại Ferguson (tiểu bang Missouri) năm 2014 mới đây, sau khi 1 thiếu niên da đen bị chết trong tay cảnh sát, bạo loạn nổ bùng khiến ít nhất 6 cảnh sát bị thương và trên 210 người bị bắt.
Tại mỗi nơi này, sự căng thẳng giữa đám đông người da đen và sở cảnh sát đã kéo dài nhiều tuần lễ, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, trước khi bạo loạn bùng nổ vì một lý do trực tiếp nào đó. Thường thấy là sự phân biệt đối xử đối với người da đen, dù rằng ngày càng có nhiều thị trưởng, cảnh sát trưởng, và cảnh sát người da đen. Chính công tố viên của vụ Baltimore hiện tại, Marilyn Mosby, là một nữ luật sư người da đen. Cũng vì các sai phạm của cảnh sát mà chỉ riêng tại Baltimore, từ 2011, thành phố đã phải đền bồi trên 100 người tổng số tiền chừng $5.7 triệu liên quan đến các vụ bắt lầm người, giam giữ trái phép, và nặng tay với phạm nhân. Giới tư pháp Hoa Kỳ có hẳn một thuật ngữ để gọi tình trạng bạo hành của cảnh sát là “Undue Force”.
Trên bề mặt, vụ bạo loạn Baltimore rồi sẽ qua đi, trật tự sẽ tái lập. Đa phần cảnh sát vẫn là người tốt. Họ phải làm nghề nguy hiểm. Dù sao, cũng không dễ cho cảnh sát khi có sứ mạng giữ gìn an ninh trong những khu mà hoạt động kinh tế chánh yếu là mua bán ma túy. Hầu như chắc chắn căng thẳng tại những nơi này lên cao. Ít nhất 20 cảnh sát Baltimore đã bị thương tích nặng nhẹ khác nhau trong vụ bạo loạn này.
Nữ công tố viên Marilyn Mosby họp báo khởi tố 6 cảnh sát cố sát Freddie Gray. Ảnh www.lovebscott.com
Người bi quan có thể nói Baltimore biểu hiện cho sự xấu xí trong xã hội Hoa Kỳ. Thậm chí, tổ chức khủng bố Hồi Giáo cực đoan ISIS lập tức lên internet, lợi dụng căng thẳng tại Hoa Kỳ để chiêu dụ các tín đồ Hồi Giáo bất mãn trong cộng đồng người Mỹ da đen. Lãnh tụ tối cao của Iran cũng mau lẹ lên tiếng chỉ trích “những cái chết bất công” và ca ngợi Hồi Giáo là tôn giáo có cảnh sát luôn hành động với lòng từ ái.
Nhưng câu trả lời có thể phức tạp hơn nhiều, có đủ các yếu tố xã hội, kinh tế, lẫn lịch sử. Tại quá nhiều nơi, người Mỹ da màu sanh sống trong nghèo khổ, chật chội, mất vệ sinh, giữa cảnh chích choác và buôn bán ma túy công khai, công ăn việc làm ít ỏi, trường học công lập thì thiếu thốn ngân sách, dịch vụ xã hội nghèo nàn, v.v… Hoàn cảnh đó là những trái bom nổ chậm, chỉ chờ dịp để bùng lên – đặc biệt là khi có người tay không võ khí, bị quy kết một tội nhẹ, thậm chí vô tội, nhưng rồi thình lình đột tử trong tay cảnh sát.
Đi về nguyên thủy, vấn đề sâu hơn nữa, vì đã có vô số vụ người da đen bị ngược đãi từ buổi đầu lập quốc. Nỗ lực của một thị trưởng hay cảnh sát trưởng, hay công tố viên đều không đủ. Để tìm một giải pháp căn cơ, ngoài các bước thuê mướn và huấn luyện cảnh sát – còn phải chuẩn bị từ giáo dục trẻ khi chúng còn thơ dại, phải xây dựng, đầu tư, thay đổi diện mạo cộng đồng, phải điều chỉnh hệ thống nhà tù. Không chỉ nhân viên công lực và các nhà chức trách, mà tất cả mọi giới cần góp bàn tay tìm giải pháp tốt đẹp hơn và tránh các vụ bạo loạn tương tự trong tương lai, từ phụ huynh đến những vị đứng đầu các tôn giáo, giới thương mại, chánh khách, v.v…
TD