Vụ 2 khủng bố Hồi Giáo cực đoan toan tấn công 1 cuộc thi vẽ tranh biếm họa về Giáo Chủ Muhammad tại Bắc Texas hôm Chúa Nhật tuần trước, 3-5-2015, làm dấy lại không ít quan ngại về sứ mạng giữ gìn an ninh và an toàn công cộng tại Hoa Kỳ ngày nay.
Hiện trường tại Garland, Bắc Texas sau khi cảnh sát bắn hạ 2 hung thủ khủng bố. Ảnh www.nbcnews.com
May mắn là một cảnh sát thiện chiến đã ra tay chính xác, hạ thủ 2 hung thủ khủng bố võ trang tận răng, nếu không chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Dư âm vụ này, lập tức U.S. Secret Service bắt tay sửa hàng rào Tòa Bạch Ốc có gắn thêm mũi tên nhọn và dài trên đỉnh, trong khi chờ thiết kế hàng rào mới hoàn toàn sẽ bắt đầu xây vào đầu năm 2016. Quân lực Hoa Kỳ cũng được lịnh tăng cường bảo vệ an ninh các căn cứ, đặt trong tình trạng báo động cao. Các diễn biến này phản chiếu mối lo ngại an ninh, đề phòng những “chi bộ nằm vùng” (Sleeping Cell) của khủng bố có thể mở cuộc “tổng tấn công” nhắm vào binh sĩ, cảnh sát Hoa Kỳ.
Cảnh sát (phía sau) đông gần bằng người tham dự cuộc thi vẽ tranh tại Garland, Texas mới bị khủng bố tấn công hồi tuần trước. Ảnh abc13.com
Nhưng khủng bố không phải là chuyện chừng xảy ra tại Hoa Kỳ. Tính từ đầu thập niên 1970, hầu như phần nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều từng bị khủng bố chiếu cố. Trên thực tế, ngành an ninh tình báo cũng ghi nhận các vụ tấn công khủng bố có chiều hướng giảm xuống dần từ 1970 — cho đến khi mọi sự thay đổi vào tháng 11, 2001.
Đi vào con số chi tiết, từ 1970 đến 2011, có tổng cộng 2,608 vụ khủng bố tấn công, khiến 226 dân thường thiệt mạng. Chỉ có 29 vụ tấn công trong đó số người chết lên trên 10 người. Thống kê mới nhất, mức độ rủi ro cho một cư dân Hoa Kỳ bị giết hại trong 1 vụ tấn công khủng bố là rất thấp, chỉ chừng 1 trong 20 triệu. Nếu dựa trên các con số này, mức độ rủi ro vì bị khủng bố còn thấp hơn nhiều chuyện khác, trong đó có giải phẫu.
Khủng bố Hồi Giáo cực đoan vô tình thúc đẩy thái độ bài cả Hồi Giáo. Ảnh www.youtube.com
Nếu trước 9/11, chỉ có vài trăm nghi phạm bị kết tội khủng bố, thì từ sau vụ nổ Tòa Tháp Đôi New York đến nay, đã có ít nhất 2,930 vụ bắt bớ dẫn đến gần 2,600 bản án quy tội khủng bố hoặc âm mưu làm khủng bố. Trên toàn thế giới, trong 2 thập niên qua, có chừng 119,050 vụ bắt bớ tình nghi khủng bố, đưa đến khoảng 35,120 bản án khủng bố. Sự tương đồng, ít nhất trên con số thống kê, giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới có thể cho thấy một sự ý thức chung rằng khủng bố là đe dọa lớn cho xã hội, và nỗ lực chung nhằm dẹp trừ mối họa này.
Ngày 15-4-2013, 2 anh em khủng bố Hồi Giáo trẻ nổ 2 trái bom trước mức đến tại cuộc thi chạy Boston Marathon làm 3 người chết và 264 bị thương. Ảnh www.vosizneias.com
Trên mặt công luận, thăm dò xã hội mới nhất của NBC News/Wall Street Journal, có đến 47% cư dân Hoa Kỳ cảm thấy ít an toàn hơn thời trước 9/11. Dù sao, thực tế xác nhận an ninh Hoa Kỳ rất thành công trong sứ mạng chống khủng bố. Đã có hằng chục, thậm chí hằng trăm vụ khủng bố bị nhân viên an ninh phá từ trong trứng nước. Kết quả này có phần cộng tác giữa nhân viên công lực (FBI) và bên Trung Ương Tình Báo CIA.
Về phần ngành công lực, khung cảnh chống khủng bố cũng điều chỉnh nhiều vào thời hậu 9/11, và hầu như chắc chắn sẽ tiếp tục thay đổi trong những năm tháng sắp tới. Ngành an ninh ngày càng tỏ ra thiện xạ hơn khi phải đối đầu khủng bố – nhưng họ cũng không thể ngăn chận tất cả mối họa. Chính cục Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ FBI cũng đang thay đổi phương cách truy tầm và sử dụng tin tình báo, cũng như đặt lại thứ tự ưu tiên khi cần phải tiếp ứng trong trường hợp có báo động khủng bố.
Một khủng bố “Lone Wolf” nổ súng tại căn cứ Fort Hood năm 2009 giết hại 13 người và làm bị thương 30 người khác. Ảnh en.wikipedia.org
Trên bình diện khủng bố, trong 10 năm qua, cách tổ chức cũng đã thay đổi, lý do một phần vì bị Hoa Kỳ và đồng minh Tây Phương đánh phá. Những phần tử khủng bố đáng ngại nhất của al Qaeda đã bị Hoa Kỳ triệt hạ gần hết, và tổ chức này cũng không còn thoải mái huấn luyện, liên lạc, chuyển tiền… như xưa kia nữa. Một phần khác vì có phương tiện kỹ thuật cao. Hoàn cảnh này tạo ra các thời cơ khủng bố kiểu khác. Khủng bố không còn theo kiểu tổ chức tập trung, có chỉ huy, ban bệ đàng hoàng, với Al Qaeda rõ ràng có ảnh hưởng cao nhất.
Ngày nay Hoa Kỳ đối diện với những thử thách rất khác trước kia. Khủng bố không dễ đánh lớn như kỳ 9/11, nhưng bù lại có nhiều mối nguy hiểm lẻ tẻ. Trước kia, khủng bố có thể nhắm vào dân chúng, binh sĩ, cảnh sát, và quyền lợi của Hoa Kỳ tại ngoại quốc, nhưng khủng bố không thể đặt chân lên lãnh thổ Hoa Kỳ. Ngày nay thì đã khác. Mạng lưới khủng bố gồm nhiều nhóm và cá nhân liên lạc với các trùm khủng bố chỉ bằng phương tiện Internet.
Ngày 26-2-1993, khủng bố Hồi Giáo nổ bom cất giấu trong xe truck, làm 6 người chết và 1,040 bị thương tích tại New York City. Ảnh flashbak.com
Nhờ nó, một tổ chức Hồi Giáo cực đoan khét tiếng là al Qaeda, từ chỗ tiêu tốn khoảng nửa triệu lập kế hoạch đánh sập Tòa Tháp Đôi New York, nay có thể chỉ tốn vài ngàn Mỹ kim. Nếu như Twitter, blog, Facebook… có thể làm người sử dụng trở thành các ký giả tự do, thì chúng cũng có thể bị Al Qaeda và các tổ chức Hồi Giáo cực đoan lợi dụng để tẩy não, biến người ta trở thành hung thủ khủng bố. Nay, một cá nhân mưu đồ khủng bố có Google truy tìm giúp tài liệu tuyên truyền “Thánh Chiến” và nhan nhản các hướng dẫn chế tạo bom mìn võ khí, có thể tự làm khủng bố 1 mình, không cần phải bay sang Trung Đông tập luyện.
Kể từ vụ khủng bố nổ bom tòa nhà Oklahoma City bombing năm 1995, ngày càng có nhiều vụ khủng bố đơn độc mệnh danh là “Lone Wolf”. Hệ thống an ninh Hoa Kỳ đã sẵn sàng hơn để đối phó một cuộc tấn công quy mô lớn, phức tạp, nhưng lại gặp khó khăn trước các nhóm/cá nhân lẻ tẻ, khó theo dõi. Thượng Viện Hoa Kỳ lập tức mở các cuộc điều trần sơ bộ về an toàn công cộng cho dân chúng Hoa Kỳ. Tại cuộc điều trần này, các chuyên viên an ninh thượng thặng đã cảnh báo vụ Texas có thể là dấu hiệu cho nhiều vụ khủng bố “Lone Wolf” trong tương lai.
Tòa Tháp Đôi New York City bị khủng bố tấn công ngày 11-9-2001 nhìn từ cầu Brooklyn Bridge. Ảnh www.businessinsider.com
Theo đánh giá của nhiều giới an ninh tình báo, những vụ tấn công lẻ tẻ như vừa xảy ra tại Garland, nhắm vào một cuộc thi vẽ tranh biếm họa, là những mối họa lớn. Vụ nổ súng tại Garland mới nhất chắc chắn không phải là vụ khủng bố sau cùng tại Hoa Kỳ. Điều đáng lo ngại là, các “Lone Wolf” sẽ là công dân Hoa Kỳ, nhưng bị Hồi Giáo cực đoan tẩy não, cùng lúc lại dễ tiếp cận, sở hữu súng ống một cách hoàn toàn hợp pháp. Các yếu tố này sẽ làm công việc theo dõi, dự báo, và phát giác của ngành tình báo nhiêu khê hơn.
Bom tự tạo bị phát giác trong hành lý hành khách tại hãng Northwest Florida. Ảnh blog.tsa.gov
TD