Hì hục leo lên các tòa cao ốc, thường xuyên khiến tính mạng bản thân bị đe dọa khi làm điều này, để rồi bị cảnh sát bắt ngay khi đặt chân lên đỉnh… Các hành động nghe có vẻ kỳ dị này lại là thú vui và niềm đam mê của “Người nhện đời thực” Alain Robert.
Người “hạ gục” hàng chục cao ốc
Chiều ngày 17.2.2009, khi hàng ngàn người trở lại làm việc ở Trung tâm Cheung Kong – một tòa tháp văn phòng cao 62 tầng nằm tại quận kinh doanh của Hồng Kông, tại phòng bảo vệ ở tầng 1 tòa tháp có một người Pháp mang tên Alain Robert đang bị thẩm vấn.
“Vì sao anh lại chọn tòa nhà của chúng tôi?” – một viên cảnh sát Hồng Kông hỏi? “Vì tòa nhà này rất đẹp” – Robert nói – “Mặt ngoài của nó thật tuyệt vời. Rất hiếm khi tôi thấy tòa nhà với mặt ngoài như vậy. Có lẽ với mọi người, tất cả các tòa nhà đều giống nhau. Nhưng với tôi thì không”.
Robert, khi ấy mới 46 tuổi, bị bắt do leo trái phép lên mặt phía đông của tháp Cheung Kong, cao gần 300 mét. Anh chẳng sử dụng bất kỳ thứ gì khác để trợ giúp, ngoại trừ đôi chân và hai bàn tay mình.
Cũng giống như các fan của môn bóng chày, thường muốn đặt chân tới khắp các sân vận động, Robert, với tư cách một du khách ở chiều thẳng đứng, đã di chuyển trên khắp hành tinh để leo lên khám phá hàng loạt tòa cao ốc trên thế giới. Để rồi, sau khi đã mãn nguyện với thành công, anh lập tức lâm vào rắc rối như tại Cheung Kong.
Robert đã leo lên vô số tòa tháp thuộc hàng cao nhất thế giới, kể cả Burj Khalifa (830m) ở Dubai. Trong số những “gã khổng lồ” đã nằm dưới bàn chân của anh có rất nhiều công trình nổi tiếng như tháp Eiffel (313m), Nhà hát Con Sò ở Sydney, tòa nhà Empire State (381m), tháp Taipei 101 (508m), tháp Willis (443m), tháp Jin Mao (420m)…
Các màn vi phạm của Robert luôn đầy tính phiêu lưu mạo hiểm và người ta cũng luôn có các phản ứng khác nhau với anh. Sau khi leo lên tháp Shinjuku Center (cao 235m) ở Tokyo, Robert đã được chào đón bằng một cú đấm thẳng vào mặt. Với việc leo lên Tháp đôi Petronas (452m) ở Kuala Lumpur, Robert đã phải “đuổi muỗi” trong tù khoảng 2 ngày, trước khi được đưa lên một chiếc Mercedes có tài xế phục vụ để hội kiến với Quốc vương.
Không phải lúc nào Robert cũng bị ghét bỏ. Tại Moscow, nơi Robert leo lên tòa tháp Liên bang, cao 242m, anh đã uống rượu Vodka với giám đốc cảnh sát thành phố. Tại New York, các phạm nhân đã công kênh Robert trên vai, khi thấy đoạn video có cảnh anh leo lên tòa tháp 101 Park Avenue (cao 191m) trên TV của nhà giam. Ở London, khi Robert bị bắt tại tháp One Canada Square (cao 235m), một viên cảnh sát đã đãi anh món xúc xích, trứng rán và đậu.
Tuột tay là chết
Trong căn phòng bảo vệ, Robert bẻ ngón tay và nhìn John Pickavant, viên luật sư đại diện của anh ở Hồng Kông. Pickavant nói với Robert rằng chủ công trình muốn anh có sự đảm bảo, rằng sẽ không leo lên tòa nhà thêm một lần nữa. Họ không muốn có tai tiếng liên quan tới tòa nhà.
Trước khi bị bắt lần này, Robert đã từng một mình leo lên đỉnh tháp Cheung Kong, không dùng bất kỳ công cụ bảo hiểm nào, vào năm 2005. Phương thức leo trèo như thế được gọi là “free solo” và trên thế giới giờ chỉ còn vài chục người thuộc về nhóm này, gồm cả Robert. “Free-solo là hoạt động thuộc về một nhóm những tay leo trèo siêu đẳng. Nguyên tắc của nó rất đơn giản: Tuột tay ngã và anh sẽ chết” – Matt Samet – Tổng Biên tập tờ Climbing nhận xét.
Những người tham gia free solo tin rằng một cái chết khi đang dồn hết tâm sức cho niềm đam mê còn tốt hơn một cuộc sống nửa vời. Với Robert, các sợi dây an toàn giống như một dạng dây trói và việc leo lên cao không dùng dây giúp anh thành con người, khác với những kẻ leo cùng dây, thực chả khác nào lũ rối. “Tôi không phải một con thú trong rạp xiếc hay một con bù nhìn. Tôi là một người leo núi đã lựa chọn sự tự do một cách có ý thức” – Robert từng viết.
Khi còn nhỏ, Robert lớn lên ở Valence, cách Lyon gần 100km. Robert đã luôn mơ ước thành Zorro, Robin Hood hay D’Artagnan – những người hùng trong tiểu thuyết. Nhưng năm lên 9 tuổi, anh đã thay đổi ước mơ khi xem phim “The Mountain,” nói về những con người nỗ lực chiến đấu chống lại các nghịch cảnh lớn nhất đời họ.
Robert có cơ hội chống lại nghịch cảnh đầu tiên vào năm lên 12 tuổi. Trở về nhà vào buổi trưa, anh nhận ra việc đã đánh rơi chìa khóa. Căn hộ của nhà Robert cao 7 tầng, với một cửa sổ nằm ở loggia không bao giờ khóa. Robert bèn leo lên cửa sổ đó và mở cửa từ bên trong.
Thành công ban đầu tạo động lực để Robert cùng một người bạn nữa chăm chỉ luyện tập leo trèo. Cứ mỗi cuối tuần, họ lại chạy về vùng nông thôn và tìm các địa hình khó để thử những màn leo trèo mạo hiểm.
Chẳng mấy chốc Robert cùng người bạn này đã tìm cách thực hiện cuộc leo núi chính thức đầu tiên. Họ leo lên một vách đá sa thạch ở Château de Crussol – một pháo đài được xây từ thế kỷ 12 ở vùng Ardèch. Cuộc leo đó vô cùng khó khăn, nhưng 2 kẻ tay mơ đã thành công.
Sau khi dành ra nhiều thời gian rèn luyện, họ không ngờ kỹ năng lại vượt quá sự tưởng tượng của bản thân. Tiếp đó họ bắt đầu thực hiện các màn free solo dọc theo lòng chảo Plateau của Pháp. Sau vài năm, người bạn trở thành một viên cảnh sát. Buồn bã nhưng không bỏ cuộc, Robert theo đuổi đam mê một mình.
Năm 22 tuổi, anh chinh phục tuyến leo núi L’Abominable Homme des Doigts, được xếp hạng 7b – khó leo nhất khi ấy, hoàn toàn không dùng bất kỳ đồ bảo hộ nào. Năm 1992, khoảng 2 năm trước khi bắt đầu leo lên các cao ốc, Robert kết hợp tuyến leo núi trên với 2 tuyến khác là L’Abomifreux (7c) và L’Abominafreux (8a). Không một lần nào anh dùng tới dây bảo hiểm và thiết bị hỗ trợ. Thành tích của Robert khiến ngay cả những tay leo núi kỳ cựu cũng phải nể phục.
Năm 1997, Robert tới Australia và liên tiếp chinh phục 3 công trình ở đây là Tháp Sydney (319m), Nhà hát Opera Sydney (65m) và Cầu cảng Sydney
(135m). Từ đây, anh bắt đầu sự nghiệp đã khiến mình được mệnh danh là “Người nhện đời thực”.
Leo cao ốc giống như quan hệ tình dục
Nhìn vào danh sách hàng chục tòa cao ốc đã bị Robert chinh phục, người ta hẳn sẽ hình dung tới một quái nhân nào đó. Nhưng với chiều cao gần 1,65m, Robert không hề to lớn, đồ sộ. Gérard Hoël, một bác sĩ đã thực hiện hơn 10 cuộc phẫu thuật trên cơ thể Robert, gọi anh là “bí ẩn y học”, người sở hữu những khả năng leo trèo và sức khỏe dèo dai phi thường, bất chấp việc có các đặc điểm giải phẫu học chẳng mấy ấn tượng.
Theo Hoël, sự chuyển động khuỷu tay của Robert rất hạn chế, xương trụ và xương quay ở tay anh đã nằm cách xa hẳn nhau; cổ tay anh không còn độ mềm dẻo và anh cũng không thể duỗi thẳng các ngón tay, sau thời gian dài nhét chúng vào vô số khe hở nhỏ trong quá trình leo lên cao.
Robert còn mắc chứng chóng mặt khi ở dưới đất. “Anh ấy không thể di chuyển theo một đường thẳng, trừ phi leo lên trên” – Julie Cohen, người từng làm phim tài liệu về Robert, cho biết – “Anh ấy cần rất nhiều sự giúp đỡ khi sống ở thế giới bình thường”.
Trước mỗi cuộc chinh phục, Robert thường đánh giá cẩn thận mục tiêu. Anh sẽ xem xét một tòa nhà trên trang web Emporis.com rồi tới tận nơi để ngắm nghía và vạch ra tỉ mỉ một lộ trình leo an toàn nhất. Robert cũng muốn chạm vào tòa nhà mục tiêu, để cảm nhận nó. Anh nói rằng từng chi tiết nhỏ nhất trên công trình, như cách bố trí điều hòa, những lỗ bơm keo silicone, các bản lề cửa sổ bất thường… cũng có thể trở thành một dạng trở ngại, thậm chí là mối đe dọa, trong quá trình leo lên hoặc xuống khỏi một công trình.
Trong sự nghiệp của mình, Robert đã phải nhờ giải cứu 2 lần, vào năm 1999 khi đang leo lên công trình Grande Arche de la Défense (anh bị mệt do trời quá nóng) và vào năm 2002 tại tòa tháp Canary Wharf (do mưa, gió mạnh khiến anh không thể leo tiếp). Anh cũng có vài lần bị ngã, với 3 lần bị thương rất nặng.
Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra vào tháng 1.1982 ở Aix-en-Provence, khi Robert bị đứt dây lúc đang tụt xuống khỏi một vách núi. Cú ngã khiến anh gãy rất nhiều xương và phải nằm viện mất một thời gian dài.
Sáu tháng sau vụ tai nạn, anh đang leo núi ở Cornas khi một huấn luyện viên nhờ anh sửa hộ dây leo núi cho các học viên. Robert đã leo lên đỉnh núi và tụt xuống bằng đoạn dây này. Thật không may, nó có một mối nối buộc ẩu, đã tụt ra và khiến Robert ngã nhào xuống đất.
Đầu Robert đập trúng một hòn đá, khiến anh hôn mê sâu suốt 5 ngày và phải nằm viện 2 tháng trời. Thêm 2 năm tập luyện nữa, anh mới trở lại phong độ cũ. Nhưng tới năm 1993, anh lại bị ngã khi đang leo núi ở Cornas và suýt mất mạng ngay trước mặt vợ con.
Những tai nạn ấy chưa từng khiến Robert ngừng mê mẩn các tòa cao ốc. Trong cuộc trò chuyện với tờ New Yorker hồi năm 2009, anh đã so sánh cảm giác của việc leo lên một tòa cao ốc với tình dục. “Những cuộc chinh phục ấy mang lại khoái cảm. Tôi không biết khoái cảm này có giống với sex không, nhưng thực sự cả hai thứ đều đẩy cảm xúc tới cực điểm” – anh chia sẻ.
(Báo Lao động)