Menu Close

Sau 30 tháng 4. Những nhớ và quên

Viết theo câu hỏi gợi ý của Đinh Yên Thảo:

Là một nhà giáo bị động viên, rồi trở thành một nhân viên đài phát thanh Quân Đội,

những gì còn đọng lại trong ông về những ngày tù cộng sản sau 1975?

Nhà văn Thảo Trường sau 17 năm đi tù cải tạo qua 18 trại giam của Cộng Sản, đã viết như sau trong Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết: Hãy luôn luôn nhớ rằng phải quên đi tất cả. Nhà văn Ba Kim của Trung Quốc sau thời gian bị sỉ nhục và hành hạ trong Cách Mạng Văn Hóa lại nói điều ngược lại: Đừng bao giờ quên cái ác.

Vậy, có gì khác biệt nhau trong suy nghĩ của hai nhà văn từng qua những tầng địa ngục của CS? Mới xem tưởng là hai nhà đối chọi nhau khi nghĩ về cái ác. Tuy nhiên xét kỹ ta sẽ thấy cả Ba Kim và Thảo Trường đều trải qua những cái khổ ghê gớm trong thời CS độc trị ở Trung Quốc và Việt Nam. Và cả hai đều nghĩ rằng nó tàn ác và vô nhân quá, cần phải được nói lên để mọi người cùng thấy cùng hiểu hầu ngăn không cho nó tái diễn, lộng hành.

Trước 30 tháng 4. 1975, tôi đang dạy học bình yên ở trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho thì được lệnh động viên. Thế là khăn gói lên đường, giã từ trường học và người vợ trẻ để đi vào quân trường. Ra trường, tôi được chọn vào ngành Tâm Lý Chiến, lên Pleiku làm việc tại Tiểu Đoàn 20 CTCT. Ở trên máy bay nhìn xuống phi trường Cù Hanh toàn một màu đất đỏ với những nương rẫy hoang vắng, tôi chỉ muốn bỏ ngũ quay trở về lại với vợ và con thơ. Thế nhưng đời lính xa nhà tuy buồn và nhớ nhưng cũng có lúc vui với bạn bè. Vả lại là trai thời chiến thì phải chấp nhận thôi. Ở Pleiku với gió lạnh mưa mùa chừng nửa năm thì được bạn học và bạn thơ Diên Nghị là trưởng Phòng TLC Quân Đoàn cử đi làm chương trình phát thanh Tiếng Nói Quân Đội QĐIIQKII tại Đài Đà Lạt. Tới năm 1973 thì được lệnh đi tu nghiệp CTCT rồi trở lại Pleiku làm phóng viên chiến trường. Sau đó, khoảng đầu năm 1973, thì thuyên chuyển về làm Đài Quân Đội Sài Gòn cho tới cái ngày đen tối 30 tháng 4.

Thế là một lần nữa giã từ vợ và hai con nhỏ Tùng Bách lên đường gọi là đi trình diện học tập cải tạo. Địa điểm tập trung đầu tiên là Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt. Ở đó chừng đôi ba bữa thì một hôm vào lúc nửa khuya xe molotova của bộ đội tới xúc đưa về trại Long Giao. Tới nơi vào lúc sáng tinh mơ. Trại Long Giao là nơi hoang phế, gần rừng cao su, lau lách bốn bề. Chỉ có một cái giếng nước bỏ hoang, cầu tiêu chung được vây bằng mấy tấm tôn rách. Chúng tôi phải ngủ trên nền đất, ngày ngày đi cưa gốc cao su chở về làm củi đốt, cuốc đất trồng khoai sắn. Ăn chỉ có mắm muối và cơm gạo mốc chở đâu từ rừng về. Đói quá, một vài anh em đi bẫy chuột về nướng hoặc dùng thau nước để dưới ánh đèn ban đêm cho lũ phù du (con vờ) sa cánh vào đó đem chiên ăn. Chỉ một hai tháng ở Long Giao một số anh bị phù thủng, ghẻ ngứa hoặc gầy nhom. Nhà thơ quá cố Hà Thượng Nhân cũng có mặt ở trại tù Long Giao và đã viết lên những câu thơ ai oán: Trời có điều chi buồn / Mà trời mưa mãi thế / Cây cỏ có chi buồn / Mà cỏ cây đẫm lệ / Mà cỏ cây lệ tuôn?

Thế đấy. Buồn và đau đớn, tuyệt vọng. Thấy mình đã mất đi một bầu trời sao. Đêm Giáng Sinh đầu tiên trong trại tù, anh em đốt những khúc củi cao su, và trong ánh lửa bập bùng có người xướng lên âm điệu bài Hang Bêlem và tất cả cùng hát mà nước mắt tuôn rơi.

Ở Long Giao đâu được một năm thì một đêm có đoàn molotova tới chở tất cả anh em ra bến Tân Cảng. Đêm trời mưa khi xe chạy ngang cầu xa lộ nhìn về phía cư xá Thanh Đa thấy những căn nhà sáng đèn mường tượng thấy hình ảnh vợ con mà ruột đau quặn thắt. Bạn hỏi tôi có còn nhớ những năm tháng tù đày. Ôi, làm sao quên được. Quên có nghĩa là mất xác, mất hồn. Nhớ thì đau thiệt nhưng phải nhớ để còn nói lên cho những thế hệ sau này biết  có một thời như thế.

Xe tới Tân Cảng, anh em được lệnh tất cả lên tàu Sông Hương. Ôi, thế này là ra Bắc rồi. Thế này là thật sự đi vào con đường oan nghiệt. Anh em kẻ trước người sau bám vào cái thang dây để lên tàu. Tai nạn xảy ra. Có ông thiếu tá lúc leo bị tuột tay té xuống vỡ đầu chết. Trong lòng tàu chúng tôi nằm ngồi la liệt. Thức ăn là lương khô được thòng xuống từ trên boong tàu. Nước uống cũng vậy. Nghĩa là chúng tôi được xem như súc vật chứ không phải những con người. Trong cuộc hành trình anh em chúng tôi nhiều người bí đái bí ỉa (không hiểu tại sao).

Sau ba ngày ba đêm trên tàu, chúng tôi ra đến ga Hạ Lý. Tất cả được lùa vào một cái hangar lớn của người Pháp để lại. Mọi người đều mệt nhoài, người ngợm bẩn thỉu. Khi thấy một vũng nước trâu đằm lập tức anh em ào xuống tắm. Ôi, mát  ơi là mát. Ở Hạ Lý mấy ngày, một buổi chiều được lệnh thu xếp lên xe lửa đi tiếp lên Việt Bắc. Tàu lăn bánh trong đêm. Trời tối mịt mùng không một đốm lửa. Toa tàu bít bùng, không có ghế ngồi, tất cả phải đứng chen chúc nhau. Kẻ thù nhốt chúng tôi trong toa súc vật / Trời thu bít tiếng kêu… Có bạn tù đã chết trên tàu vì thiếu không khí để thở. Tàu tiếp tục lăn bánh. Tới ga Yên Bái, xe molotova đã chờ sẵn, chở chúng tôi tới bờ sông Thao. Đoàn tù được chia làm hai: một nửa qua sông đi về miệt Sơn La, một nửa ngược trở lại về hướng Thác Bà. Trên đường CS dàn cảnh để dân chúng kéo ra chửi bới và ném đá chúng tôi. Tới nơi chúng tôi xuống xe chia nhau lên xà lan vượt đầm nước tới xã Cẩm Nhân.

Ôi, khi ta đi lên Miền Bắc… Chân không đi qua những thôn xóm nghèo nàn có lũ trẻ ở trần bụng ỏng ra đứng ngắm đoàn tù. Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết của những tháng ngày trên đất Bắc vì sẽ mất hàng chục trang giấy. Chỉ là những nét chấm phá để ghi lại những mảnh vỡ của cuộc đời đi đày và tâm cảm của một người làm thơ bị định mệnh (hay vận nước) cuốn vào cơn lốc tàn bạo. Đây là vùng gió Mán mưa Tày. Chung quanh nhà sàn thưa thớt, buổi chiều vang tiếng mõ trâu. Sơn lam chướng khí. Chém tre đẵn gỗ trên ngàn. Rét căm căm tưởng có thể rụng từng đốt ngón tay. Đói đến xanh mặt chỉ có nước muối cơm độn, ỉa ra toàn vỏ bo bo màu tím ngắt. Phải ăn đến cả rau tàu bay cho qua ngày. Đau không có thuốc, khi được võng lên trạm xá là lúc chờ chết.

Bạn ơi, cứ thế chúng tôi đi qua hết năm này tháng khác cho tới khi ăn hột muối cảm thấy được vị ngọt vẫn chưa có ngày về. Sau đây mời các bạn nghe Điệu Hoài Hương Xanh, một thứ Homesick Blues để cùng cảm thông, chia sẻ.

Điệu hoài hương xanh

Đêm. những vùng xanh châu thổ
dịu như một làn hơi men
bỗng bay. rực trời. đốm lửa
khi điệu kèn hồng rúc lên

đêm đưa ta lên miền bắc
với những chấm đèn trong mưa
một đi. bóng nhà xa khuất
còn nghe đôi ngọn gió thu

khi ta đi lên miền bắc
nụ cười quên dưới trời xưa
trái tim đeo ngoài ngực áo
như chuông. trước cổ ngựa thồ

lưu thân đi trong trời đất
áo quần như gã hề điên
tóc râu. dựng bờm cổ thụ
cõi người. chợt lạ. chợt quen

chân ta đi trên miền bắc
qua dăm thôn xóm buồn teo
buổi chiều. trắng bông chẩu rụng
rắc lên quán chợ quê nghèo

ta đi. đi lên miền bắc
bóng ngày. treo ngọn cây cao
buổi trưa. tiếng gà hiu hắt
nhớ đầy dăm vạt áo nâu
có đêm. sụp trời. mưa lớn
nghe trăm cỗ ngựa qua cầu
tưởng như những loài nấm đỏ
mọc trên thớ gỗ mục sầu

đi trên mùa thu đất bắc
nắng lên. tưởng chín trái hồng
lá sen trong hồ đã chết
lòng ơi. có nhớ cốm vòng
đâu những hội vui ngày trước
ai về dưới mái đình cong
giữa khuya. nằm nghe tiếng ếch
trôi về từ một bãi sông
gió thu. thổi bùng liếp cửa
bên tai ngỡ giục trống đồng

khi ta đi lên miền bắc
uổng công ngậm ngải tìm trầm
thấy con chim rừng sắc tía
nhả những hạt buồn trăm năm

ôi. những ngày trên đất bắc
nhớ mùi trái chín phương nam
nhớ ơi. đồng bông súng nở
ngọn rau. con cá. trong vàm
nhớ những cuộc tình sông nước
nửa đêm. đứt một dây đàn

bao giờ. giữa mùa thu biếc
cho ta về lại phương nam
nghe tiếng chim chuyền bụi ớt
tưởng chừng động bóng thời gian
hái những đọt mưa xanh ngắt
khi mùa thu rơi trên đầm

khi ta đi lên miền bắc
hồn đầy những sắc tạp âm
thổi chùm cỏ khô bay mất
ôi. bóng mùa vui. biệt tăm
Cẩm Nhân 1976

(trong Tôi Cùng Gió Mùa)

TN – Ngày 29 tháng 4. 2015