Menu Close

Xin đừng gió

Mẹ tôi có mười hai người con. Ở cái thời trước 75, những bà mẹ có nhiều con là chuyện bình thường. Quan niệm ngày xưa là “Trời sanh voi, Trời sanh cỏ”.  Chỉ không may là vướng vào biến cố 1975 của đất nước, gia đình tôi suy sụp từ đó.   

Lo sợ sự khủng bố của chính quyền mới, ba tôi dời cả nhà tôi về một làng quê hẻo lánh để tránh phải bị bắt đi vùng kinh tế mới. Cuộc sống lam lũ và nỗi khổ tâm đã làm cho ba tôi kiệt sức mà mất đi bốn năm sau đó.  

Tội nghiệp mẹ tôi từ đây phải một mình nuôi dạy đàn con nhỏ dại và còn phải chăm sóc cho ông nội tôi lúc bấy giờ đang bệnh nằm liệt giường. Mẹ không chỉ là một người vợ hiền, mà còn là một người dâu thảo. Lúc nào mẹ cũng một lời “Thưa ba” đối với ông nội, cùng sự cung phụng tận tụy, không một lời than thở. Sau này ông tôi mất, mấy anh tôi cũng ly tán mỗi người một phương vì cuộc sống. Mẹ buôn gánh bán bưng, bươn chải mỗi ngày để nuôi lũ con nheo nhóc còn lại.  Mẹ cực lắm. Chuyện nặng nhẹ gì cũng ráng cáng đáng cho những đứa con vừa nhỏ dại, lại vụng về. Mỗi lần thắp hương bàn thờ, tôi thường nghe mẹ lâm râm khấn “Cầu Trời, Phật cho con mạnh khoẻ như  trâu, như bò, để con có sức làm việc nuôi mấy đứa con.” Có lẽ Trời Phật chứng giám nên mẹ lúc nào cũng làm việc đầu tắt, mặt tối mà không thấy bà than thở. Nhờ  Trời, sức khỏe mẹ dẻo dai, nên đôi khi cảm mạo, mẹ cạo gió, hoặc trùm mền trước nồi nước xông là đủ.  Sau đó mẹ lại tất tả làm việc không nghỉ.

Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần có ai tới nhà để mắng vốn với mẹ tôi về chúng tôi, bà không cần biết chúng tôi đúng hay sai, vội vàng xin lỗi người ta và đánh con mình trước mặt mọi người.  Khi chúng tôi ấm ức hỏi mẹ lúc vào nhà, mẹ nuốt vào lòng nỗi đắng cay mà trả lời rằng: “Các con khờ quá. Người ta cả dòng họ ở chung một xóm, mình thì mẹ góa, con côi, tứ cố vô thân, mẹ mà binh con thì người ta kéo bè tới đập chết mẹ con mình, hay họ hại mình từ sau lưng, mẹ làm sao có thể bảo vệ các con được.”  Rồi mẹ ngậm ngùi kéo con vào lòng, dùng dầu hôi xoa lên những vết roi trên thân thể của con. (Ngày xưa nhà nghèo dùng dầu hôi như một thứ dầu chữa được bệnh, dùng để cạo gió nữa. May ra mới có một chai dầu Nhị thiên đường nhỏ xíu để xức lúc đau bụng, hay nhức đầu.)  

Cuộc sống của chúng tôi và mẹ là như thế đó. Phập phòng lo sợ, thủ thân, thủ phận, nhẫn nhịn mong sống được bình yên, qua ngày.

Đêm nằm trong căn nhà ọp ẹp, mẹ tôi giấu dưới chiếu một con dao rựa phòng khi tối lửa, tắt đèn có mà bảo vệ cho chúng tôi.  

Cho đến bây giờ, tuổi chiều, bóng xế, đôi khi bà vẫn chắc lưỡi, thở dài, than rằng  “Một bàn tay không che nổi mặt trời!”, khi một trong chúng tôi bị bệnh, hoặc gặp chuyện khó khăn. Tôi thường nói đùa mong xua đi lo lắng của mẹ rằng: “Biết không che nổi thì mẹ che làm chi cho mệt. Chúng con bây giờ có cực cỡ nào cũng không bằng một phần ngàn nỗi khổ ngày xưa của mẹ. Mẹ đừng lo gì cho chúng con.”  Mẹ tôi mắng yêu: “Cha mày, nói sao dễ nghe quá!”

Đúng như lời mẹ nói, dễ nghe nhưng không dễ làm chút nào. Tôi hiểu thêm nhiều về mẹ khi chính bản thân mình trở thành mẹ. Lúc nào cũng nghĩ cho con, lo cho con, kể cả lúc chúng không cần đến sự lo lắng của mình. Lòng quặn đau khi con bệnh, cũng như lo lắng buồn rầu khi con ngỗ nghịch. Vậy mới biết mẹ khổ như thế nào vì sự lì lợm của anh em tôi ngày xưa, và chắc hẳn không thiếu phần của tôi.

Tình mẹ là như thế đó.  Khi nên người, con hiểu được thì mẹ đã như chiếc lá vàng chiều thu. Gió ơi đừng thổi nữa, để mẹ tôi dừng chân bên cuộc đời chúng tôi thật nhiều, thật nhiều… năm nữa.

VT