Máy chụp hình và chứng cớ: Những máy ảnh của thập niên 60 đã được dùng để ghi lại những hình thời sự và tang chứng trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Một ngày, gú gồ lại cái địa chỉ lịch sử, tôi trở lại downtown Dallas. Toà building – School Book Depository (Kho Văn Thư Lưu Trữ Ðại Học Texas) – một dấu tích lịch sử đã có mặt, đã lặng im. Giờ đây, tôi cảm giác thú vị càng nhiều, suy tưởng càng sâu, trực giác càng nhạy… Tôi luôn có một quy tắc riêng mình, hễ đã tìm; tất phải hiểu rõ.
Mà hiểu không rõ sao được. Tất cả những chứng tích, hình ảnh, tiểu sử, bạn muốn hiểu, muốn biết, muốn suy ngẫm… đều được lưu giữ, trưng bày ở một gian lầu rộng lớn, đó là tầng Lầu Sáu của Kho Văn Thư Lưu Trữ.
Cây súng trường Mannlicher-Carcano vẫn còn giữ tại kho chứa sách trên tầng Lầu Sáu đã được kẻ giết người mua qua đường bưu điện với giá $12.78.
Nhìn cách người Mỹ xem triển lãm, trân trọng với từng chi tiết lịch sử, mới cảm giác được sự kính trọng thực sự của họ đối với vị cố Tổng thống của nước mình. Xem triển lãm với một cái máy headphone bên tai; nếu muốn hiểu tường tận những thông tin, chi tiết hình ảnh, vật chứng; bạn có thể bấm tới/lui, ngừng một chút! Chỉ tiếc, người xem không được phép chụp hình lưu niệm. Tôi nhìn đâu cũng thấy những điều đáng nhớ, đáng ghi, đáng chụp. Cái máy Nikon kè kè bên hông, cái cell phone nhét túi. Cũng may, nếu không có thẻ nhà báo, coi như thất nghiệp.
John Fitzgerald Kennedy (29 tháng 5 năm 1917), thường được gọi là Jack Kennedy hay JFK, là vị Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ – trong nhiệm kỳ 1961-1964. Bạn hẳn có thể chưa quên câu nói nổi tiếng của vị Tổng thống trẻ tuổi này : “My fellow Americans: ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country.” (“Những người bạn Hoa Kỳ của tôi: đừng hỏi đất nước của bạn sẽ làm gì cho bạn – hãy hỏi rằng bạn đã làm gì cho đất nước mình.”) Mặc dù thời gian ngắn ngủi của John F. Kennedy tại Toà bạch ốc, và dù trong nhiệm kỳ tổng thống của ông không có đạo luật quan trọng nào được thông qua; Kennedy vẫn được xem là một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Chẳng ngạc nhiên, khi những hình ảnh của vị cố Tổng thống này vẫn được lưu giữ trong nhiều khía cạnh văn hóa Mỹ.
Jack Ruby đội cái nón nỉ màu xám này khi hắn bắn tay sát thủ Lee Harvey Oswald dưới lầu Sở Cảnh Sát. Cái nón của tay Ruby mua tại cửa tiệm James K. Wilson ở Dallas.
Hai ngày viếng thăm Texas qua năm thành phố, John F. Kennedy cùng Ðệ Nhất phu nhân Jacqueline Bourvier Kennedy đến thành phố Dallas, Texas để vận động cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp. Chẳng thể ngờ rằng, đó chính là chuyến đi định mệnh của ông.
Hình ảnh của rừng người dân Dallas thân thiện, vẫy mừng đoàn xe của Tổng thống đi qua. Tôi khó hiểu, vì sao cái nóc xe chống đạn lại bị tháo ra? Lý do được giải thích là vì “không cần thiết”! Khuynh hướng thân mật của cố Tổng thống đối với dân chúng gây nên những khó khăn trong vấn đề bảo vệ. 350 cảnh sát viên thành phố Dallas được huy động để trợ giúp Sở Mật Vụ giữ an ninh dọc tuyến đường. Và họ chỉ khám xét những tầng lầu trên của các building dọc đường nếu (nhận thấy) mối đe dọa đang lãng đãng.
Tấm ảnh “khổng lồ” của phu nhân Tổng thống Jacqueline Kennedy được ráp lại từ 50,000 tấm hình chân dung nhỏ của Tổng thống Kennedy. Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh đang quan sát bằng kính lúp.
Khoảnh khắc Kennedy trúng phát đạn khi đoàn xe chở ông diễn hành quanh Dallas lúc 12 giờ 30 trưa ngày 22 Tháng 11 năm 1963, gần góc đường Elm và Houston ở downtown Dallas. Trên xe có Phu nhân Jacqueline ngồi kế bên ông, Thống đốc bang Texas, John Connally, ngồi ở hàng ghế trước.
Sau khi vụ ám sát xảy ra khoảng một giờ đồng hồ, cảnh sát xác định đây là góc nhìn của sát thủ từ cửa sổ của tầng Lầu Sáu tại Kho văn Thư lưu trữ Ðại học Texas. Kennedy bị bắn hai phát trí mạng, một ở lưng và vết thương thứ hai ở phía bên phải sau đầu. Thống đốc John Connally cũng bị thương nặng vì trúng đạn.
Điểm X: Một du khách đứng chụp hình bên cạnh điểm X đánh dấu chỗ Kennedy bị bắn. Viên đạn đã xuất phát từ cửa sổ tầng Sáu (góc bên phải).
45 phút sau vụ ám sát Tổng thống xảy ra. Cảnh sát lôi đầu một gã nghi phạm 24 tuổi ra khỏi một rạp chiếu phim nhỏ. Các đài truyền hình chớp nhoáng loan tin, nghi phạm bị cáo buộc giết Tổng thống là Lee Harvey Oswald.
Tôi xem lại biến cố lịch sử qua cái màn hình tivi nhỏ, lời tường thuật của một xướng ngôn viên đài địa phương Dallas vừa đau thương, vừa khôi hài, “Cây súng trường Mannlicher-Carcano đã được kẻ giết người mua qua đường bưu điện với giá $12.78. Sinh mạng của Tổng thống Kennedy đã được mua chỉ với cái giá $12.78 cent.”
Cố Tổng thống đã được đoàn hộ tống với tốc độ 70 mph đến bệnh viện cấp cứu Parkland Hospital, và đã qua đời nửa giờ sau trong phòng giải phẫu của bệnh viện Parkland. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử truyền thông Mỹ, các hãng truyền hình liên tục đưa tin về một sự kiện lớn với kỷ lục 90 tiếng đồng hồ. Kỷ lục này chỉ bị phá khi vụ khủng bố 11/9/2001 diễn ra, với 93 tiếng đưa tin liên tục.
Thông tin về Kennedy vẫn thú vị hơn khi nghe headphones với Mp3!
John Kennedy là Tổng thống thứ 4 trong lịch sử Mỹ bị ám sát. Ba tổng thống bị ám sát trước đó là Abraham Lincoln (14/4/1865), James Garfield (2/7/1881) và William McKinley (6/9/1901). Ngoài ra, còn có 15 Tổng thống Mỹ khác bị ám sát nhưng bất thành. Riêng Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, đến nay đã có sáu lần bị “hăm he”!
Tôi đứng nhìn qua khung cửa kiếng. Con phố dưới như cởi trần tắm táp. Mưa rửa sạch nhẵn mặt đường. Từ cửa sổ tầng Lầu Sáu – nơi ẩn nấp của tên sát thủ đến vị trí chiếc xe diễn hành chở Tổng thống Kennedy (được đánh dấu X trên mặt đường). Tay sát thủ với một cây súng trường Mannlicher-Carcano – mục tiêu là chiếc xe tổng thống với vận tốc rùa bò – khoảng cách chưa đầy 100 mét. Với một tay súng trường chẳng cần phải thiện nghệ, vẫn có thể bóp cò, nhắm bắn một cách… chính xác!
Hình minh họa đường đi của viên đạn bắn trúng Tổng thống Kennedy và Thống đốc Connally
Các nhân viên điều tra cho rằng, tay sát thủ Oswald (có thể) đã núp trên tầng Lầu Sáu lâu đến bốn ngày, mà chẳng bị ai quấy rầy. Chắc chắn, tên này đã quá rành đường đi nước bước của địa điểm này và nắm rõ lộ trình của Tổng thống. Ngoài cái vỏ đạn nằm kế 3 cái thùng sách mà tên giết người dùng để kê súng, cảnh sát còn tìm được một đống xương gà gần chỗ hắn nấp bắn. Chắc hẳn, trong lúc chờ đợi mục tiêu “JFK”, hắn đã lót dạ bằng những cái đùi gà “KFC”!
Một Ủy ban Ðiều tra đặc biệt do Tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson thành lập, kết luận Oswald là thủ phạm ám sát Tổng thống Kennedy.
Trong tuần, lúc nào cũng có những chuyến xe bus đi tour (xe có hình Kennedy) đưa du khách từ xa tới viếng địa điểm lịch sử này. Phó nhòm tôi tình cờ chụp được hình ảnh bà cụ người Việt chụp hình cho ông cụ trước đài tưởng niệm của cố Tổng thống Kennedy.
Tuy nhiên, những điểm mập mờ trong lời khai và cái chết của Oswald khiến dư luận Mỹ lúc đó có nhiều lời đồn đại về sát thủ thực sự và một âm mưu đen tối đằng sau. Oswald phủ nhận cáo buộc giết Tổng thống và khăng khăng tuyên bố mình bị hãm hại. Hai ngày sau vụ ám sát, nghi phạm này đã bị Jack Ruby, một tay chủ hộp đêm ở Dallas, bắn chết trên đường di chuyển từ sở cảnh sát đến nhà tù địa phương.
Những thước phim, hình ảnh đen/trắng của lịch sử – tôi xem lại, cảm giác cứ như một vụ thanh toán của Mafia trên màn ảnh!
Mô hình của FBI: Vì thời 1960 chưa có máy điện toán, Sở FBI đã phải cấu tạo một mô hình 3D của hiện trường để điều tra vụ án.
“Phát súng gây chết người êm ái”- vụ án thế kỷ vẫn còn nhiều bí ẩn. Nhiều giả thuyết cho rằng, vụ ám sát Kennedy là sự che đậy bí mật có thể có nhiều lý do: khám nghiệm tử thi không rõ ràng; chứng cớ bị thất lạc… Ðiều này, đủ làm bối rối Mật vụ Mỹ và gây sự nghi ngờ trong lòng quần chúng Mỹ rằng: FBI và CIA đã cố tình giấu nhẹm điều gì đó.
Có thể, tôi là người hay trăn trở bởi các giá trị lịch sử, nên tất cả những dữ liệu thường dễ được tiêu hóa trong tâm hồn. Những chi tiết đơn giản, như thể cái mũ của tay Jack Ruby được mua tại cửa tiệm James K. Wilson ở Dallas; hay cái dấu vân tay và khẩu trường của tên sát thủ Oswald… cũng lởn vởn trong tôi nhiều suy ngẫm.
Dấu tay sát thủ: Dấu tay của Oswald, lấy ngày 22 tháng 11, 1963, ăn khớp với những dấu tay ở địa điểm núp bắn và trên cây súng trường.
Tôi bước xuống đường, chụp thêm vài chi tiết hình ảnh. Một gã bán báo dạo, gắng giữ giọng rao sốt dẻo về cái tin tức đã quá vãng hàng mấy chục năm. Tôi móc túi 5 đô mua một tờ “The Dallas Morning News” in lại, chỉ để gợi nhớ đến một biến cố lịch sử khi tôi vẫn chưa oe oe chào đời.
Ðời sống, biết bao những sự việc bị bỏ sót, bị nhìn ngắm trong một lăng kính quen thuộc.
Nếu bạn nghĩ rằng đã hiểu điều gì, thì có thể bạn thực sự chẳng hiểu gì cả! Câu nói trên phù hợp với vụ ám sát Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy, cách đây hơn 50 năm về trước.
Góc nhìn từ cửa sổ: Góc nhìn từ ống kính của phóng viên Trẻ – chụp từ cửa sổ Lầu Sáu, nơi tên sát thủ đã bắn chết Kennedy. Bên dưới là góc đường Houston (bên trái) và Elm (bên phải). Một du khách (X) đứng chụp hình ở địa điểm dấu X (chính xác nơi Kennedy bị bắn).
Người bán báo: “Tin sốt dẻo, tin động trời. Đọc báo tại đây, 5 cents một tờ” (thời ấy!) Tờ “The Dallas Morning News” được in lại, và bán với giá 5 đô.
Đặng Mỹ Hạnh