Menu Close

“Tiếng hạc trong trăng!”

 

Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, soạn giả tuồng cải lương, nói chung, là những người làm văn nghệ, sáng tác ra một tác phẩm nào; bao giờ cũng chuyển tải theo một tư tưởng nhân bản về cuộc đời, về cách con người đối xử nhân hậu với nhau!

Nhớ những năm đầu thập niên 60, soạn giả Viễn Châu có sáng tác một bài ca vọng cổ “Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận” do danh ca Thanh Nhàn thâu dĩa nhựa, làm cho tác giả lẫn nghệ sĩ trình bày nổi danh khắp cả miền Nam.

Soạn giả Viễn Châu, tức nghệ sĩ đàn tranh Bảy Bá, quê xã Đôn Châu, quận Trà Cú, tỉnh Vĩnh Bình lên Sài Gòn lập nghiệp. Những lần về lại, thăm quê là ông phải qua Phà Mỹ Thuận, nối những bờ vui, Mỹ Tho và Vĩnh Long qua con sông Tiền. Nhà soạn giả tài danh nầy chú ý đến một người nghệ sĩ mù, chơi lục huyền cầm trên bến Bắc. Lần sau quay qua chốn cũ, người xưa đà mất dạng… Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!

tienghat trongtrang 01

Bích chương – NGUỒN YOUTUBE.COM

Viễn Châu lồng vào thân phận của người nghệ sĩ mù đó một số phận đắng cay, một mối tình tan vỡ: Khi anh ra thân tàn phế thì em (thiệt là tệ!) phụ rẫy người xưa đi lấy chồng giàu (?). Chu cha! Xưa giờ cũng vậy!

Anh chỉ còn là một người nghệ sĩ mù lòa trên bến Bắc, đánh đàn trên sông Mỹ Thuận, sống…nhờ lữ khách từ tâm qua đường cho chút tiền độ nhựt. Cám ơn!

“Trong một buổi chiều lặng gió/ áo não tiếng tơ đồng như oán, như than…

“Nhạn ơi! Anh ra thân tàn phế/ em thì về làm vợ người sang/ Đời em sống với bạc vàng/ còn anh làm kẻ đánh đàn ăn xin/ Em đi biệt dạng biệt hình/ hết ân, hết ái, hết tình, hết duyên/….Anh ôm đàn dạo lên lần cuối/ bản nhạc lòng dang dở năm xưa/ …Đó rồi anh mím chặt đôi môi/ đập vào cội cây cho đến nát tan chiếc đàn sương gió/  rồi nhảy xuống dòng sông giá lạnh/ đang mênh mang gợn sóng ba đào.”

Kết cuộc buồn như một câu vọng cổ, chàng nhạc sĩ mù lòa nầy tự trầm.

Thưa cách giải quyết như vậy là bi thảm quá! Nó bỏ mình đi lấy chồng giàu thì mình kiếm con khác. Nếu kiếm không được vì thân phận mù lòa… thì ở vậy… có chết thằng Tây nào đâu?! Thân thể mình là của cha mẹ sanh ra; cuộc đời mình là ân sủng của Trời đất thì ngu sao mà chết?!

(Bên Úc nầy, người chơi nhạc kiếm tiền độ nhựt trên đường phố, được ‘cáo sồ’ khuyến khích; được xã hội tôn trọng, coi như là một ‘busker’ (nghệ sĩ đường phố) thực sự. Chớ không có gọi họ, một cách khi dể, là ăn xin, ăn mày đâu nha!)

o O o

Thưa năm 1965, sân khấu cải lương Sài Gòn có trình diễn vở tuồng ‘Tiếng hạc trong trăng’ của đôi soạn giả Yên Ba và Loan Thảo. Đây là vở tuồng kiếm hiệp kỳ tình của xứ Phù Tang. Dĩ nhiên của Nhựt Bổn nên đào kép đều mặc đồ Nhựt Bổn hết ráo… cho nó lạ con mắt!

Nữ nghệ sĩ, sắc nước hương trời, Thanh Nga, trong vai cô gái mù Xuyên Lan, mặc áo kimono, mang guốc mộc, có che một cái dù tre, vẻ hình hoa anh đào, dùng cán dù xoay xoay để múa.

Nam nghệ sĩ Thành Được, xuất sắc trong vai Thy Đằng, tướng cướp một tay, múa gươm xoèn xoẹt, như  ‘hiệp sĩ mù nghe gió kiếm vậy!’

Yên Ba và Loan Thảo là hai soạn giả đi theo bước đường của đàn anh mình là Hà Triều Hoa Phượng. Vở  tuồng ‘Khi hoa anh đào nở’  ăn khách quá xá quà xa làm nên tên tuổi kép Thành Được trong vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn trên sân khấu đoàn Thúy Nga năm 1959. Cái gì ăn khách là mình làm nữa hè!

Với vai diễn xuất sắc nầy, Thành Được đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm của ông nhà báo kiêm chủ báo Trần Tấn Quốc và tuồng ‘Tiếng hạc trong trăng’ cũng được trao giải tuồng xuất sắc nhất năm 1966.

Thưa cốt truyện vở tuồng ‘Tiếng hạc trong trăng’ mà tui nhớ lỏm bỏm như vầy:

Bình Thiếu Quân (nghệ sĩ Việt Hùng) vâng lệnh phụ thân là Thần y Đông Trạch (nghệ sĩ Tám Vân) dẫn em gái mù Xuyên Lan (nghệ sĩ Thanh Nga) đi tìm Lý Bình Thanh (nghệ sĩ Hoàng Giang) và phu nhân (nghệ sĩ Kim Giác) để đưa thơ.

(Ngoài đời, Hoàng Giang và Kim Giác góp gạo thổi chung… tức hai vợ chồng)

Dọc đường, họ gặp tên cướp khét tiếng Thy Đằng(nghệ sĩ Thành Được), may nhờ có tráng sĩ  Tô Điền (nghệ sĩ Thanh Sang) ra tay giải cứu.

tienghat trongtrang 01

Soạn giả Viễn Châu – NGUỒN PHUNUONLINE.COM.VN

Tướng cướp Thy Đằng tìm đến Lý gia trang để gặp Lý phu nhân, nhắc lại chuyện ngày xưa bà đã thuê hắn giết chồng. Nhưng điều tướng cướp Thy Đằng muốn nhất là gặp lại vợ con đã thất lạc sau cuộc hỗn chiến ngày xưa.

Lý phu nhân cho biết con hắn đã được bà gửi cho Thần y Đông Trạch nuôi dưỡng vì đứa bé ấy bị mù.

Khi biết con gái mình chính là Xuyên Lan, Thy Đằng tự nguyện hiến đôi mắt của mình cho con. Ngày mở băng mắt, Xuyên Lan đau khổ khi biết ân nhân của mình lại là tên cướp khét tiếng mà không hề biết đó chính là cha ruột của mình.

Đoạn cuối, khi Xuyên Lan được Thần y Đông Trạch nhắc lại sơ yếu lý lịch của mình, họ tên và con của ai! Xuyên Lan biết được sự thật cha ruột là tướng cướp Thy Đằng đã cho con đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời, nhìn rõ đục trong, và sẽ vầy duyên cá nước cùng tráng sĩ Tô Điền. Sướng nhe!

Nam nghệ sĩ Thành Được xuất thần qua câu hát: “Cháu tôi đứa nào cũng dễ dạy, tụi nó có hai ông ngoại, chúng nói ông ngoại nầy móc mắt ông ngoại kia cho má tôi thấy đường”

Hát xong, Thy Đằng vĩnh biệt con gái yêu Xuyên Lan của mình, lần mò đi vào cánh gà mà trời tuyết đang rơi lã chã! Hình ảnh Thy Đằng rọi trên nền phông sân khấu như một kẻ cô đơn, như  ‘Tiếng hạc trong trăng!’

“Ò e Ro be đánh đu! Tazdan nhảy dù! Zoro bắn súng! Chết cha con ma nào đây làm tui hết hồn thằn lằn cụt đuôi!”

Bà con đi coi cải lương tới đoạn vãn nầy khóc quá xá! Cô Sáu, dì Bảy, em Hai, em Ba, coi xong tuồng rồi cứ tấm tức hoài! Tại sao Thy Đằng đã nhường đôi mắt của mình cho con gái yêu là Xuyên Lan rồi; còn đi bụi đời chi nữa để phải lấy cây kiếm quờ quạng lần mò dò đường. Mù lòa mà đi đâu cho khổ thân như vậy hổng biết nữa?!

Thưa lúc đó tui ‘bí’!… Biết trả lời sao? Tại hai ông soạn giả nầy muốn vậy mà.

Khi sáng tác, soạn giả là ông Trời. Muốn cho Thanh Nga mù là phải chịu mù. Cho Thành Được bị chém rụng hết một tay thì tướng cướp Thy Đằng phải cụt một cánh tay!

Rồi năm chục năm sau, tức là nửa thế kỷ, nước chảy qua cầu, đêm nay, viết bài nầy, tui lại tự hỏi tui: “Cha cái vụ hiến con mắt nầy, nền y học hiện đại giờ chưa thể làm được… mà soạn giả nói được là phải được… He he!”

Nhưng cái quan trọng nhứt, cái ý chánh của vở tuồng đã nêu cao được cái phụ tử tình thâm và một cái nhìn rất nhân bản về người khuyết tật, mù lòa.

o O o

Thưatui nghe nói xã hội trong nước bây giờ, người ta vô cảm lắm, lành lặn với nhau mà hở một cái là xách dao ra… lụi!  Lành lặn còn chơi nhau tới cạn tàu ráo máng như vậy… thì lòng nhân đâu mà đối xử đàng hoàng tử tế với những kẻ không may, những người khuyết tật mà theo thống kê cả nước sau chiến tranh lên tới 5, 7 triệu người!

Đứa nào làm cho miền Nam mình băng hoại cho đến nỗi nầy?!

Viễn Châu với ‘Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận’; Yên Ba và Loan Thảo với ‘Tiếng hạc trong trăng’ dạy cho người viết là tui một cái nhìn đúng đắn, để biết cách đối xử với những người không được may mắn như chúng ta.

Còn ai đó cho rằng :”Người khuyết tật phải gánh chịu số kiếp khuyết tật như vậy vì họ phải trả giá cho việc làm xấu xa ở kiếp trước…” Nói như vậy là nói bậy!

Muốn biết một xã hội văn minh hay không chỉ cần nhìn vào cách họ đối xử với người khuyết tật.  Chớ văn minh không phải chỉ là đi mượn nợ nước ngoài để xây thật nhiều cao ốc cho giống Singapore hay lên truyền hình dạy con nít cách nhồi chất nổ C4 vô cái bánh chưng mà giết ‘giặc’ Mỹ đâu nha mấy cha nội!

Đối xử với nhau cho ra cái giống người mới là cái việc cần làm ngay đó!

Đoàn Xuân Thu – Melbourne