Menu Close

Cái tô Bát Tràng

Thanh bị bạn bè, em út chế nhạo là gàn, thậm chí còn có đứa nói sàn sạt là “mát dây”, theo cái kiểu “già sanh tật; đất sanh cỏ”, khi hắn bắt đầu sưu tầm đồ cổ. Cái gì chớ cái miệng thị phi của thiên hạ có bao giờ mà hắn thèm để ý tới. Cái miệng của thiên hạ vốn không có dây chằng, và cái sự “cao chê ngỏng, thấp chê lùn; béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn phơi ra”, vốn là thường tình mà.

Vả chăng, bạn bè, em út của hắn phê bình đâu có sai. Không gàn sao mà trong nhà treo tranh cũ chỉ còn chừa cái trần nhà? Không gàn sao mà phòng nào cũng lỉnh kỉnh tam thứ thập vật, cái nào cũng bụi bám, có cái còn nhờn, còn mẻ? Không “mát dây” sao mà lâu lâu lại lấy ra một món gì đó, ngồi coi cho mãn nhãn rồi cười một mình? Không “mát dây” sao mà cái tượng bằng đất sét của Nam Mỹ, gãy tay gãy chưn, cũng bỏ bạc chục rước về, coi quý còn hơn là hột xoàn, cẩm thạch?

Một ông đàn anh của Thanh, tuổi tròm trèm tám chục, đã từng kêu lên: – Gớm, mới có tí tuổi đầu mà đã như ông già, vào nhà thấy toàn là đồ cổ.

Nói cho đúng, Thanh cũng hơn năm mươi rồi, ở tuần “tri thiên mệnh” rồi, chớ nào phải chỉ “có tí tuổi”. Và, chơi đồ cổ nào phải đợi tới lúc mấp mé miệng lỗ rồi mới chơi được…

cai to bat trang

Bảo Huân

Thanh vẫn luôn luôn nhớ rõ món đồ cổ đầu tiên mà hắn mua. Hôm ấy, sáng Thứ Bảy, nắng ấm trời êm, hắn cùng một đứa đàn em lang thang ở chợ trời Golden West. Đi chợ trời vốn là một cái thú của hắn, vừa được đi bộ dãn gân tiêu mỡ, vừa được ngắm ông đi qua bà đi lại, vừa được mua hàng rẻ, khỏi đóng thuế. Hàng có khi cũ, nhưng cũ người mới ta. Tình cờ, hắn thấy một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ, trong gian hàng của một ông da đen. Bức tượng đen mum, nặng trình trịch. Hắn săm soi. Tượng khắc thành hình như một gốc cây, có nhiều người, lớn có nhỏ có, đứng chen chúc nhau thành một chuỗi cao. Thích thích, Thanh hỏi giá. Ông lão da đen, đòi hai chục đô. Hắn ngần ngừ. Ông lão liền tiếp:

– Đây là một món đồ cổ.

Hắn có hơi ngạc nhiên, nhíu mày, hỏi gặng:

– Bao nhiêu năm rồi mà ông nói là cổ?

Ông lão nói chắc:

– Trước nữa thì tôi không biết, nhưng tôi đã giữ nó hơn bốn mươi năm.

Thanh nhún vai:

– Mới hơn bốn mươi năm mà cổ cái gì?

Ông lão giải thích:

– Nè, anh bạn, nước Mỹ lập quốc chỉ mới hai trăm năm. Một món đồ được giữ trên bốn mươi năm, trong một xứ sở chỉ có mới hai trăm năm, anh không cho là cổ sao?

Giọng điệu của ông lão có hơi chua chát:

– Những món đồ cổ vài ngàn năm, vài trăm năm, được đem vào đất nước nầy thì đâu có tới phần tôi với anh.

Thanh chưng hửng vì bất ngờ được nghe điều lý thú. Hắn tò mò hỏi về ý nghĩa của pho tượng. Ông lão nói một cách trịnh trọng như là người thầy giáo giảng bài cho học trò:

– Đây là một cái “cây gia tộc”. Anh thấy không? Những người trong cùng một gia tộc, xúm xít, nối tiếp nhau, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, như một cây sống mãi, không bao giờ bị tàn rụi.

Ông buồn buồn:

– Những người da đen chúng tôi mang bức tượng nầy đến đây. Nhưng, ở xứ sở nầy, “cây gia tộc” của chúng tôi điêu tàn.

Ông vỗ vai Thanh:

– Anh bạn, tôi bán cho anh mười đồng đó.

Giọng ông chùng hẳn lại:

– Tôi gần chết rồi. Tôi biết chắc là mấy đứa con, đứa cháu tôi sẽ vứt bỏ nó đi, cũng như tụi nó đã không còn coi “cây gia tộc” có trị giá gì. Thà là tôi bán cho một người biết thích nó.

Thanh bỏ ra mười đồng, ôm được trong tay một vật quý và quý nhứt là những điều mà hắn nghe được từ ông lão da đen. Về loại gỗ dùng để làm nên bức tượng, sau nầy, nhờ làm bạn với một thanh niên da đen, Thanh mới được nghe giải thích:

– Tượng nầy bằng gỗ “mahony”. Đây là một loại gỗ quý ở Phi Châu. Phải mất tới sáu chục năm thì cây mới có lõi đen để làm thành tượng được. Trước đây, ở Kenya, ở Tanzania, loại gỗ nầy mọc nhiều. Nhưng tình trạng phá rừng ở Phi Châu, như anh biết rồi đó, khiến cho cây đã quý càng trở nên hiếm.

Từ sau lần mua bức tượng đầu tiên đó, Thanh đâm ra thấy chơi đồ cổ cũng không khó gì mấy. Ừ, nước Việt Nam lập quốc hơn bốn ngàn năm, được coi là cổ. Ít nhứt, món đồ cũng phải vài trăm năm. Còn ở xứ Huê Kỳ nầy, lịch sử chỉ hai trăm năm, vậy thì món đồ độ hai, ba chục năm cũng được coi là cổ rồi. Bài học của ông lão da đen coi vậy mà dễ nuốt. Thanh quý bức tượng mua được đầu tiên nầy lắm, hắn không ngăn được xót xa. “Cây dân tộc” tưởng không bao giờ tàn rụi, nhưng lưu lạc làm chi tới xứ sở nầy để rồi phải điêu tàn? Hắn xót xa là vì thân hắn cũng lưu lạc đến xứ sở nầy.

Từ đó, hắn rước về nhà không biết bao nhiêu là những “kẻ” lưu lạc. Cô vũ nữ bằng đồng đã đóng ten đen nầy. Thân hình cô mềm mại ẻo lả. Vòng số một của cô vun chùng. Vòng số hai của cô thon gọn. Vòng số ba của cô tròn trịa. Cô đội mão như ngọn lửa cháy. Cô đeo nữ trang đầy ngực. Xiêm y sang trọng của cô, chắc cũng được may bằng gấm vóc, lượt là chi đây. Hoàng cung Thái Lan sao cô không ở? Bước gian truân nào mà cô phải chen vai thích cánh với ba thứ đồ lâm vố của người Mễ ở chợ trời San Bernadino?

Còn ông, ông Phật Tổ bằng kim loại đen. Sau lưng của ông có đóng dấu hai chữ “Quốc Bửu” rõ ràng. Vật quý của nước, cớ sao chùa chiền huy hoắc trang nghiêm bên Nhựt, xứ sở của ông, ông không ngồi, ông lại ngồi trong một tiệm bán đồ “lạc – xoong” ở đường Garden Grove? Mà, cơ khổ thì thôi, người ta định giá ông chỉ có một đồng rưỡi.

Rồi, còn anh nữa, anh nông phu bằng gỗ gỏ nâu đen, chắc nịch. Đầu anh đội nón chóp, vai anh vác cày. Đồng ruộng xứ sở Phi Luật Tân, đã từng nổi tiếng là thành công trong cách mạng xanh, sao anh không lo canh tác, lại trôi nổi qua cái xứ người ta chỉ chuyên sử dụng máy cày?

Còn anh Mễ bằng đá nầy, anh đội nón “sombéro” rộng vành, ngồi khoanh tay rế. Đầu anh gục xuống gối, nón che hết mặt, không biết tuổi tác anh bao nhiêu. Sau lưng anh là cây xương rồng. Ngó dáng anh, thấy cả một nỗi sầu thiên cổ. Không lẽ, anh ôm nỗi sầu nầy rêu rao khắp thế giới sao?…

Nhìn vào mỗi một bức tượng rước về, Thanh như đọc thấy một tâm sự. Đôi khi hắn bật cười. Gỗ đá vô tri, nào có tâm sự gì. Có tâm sự chăng là trìu trĩu tấc lòng của hắn vậy thôi. Lẩn thẩn như vậy, người ta kêu là gàn, đúng quá rồi chứ còn chạy chối chỗ nào nữa.

o O o

Thanh có một cái tô bằng đất, mà bất kỳ khách nào đến nhà, hắn cũng khoe.

Về chén, bát, dĩa, tô, Việt Nam vẫn thường chia ra hai loại: đồ kiểu và đồ đá. Tất cả đều làm bằng đất sét, nhưng đồ kiểu thì làm bằng loại đất sét trắng, trắng muốt, mỏng manh, nhẹ tơn do bên Tàu sản xuất. Còn đồ đá thì làm bằng loại đất sét thường, dầu súc, nặng trịch.

Cái tô của Thanh chỉ là một cái tô đá. Nó về tay hắn trong khi nhà hắn đã chứa đầy những đồ kiểu từ các lò danh tiếng của Tàu, của Nhựt, của Anh, của Đức, của Pháp… Khi rước cái tô đá nầy về nhà, Thanh tìm ngay cho nó một cái chưn bằng gỗ tiện sắc sảo và để cho nó “ngự ” trên cái bệ bên cạnh bàn làm việc, để mỗi khi ngồi vào bàn, chỉ cần liếc mắt, hắn có thể nhìn thấy.

Có người, khi được Thanh khoe cái tô, đã bĩu môi:

– Cái tô xấu hoắc, giống như của mấy bà bán bún riêu, bún ốc ở Việt Nam, có gì đâu mà quý. Hớn hở khoe vật quý, bị chê như tạt nước vô mặt, Thanh không giận. Người ta nói đúng quá rồi chứ còn cái gì nữa. Tô chỉ là thứ đồ của mấy bà bán bún ốc, bún riêu.

Có người còn ngạc nhiên:

– Nghĩ cũng lạ cho ông, cái tô nặng trình trịch, không có điểm gì đặc biệt, mà quý cái nỗi gì? Người nầy nói cũng đúng luôn. Cái tô đá mà, làm sao mỏng mảnh, nhẹ nhàng như tô kiểu được. Một vết mẻ, bằng hột bắp ở khu tô, lòi ra cái cốt thai xám xịt, tố cáo tô chỉ được làm bằng một loại đất sét thô, rẻ tiền.

Có thằng còn cười ngạo:

– Cái tô nầy đem bỏ ngoài đường, tui có thấy cũng không thèm lượm.

Nó nói không sai. Vợ đầu ấp tay gối gần hai chục năm, con bốn đứa, gái có trai có, nó còn đành đoạn bỏ cái rụp để chạy theo một gái nạ dòng có của, thì sá gì cái tô mẻ nằm bên vệ đường mà nó thèm lượm.

Có người, hoặc cẩn thận, hoặc muốn chiều lòng chủ nhà, khi được giới thiệu cái tô đã cầm lên, quan sát kỹ lưỡng, rồi gật gù:

– Những nét vẽ trong tô thật mềm mại, phóng túng mà hết sức đặc biệt, không giống như những nét vẽ trên đồ sứ của Tàu, của Nhựt.

Tay nầy coi bộ lù khù mà có óc quan sát. Giống Tàu, giống Nhựt sao được khi tô nầy được sản xuất tại Việt Nam, do những thợ thủ công Việt Nam nhào nặn và được các nghệ nhơn Việt Nam vẽ vời. Nó là một cái tô được sản xuất tại làng Bát Tràng. Làng Bát Tràng đã đi vào văn chương Việt Nam với câu ca dao trữ tình bất hủ:

Trên trời có đám mây xanh
Chính giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Có rửa thì rửa chân tay
Đừng rửa chân mày chết cá ao anh

Câu ca dao nầy, Thanh đã từng nghe và đã thuộc lòng đâu từ hồi còn nhỏ xíu. Hắn cũng biết rằng làng Bát Tràng là nơi chuyên môn sản xuất đồ gốm. Vậy mà, tới năm mươi tuổi có dư, hắn mới được cầm trong tay một cái tô đất chánh gốc Bát Tràng.

Cái tô, đường kính ở miệng độ hai tấc và đường kính của khu tô đo được năm phân, chiều cao độ tám phân. Từ năm phân ở đáy, cái tô tỏa ra từ từ để trở thành hai tấc rộng ở miệng, một cách uyển chuyển như hai bàn tay bụm lại. Dĩ nhiên, phải là hai bàn tay đẹp, chớ không phải là thứ tay dùi đục rồi. Nước men của tô trắng xám, theo cái kiểu ăn chắc mặc bền, chớ không bóng bẩy, lồ lộ “tinh anh phát tiết ra ngoài”. Chung quanh miệng tô, ở bên trong, chung quanh khu tô được trang trí bằng những cánh sen. Mới ngó thì thấy các cánh sen nầy, cái nào cũng giống cái nấy. Nhưng, khi quan sát thật kỹ, sẽ thấy không cánh sen nào hoàn toàn giống cánh sen nào. Điều nầy chứng tỏ rằng người nghệ sĩ đã dùng tay vẽ từng cánh sen một cách công phu, chứ không dùng một cái đã in sẵn.

Đáy tô là một cái hoa hướng dương mười bốn cánh. Thành tô, ở bên ngoài là hai con chim phượng đang múa giữa những đóa phù vân; ở bên trong, một rồng một phượng. Rồng thì đạp mây tung gió đang hí châu, kiến thủ kiến vĩ, không thấy khúc lưng. Còn phượng thì đang vỗ cánh, miệng ngậm những sợi tơ, đầu sợi tơ là những mảnh hoa tiên được cột lại, như đang mang đến tin mừng. Tất cả những hình vẽ, hình trang trí trên cái tô đều mang màu xanh lam, nét đậm nét lợt cân phân, nét nào ra nét nấy, không lem luốc loang lổ.

Nhơn người bạn lù khù nhưng có óc quan sát nói một câu nghe mát lỗ tai, Thanh soạn sành ra mấy món đồ gốm của Tàu, của Nhựt, có hình rồng, hình phượng, để cả hai cùng nhau so sánh. Rồng, phượng trên những món nầy, thì cũng gọi là rồng, phượng vậy, vì có ai đã từng thấy con rồng, con phượng tận mắt bao giờ, vẽ theo một mẫu mực có sẵn, cứng ngắc mà lại thô kệch, khác xa với rồng phượng uyển chuyển, thanh tao trên tô Bát Tràng. Đây là nhận xét của người bạn lù khù, chớ không phải tự Thanh khen dồi món vật mà hắn có trong tay. Dĩ nhiên, nhận xét này làm cho hắn mát lòng mát dạ…

Đối với Thanh, cái tô không phải chỉ quý ở bấy nhiêu đó, mà còn quý ở cái chỗ xuất xứ ở cái tô…

Số là Thanh có làm bạn, rất thân với một cặp vợ chồng. Anh chồng, Huy, một thời đã cầm súng xông pha nơi chiến trường. Súng bị gãy, anh quay qua cầm bút. Chỉ cần một tác phẩm cũng đủ làm cho anh nổi tiếng. Khổ một nỗi, tuy ở trong chốn văn chương nhưng anh lại xa lạ với tất cả cái thú chơi tao nhã của những văn nhơn thi sĩ ngày xưa. Đem cái thú phong, hoa, tuyết, nguyệt ra nói với anh, thà là vén quần, nói với đầu gối. Có hào hứng chăng là anh nói tới những bông hoa biết nói. Còn cái thú cầm, kỳ, thi, tửu, anh chỉ mặn món thứ tư, mặn tới nỗi có thành tích là lịnh tòa án cấm lái xe một năm dài. Tướng mạo anh thì coi bộ râu ria dữ dằn, nhưng tánh anh hiền khô, chơi với anh, không sợ bị bỏ chưn chèo hay bị đá giò lái. Những cái thú như trồng cây kiểng, sưu tập tranh, Thanh chỉ có thể chia sẻ với vợ anh, chị Minh. Thanh vẫn thường nói rằng:

– Những chuyện nầy nói với ông chán chết.

Anh chỉ nhe răng cười hề hề.

Chị Minh là một phụ nữ mềm mỏng, tế nhị. Không viết văn, nhưng chị có khả năng thưởng thức và nhận xét về văn chương. Chị say mê thú trồng cây trồng kiểng. Phải thấy chị nưng niu từng lá lan, lá quỳnh, hay chăm sóc từng cành mai, cành ngâu, mới biết được sự say mê của chị đến đâu. Thanh với chị vẫn thường trao đổi cho nhau những hiểu biết về các loại thảo mộc và tặng cho nhau những cây kiểng người nầy có mà người kia chưa có.

Ngoài cây kiểng, chị Minh còn thích thú sưu tập những tượng điêu khắc bằng đất hoặc bằng gỗ. Chính chị đã chia cho Thanh hai cái tượng nhỏ bằng đất nung, một là thằng bờm đang cười toe toét, hí hửng cầm nắm xôi và cái kia là phú ông cầm cây quạt mo. Hai bức tượng nhỏ nầy Thanh rất quý, vì chúng nhắc nhở lại cho hắn cái thời còn nghêu ngao: “Thằng bờm có cái quạt mo…” Và, cũng chính chị là người đã tặng cái tô đá Bát Tràng cho Thanh. Cái tô đá đơn sơ nhưng có một lý lịch dài dòng. Nó được làm tại làng Bát Tràng. Nó theo chưn những người buôn đồ gốm ra chợ Đồng Xuân. Nó được bà ngoại của chị Minh mua đem về làng Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Khi mẹ của chị Minh di cư vào Nam, nó trở thành một món kỷ niệm của một bà mẹ già tặng cho con gái trong ngày chia tay mà không biết đến bao giờ mới gặp lại… Và, một lần nữa, nó trở thành ra một trong những món kỷ niệm mà chị Minh được mẹ tặng khi chị rời đất nước. Sang Mỹ, chị Minh và một người em mang theo được sáu cái tô Bát Tràng. Ba cái theo em chị, lưu lạc qua Chicago. Ba cái theo chị, nằm ở Tustin. Thấy Thanh lậm đồ cổ, chị đã hào sảng tặng cho hắn một cái.

o O o

Cái tô “xấu hoắc”, giống như của mấy bà bán bún riêu, bún ốc ở Việt Nam. Cái tô “nặng trình trịch, không có gì đặc biệt”. Cái tô “đem bỏ ngoài đường cũng không ai thèm lượm”. Nhưng đối với Thanh, nó quý biết bao. Thanh coi nó vô giá. Hột xoàn, cho dù có lớn bằng hột mù u, có tiền, còn mua được. Cái tô nầy có ai bán mà hòng mua. Nội cái nỗi lưu lạc của nó không thôi cũng đáng giá lắm rồi. Từ Bát Tràng, nó về chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Rồi từ đó, nó bắt đầu con đường lưu lạc, hết Bình Lục, Hà Nam, vô tới Sài Gòn. Tưởng đã yên, nó còn trôi nổi qua tận cái xứ nằm cách nửa vòng trái đất nầy. Rồi cuối cùng, nó tạm dừng chưn ở cái xứ sa mạc, nắng bốc lửa, lạnh thấu xương. Mà rồi, đã chắc là yên đâu. Cái thân của Thanh còn hứa hẹn nhiều trôi nổi, thì làm sao nó ở yên được? Cái tô, chỉ trên dưới có sáu mươi năm, nhưng nó chứa đựng trong đó tình cảm lưu liên của ba thế hệ. Và tới Thanh, nó đã chuyển qua bốn đời chủ.

Mỗi lần ngắm cái tô, Thanh tủm tỉm cười một mình. Nỗi lưu lạc của hắn, so với bước lưu lạc của cái tô, nào có thấm tháp gì. Cái cây “gia tộc” của ông lão da đen, rồi cũng phải đem ra chợ trời bày bán. Người chủ đáng thương của nó biết chắc rằng sau khi ông ta chết, sẽ không còn ai, thân thiết trong trực hệ của ông quý báu nó nữa. Bốn mươi năm, nhưng chỉ được trân quý có một thế hệ.

Còn cái tô Bát Tràng nầy, đơn sơ, mộc mạc hơn nhưng là vật kỷ niệm của ba thế hệ mẹ con. Nó có linh hồn. Thanh biết rằng, cho dù có quý tới đâu, hắn cũng không phải là người chủ cuối cùng của cái tô. Hắn lo sợ cho bước đường gian truân kế tiếp mà cái tô sẽ phải gánh chịu. Thanh sống cu ky “vợ con không có, mèo chó cũng không”, một mai khi hắn chết rồi, cái tô quý báu tình cảm lưu liên, có linh hồn nầy rồi sẽ lọt vào tay ai? Hay là, nó sẽ bị “bỏ ngoài đường, không ai thèm lượm”. Hoặc, nó sẽ lưu lạc ra tiệm bán “lạc xoong”, ra chợ trời như cô vũ nữ Thái Lan, như ông Phật Tổ đồng đen “Quốc Bửu”. Thanh ao ước một điều, là một ngày nào đó, những người Việt lưu lạc sẽ có một nơi để ghi dấu chứng tích lưu lạc của mình. Lúc đó, hắn sẽ đem cái tô Bát Tràng đến, để trong lồng kính để trưng bày. Còn dấu tích nào rõ ràng và quý báu hơn về sự lưu lạc của người Việt Nam bằng cái tô mộc mạc nầy…

NDL