Đây là lần thứ ba tôi có dịp tham dự Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) gồm các bạn trẻ thuộc thế hệ từ 1.5 tổ chức. Đây là kỳ đại hội thứ tám của Việt Film Fest, kể từ kỳ đại hội đầu tiên vào năm 2003. Và cũng kể từ năm ngoái, đại hội thay vì hai năm một kỳ đã trở thành thường niên. Và khác với mọi năm, năm nay mọi buổi sinh hoạt và chiếu phim cùng diễn ra tại cùng một địa điểm, đó là rạp UltraLuxe Cinemas tại thành phố Anaheim, California, thay vì rải rác tại các địa điểm khác nhau trong Quận Cam, nơi tập trung đông đảo người Việt nhất tại Hoa Kỳ, như mấy kỳ trước.
Đêm ra mắt của đại hội, từ trái, đồng giám đốc điều hành Viet Film Fest 2015 Giana Nguyễn Foster và Thúy Võ-Đặng; cô Dina Đinh, đại diện nhà băng Wells Fargo, nhà tài trợ chính của Viet Film Fest 2015; và hai đồng giám đốc nghệ thuật Lê Đình Ysa và Trâm Lê. Ảnh Trùng Dương
Kỳ 1
Cảm giác đầu tiên, như mỗi lần có dịp tham dự các đại hội của giới trẻ Mỹ gốc Việt, là sự tổ chức chu đáo, quy củ, như của bất kỳ đại hội có tính chuyên nghiệp nào tại Mỹ mà tôi đã có dịp tham dự, với sự đóng góp của nhiều tình nguyện viên thuộc thế hệ người Mỹ gốc Việt thứ hai, ra đời và lớn lên tại Mỹ. Nghe vài em tình nguyện trọ trẹ tiếng Việt trả lời những câu hỏi rất thông thường, tôi không khỏi mỉm cười và thường chuyển sang tiếng Anh cho các em được tự nhiên thoải mái.
Bích chương Đại hội Điện ảnh Việt Film Fest 2015.
Tiêu chuẩn tuyển chọn để trình chiếu của VFF là phim do người Việt hay gốc Việt thực hiện, hoặc do người không cùng chủng tộc nhưng khai thác đề tài liên quan đến văn hoá và đời sống Việt ở trong hay ngoài Việt Nam. Tổng số 31 phim (10 phim dài, còn gọi là feature, và 21 phim ngắn đủ thể loại, từ truyện tới ký sự, tài liệu) được trình chiếu, gồm những phim được thực hiện tại Việt Nam, Úc, Canada, Nhật, Brazil và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì ngay cả những đạo diễn gốc Việt, như Charlie Nguyễn (phim “Food for Love – Để Mai Tính 2”), Hàm Trần (“Hollow – Đoạt Hồn”), Cường Ngô (“Rise – Hương Ga”), Siu Pham (“Homostratus – Mother’s Room”), và Nguyễn Võ Nghiêm Minh (“Nước 2030”), có phim dài/feature (trên 90 phút) trình chiếu trong đại hội năm nay cũng được thực hiện tại Việt Nam vì những lý do thực tế, trong đó phải kể tới việc làm phim ở Việt Nam ít tốn kém. Vì thế cho nên, trên nguyên tắc, phim của họ trở thành phim phát xuất từ Việt Nam, gồm 18 cuốn (trên tổng số 31), vừa ngắn vừa dài, kể cả hai phim VN đồng sản xuất với một hay vài quốc gia khác.
Do đấy, người tham dự đại hội không khỏi có cảm tưởng là phim từ VN đang… “xâm lấn” Đại hội Điện ảnh của giới trẻ hải ngoại. Đó cũng là quan tâm lúc ban đầu của tôi. Tuy nhiên, niềm quan ngại đó không ở lâu với tôi, lý do tôi sẽ đề cập tới ở những phần sau.
Nhìn chung – trừ phim “Đất Khổ,” do Hà Thúc Cần đạo diễn sản xuất tại Nam Việt Nam từ 1973 nhưng bị kiểm duyệt cấm chiếu vì mầu sắc “phản chiến” của nó, còn khá yếu kém về cả nội dung, cách xây dựng nhân vật và kỹ thuật dàn dựng, nhưng mang một giá trị lịch sử về một giai đoạn và tâm trạng của Miền Nam trước 1975 – còn phần lớn các phim ngắn và dài tại VFF 2015 cho thấy một trình độ kỹ thuật khá chuyên nghiệp, nói lên sự trưởng thành của các nhà làm phim Việt hải ngoại và trong nước. Một số nhà làm phim còn cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ điện ảnh của họ khá nhuyễn khi họ dùng phần lớn hình ảnh để kể chuyện, với rất ít đối thoại hay lời dẫn (narration).
Một cảnh trong phim “Nước 2030” khi vùng đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ bị ngập nước biển do khí hậu biến đổi. Ảnh WWW.nuoc2030.com
Một trong những phim có ngôn ngữ điện ảnh mà tôi cho là rất tới, đó là phim ngắn “Mùi,” 23 phút, của Lê Bảo, sản xuất tại Việt Nam. Phim vừa mang tính truyện, vừa phóng sự, mô tả cảnh một cô gái không nhà, đang mang thai sắp tới ngày sinh, sống trong một cái thuyền thúng tại một thôn xóm nhà sàn chen chúc đâu đó quanh vùng Sàigòn, có cái cao tới ba tầng lêu khêu vá víu đắp đụp trên những cột gỗ mong manh, trong một con lạch nước đọng như ao tù, lềnh bềnh những rác rưởi, nói lên một trình trạng nghèo nàn cùng tột, với những con người lam lũ và những cặp mắt nhìn trống rỗng, vô tình đến gần như vô hồn. Kinh hoàng hơn cả là việc mua bán hài nhi của những phụ nữ độc thân bụng mang dạ chửa không nhà, như Mùi, và đây là đề tài chính của phim ngắn này, hầu như được diễn tả hoàn toàn qua ngôn ngữ điện ảnh – hình ảnh.
Những kỳ đại hội của Việt Film Fest nói chung đã cho tôi dịp biết về những mảnh đời Việt Nam đã bám trụ tại hoặc còn trôi nổi ở nhiều quốc gia trên thế giới, hoặc đang lưu đày ngay tại chính quê hương mình. Những người trẻ Việt đã lớn lên hay sinh ra và trưởng thành tại các quốc gia ngoài Việt Nam đa số đã không còn nói hay đọc và hiểu được tiếng Việt. Qua ngôn ngữ hình ảnh có tính hoàn vũ (universal) của điện ảnh, họ đã diễn tả những suy cảm của họ để những người khác ngôn ngữ hiểu được lòng họ; và cũng qua ngôn ngữ hoàn vũ ấy, họ có dịp hiểu biết thêm về nguồn gốc của mình. Tôi nhớ tới mấy câu thơ của Viên Linh trong tập “Thủy Mộ Quan” xuất bản đầu thập niên 1980 – Sinh ở đâu mà dạt bốn phương / Trăm con cười nói tiếng trăm dòng / Ngày mai nếu trở về quê cũ / Hy vọng ta còn tiếng khóc chung. “Tiếng khóc chung” đối với nhà thơ là chung niềm ưu tư về vận mệnh đất nước dân tộc. Nhưng tôi nghĩ đó cũng chính là ngôn ngữ điện ảnh có khả năng vượt lên trên những tiếng nói và chữ viết khác nhau mà những người trẻ Việt hải ngoại chọn để chuyển đạt tâm tư mình.
Trong bài ngắn này, do một lý do hoàn toàn chủ quan, tôi sẽ điểm phim khai mạc đại hội VFF, “Nước 2030”; phim bế mạc đồng thời là phim được chọn là Phim Truyện Hay Nhất, “Đập Cánh Giữa Không Trung”; và phim ngắn được khán giả chọn là Phim Ngắn Hay Nhất, “Võ Sư Hoá Đi Tìm Mộ – Master Hoa’s Requiem.” Điều đó không có nghĩa là những phim được trình chiếu khác không có giá trị riêng của chúng.
‘Nước 2030’ khai mạc VFF: phim dự đoán tương lai, song cũng phản ảnh cái lạnh lùng, ai-chết-mặc-ai của xã hội Việt Nam đương đại.
Trên, bản đồ interactive map của tạp chí National Geographic cho thấy toàn khu vực Saigon sẽ bị chìm dưới nước biển. Hội nghị quốc tế “Hạ tầng nước và các thách thức trong biến đổi khí hậu,” tháng 11 năm 2014 tại Cần Thơ, dự báo vào năm 2030, 40% khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập nước biển không trồng trọt gì được. Tài liệu National Geographic
Đây là phim dài 98 phút, do Nguyễn Võ Nghiêm Minh thực hiện tại Việt Nam. Tôi bị lôi cuốn bởi đề tài của phim này vì hai lý do chính: tôi đã xem và rất thích phim trước đó của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, phim “Buffalo Boy – Mùa Len Trâu” (2005). Tôi đã mua một DVD phim này mà sau đó tặng lại cho một thư viện của thành phố nhỏ tôi đang ở hồi ấy để giới thiệu đến họ một nét đặc thù của văn hoá Miền Nam. Tôi cũng đã xem lại phim này trước khi đi xem phim “Nước.” Lý do thứ hai là vì mối quan tâm tới môi trường của tôi, và phim “Nước” lấy bối cảnh dự báo về ảnh hưởng khí hậu biến đổi tới môi trường Miền Nam trong vài thập niên tới.
Hiện tượng khí hậu biến đổi có thể ảnh hưởng tiêu cực tới vùng đồng bằng sông Cửu Long, do đấy đời sống kinh tế của Việt Nam, không phải là chuyện mới mẻ. Vào tháng 9 năm 2013, tạp chí National Geographic xuất bản một số đặc biệt về hiện tượng băng rã, trong đó có một bản đồ interactive, cho thấy, nếu nhân loại cứ thản nhiên tiêu thụ và nhả chất độc carbon vào bầu khí quyển thì, thay vì phải mất 5,000 năm để băng tan hết dâng nước biển lên 216 feet (66 mét), ngập tới nửa người của pho tượng Nữ Thần Tự Do, biểu tượng của Hoa Kỳ và của thành phố New York, thì tình trạng nước biển sẽ dâng cao bao phủ nhiều thành phố ven biển sớm hơn, trong đó có nguyên vùng Saigon của chúng ta.(*) Hiện nay đã có nhiều hòn đảo quốc gia (island states) ở phía nam Thái Bình Dương đang chứng kiến đất nước của họ bị nước biển đe dọa, và đã nhiều năm qua lên tiếng cầu cứu tại Liên Hiệp Quốc.
Cuối năm ngoái, tại cuộc hội thảo quốc tế tại Cần Thơ có chủ đề “Hạ tầng nước và các thách thức trong biến đổi khí hậu,” các chuyên gia đã đưa ra dự báo có tính khẩn cấp hơn: đó là 45% diện tích của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất hơn 50% sản lượng lúa gạo của cả nước, chưa kể những sản phẩm nông nghiệp và hải sản khác, sẽ bị ngập nước mặn vào năm 2030.
Phim “Nước” mở đầu với dự báo về năm 2030 đó. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh trong phần giới thiệu cuốn phim được VFF chọn để khai mạc đại hội cho biết, khác với lời giới thiệu trong bản chương trình đại hội, phim “Nước” không phải là một truyện khoa học giả tưởng mà là một phim dự báo (speculation) lồng trong một vụ án mạng và một chuyện tình. Bối cảnh là một Miền Nam ngập dưới nước biển (trừ vùng Sàigòn, vì có những cảnh trên đường phố bình thường vào khoảng giữa phim), chỉ có một số nhỏ sống sót, tồn tại bằng việc đánh cá trong một vùng biển cũng đã cạn kiệt, không còn bao nhiêu cá, bên những trang trại nổi của các đại công ty quốc tế lạnh lùng, kín cổng cao tường, canh gác cẩn mật với những máy quay phim canh chừng.
Phim bắt đầu với cảnh nhân vật chính, Sáo, đi nhận xác chồng, một nhân viên mới của một trại nổi bị chết một cách bí mật. Sau khi người em trai chồng trở về thăm mộ anh, đúng ra là một quan tài bằng sắt được chằng cột dưới sàn biển, rồi tới trại nổi mong tìm ra nguyên do cái chết của anh và bị công an bắt đem đi biệt, Sáo quyết định tiếp tục việc làm dở chừng của em chồng. Cô xin và được nhận vào làm việc trong trại nổi. Tại đây, Sáo khám phá ra việc chính của trại là sử dụng kỹ thuật di truyền (genetic engineering) nhằm biến đổi để tạo giống cây mới. Bên cạnh đó, cô khám phá ra viên giám đốc trẻ đồng thời là một khoa học gia, Giang, nguyên là người yêu cũ của cô khi anh ta từ Saigon về nghiên cứu về một loại rong biển có thể sống trong cả ở nước ngọt và mặn. Chính Sáo đã giúp anh tìm ra loại cây này. Sau đó, Giang xuất ngoại tu nghiệp và Sáo mất liên lạc với anh ta. Đồng thời Sáo cũng khám phá chồng của cô bị giết không phải vì ăn vụng rau như người ta gán cho anh, mà vì anh ta đã cất giữ một ống đựng hạt giống quan trọng. Đứng giữa việc làm sáng tỏ cái chết của chồng và việc người yêu cũ có thể là kẻ chủ mưu thanh toán chồng mình, Sáo thấy mình đối diện với một chọn lựa khắc nghiệt.
Vì bối cảnh thời gian của “Nước 2030” là… năm 2030, một chuyện tuy gần mà xa, một thứ viễn tượng, nên khán giả khó thấy mình “nhập” vào được với phim, mặc dù sự dàn dựng công phu, lạ và đẹp, nhiều tính sáng tạo, như nhận xét của chị bạn cùng đi xem phim với tôi. Tôi không khỏi so sánh “Nước” với phim trước đó của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đó là “Mùa Len Trâu,” với cùng một bối cảnh trời nước bao la, như thể đó là mối ám ảnh của người đạo diễn 59 tuổi này. Nếu “Mùa Len Trâu” để lại trong tôi cái cảm giác ấm áp về những nhân vật đầy tình người, biết chuộng chữ tín, mặc dù trong một bối cảnh của đời sống khó khăn, nghiệt ngã; thì “Nước” không cho tôi được cảm giác đó. Mà thay vào đó là một ấn tượng về một xã hội bất công, lạnh lùng, trong đó chỉ một thiểu số những kẻ quyền thế và nhiều móc nối mới có được đời sống đầy đủ, sung túc trên những đau khổ của đám đông.
Tôi chợt nhận ra: Chẳng phải đó chính là xã hội Việt Nam hiện thời, đây sao? Lạnh lùng, vô cảm trước những mảnh đời nổi trôi trong nghèo túng, bấp bênh, hoang mang, vô vọng. Tưởng tượng nó sẽ còn như thế nào nữa khi 2030 xảy ra?
Cũng trong bối cảnh về những mảnh đời trôi nổi, vô định ấy là nội dung của phim bế mạc Đại hội Điện ảnh VFF năm nay, phim “Đập cánh giữa không trung – Flapping in the middle of nowhere” của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Diệp, đồng sản xuất giữa Việt Nam, Pháp, Na Uy, và Đức.
Kỳ 2:
Bế mạc đại hội