Hồi tuần trước, hầu như giới truyền thông trong nước đều đồng loạt đưa tít đại loại kiểu “Giáo dục phổ thông Việt Nam đứng hạng 12, vượt qua Anh, Mỹ” (Tuổi Trẻ). Trong khi liên tục đưa tin về tình trạng yếu kém của nền giáo dục nước nhà từ nhiều năm qua, báo chí Việt Nam dường như tự mâu thuẫn với cách diễn giải sai lệch và thổi phồng về kết quả một cuộc thi trắc nghiệm toán và khoa học dành cho học sinh ở độ tuổi 15 là PISA (Program for International Student Assessment). Nhân sự kiện này, chuyên mục một lần nữa điểm lại những khác biệt và giới hạn giữa hai kiểu giáo dục phương Tây và Châu Á để tạo ra những khuôn mẫu học sinh khác nhau như thế nào. Không chỉ riêng tại Việt Nam, mà ngay chính tại Hoa Kỳ này.
Thiết kế robot của một nhóm học sinh lớp 7 tại STEAMposium – Photo: ĐYT
Sau vài năm chỉ trích đại học Harvard và các đại học khối Ivy League đã “kỳ thị” học sinh gốc Á Châu, hồi tuần trước các tổ chức liên minh sắc tộc của cộng đồng gốc Á như Trung Hoa, Ấn Độ, Đại Hàn, Pakistan đã chính thức nộp đơn kiện lên giới tư pháp và Bộ Giáo Dục trong một vụ kiện dân sự, cho rằng đại học Harvard có thủ tục tuyển chọn nhập học dành cho nhóm sinh viên gốc Á khe khắt hơn so với các sắc tộc khác. Năm trước, các cộng đồng Á Châu tại California cũng đã vận động hàng trăm ngàn chữ ký của sinh viên gốc Á nhằm phản đối dự luật SCA-5, dự luật tái áp dụng luật ưu đãi cho những người thiểu số hay bị kỳ thị trong giáo dục và việc làm (affirmative action), mà cộng đồng Á Châu và các sắc dân thiểu số từng ủng hộ, nay chống đối vì đụng chạm đến quyền lợi của mình. Tại sao và liệu học sinh gốc Á Châu có thật sự bị kỳ thị sắc tộc hay không? Trong khi chiếm khoảng 5% dân số Hoa Kỳ, các số liệu cho thấy sinh viên gốc Á đang theo học tại đại học Harvard có tỉ lệ hơn 20% và tỉ lệ này cũng chẳng chênh lệch bao nhiêu tại các đại học Ivy như Yale, Cornell, Princeton…, trong khi các đại học danh giá của California như Berkeley, UCLA, CalTech… thì tỉ lệ sinh viên gốc Á chiếm hơn 40%. Với một tỉ lệ cao như vậy mà tại sao các sắc dân Á Châu còn cho rằng có một sự “kỳ thị sắc tộc” trong việc thu nhận sinh viên?
Hơn 60 nhóm của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan đã chính thức nộp đơn kiện Đại học Harvard lên giới tư pháp và Bộ Giáo Dục – nguồn dailymail.co.uk
Theo phần lớn các phụ huynh gốc Á, đơn giản là con cái họ học giỏi, thi được điểm cao, cao hơn nhiều so với các sắc dân khác thì họ phải được vào trường giỏi, trường danh tiếng, nơi dành cho những sinh viên xuất sắc. Con cái họ có cùng điểm thi hay thậm chí cao hơn so với các học sinh thuộc các sắc dân khác nhưng cơ hội được thu nhận vẫn thấp hơn các học sinh thuộc sắc dân khác. Và họ dẫn đến kết luận rằng, sự phân biệt như vậy là một sự kỳ thị. Có thể nói rằng, vế đầu đúng nhưng chưa đủ. Nên cái tam đoạn luận để cáo buộc xem ra thiếu chắc chắn. Vì đánh giá một học sinh không chỉ dựa hoàn toàn trên bảng điểm và các cuộc thi, điều khó phủ nhận là các học sinh gốc Á thường vượt trội một cách xuất sắc. Hàng năm, các học sinh gốc Á Châu chiếm tỉ lệ cao trong số những thủ khoa, á khoa các trường trung học mỗi địa phương và gần một phần ba học sinh được vào giải National Merit, có điểm số PSAT cao là Châu Á. Nhưng một số giáo sư thành viên hội đồng tuyển chọn sinh viên cho các đại học Ivy từng nhận xét một cách khá thẳng thừng rằng, hồ sơ nhập học của các học sinh gốc Á thường na ná một khuôn mẫu chung: thành tích học tập xuất sắc, điểm thi rất cao, biết chơi dương cầm, luận văn thường kể về quá trình di dân, khổ cực của cha mẹ…, nhưng thiếu vắng cá tính và không tạo ra những ấn tượng đáng kể nào. Dù có thể làm “nóng mặt” các phụ huynh gốc Á, nhưng rất tiếc, đó là một nhận xét chính xác. Về mặt số đông. Vì nói chung, trừ một số em đã vượt lên trội bậc một cách toàn diện (và có lẽ số này đã được đánh giá đúng mức để được thu nhận vào các đại học Ivy với tỉ lệ khá cao bên trên), còn lại phải thừa nhận là các học sinh gốc Á, ngoài vấn đề vượt trội về học vấn, còn lại là yếu kém về kỹ năng xã hội, thiếu sự sáng tạo, không mạo hiểm và khai phá, ít nhắm đến mục tiêu lớn. Không hẳn các em học sinh Châu Á thiếu khả năng, nhưng khuôn khổ giáo dục trong các gia đình Á Châu thường bó buộc trẻ em vào trong những nếp nghĩ mà cha mẹ họ đã từng được giáo dục hay chịu đựng từ quê nhà. Các em tiêm nhiễm những suy nghĩ này hay khó lòng thực hiện những gì khác hơn những gì cha mẹ vạch ra. Thêm vào đó, người ta cần hiểu về những tôn chỉ và mục tiêu của Harvard hay Ivy nói chung là nhắm đến việc đào tạo những thế hệ lãnh đạo không riêng cho Hoa Kỳ mà cả thế giới. Họ cần huấn luyện những tư chất có thể trở thành những tổng thống, các bộ trưởng, các chủ tịch, tổng quản trị các ngân hàng hay đại tập đoàn, những khoa học gia đạt giải Nobel, các tỉ phú, những cá nhân đóng góp hay có ảnh hưởng to lớn đến xã hội…, chứ họ không nhắm việc cho ra lò chỉ những chuyên viên bậc trung, làm công việc thừa hành. Và ắt hẳn Harvard cũng muốn duy trì hoạt động của mình qua hàng tỉ đô la nhận được từ những cựu sinh viên thành đạt đóng góp, đáp trả cho trường hàng năm chứ nào muốn bỏ tiền đào tạo một nhóm sinh viên sẽ đi theo cái văn hóa “thừa trong nhà mới ra người ngoài”. Mà chưa chắc sẽ được “ra người ngoài”, sẽ đáp trả lại trường xưa một khi đã thành công.
Eric Trần, một học sinh lớp Ba đang trình bày thiết kế dự thi của mình tại ngày hội khoa học kỹ thuật (STEAMposium) của Nha Học Chánh Garland, Texas – Photo: ĐYT
Những nhận xét về đặc tính nhóm học sinh gốc Á tại nước Mỹ này lại càng rõ nét hơn khi nhìn về những nước sở tại Á Châu như Việt Nam. Hệ thống giáo dục phần lớn đặt nền tảng trên việc nhồi nhét lý thuyết, học thuộc lòng và đề cao kết quả thi cử hơn là kiến thức thật sự và khả năng phát triển những kiến thức đó. Với cách dạy và học như vậy, các học sinh phải lo chạy đua để học thuộc, học tủ bao nhiêu là lý thuyết, khái niệm nhằm đối phó với các cuộc thi, nhưng sau đó sẽ hoặc quên đi, hoặc khó lòng áp dụng hay liên tưởng vào đời sống vì thiếu vắng thực hành. Chương trình được đặt trọng tâm chỉ vào một số môn như toán và khoa học, vì vậy việc học sinh Á Châu có điểm thi toán và khoa học PISA nói trên cao hơn những học sinh Anh, Mỹ là điều dễ hiểu. Nhưng một cuộc thi toán chẳng thể dùng để kết luận là một nền giáo dục “vượt qua Anh, Mỹ” như báo chí trong nước đưa tin, đang tự làm một cuộc “tung hô tập thể” về “thành tích” của nước nhà, vốn chịu nhiều mặc cảm thua kém. Vì giấc mơ lớn nhất của nhiều cha mẹ tại Việt Nam hay các nước Á Châu nói chung là có con cái được du học tại Hoa Kỳ hay các nước phương Tây.
Với học sinh tại Hoa Kỳ, trong khi vẫn có những cuộc thi định kỳ theo dõi sức học của học sinh, nền giáo dục khai phóng phương Tây vốn cổ súy các vấn đề phân tích và lý luận, phát triển nhận thức và trí tuệ phản biện (critical thinking) qua các cuộc thuyết trình với bạn học và thầy cô từ ngay tiểu học. Học sinh được trình bày các suy nghĩ khác biệt, được có cơ hội thực hành và ghi nhớ những điều đã học qua các cuộc đi chơi vui – học (field trip). Những bài tập thực nghiệm khoa học đơn giản theo từng bậc học giúp cho các em phát triển tính tìm tòi sáng tạo, những bài làm đòi hỏi phải thu thập hình ảnh, dữ liệu về chim, bướm, địa lý giúp các em làm quen với kỹ năng tra cứu. Có thể nói rằng, nền giáo dục phương Tây không dạy điều các em phải suy nghĩ, mà dạy các em phương pháp suy luận. Trí tuệ và sự sáng tạo dường như không giới hạn với những học sinh được đào tạo trong môi trường học và hành như vậy. Nên chẳng lạ, nước Mỹ đã cống hiến cho thế giới những tài năng vượt bực, đem lại bao điều ích lợi cho nhân loại.
Các giám khảo đang thử và chấm điểm phương pháp thả trứng (gà) không bị bể của các học sinh tiểu học.
Như vậy câu hỏi được đặt ra là, tư chất thông minh và bản chất cần cù, tại sao các học sinh gốc Á Châu vẫn có những mặt giới hạn so với các học sinh bản xứ, như các nhận xét nói trên. Câu trả lời là, khuôn khổ và quan niệm giáo dục trong nhiều gia đình gốc Á Châu xem ra vẫn giữ truyền thống chỉ đặt nặng việc học và xem bảng điểm như sự quyết định tất cả đến nền tảng của các em, thiếu vắng các cơ hội để học hỏi những kỹ năng xã hội và con người, hình thành những cá tính mạnh mẽ và kỹ năng lãnh đạo. Các bậc phụ huynh nếu ít nhiều nhìn nhận được những giới hạn và ưu thế của con cái và chính mình để thay đổi khuôn mẫu áp đặt, giúp các em nhìn đến những mục tiêu to lớn và cao cả qua sự kết hợp và dung nạp những giá trị giữa hai nền văn hóa Âu-Á theo cách tốt nhất, thì con đường thăng tiến lâu dài của giới trẻ gốc Việt nói riêng ắt sẽ còn nhiều cơ hội thành công thật sự.
ĐYT