Buổi sáng Tháng Chín mây trắng bay là đà. Mặt trời phừng phựng đổ lửa, con đường dài 150 dặm quạnh quẽ đến vùng đất của cư dân bộ tộc Hopi, đồi rồi núi, đất đá, cứ như thế chập chùng. Dế Mèn và bạn bè đi thăm đất Hopi, ngôi làng thứ nhì (second mesa) trong ba ngôi làng nơi những người Hopi sống quây quần đùm bọc lẫn nhau.
Hopi Reservation nằm trong the Navajo Nation một vùng đất mênh mông khoảng 27,000 dặm vuông phía đông bắc tiểu bang Arizona, một phần của Utah và Mexico. Ở đó trên dưới 250 ngàn người bản xứ tụ họp sinh sống theo cổ tục. Không biết từ bao giờ người bản xứ có tên “Indian”? và tiếng Việt ta “dịch” là Da Ðỏ” tạo sự khác biệt giữa người Ấn Ðộ và thổ dân sinh sống tại Hoa Kỳ trước khi người da trắng kéo đến lập nghiệp?
Ngôi làng thứ nhì trong Hopi Reservation – NGUỒN FLICKR.COM
Hopi Indian Reservation (hay Hopiland) khá nổi tiếng, bao gồm 12 thôn xóm cổ rải rác trong ba ngôi làng (mesa). Ngôi làng thứ nhì là ngôi làng giàu có nhất trong Hopi Reservation, đời sống ở đây hình như không mấy thay đổi từ thế kỷ trước. Những hình ảnh “vẽ” ra từ bút ký của tướng Powell (1876) dường như vẫn y nguyên. Buổi tối hôm trước, Dế Mèn chong đèn ngồi đọc cuốn sách mỏng, bút ký của ông tướng một tay này để tìm hiểu sơ sơ về nơi mình sắp đến.
Ðến đây rồi mới ngỡ ngàng nhận ra rằng những thay đổi trong thế kỷ 20, 21 dường như chẳng dính dáng chi đến nhịp sống bình thản lặng lờ ở ngôi làng này.
Thôn làng nằm trên ngọn núi trọc, không một tàn cây để núp bóng mặt trời giận dữ, đất hừng hực những đá và cát nóng bỏng, mặt Dế Mèn đỏ rát. Hình ảnh một cuộc sống khắc nghiệt đầy ắp khắp cùng. Núi đá cằn cỗi, nhấp nhô lên xuống trong tầm mắt là mấy ngọn đồi khô cháy vàng và những ngọn cây gầy chết khát phơi mình dưới ánh nắng. Ðất trời hằn học quá thể. Phe ta leo đồi, môi khô rát, mồ hôi từng dòng, lưng áo ướt đẫm. Ta chỉ lang thang vui chân thì đến còn những người quanh năm suốt tháng sinh sống ở đây thì sao nhỉ?
Dế Mèn ghé lại một ngôi nhà, bên trong, người đàn bà nhăn nheo khắc khổ cặm cụi bên khung cửi, cô bé đen đủi, tóc rối từng nùi trên khuôn mặt lem luốc ngồi thắt những cái vợt thủng đáy có tên rất thơ mộng là “dream catcher”, từa tựa như cái rổ ta chơi bóng rổ. Hỏi thăm người dẫn đường, ông ta giải thích rằng theo tục lệ, thổ dân tin rằng cái vợt thủng đáy kia, một khung tròn, bao quanh là màng lưới nhện dệt thưa và những sợi dây đính hạt đá màu tươi rực rỡ tết lông gà lông chim.
Chiếc vợt vớt ước mơ, Dream catcher xuất phát từ bộ tộc Ojibwe và sau đó lan truyền sang các bộ tộc lân cận qua những cuộc hôn nhân, những lần buôn bán, đổi chác. Nhưng đến thập niên 60-70 của thế kỷ trước, qua phong trào the Pan-Indian Movement, chiếc vợt nọ trở thành biểu tượng của sự liên kết giữa các bộ tộc thổ dân và cũng là biểu tượng của người Hoa Kỳ gốc, Native American.
Chiếc hoa tai “dream catcher”- NGUỒN ETSY.COM
Ngày xa xưa, chuyện cổ tích của Ojibwe về chiếc vợt vớt ước mơ khởi đầu từ Bà Tiên Nhện, the Spider Woman, tiếng địa phương là “Asibikaashi”. Bà Tiên Nhện chăm nom trẻ em và dân làng. Khi xứ sở Ojibwe lan rộng khắp Bắc Mỹ thì việc chăm sóc muôn dân trở nên muôn vàn khó khăn; khó khăn cho cả thần tiên như Asibikaashi. Thế là các bà mẹ, bà nội ngoại đành tự túc, đan vợt cho trẻ em, dùng cành liễu cuộn vòng làm miệng vợt và cành lá tết chung quanh. Chiếc vợt thần ấy sẽ mở lối cho những giấc mơ đẹp theo chiếc lông chim đi vào tâm trí trẻ thơ; ác mộng sẽ bị màn lưới giữ chặt… Khi mặt trời lên, ác mộng sẽ tan biến theo đêm đen… Ðứa trẻ Hopi nào cũng có bên nôi một vài chiếc vợt như thế để khôn lớn với những giấc mơ tươi đẹp. Chiếc vợt vớt ước mơ khởi đầu là cành lá, về sau là những vòng sắt kết những sợi len đỏ, máng theo những hạt đá màu rực rỡ tươi tắn.
Vòng tròn miệng vợt tượng trưng cho “giizis”, mặt trời, mặt trăng đi qua bầu trời mỗi ngày, và những hạt đá màu tết trên mạng lưới, mỗi thứ là một lời chúc riêng cho đứa trẻ trong nôi.
Người Hopi tin rằng họ có thể nắm giữ ước mơ qua những cái vợt thắt bằng những sợi da bò nhuộm màu sặc sỡ, những sợi dây để lỏng kết thêm những hạt nhựa, hạt đá rực rỡ và những cánh lông chim. Không riêng chi người Hopi, ước mơ nào hình như cũng tươi tắn nhiều màu như thế? Dế Mèn mua một cái vợt làm quà, mong bạn bè vớt được ước mơ của mình, mộng lớn, mộng nhỏ, mộng bình thường…. Cuộc sống không có ước mơ sẽ trống trải biết bao?
Trong một ngôi nhà khác, người làng làm những món trang sức bằng bạc theo lối cổ xưa, hoa tai, khóa thắt lưng, vòng đeo tay, vòng đeo cổ… Những miếng bạc mỏng và chạm trổ theo những hình thể tượng trưng cho gia tộc mình, ông A của gia tộc Gấu, tạo ra những món trang sức có dạng vuốt gấu (bear paw)…, và dường như chiếc chân gấu là hình tượng của sự bảo vệ? Ông B của gia tộc Nước khắc những hình thể của sóng lăn tăn.
Chiếc vợt vớt ước mơ – Dream catcher – NGUỒN CATCHYOURDREAMS.COM
Tại phòng tiếp khách của mesa, Dế Mèn mua mấy đôi hoa tai, mai mốt về đeo lỗ tai tòong teng, nhớ những ngày dãi nắng, học cuộc đời sầu hận của những người da đỏ phiêu bạt. Tiền nhân họ từ những làng mạc bình lặng họ bị đuổi bắt, bị tom góp, đầy ải đến những nơi không ai muốn đến. Ðường mòn Kinh Hoàng (Petrified Trail) mấy trăm dặm qua mùa đông chẳng còn mấy kẻ sống sót. Những người sống sót là tổ tiên của người làng bây giờ. Mấy tấm hình vẽ chân dung đã phai màu treo trên tường ố vàng. Trong mấy đôi mắt ấy hình như sự kinh hoàng vẫn còn phảng phất. Khuôn mặt hằn những nhẫn nhục, chịu đựng… Con cháu là những người tiếp tục sinh sống trong mesa ngày nay. Cũng một vẻ lặng lờ nín nhịn để sống còn và để duy trì cổ tục riêng. Vẻ bình thản ấy khiến Dế Mèn băn khoăn, bất nhẫn.
Nếu đời sống ta kết lại bằng duyên và nghiệp, còn bao nhiêu kiếp nữa cuộc sống Hopi mới trở lại đời bình an xa cũ của tổ tiên?
Trên đường về một người bạn tò mò hỏi thăm, không biết đêm về trong làng có điện không nhỉ? Họ đốt đèn dầu? Ông ấy nhắc nhở, điện thoại di động không có sóng nên chẳng dùng được vào việc liên lạc. Mải nhìn ngắm khung cảnh chung quanh, ngẫm nghĩ rồi băn khoăn nên bây giờ Dế Mèn mới nhận ra rằng một trăm dặm đường kia là một biên giới dài, tách rời Hopiland với đời sống thành phố. Phe ta nhìn ra cửa kính xe, mấy cột điện đứng lẻ loi giữa trời, cùng hứng chịu nắng lửa với mấy ngọn cây khẳng khiu rầu rĩ.
Về đến khách sạn, phe ta gói ghém mấy món quà để gửi cho bạn bè. Dế Mèn giữ lại một chiếc hoa tai có dạng “dream catcher”, may ra có thể… chụp được ước mơ của chính mình?
TLL