Khi Bài Hát Trở Về là tựa đề tuyển tập tiểu luận của tác giả Trần Trung Ðạo, dày 389 trang do nhà xuất bản Chúng Ta tái bản năm 2011 – lần đầu tiên do Dieu cay Books in năm 2009. Nội dung gồm 32 bài văn viết về nhiều đề tài như “Ai Phỉ Báng Dân Tộc; Ðừng Ðánh Rơi Tuổi Trẻ; Từ Thép Ðã Tôi Thế Ðấy Ðến Nhật Ký Ðặng Thùy Trâm; Tuổi Trẻ Phải Nói; Số Phận Một Loài Chim; Nhìn Lại Chiến Tranh; Khi Bài Hát Trở Về…”
Mở đầu tác phẩm, trong lời đề tựa dành cho bản in lần thứ hai này tác giả Trần Trung Ðạo viết:
“Tháng Mười 2010, trước khi đóng cửa, diễn đàn Talawas gởi cho các cộng tác viên, trong đó có tôi, ba câu hỏi, và câu hỏi thứ nhất “Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?” Phần trả lời của tôi, ngoài các vấn đề bức thiết như sự phân hóa vô cùng trầm trọng trong lòng dân tộc, lạc hậu về mọi mặt so với đà tiến của văn minh nhân loại, một nền giáo dục hủy diệt mọi khả năng sáng tạo, một xã hội tham nhũng thối nát trong đó giới lãnh đạo thờ ơ trước đòi hỏi của nhân dân và nhân dân không có niềm tin nơi giới lãnh đạo, một vấn đề hệ trọng thứ năm có tính thời sự, là Việt Nam hoàn toàn không sẵn sàng cho một cuộc xung đột võ trang trong vùng Ðông Nam Á.”[Trang ix]
Lời đề tựa của chính tác giả cho thấy những gì ông gửi gắm trong Khi Bài Hát Trở Về là những băn khoăn, thao thức, hoài vọng của ông về xã hội Việt Nam, sau 36 năm, vẫn tiếp tục làm người bộ hành già nua đơn độc trên xa lộ toàn cầu hóa. [Trang ix]. Khi Bài Hát Trở Về không chỉ là đề tựa của quyển sách, mà còn là bài văn đặc sắc nói đến ca khúc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, của nhạc sĩ du ca Nguyễn Ðức Quang. Ðây là bài hát được các nhà hoạt động xã hội hội dân sự và giới trẻ Việt Nam hiện nay sử dụng, để bày tỏ tình yêu nước và khát vọng về tương lai của dân tộc. Nhà văn Trần Trung Ðạo thấy bất ngờ và cảm động, khi được nghe Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ âm vang trong lòng người Việt hiện nay. Ông đã nhận xét: “Ðể tồn tại, một bài thơ, một bản nhạc cũng phải trải qua những gạn lọc, những cuộc bỏ phiếu công bằng không chỉ của người nghe, người đọc dưới một chế độ chính trị nào đó mà còn của cả lịch sử lâu dài. Bài hát phát xuất từ tình yêu nước trong sáng như Việt Nam quê hương ngạo nghễ sẽ ở lại rất lâu trong lòng tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và nhiều thế hệ mai sau. Là một người thích tham gia các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, bài hát mang tôi về thời trẻ tuổi của mình.” [Trang 270, 271]
Nhà văn Trần Trung Ðạo quê ở Quảng Nam, là cựu học sinh Trung Học Trần Quí Cáp, Hội An, cựu sinh viên Kinh Tế, Vạn Hạnh và Luật Khoa, Sài Gòn. Ông là thuyền nhân vượt biên năm 1981, tạm trú tại trại Palawan, và định cư tại Hoa Kỳ trong cùng một một năm. Ông học điện toán tại Wentworth Institute of Technology và Boston University, là kỹ sư điện toán cho một công ty đầu tư tài chánh tại Boston. Bắt đầu sinh hoạt văn hóa, tuổi trẻ trên mạng lưới Internet từ cuối thập niên 1980.
Những tác phẩm đã xuất bản: Giấc Mơ Việt Nam; Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười; Thao Thức Thơ Trần Trung Ðạo; Tâm Bút Trần Trung Ðạo, Tiểu Luận Trần Trung Ðạo; Khi Bài Hát Trở Về.
HV – 3:50am Thứ Bảy ngày 16 tháng 5 năm 2015