Menu Close

Nhớ, Thương?

Memorial Day là ngày Chiến Sĩ Trận Vong của Hoa Kỳ, ngày để tưởng nhớ những binh sĩ đã tử trận trong chiến tranh. Cũng là cái mốc của mùa Xuân đã tàn và mùa hè mở cửa. Ta đã có thể bắt đầu trồng cây cỏ ngoài trời ở miền Ðông Bắc mà không sợ sương hóa đá các mầm cây non.

Cú điện thoại của nhân viên Sở xã hội khiến Dế Mèn tần ngần. Một bệnh nhân vừa qua đời, trên tờ giấy nhận bệnh, phần tên người thân là một khoảng trống, trắng trơn. Bây giờ ông ấy qua đời, bệnh viện không biết liên lạc với ai để báo tin. Không có thân nhân, ai là người sẽ nhận xác đem về chôn cất?

Người đàn ông ấy mới 53 tuổi, gầy và nhỏ con nhưng huyết áp cứ lấp lửng ở 210 /100 không mấy khi sút giảm dù đã đổi gần chục loại thuốc khác nhau. Dế Mèn gặp ông ta vào buổi chiều trăng tròn, người bệnh gần như hôn mê, lượng đường huyết lên đến 700+, hình như hai trái thận cũng bắt đầu mệt mỏi đã có dấu hiệu suy bại. Một con người với nhiều chứng bệnh, căn bệnh nào cũng ở mức trầm trọng. Không biết trước đó ông ta đã tự săn sóc ra sao. Hồ sơ tại bệnh viện này trắng xóa, không có gì để dựa dẫm mà đoán.

Nhân viên Sở xã hội gọi điện thoại, cú điện thoại cầu may vì phe ta ghi chép về người bệnh trên dưới 3 trang giấy, tỉ mỉ nhất trong tất cả những người đã từng chăm sóc bệnh nhân này. Biết đâu may ra Dế Mèn biết chút gì về con người quá vãng kia, một chút chi tiết riêng tư giúp họ tìm kiếm thêm? Giọng người phụ nữ nằn nì lo âu:

– Bác sĩ có hỏi chuyện về gia đình ông ấy không?

– Ông ta có nói về công việc làm? Chỗ ở?

Trong lúc im lặng, Dế Mèn lục lọi trí nhớ để tìm kiếm hình ảnh của người đàn ông kia. Sau mấy ngày vật vã, người bệnh mới tỉnh táo đôi chút để trò chuyện. Câu chuyện chi tiết thế nào thì Dế Mèn chịu thua, chỉ nhớ mỗi giọng nói khản đục khác thường, không có âm hưởng địa phương nào rõ rệt. Thật là tệ hại, phe ta chỉ nhớ những con số về huyết áp, về lượng đường huyết, về gan, về thận và chỉ nhớ rằng bàn chân phải ông ta bị nhiễm trùng đến ung hoại, cần bác sĩ giải phẫu cắt bỏ những mô đã chết, sau đó cần tháp da mới hy vọng lành lặn.

Câu chuyện bệnh tật soi rọi một chút ánh sáng vào đời sống hàng ngày của người bệnh. Ông ấy không thể tự chăm sóc, rửa sạch vết thương và băng bó tại nhà vì không có ai phụ giúp. Chi tiết này nhắc cho Dế Mèn biết là ông ta sống một mình và ông ấy cũng chẳng hé môi nhắc đến tên một ai khác trong đời sống.

Lần khám bệnh kéo dài hơn 30 phút, chỉ đủ để phe ta tìm hiểu về các căn bệnh cần chữa trị ngay trước mặt. Không có thêm một câu chuyện trò nào bên ngoài bệnh tật, khám bệnh, lập hồ sơ, lấy ý kiến các bác sĩ chuyên khoa khác… Người đàn ông ấy chiếm chỗ đứng trong đầu óc Dế Mèn khoảng một tiếng đồng hồ, các con số kể bệnh tình ông ấy được ghi chép kỹ lưỡng và được lặp lại trong hai ba cú điện thoại kế tiếp với đồng nghiệp.

Tập hồ sơ xếp lại, phe ta ra về. Vội vã cho tuần lễ trước mặt. Hình ảnh người đàn ông gầy gò chìm sâu như quá khứ. Chuyện đã qua. Chuyện cũ. Cho đến bây giờ, Dế Mèn đọc lại bản y sử, ý nghĩ của mình về bệnh tật của người đàn ông kia. Mấy chữ “living alone”, sống lẻ loi đơn độc, được lặp lại ba lần để nhắc người chuyên viên dinh dưỡng việc huấn luyện cách ăn uống, để nhắc người phụ tá giải phẫu những buổi khám bệnh định kỳ, để nhắc việc đo đường huyết và dùng insulin. Chẳng có hàng chữ nào về tâm tình, chuyện buồn vui hay đời sống của ông ta…

Viên sỏi ấy ném xuống hồ trí nhớ, mặt nước xao động mấy nếp nhăn, rồi thôi. Cho đến hôm nay, cho đến khi người chuyên viên xã hội hỏi thăm. Cú điện thoại ngắn ngủi, người nhân viên Sở xã hội thở ra khi Dế Mèn hỏi về thủ tục an táng. Giọng bà ta đều đều, ngưng ở những chỗ có dấu chấm, phẩy… như thể đọc lại thủ tục quen thuộc… Xác để lại khoảng một tuần để tìm kiếm thân nhân sau đó an táng theo những xác chết vô thừa nhận khác. Ông ấy cũng có một nấm mồ bên cạnh những người không thân nhân khác, những người chết không có ai để thương, nhớ?

Con người kia vừa rũ áo, kiếp nhân sinh vừa hết một vòng. Tuổi 53 ngày nay là còn quá sớm để dứt áo vĩnh biệt cuộc đời. Có lẽ đây là lần chót có người nhắc đến tên tuổi ông ta với sự lo lắng tận tình?

Ðọc bệnh sử trên màn hình bảng điện toán, những hàng chữ ngay hàng thẳng lối, mấy dòng “sống đơn độc” như gõ nhẹ vào trí nhớ, rồi hình ảnh người đàn ông nọ thấp thoáng, Dế Mèn hầu như “sờ” được người bệnh trước mắt. Những hàng chữ có thật, thật như người đàn ông kia trong khoảnh khắc một tiếng đồng hồ. Có thể nào con người ra khỏi đời sống lặng lẽ âm thầm như thế, không có ai để phản ứng, để nghĩ ngợi, để tưởng nhớ đến những khoảng thời gian trong 53 năm đã qua của kiếp nhân sinh nọ?

Dế Mèn ngẫm nghĩ đến nút “xóa” trên khung hình của bản y sử, cái nút”xóa” trong trí nhớ riêng tư. Người đàn ông không có thân nhân, kiếp nhân sinh kia chỉ còn là con số an sinh xã hội, vài hàng chữ nhắc nhở đến ông ấy. Dế Mèn níu lại mấy hàng chữ kia như đứa trẻ giữ lấy chiếc bong bóng cho đến khi nó hết hơi và nằm lại ở xó nhà, xó trí nhớ trong những ngày sắp tới của một người còn sống?

TLL