Menu Close

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt

ancuaruung 01

Giữa Tháng Năm, trời Cao Nguyên và Đông Nam phần nắng vẫn như đổ lửa. Vài trận mưa đá kèm giông sét trút xuống vội vàng, không đủ giải nhiệt cho con người và cuộc sống nơi đây.

Quốc lộ 20 từ Sài Gòn về Ðà Lạt, phải đi ngang huyện Ðịnh Quán tỉnh Ðồng Nai. Nếu lái xe lướt vội qua những cánh rừng, những vườn cây trái, những hàng quán ven lộ, du khách sẽ có cảm giác mức sống dân miệt rừng cao, cảnh trí miệt rừng giàu đẹp. Nhưng có ‘ở trong chăn mới biết chăn có rận’. Trong vai người mua ‘đồ rừng’, kẻ viết bài ngồi ven quốc lộ 20, huyện Ðịnh Quán – Ðồng Nai, tiếp những người ôm chim thú, xách mật ong, vác lười ươi đến chào bán.

ancuaruung 01

Con cù lần (còn gọi là cu li), bị săn bắt ráo riết vì những tin đồn chữa được bệnh ung thư, bệnh ngoài da… Giá hiện nay 3 triệu đồng một con – NGUỒN DALLATTOURS.VN

Chỉ vào con thú nhỏ lông nâu đỏ, nửa giống khỉ nửa giống sóc, ngồi thu lu, mắt trao tráo, ông Tư Sơn, thợ săn rừng Cát Tiên giới thiệu: “đây là con cù lần”. Cù lần sống trên cây cao. Tuy có mắt to nhưng ban ngày không trông thấy gì nên rất dễ bị bắt. Ðược cái là lông cù lần tiệp với mầu lá rừng mùa khô, lại ở tít cành cao nên phát hiện đã khó, tiếp cận càng khó. Giá trị con cù lần không ở thịt, mà ở lông. Nghe nói là ai bị toác da rách thịt, không cần băng bó, cứ rứt lông cù lần, đốt thành tro rắc vào vết thương đang chảy máu, máu sẽ ngưng chảy lập tức, chỗ thịt rách sẽ khép miệng nhanh chóng. Chính vì tác dụng cầm máu ‘độc chiêu’ như thế nên cù lần bị săn bắt ráo riết. Người mua cù lần là khách giang hồ đao kiếm, người bắn đá, nổ mìn, làm cầu đường, khiêng vác nặng nhọc…

ancuaruung 01

Những cây mì bỏ phế (không thể trồng vì nắng hạn)

Kém độc đáo hơn cù lần nhưng dễ tiêu thụ hơn, là mật ong rừng. Mùa khô, ong nuôi dưới đồng bằng thường được chủ cho ăn đường, vì vậy mật không tốt. Ngược lại, ong rừng, do có nguồn hoa rừng phong phú nên vẫn có thể tạo mật tự nhiên. Rừng Tháng Tư, Tháng Năm, trời vẫn chưa mưa, mật ong có độ ngọt rất cao, chất mật trong suốt, đỏ cánh gián hoặc vàng sẫm. Một lít mật ong bán tại cửa rừng, rẻ nhất cũng 400,000 đồng.

Kỳ đà, trút, nhím được các nhà hàng đặc sản tiêu thụ mạnh vì thịt nhím ăn ngon. Thịt trút, kỳ đà nướng lên, thêm xị rượu bảo đảm “tốt mồi, ngồi dai, lai rai tri kỷ”. Cần nhắc thêm, rừng Cát Tiên tuy đã được “phong” là rừng Quốc gia, được hưởng quy chế bảo vệ nghiêm ngặt nhưng trong thực tế sự bảo vệ này chỉ mang tính hình thức. Chẳng thế mà con tê giác Java (tê giác một sừng) quý giá cuối cùng của Việt Nam đã bị xóa sổ chính tại rừng Cát Tiên này, năm 2010.

ancuaruung 01

Khoai mì xắt lát phơi khô, thực phẩm của người nghèo Định Quán

Ông Hùng Thuận, một thợ săn trộm với thành tích hai chục năm ‘nhắm là trúng, bắt là dính’ thở dài nói: “Dân sơn tràng ai cũng biết câu ‘Ăn của rừng rưng rưng nước mắt’. Không ai muốn bắt trộm con gì, cưa trộm cây gì nhưng nghèo quá, không có tài sản, đất đai, nghề nghiệp ổn định, mới phải làm bậy. Riết rồi quen!”.

Cái nghèo ở huyện rừng Ðịnh Quán, đi khỏi quốc lộ 20, rẽ vào sâu chừng vài cây số là lộ mặt, dưới dạng những buôn làng trơ trong nắng, những ngôi nhà gỗ bỏ hoang lạnh, những bó khoai mì không thể xuống giống vì nắng hạn, những đứa nhỏ mồ côi ngay khi cha mẹ còn sống. Chỉ họa hoằn những ngày lễ Tết, mới lại thấy có tiếng cười. Còn bây giờ, giữa Tháng Năm, chỉ có nắng lóa, cây héo rũ, người bỏ xứ đi làm thuê, chim thú rừng bị bắt, gỗ rừng bị đốn, và những cái loa truyền thanh công cộng loan báo những tin tức không có người nghe…

ancuaruung 01

Nhà ở miệt rừng, bằng cây ván tạm bợ, không có người lớn, chỉ có trẻ em trông nhà

XH