Menu Close

Đọc trong sổ tay Nguyễn Xuân Hoàng

Trên dòng văn học Việt Nam cận đại, ở đâu đó và bất chợt lúc nào đó, vẫn thấy thấp thoáng hình bóng Nguyễn Xuân Hoàng. Hoàng ra đi để lại một số tác phẩm bao trùm một thời kỳ đầy biến động không thể nào quên: Bụi Và Rác, Kẻ Tà Đạo, Người Đi Trên Mây… Ngoài ra còn phải kể đến Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng. Sau Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng là người viết Sổ Tay đặc sắc nhất. Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng, ngoài những trang về văn học, còn ghi chép về người, và việc chung quanh một con người dường như sinh ra chỉ để làm văn chương. Do đó, sổ tay của Hoàng được nhiều người ưa thích.

So Tay. NXH

Cũng trên trang báo này, chúng tôi đã có lần giới thiệu một bài viết của NXH, hôm nay chúng tôi mời các bạn đọc thêm mấy trang nữa cũng trích từ Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng.

NGUYỄN & BẠN HỮU

 

Những cơn mưa Sài gòn tràn ngập kỷ niệm thời tuổi nhỏ

Mùa hè quả thật đã đến miền Bắc Cali. Mấy ngày cuối Tháng Sáu độ nóng đã vượt quá con số 97. Cả thành phố như chìm trong một lò nướng thịt. Sức nóng ngoài trời làm mọi người ngật ngừ, dễ cáu gắt, giận dữ. Tôi lái xe trên đường trở về buổi tối vẫn không thoát được cái nóng. Tôi nghĩ chắc không thể dưới 100 độ. Dưới Santa Ana, mùa hè tôi đã từng chịu những trận nóng dữ dội, nhưng tôi chưa thấy cái cảm giác bị nằm trong một lò nướng thịt này. Tôi đi tìm một cơn mưa cho bầu trời bắc Cali. Phải có một trận mưa lớn, thật lớn, may ra… Tôi nhớ Sài Gòn những ngày mưa, những cơn mưa xối xả đổ xuống con đường Phạm Ngũ Lão, lầy lội ở Ngã Tư Quốc Tế, ướt con đường Kỳ Ðồng. Mưa kéo theo một dòng sông trên đường Trần Quốc Toản. Những cơn mưa tràn ngập trong cuốn phim Ba Mùa của đạo diễn Tony Bùi vẫn còn ướt trí nhớ tôi.

Cô phóng viên Vương Trường Nga My của tờ Việt Mercury luôn luôn hỏi tôi tại sao chưa đi xem Ba Mùa. Ðó là một cuốn phim tuyệt vời, một cuốn phim mà mọi người Việt Nam đều phải đi xem. Và tôi đã đi xem Ba Mùa. Cái cảm giác sau cùng khi tôi bước ra khỏi rạp còn đọng lại trong tôi là những cơn mưa, đúng là những cơn mưa tuyệt vời. Cái ống kính của người cầm máy đã thu được cái chất rất Sài Gòn ở những cơn mưa trên đường phố. Hình ảnh chú bé mặc áo mưa bước đi lang thang trong thành phố đêm. Cảnh đá bóng dưới mưa trên đường phố. Và cái thế giới bên kia sự nghèo khó. Cô gái điếm. Người phu xích lô. Cô gái bán sen. Một người Mỹ đi tìm con. Ðừng nói đến nhân vật thi sĩ bị phong cùi, chủ cả một đầm sen giàu có với cái bí ẩn kiểu tay trùm một băng đảng và là tác giả những bài thơ hạng C. Hãy bỏ cái cảnh những người phụ nữ miền Nam ăn mặc như Tàu. Hãy quên đi những tiếng hát “giả” trên đầm sen thiếu cái logic của nghệ thuật. Hãy tưởng tượng không nhìn thấy cái cảnh người phu xích lô bịt mắt cô gái điếm chở đến một con đường đầy hoa phượng rất cải lương. Hãy đừng hỏi tại sao cứ phải là cô gái điếm, là người đạp xích lô,… khi nói về, viết về, lấy ảnh về Việt Nam, và hãy nhớ là Tony còn rất trẻ, chưa sống được cái kỷ niệm những cơn mưa Sài Gòn, chưa nếm được cái mùi của một đứa trẻ kiếm ăn trên hè phố, chưa ngợp trước vẻ đẹp của những cánh hoa phượng vĩ đổ xuống một mùa hè tuổi trẻ,… ta sẽ yêu cuốn phim đến chừng nào. Tôi hiểu tại sao cuốn phim được giải ở Ðại hội Ðiện ảnh Sundance. Tôi hiểu được tại sao những người trẻ tuổi yêu cuốn phim này. Tony Bùi xứng đáng được ca ngợi. Và phải nói tài năng của anh được sự hỗ trợ rất lớn của những tay nghề rất cao trong đoàn làm phim của anh. Nếu thiếu những con người đó tôi nghĩ Tony sẽ vất vả nhiều. Bởi vì để thực hiện một cuốn phim, cốt truyện hay chưa đủ. Phim trước hết là hình ảnh. Ngôn ngữ của nó là hình ảnh. Ba Mùa có được cái sức mạnh ấy. Và chúng ta hiểu tại sao tác phẩm ấy đã chinh phục được những khán giả chọn lọc của phim ảnh Hoa Kỳ tại Ðại hội Sundance. Bốn ngôi sao cho Tony Bùi. Và đừng tìm những ý nghĩa sâu xa nào khác để gán ép cho cuốn phim có những hình ảnh tuyệt vời này.

Ba bài thơ mới tìm được của Mai Thảo

Anh Nguyễn Ðăng Khánh, bào đệ của nhà văn Mai Thảo vừa gửi cho Sổ Tay ba bài thơ mới tìm được của tác giả Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền. Anh cho biết ba bài thơ này do anh Nguyễn Ðức Chấn, cháu của Mai Thảo, tìm thấy tại Việt Nam hồi đầu năm 1999 khi Chấn về Sài Gòn đón mẹ sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Thư anh Khánh viết “Chấn đã cố tìm ở nhà chị tôi [mẹ của Chấn] nơi anh Mai Thảo thường tới ẩn náu khi bị chế độ mới truy lùng trong những năm 1975-78, một tấm ảnh mà Chấn đã chụp anh Mai Thảo với chị Kiều Chinh tại nhà hàng La Pagode. Mặc dù không tìm thấy tấm ảnh nhưng Chấn đã tìm được một tờ giấy trên đó anh Mai Thảo ghi ba bài thơ nhan đề Hình Tượng, Thủy Tinh và Kim. Sau hơn 20 năm, tờ giấy đã vàng, nét chữ đã mờ, rất khó đọc, nhưng vẫn là nét chữ của anh Mai Thảo. … Ba bài thơ trên xác định một điều: Anh Mai Thảo làm thơ từ nhiều năm trước đấy chứ không phải [mới làm thơ] vào những năm gần cuối đời với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền xuất bản vào năm 1989…”

Cùng với những bài thơ, anh Nguyễn Ðăng Khánh gửi cho Sổ Tay tấm ảnh [màu] do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp Mai Thảo ngồi với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Trên góc trái bức ảnh, dưới chữ ký của Cao Lĩnh, tôi thấy dòng chữ viết tay: Dưới thềm gác mây 1974.

Bức ảnh mà tôi đã có lần ghi trong Sổ Tay là đã nhìn thấy trên vách phòng anh Mai Thảo trong căn phòng nhỏ anh ở trên đường Bolsa, phía sau nhà hàng Song Long. Xin ghi lại nguyên văn ba bài thơ của anh như một tưởng niệm ngày anh qua đời và đồng thời là một đóng góp cho các nhà phê bình văn học những sáng tác còn bỏ quên của thi sĩ / nhà văn Mai Thảo:

hình tượng

Từ trong cửa tối nhìn ra

Thấy gần: bóng lá, thấy xa: biển trời

Lá lay, bóng cách ngăn đời

Biển im, hình tượng cõi người không ta.

thủy tinh

Trở mình chăn chiếu mênh mông

Giấc mơ chật hẹp vẫn trong cuộc đời

Mộng ta không xóa nổi người

Ðáy đêm còn đọng tiếng cười thủy tinh.

kim

Miếng da bịt mắt thành đêm

Cây kim khâu miệng thành im lặng mồ

Tay chân, dây trói bao giờ

Da, kim, dây ấy bây giờ là ta.

Khẩu khí ấy, chữ nghĩa ấy không thể là ai khác, ngoài Mai Thảo.

Tôi vẫn thường nghĩ Nguyễn Ðình Vượng là cha đẻ của tạp chí Văn, và Mai Thảo là người đã tiếp sức nuôi nó lớn lên. Văn không có mặt nếu không có cụ Vượng và Trần Phong Giao. Nhưng Văn không thể tồn tại đến hôm nay nếu không có Mai Thảo.

NXH

(trích Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng. từ T. Vấn & Bạn Hữu)