Menu Close

Hết xí quách!

Chuyện rằng: Hồ Xung người làng Phú Thuận, huyện Núi Thoại, đã lập gia đình, nên duyên giai ngẫu với Doanh Doanh người cùng xóm, cùng làng, cùng huyện, cùng phủ sông An, phía Tây Nam nước Việt giáp ranh với vương quốc Khmer!

Ba năm hương lửa cháy bừng bừng! Ðụng nhè nhẹ một cái, Doanh Doanh sáng tác ra một tác phẩm, một đứa. Ba năm, ba tác phẩm, ba đứa. Nhà nheo nhóc; lại thêm Mẹ già, vì chữ hiếu ráng mà chăm sóc hết lòng nhưng bữa đói, bữa no. No thì ăn cơm với nước mắm kho quẹt. Còn đói thì ăn cháo trắng với muối hột.

Làm thân nam nhi chi chí, nuôi vợ con không nổi thì lỗi vô cùng! Vậy mà Hồ Xung lại không lo; tối ngày chỉ chuyên tâm luyện ‘Tịch tà kiếm phổ’; mơ làm bá chủ chốn giang hồ; để làm giàu bằng nghề đâm thuê chém mướn.

Nhưng thiên hạ đang đại loạn, anh hùng nổi lên như nấm mối gặp mưa. Có đứa rành chiêu thức ‘Tàn chi quái đao’ so với ‘Tịch tà kiếm phổ’ thì bên tám lạng đằng nửa cân nên nhiều trận đụng độ phải u đầu sứt trán!

Hồ Xung thấy làm ăn ngày một khó bèn đổi qua nghề thầu khoán chuyên cất nhà hay sửa chữa lặt vặt để kiếm miếng cơm dù không có tốt nghiệp trường lớp kiến trúc gì hết ráo!

Cùng huyện, có Linh San, nửa chừng xuân gãy cành với Bình Chi, đành ở vậy. Một hôm, Linh San ăn gói mì tôm, hên hết biết, trúng thưởng “khuyến mãi” được 3 cây vàng 3 số chín, bèn kêu Hồ Xung đến cất cho mình một căn nhà cấp 4, lợp tôn để có chỗ chui vô, chui ra.

Hồ Xung nhận hợp đồng đến xây nhà cho Linh San. Chiều nghỉ, xuống bến nước rửa tay chưn xong, ngồi chéo ngoảy trên ghế đẩu để chờ chủ nhà cơm bưng nước rót và còn bồi dưỡng thêm cho một xị rượu đế ngâm tắc kè để mai có sức mà làm tiếp.

Linh San sở dĩ tiếp đãi Hồ Xung rất nồng hậu là vì sợ khi cất nhà mình, đối đãi nó hổng vừa ý, nó ếm bùa lỗ ban là mình tan hoang nhà với cửa.

Thói đời cơm no bò cưỡi. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Tình ta quá chén… nên việc cất nhà không làm rút cho xong mà cứ nhởn nhơ ngày nầy sang ngày khác. Xây nhà rồi giờ tính xây luôn cả tổ uyên ương.

Doanh Doanh, tai vách mạch rừng, biết tỏng trò mèo mả gà đồng của Hồ Xung và Linh San, mấy lần đến đánh ghen, làm um sùm lối xóm. Thưa ra hương quản nhưng cả hai đều chối. Không bắt được quả tang, vả lại tay hương quản nầy vốn là thằng chăn trâu, học hành không tới đâu, không biết làm sao mà phân xử nên sự việc chìm xuồng luôn, mạnh ai nấy lội.

Dù vậy, duyên đôi ta tình nồng như rượu nếp mà Doanh Doanh cứ tới phá đám hoài thiệt làm mất vui; vì đang ‘tù ti tú tí’ mà cứ lo ngay ngáy là Doanh Doanh đến tập kích bất tử… nên Linh San nghĩ ra một kế như vầy:

Rút trong ruột tượng ra còn được hai cây vàng 3 số 9 của tiệm Thế Tài, Linh San đánh tiếng thương lượng với Doanh Doanh để mua đứt bán đoạn Hồ Xung. (Thấy vàng miếng là nó ham hà!) Quả nhiên Doanh Doanh đồng ý bán!

Hai bên bèn làm tờ cam kết bằng giấy trắng mực đen đàng hoàng, có lăn tay (điểm chỉ) vì cả hai đều mù chữ …

“Ngày 24-5-201, âm lịch, tôi Doanh Doanh đồng ý cho chồng tôi là Hồ Xung sống cùng chung với chị Linh San… Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai”.

Từ đấy, Hồ Xung ở hẳn bên nhà Linh San, gần như ly thân với vợ, chỉ thỉnh thoảng về thăm mẹ, thăm con một chút! Coi ta tuy vắng nhà nhưng cám của ta còn để đó… có con heo nào ‘ột ột’ dám đòi ăn sảng hay không? Thiệt là đồ bắt cá hai tay!

Tưởng chuyện chỉ có thế thì bỗng dưng hai năm sau, Hồ Xung vẫn còn ‘sung’ độ lắm… cao chạy xa bay! Linh San lòng bức bối và tức tối nên tìm gặp Doanh Doanh để đòi lại hai cây vàng 3 số 9 theo giá thị trường bữa nay là 50 triệu đồng.

Ðôi bên cãi qua cãi lại từ giờ nầy qua giờ khác, từ giờ Thìn tới giờ Dậu mà không phân định hơn thua… bèn đưa vụ việc lên quan huyện. Huyện quan thấy chuyện tréo ngoe nầy cũng không biết xử ra làm sao nên họp dân để trưng cầu ý kiến. Bởi ý dân là ý Trời mà?!

Thì dân nói rằng: “Doanh Doanh đã ‘bán’ chồng là Hồ Xung cho Linh San với giá 50 triệu đồng. Vậy là xong! Tiền trao cháo múc!

Bây giờ Hồ Xung lặn đâu mất ?!… Có hai trường hợp: Một là Hồ Xung bay đi tìm cánh hoa khác sau hai năm mặn nồng hương lửa mà giờ củi lửa tắt queo. Hai Xung còn sung mà Chế San đà hết xí quách thì cái chuyện lôi thôi rắc rối nầy là giữa Xung và San còn Doanh Doanh được hai cây vàng do bán chồng, đã đánh số đề thua hết ráo thì lấy tiền đâu mà trả?

Hai là suốt hai năm trời nay, Hồ Xung đã cúc cung tận tụy, phục vụ Linh San thiếu điều thấy ‘linh sàn’ luôn! Xung mới bỏ chạy vì lẽ đã hết pin. Thử hỏi bỏ tiền ra mua cục pin về xài, nó hết pin rồi thì ráng chịu! Chớ ai mà trả tiền lại bao giờ?

Thế nên quan huyện Núi Thoại bác đơn của Linh San đòi tiền lại.

Anh bạn văn nghe tui kể chuyện nầy bèn ngửa mặt lên trời cười ba tiếng; xong cúi mặt xuống đất, khóc ba tiếng.

“Cha chả khen thay cho Hồ Xung, còn rất ‘sung’, nên con vợ Doanh Doanh còn đem đi sang nhượng cho người khác xài, được tới hai lạng vàng 3 số chín. Nghĩ thân ta. Mỹ nhân thiên hạ nhiều vô kể. Thử hỏi tri âm được mấy người? Ai dám bỏ vàng ra để mua ta đâu hả?”

Người viết nghe anh cảm thán như vậy bèn vuốt râu cười hí hí, phán rằng: “Già cúp bình thiếc như anh, còn xí quách đâu mà gặm để mỹ nhân phải bỏ vàng lượng ra mà mua anh như Linh San mua Hồ Xung từ tay của con nữ Doanh Doanh!”

Anh bạn văn chạm tự ái, bực bội: “Coi ốm nhưng mà không có yếu đâu nha! Không có cái vụ giờ thì cũng yêu mà yêu yếu xìu để nhà ngươi dám khi dể tại hạ.

Nhưng mà xí quách là cái quái gì? Hết xí quách nghĩa là sao? Già như ta xương cốt còn đầy đủ, bẻ khớp tay còn kêu nghe răng rắc; sao các hạ lại dám phán là ta đà hết xí quách?”

Người viết bèn tầm chương trích cú để giảng giải cho ông bạn già thông hiểu từ đầu tới cuối cái thành ngữ sặc mùi Nam Bộ nầy.

Xí quách hay còn gọi là chí quách. Vốn xuất phát từ tiếng Quảng Ðông của mấy chú Ba Tàu bán hủ tiếu. Chí quách là xương heo (chí là heo; quách là xương).

Món xương heo đã được dùng để nấu nước lèo. Xương đã hầm (ninh) lâu trong nước sôi, nên lớp thịt mỏng hoặc gân còn dính ngoài xương đã trở nên rất mềm, dễ gặm, dễ tách rời khỏi xương.

Dân ‘nhậu’, khi vào tiệm ở Sài Gòn hay Chợ Lớn, trước khi gọi hủ tiếu, mì hoặc hoành thánh, họ gọi “xí quách” để nhâm nhi với bia hay với rượu trắng.

Vì vậy dân nhậu già già như tui với anh, răng cỏ xếu xáo hết ráo khoái ăn xí quách lắm vì nó vừa mềm, giá vừa lại rẻ. Do đó bữa nào xách cái thau ra, khuya lúc tiệm hủ tiếu, mì gần đóng cửa mà chậm chưn, Chú Ba lắc đầu quầy quậy nói: “Hết xí quách rồi! Nị tới trễ quá” là buồn ơi là buồn!

Cái buồn đó cũng giống như anh em mình, đang đi chậm rãi vào bóng hoàng hôn, không còn cái khả năng ‘ấy ấy’ nữa… Dẫu muốn mà cũng không được; nên nó cũng buồn như xách thau đi mua xí quách về nhậu mà không còn xí quách nữa vậy!

Thưa sao anh bạn văn và một số bà con mình hay để ý đến cái chuyện hết hay còn xí quách? Chớ thú thiệt là: “Tui đã hết xí quách tự năm nào! Giờ phẻ re hà; chỉ biết ăn rồi ngủ mà thôi. Yêu chi nữa cho bận lòng nhau chớ?!”

Nhưng con vợ tui, nó vốn đa nghi, không tin đó là sự thật, phũ phàng duyên kiếp ba sinh. Cứ nhìn bóng tưởng hình, cứ ghen bóng ghen gió; nó cứ làm trắc nghiệm ‘IBM’ tui hoài mới chết.

Cuối tuần rồi nè: Em yêu muốn biết tui sẽ phản ứng ra sao khi phát giác ra là em lẳng lặng, Thúy đã đi rồi! (Mà không biết đi đâu để xây tổ uyên ương với thằng quỷ hó nào nữa?!)

Thế nên em bèn viết cho tui một bức thơ tình cuối mùa thu, vĩnh biệt tình anh, như vầy: “Thôi chia tay từ đây vì em chán ngấy anh rồi! Hết xí quách rồi! Làm sao em gặm! Nên em ‘bái bai’ từ đây. “But I will always love you…” (Làm như em là Whitney Houston hổng bằng! Ê đừng có mơ mộng quá xá như vậy chớ!)

Viết xong, em để trên giường ngủ của đôi ta; rồi chui xuống gầm giường mà trốn.

Tui đi làm về, vừa mệt vừa đói, vô phòng ngủ tính thay đồ rồi xuống bếp lục cơm nguội, ăn với đậu rồng chấm chao có bỏ ớt cho đỡ đói chút coi!

Thấy thơ, cầm lên lẩm nhẩm đánh vần. Im lặng giây phút dài bằng thiên thu! Xong, tui cầm viết lên, nguệch ngoạc vài hàng gởi em trìu mến.

Rồi tui vừa thay đồ, vừa huýt sáo bản ‘Cầu sông Kwai’, điệu quân hành nghe rất là vui vẻ. Tui móc trong túi quần cái mobile phone ‘Samsung Thiên Hà S(ờ) 6’ ra, kéo màn hình rẹt rẹt: “Hello! Cưng ơi! Nếu cưng có ngước lên trời cao, sẽ luôn thấy có một vì sao là anh đó! ‘Ó ó!”

“Nếu giờ cưng đang buồn đau, hãy nhớ đến lúc ta gần nhau! Xin chờ anh nhé cưng! Chụt chụt! Bái bai! “See you soon!” (Dưới chân giường, em cố gắng dỏng tai nghe.)

Thì ngoài tiếng Anh, tiếng U ra, tui còn phụ đề Việt ngữ thêm rằng: “Cưng ơi! Anh đang thay đồ đến gặp cưng đây. Thiệt là vui mừng vui quá vui khi nó đã bỏ đi rồi. Anh thật là ngốc nghếch khi cưới con vợ ‘cà chớn lửa’ như nó! Giờ anh đã thoát khỏi xích xiềng nô lệ rồi! Ôi tự do! Từ nay anh khỏi lo có đứa nào cằn nhằn cửi nhửi tháng nầy sao đưa tiền ít quá? Sao hút thuốc nhiều quá? Sao nhậu nhẹt nhiều quá ?” “Gặp cưng ngay đây. Chờ anh em nhé!” Xong tui tắt ‘mobile phone’, tếch thẳng luôn ra cửa.

Em từ dưới chân giường lồm cồm bò ra, mắt đẫm lệ. “Trời ơi! Thằng chả dám bỏ ta đi! Hi hi! Hu hu!”

Em run run cầm tờ thư lên xem cái thằng chồng bạc tình bạc nghĩa nầy nó viết thêm cái quái gì trên bức thơ của mình đây?

Thơ rằng: “Nè em khùng! Ta đã thấy hai cái cẳng của em ló ra khỏi chân giường. Ta đi mua bánh mì Như Lan ngoài chợ Footscray một chút nhe!

Tửng tửng vừa vừa thôi! Hi hi!”

het xiquach

Bảo Huân

 

DXT – Melbourne