Được thừa hưởng một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới, như thế hệ sinh viên học sinh Hoa Kỳ hiện nay, các sinh viên học sinh gốc Việt cũng đang đạt được một nền học vấn cao nhất so với các thế hệ Việt Nam đi trước. Bên cạnh một tấm bằng đại học, một nghề nghiệp chuyên môn, thì những mục tiêu và ý nghĩa đời sống là một hành trang không thể thiếu vắng trên bước đường của mình. Chuyên mục tiếp tục giới thiệu thêm một số phát biểu của các diễn giả là những nhân vật xuất chúng, nổi tiếng trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, học thuật, truyền thông, nghệ thuật…, mang những thông điệp ý nghĩa và giá trị nhằm cổ súy tinh thần dấn thân, phục vụ và đeo đuổi những mục tiêu cao cả, lớn lao đến các sinh viên vừa tốt nghiệp. Xin chúc mừng các bậc phụ huynh có con em vừa hoàn tất một chặng đường học vấn và thân chúc các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ phát triển sở học của mình một cách thành công trong những mục đích tốt đẹp này.
(tiếp theo “Hãy chọn một vì sao Bắc Đẩu soi đường”)
– Chủ Tịch Điều Hành hãng Google Eric Schmidt tại Đại Học Virginia Tech, Virginia:
“Cái thành phố này đặc biệt làm tôi nghĩ về cha tôi, người đã dạy ở đây khá lâu. Ông đúng là một mẫu mực, đúng là người đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi, đã dạy tôi quá nhiều điều và cho tôi quá nhiều thứ. Tất cả cha mẹ các bạn cũng như vậy, theo cách của họ. Trong khán phòng này đầy những người đã cho bạn những gì để các bạn có được như hôm nay, là cha mẹ, anh chị, vợ chồng, ông bà. Họ đã hy sinh. Họ đã cho bạn nụ cười và tình yêu khi bạn cần nó nhất. Họ khích lệ và tiếp sức cho bạn. Họ dạy bạn nhiều thứ hơn mình biết. Và hôm nay, bạn bước lên khán đài này để nhận lãnh tấm bằng, họ hò reo lớn hơn bạn có thể nghĩ. Hãy nhìn lên khán đài đầy người để hoan hô mọi người, hô to hết sức mình. Hãy nói cảm ơn vì nếu không có họ thì các bạn chẳng có được nơi đây. Hãy yêu thương họ.
Chủ Tịch Điều Hành hãng Google Eric Schmidt tại Đại Học Virginia Tech, Virginia – nguồn vimeocdn-com
Hãy để tôi bắt đầu bằng một câu, không phải của tôi nhưng tôi nghĩ nó sẽ rất thấm lúc này và cả thời gian sắp tới của bạn là, “Tôi chọn sống, chứ không chỉ tồn tại”… Nó không chỉ là những điều bạn học được trong giảng đường, trong thư viện. Mỗi khi các bạn tập đi bộ trong cái lạnh cóng, mỗi lần bạn ngồi ở mép đài tưởng niệm ngắm hoàng hôn, mỗi lần bạn đùa chơi tuyết, bạn hát karaoke…, đó là những lần bạn học được nhiều nhất. Đó là những lần bạn trở thành chính bạn. Đó là những lần bạn chọn để sống, chứ không chỉ tồn tại. Mỗi một khóa học có điều thách đố riêng biệt của nó. Mỗi một khóa học nhập cuộc vào một mốc điểm lịch sử đang được viết cho nó. Không có gì khác biệt. Có khác biệt chăng là mỗi thế hệ phải nhận lãnh cái lịch sử đó và viết nó to tát hơn, hay cho các kỹ sư như các bạn, cần lập trình cho hay hơn. Các bạn có thể viết mã điện toán cho tất cả chúng ta.
Kỹ thuật không tự mình làm việc. Nó chỉ là phương tiện. Các bạn là những người tận dụng quyền năng của nó. Nó tùy thuộc vào các bạn để biết hoàn cảnh và học hỏi mà sử dụng những phương tiện mới theo sự sắp đặt của mình một cách thông minh và hiệu quả nhất có thể. Sự thật là chúng ta có thể và nên làm tự mình nhiều thứ mà máy điện toán chẳng thể làm được. Trực giác, lòng đam mê, sự sáng tạo, đó là những thứ chúng ta giỏi hơn máy móc. Những máy điện toán sẽ không giải quyết vấn đề nếu không có các bạn. Chúng tôi cần các bạn bây giờ. Các bạn là những người có thể tạo lập, có thể nhận lãnh các giấc mơ và biến chúng thành sự thật. Các bạn là những người chọn để sống chứ không chỉ tồn tại… Đời sống là các bạn yêu thương ai, mình sống như thế nào, mình sẽ đi cùng trời cuối đất với ai. Cuộc sống có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ tồn tại.”
– Tiểu thuyết gia Ian McEwan tại Dickinson College, Pennsylvania:
“Tôi muốn chia sẻ với các bạn vài suy nghĩ về tự do ngôn luận, là huyết mạch của đời sống và điều kiện cốt yếu của nền giáo dục khai phóng mà các bạn đã được thụ hưởng. Hãy bắt đầu bằng những điều tích cực trước: có một sự tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do truy vấn trên trái đất này hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử trước đây. Và các bạn ở vào thời đại của một quốc gia mà quyền tự do ngôn luận thiêng liêng trong Tu Chính Án thứ nhất không phải là một câu sáo rỗng, mà là điều sống thực.
Tiểu thuyết gia Ian McEwan tại Dickinson College, Pennsylvania – nguồn theguardian.com
Nhưng sự tự do ngôn luận đã, đang và sẽ luôn còn bị tấn công. Nó đến từ người thiên tả, thiên hữu hay trung dung, nó đến từ những tôn giáo cực đoan cũng như những tư tưởng phi tôn giáo. Nó chưa bao giờ dễ dàng, không có sức mạnh vững chắc để được tự do tung bay… Rất đáng để nhớ điều này: sự tự do diễn đạt sẽ quyết định đến tất cả những quyền tự do khác chúng ta ân hưởng. Không có tự do ngôn luận, nền dân chủ chỉ là giả hiệu. Mỗi sự tự do mà chúng ta sở hữu hay mưu cầu được sở hữu đã được suy nghĩ, được phát biểu và viết ra một cách tự do. Không cá nhân nào có thể tự mình tạo ra những quyền này, mà nó là tiến trình được vun đắp lâu năm. Nó là công sức của những người đã xác định cần mở rộng sự tự do này tùy theo bối cảnh lịch sử. Là John Milton, Tom Pain, George Washington, Thomas Jefferson.., danh sách những người như vậy còn dài và đầy khả kính. Và đó là lý do tại sao một nền giáo dục trong khoa học nhân văn khai phóng là quan trọng trong cái văn hóa các bạn chuẩn bị đóng góp.
Tôi hy vọng các bạn sẽ sử dụng học vấn giỏi giang khai phóng của mình để giữ gìn lại cho mai sau cái văn hóa tốt đẹp và quý giá về sự tự do diễn đạt tư tưởng, mà cũng lắm khi chẳng thuận lợi hay bị tấn công. Các bạn hãy mang theo lời lừng danh này của George Washington, “Nếu sự tự do ngôn luận bị tước đoạt, không lên tiếng và câm lặng, chúng ta có thể bị dẫn đến lò mổ như một con cừu”. Chúng tôi có thể tin chắc trường Dickerson không chuẩn bị các bạn trở thành con cừu. Xin chúc các bạn đầy may mắn cho dẫu bạn chọn làm gì trong đời sống mình”.
– Tài tử Matthew McConaughey tại Houston University, Texas
“Tôi sẽ nói với các bạn vài điều tôi học được trong bước đường của mình, phần lớn là trải nghiệm, một số là nghe được và còn nhiều điều tôi còn đang thực hành, nhưng tất cả đều xác thực. Vâng, chúng có thể là sự thật với tôi, nhưng đừng nghĩ là của tôi vì bạn không thể sở hữu sự thật. Nghĩ về những điều này như biển chỉ đường, như sự gợi mở, như những kiểu mẫu. Cứ tiếp nhận, chia sẻ, so sánh và áp dụng cho chính mình theo cách riêng của mình, nếu bạn chọn vậy.
Tài tử Matthew McConaughey tại Houston University, Texas – nguồn college.usatoday.com
Thứ nhất là đời sống không dễ dàng. Đừng thử và đừng biến nó kiểu vậy. Nói vậy là thiếu công bằng vì nó chưa bao giờ, không phải vậy và sẽ chẳng là vậy. Đừng rơi vào cái bẫy áp đặt cảm giác mình là nạn nhân, mà các bạn đâu phải vậy. Bước qua nó và vượt lên nó. Hầu hết mọi việc sẽ xứng đáng hơn nếu mình đổ mồ hôi. Thứ hai là đừng thốt câu “không thể tin được”. Nó có thể ngoạn mục, là hiện tượng, là xuất sắc tuyệt vời nhất nhưng còn “không thể tin được”? Đừng. Hãy thừa nhận công sức người khác và chính mình. Nó đã xảy ra, các bạn đã chứng thực nó, các bạn đã làm được, thì hãy tin nó. Thứ ba là hạnh phúc khác với niềm vui. “Tôi muốn được hạnh phúc”. Lúc nào tôi cũng nghe câu đó. Nhưng hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là một phản ứng của xúc cảm trước một kết quả. Nếu tôi thắng, tôi hạnh phúc còn không thắng thì không hạnh phúc. Một kiểu nếu-thì, nguyên nhân và kết quả hay mang chuẩn mực trao đổi, mà chúng ta không thể duy trì vì mỗi khi đạt được thì chúng ta lại muốn nhiều hơn. Các bạn thấy đó, hạnh phúc đòi hỏi một kết quả nhất định nào đó, nó là kết quả mang tính phụ thuộc. Nếu các bạn chạy theo hạnh phúc kiểu này thì bạn sẽ thường xuyên thất vọng, hay khốn đốn với nó. Trong khi niềm vui là chuyện khác. Nó chẳng phải là sự chọn lựa, chẳng cần đến kết quả nào đó mà nó bất biến. Niềm vui là cảm giác có được khi làm được những việc mà mình được tạo ra để làm chúng và vui thú làm những chuyện đó, bất kể kết quả như thế nào.”
Thứ hai là đừng thốt câu “không thể tin được”- nguồn newslocker.com
ĐYT ld