Theo triết lý của hầu hết các tín ngưỡng tôn giáo, chết là sự giải thoát cuộc sống hữu hình để tái sinh ở một thế giới vô hình khác. Cho nên có khá nhiều cuộc nghiên cứu của những nhà tâm lý học hay tâm linh về sự cận kề cái chết trên những người chết đi sống lại. Nhiều câu chuyện bí ẩn về thế giới bên kia được dựng lên nhưng khi được hỏi liệu muốn có sống ở thế giới thiên đường hay địa ngục đó không, hầu hết câu trả lời là không muốn.
Phòng bệnh nhân nằm trong chương trình Hospice không có những thiết bị cứu người như ở một phòng hồi sức ở bệnh viện – nguồn Mercyiowacity.org
Cuộc sống thật tươi đẹp, không ai muốn chết. Nhưng cái quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử tuần hoàn của kiếp sống con người vẫn cứ chuyển động theo vòng quay luân hồi. Thỉnh thoảng tôi vô duyên hay hỏi một người già “có sợ chết không?” Có người trả lời rất thật “sợ chứ, nhiều khi ngủ mà cảm thấy lạnh chân”. Nhưng rồi nỗi sợ ấy cũng đi qua, ngoại trừ người ta tranh nhau đến đó sớm hơn không chịu “xếp hàng” vì lý do nào đó, chẳng hạn như thất tình tự vẫn hay một tướng lãnh tuẫn tiết theo thành hoặc cái chết đến đột ngột không có sự cò kè mạng sống trong bom đạn chiến tranh, bệnh tật, thiên tai ập xuống bất ngờ.
Đấu tranh đòi quyền được chết êm ái của dân tộc Tasmania thuộc Nam Úc – nguồn Mercury News
Để giải thích cho việc tìm đến cái chết, nhiều người nói như thế này: “Anh/em không thể sống khi thiếu anh/em”, là cái chết tình lãng xẹt. Chết vì tình yêu kiểu Romeo và Juliet chỉ có trong tiểu thuyết. Tuẫn tiết theo thành là người anh hùng khi tự thấy không làm tròn trách nhiệm bảo vệ đất nước. Liều chết vì lý tưởng quốc gia hay chủ nghĩa cực đoan trong tinh thần võ sĩ đạo Samurai, đội cảm tử Thần Phong của Nhật Bản hoặc phần tử Thánh chiến đánh bom liều chết. Chết vì đạn lạc tên bay, bệnh tật hay tai nạn bất ngờ, là cái chết thương tâm. Cũng có nhiều người đau ốm bệnh tật, nghèo khổ cùng cực thường than thân trách phận “chết cho rồi, vấn vương chi nợ đời”, “sống mà khổ như thế này chết còn sướng hơn”. Ngoại trừ số ít người coi cái chết nhẹ tợ lông hồng vì lý tưởng cao siêu, còn hầu hết con người sống trong đời thường vẫn coi cái chết nặng tựa Thái Sơn.
Năm rồi, tôi có viết một câu chuyện “Cảm ơn người cho tôi cuộc sống” đăng trên báo Trẻ. Chuyện kể về một cô bé nhà nghèo mang căn bệnh khối u trên mặt trông như ác quỷ. Tai ương bệnh tật lại đổ xuống đầu người mẹ. Cô bé chỉ mới mười tuổi từng nghĩ đến cái chết bằng thuốc trừ sâu. Nhưng một phép màu xuất hiện bằng cuộc phẫu thuật ở Mỹ đã trả lại cuộc đời cho cô bé. Kết thúc có hậu. Một cô bé mới tí tuổi đầu lại dám tìm đến cái chết không chỉ giải thoát cho mình còn làm giảm gánh nặng cho gia đình đang trong khốn khó. Một ý nghĩ thoạt thấy thương tâm, hiếu đạo nhưng quá non nớt và dại dột của một đứa trẻ mới lớn lên. Tôi chắc giờ đây khi trở thành một bác sĩ, cô cũng quý mạng sống của những người ốm đau cùng khổ như cô hồi bé.
Câu chuyện thứ hai là của một bà cụ tuổi gần đất xa trời. Cách đây nhiều năm, tôi có ghé thăm Tu viện Quan Phòng ở cù lao Giêng tỉnh An Giang. Mục đích đến tu viện để lấy tư liệu viết về kiến trúc Đông Dương của nhà nguyện và các công trình xây dựng nhà dòng cách đây hơn trăm năm. Với tư cách là một người sống ở nước ngoài về thăm quê hương và sẵn ghi lại một số hình ảnh tu viện Quan Phòng. Chuyện đơn giản và bé như con ruồi, ấy vậy mà các ma soeur lại dẫn tôi vào thăm các cụ già đang sống trong nhà dưỡng lão nhân đến giờ cơm trưa. Được ghé thăm bất ngờ làm tôi cảm thấy bối rối vì không phải đó là nơi tôi muốn đến và lời giới thiệu trịnh trọng về tôi của ma soeur trước mắt các cụ già.
Bệnh nhân chờ chết mong muốn được nhận cái chết êm ái hay trợ tử – nguồn Rachael Zeng’s Blog
Tôi và các ma soeur đi dọc theo các giường xem các cụ ăn cơm, hỏi han chuyện vãn chuyện gia đình. Nhiều số phận các cụ không còn thân nhân hoặc người nhà không đủ điều kiện chăm sóc phải gởi phụ mẫu vào nhà dưỡng lão. Tôi ghé bên giường một bà cụ đang ăn cơm, khơi lại câu chuyện buồn chôn giấu trong lòng. Bà mong về nước Chúa càng sớm càng tốt, vừa lúc bên giường đối diện có bà cụ bỏ cơm vì đau bụng. Cơn đau xem ra khá mạnh khiến bà cụ rên rỉ bật ra tiếng kêu: “Chết tôi Sơ ơi! Cứu tôi với!” Tôi đoán là bà cụ bị viêm ruột thừa bởi tôi đã từng chịu cơn đau như vậy hồi thời đi học. Tôi nói với ma soeur cần phải đưa bà đi bệnh viện tỉnh. Thoát ra khỏi nhà dưỡng lão, tôi nhanh chóng thực hiện việc mình cần làm, nhưng trong đầu chợt nghĩ, không biết bà cụ hồi nãy nói rằng “mong về nước Chúa” khi bị đau như trường hợp bà cụ giường bên có muốn đi cấp cứu hay không. Không ai muốn chết cả khi bộ não còn hoạt động.
Câu chuyện thứ ba liên quan đến người thân của tôi. Có hơi dài dòng một chút nhưng tôi muốn kể thêm về ý chí sống còn gần như đó là khát vọng sống bình thường của một con người, dù trong lúc thần chết đang đợi chờ trước cửa. Số là thằng em của tôi bị bệnh ung thư gan ác tính. Trước ngày được cấp visa sang Mỹ định cư thì khối u đã di căn lên phổi. Được sang Mỹ có điều kiện chữa trị tốt hơn là một điều may mắn. Thế nhưng cái may mắn đó không có kết quả sau đợt hóa trị kéo dài ba tháng. Can thiệp bằng phẫu thuật là điều thằng em tôi mong muốn hơn bao giờ hết, nhưng khối u nằm tại vị trí chèn ép dây thần kinh và các mạch máu hiểm ác khiến hội đồng y khoa không thể thực hiện phương pháp phẫu thuật hay xạ trị. Đợt hóa trị không thành công đồng nghĩa với việc bác sĩ “bó tay”, chuyển bệnh nhân sang chương trình chăm sóc Hospice.
Hospice là gì, hẳn đứa em tôi mới sang sống ở xứ người chưa hiểu tận tường. Nếu ở quê nhà, nói nôm na là bác sĩ “chê”, trả bệnh nhân về nhà, “ăn được gì thì cứ cho ăn”, coi như số mạng sắp kết thúc án chừng trong thời gian ngắn. Ở Mỹ, chương trình Hospice giống như vậy nhưng được chăm sóc theo dõi (không chữa trị) tốt hơn, tập trung vào việc giảm nhẹ các cơn đau bằng thuốc và có y tá hằng tuần đến nhà theo dõi diễn tiến tình trạng, chăm sóc tâm lý hoặc nếu bệnh tình nguy cấp hơn bệnh nhân có thể nằm tại khu chăm sóc Hospice riêng biệt.
Nếu còn đi đứng tự chăm sóc bản thân được, chẳng bệnh nhân nào muốn vào nằm trong Hospice để hằng ngày nhìn thấy lần lượt những người ra đi không lời từ giã. Kiểu “chăm sóc” tâm lý này không làm người ta yên tâm, có khi có tác dụng ngược, dễ gây căng thẳng, khủng hoảng tâm thần, khiến cái chết xảy ra sớm hơn. Khi chấp nhận chương trình Hospice, bệnh nhân đều được bác sĩ tâm lý hỏi muốn cái chết của mình diễn ra như thế nào không có nghĩa là có sự lựa chọn cái chết êm ái. Do đó nhiều người hiểu lầm cái chết êm ái hay trợ tử (Euthanasia) được cho phép bệnh nhân đón nhận. Hospice chỉ có thể giúp loại bỏ hỗ trợ sự sống (Life Support Removal), tức cho phép quá trình chết tự nhiên. Thí dụ như rút ống trợ thở, truyền máu hay sốc điện… Hospice không làm chuyện cứu sống cho những bệnh nhân khi cái chết chắc chắn sẽ xảy ra.
Minh họa y tá chăm sóc cho người bệnh thuộc chương trình Hospice – nguồn FSNhopital.com
Chết êm ái hay trợ tử đều không được phép thực hiện ở Texas và nhiều tiểu bang trên nước Mỹ, ngoại trừ Washington, Oregon, Vermont, New Mexico và Montana. Hầu hết các nước trên thế giới cũng đều không cho phép bác sĩ thực hiện giúp bệnh nhân nhận sự “nhân đạo” của cái chết êm ái tránh đau đớn thể xác kéo dài khi hấp hối. Hiện nay, trong nước ngành y tế cũng đang bàn về luật an tử nhưng có rất nhiều ý kiến phản đối, trái với đạo đức của người Á Đông và triết lý quy luật sinh tử con người của các tôn giáo.
Thằng em tôi ký giấy xin chết tự nhiên. Thời gian sáu tháng cho sự đoản mệnh được chuẩn bị sẵn sàng. Những tháng đầu cơn đau không xuất hiện, kỳ tích cho cái sự “vái lạy tứ phương”, uống lá đu đủ phơi khô, nấm linh chi, bột nghệ… ai bày gì cứ uống, còn nước còn tát. Ăn uống, ngủ nghỉ ngon lành, thậm chí còn đi bộ cả cây số ra chợ chơi như một người bình thường. Có lần trong bữa cơm gia đình, bà con hỏi han sức khỏe. Thằng em bảo, “chết không ai biết trước cả, ai cũng phải chết trước hay sau mà thôi”. Vậy là thằng em đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận. Thế nhưng khi khối u ngày tháng to dần lộ rõ ngoài lưng, thằng em tâm sự với tôi là muốn được vào bệnh viện chữa trị. Bệnh viện bó tay, làm sao đi tìm bệnh viện khác. Nhưng tôi biết một điều dù có tìm được một bệnh viện nào đi nữa, sau khi xem hồ sơ bệnh án bác sĩ chắc sẽ ca lên bài ca con cá, “bệnh ơi, ta xin chào mi”. Giai đoạn cuối cùng của cuối cùng đã xuất hiện, những cơn đau nhiều hơn và thổ huyết kéo dài. Mỗi lần qua thăm thằng em, cơ bắp tay chân càng teo tóp, tôi biết ngày về với cát bụi gần kề.
Điều gì đến nó sẽ đến. Khối u bướu trong phổi đã vỡ. Cái đau chí mạng diễn ra trong chớp nhoáng khiến con người đổ gục. Và điều duy nhất làm tôi băn khoăn là chuyện không ai muốn chết, cho dù chỉ còn vài phút nữa thôi đầu óc thằng em tôi mất đi ý thức. Sự sống như ngọn đèn cầy trước gió. Người ta nói, bệnh nhân chết vì ung thư thần kinh não bộ vẫn còn tĩnh táo trong lúc hấp hối. Có nghĩa là tai còn nghe được cho dù cơ miệng đã cứng không nói thành lời, mắt đứng tròng không còn chớp được. Khi xe của Hospice đến nhà, người y tá tỏ lời an ủi, “không sao không sao, đi bệnh viện ngay mà”, thì thằng em tôi lấy sức tàn hơi, nắm chặt tay lại, cố bật người ngồi dậy. Chỉ còn vài phút nữa là não bộ chết hẳn nhưng nghe đến từ “hospital” là nơi cứu người (chớ không phải hospice là nơi chờ chết). Thằng em tôi vẫn còn nuôi hy vọng với xác suất bằng không.
Ba câu chuyện rời rạc của ba thế hệ tuổi tác có hoàn cảnh bệnh tật khác nhau nhưng cùng chung ý nghĩ mong muốn được sống còn. Cuộc sống thật đáng quý, không ai muốn chết, cho dù thần chết đang kéo lấy tay mình.
TN