Menu Close

Quốc ca

Người ta nói rằng nước Mỹ là một quốc gia đa văn hóa, một trong những nơi  mà một người có thể trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, bên cạnh những kinh nghiệm của riêng mình. Khi đến Mỹ, người dân tị nạn phải bỏ lại hầu hết phong tục truyền thống của họ để thích nghi hoàn cảnh  và văn hóa của thế giới mới. Khi thế hệ kế tiếp bắt đầu lớn lên, nhiều nét văn hóa truyền thống bắt đầu mất đi vì những đứa trẻ của thế hệ đó không được tiếp xúc với ngôn ngữ Việt, cả viết và nói, cũng như những đặc điểm văn hóa chung của đất nước.

quoc ca1

Janny Kim Phạm

Đối với bản thân, tôi cho rằng mình may mắn. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi có nhiều lợi thế về giáo dục cũng như vật chất. Trong khi cha mẹ tôi làm việc chăm chỉ để đạt được giấc mơ ở Mỹ, tôi đã tận dụng tất cả các cơ hội mà ba mẹ mình không có được để khẳng định vị trí riêng  trong nền văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, may mắn hơn với nhiều trẻ em khác, đồng thời tôi vẫn có thể giữ gìn những gì thuộc về Văn hóa Việt Nam của tôi. Là một thành viên của cộng đồng Công giáo Thánh Tử Đạo Việt Nam và các nhóm Thiếu Nhi Thánh Thể đã cho tôi cơ hội gần gũi hơn với cội nguồn. Ở đây tôi có thể học cách đọc, viết, nói, và quan trọng nhất là thực tập ngôn ngữ của mình, tiếng Việt. Hàng tuần tôi tham gia các hoạt động  công giáo, học Kinh Thánh bằng tiếng Việt. Điều này không chỉ giúp tôi hiểu được tiếng Việt mà còn giúp tôi nói chuyện và đọc ở trình độ cao hơn. Bởi vì tất cả giáo xứ đều là người Việt , tôi là một phần của cộng đồng, sinh hoạt với những người dân của mình. Tôi lớn lên với những bạn trẻ có hoàn cảnh gia đình tương tự như mình. Tôi có dịp chia sẻ ngôn ngữ và thực hiện các hoạt động văn hóa của nước mình vì tôi đã được tiếp xúc với một môi trường như vậy.

Khi vào đại học, tôi thấy mình ít có cơ hội tiếp xúc với người Việt hơn. Nhưng đó là lý do thúc đẩy tôi hướng tới Hội Sinh viên Việt Nam (VSA) ở Đại học Georgia. Lúc đầu tôi cảm thấy rất nhớ những người bạn Việt Nam, những người hiểu văn hoá của tôi, tôi khao khát được tìm thấy một cộng đồng nơi mà tôi có thể liên hệ với cội nguồn. Sau khi tham gia hội sinh viên, tôi đã được tiếp xúc với nhiều người từ khắp nơi trên Georgia, học hỏi những kinh nghiệm mới, khác với những gì tôi từng thấy trước đây tại giáo xứ của tôi. Điều này không chỉ giúp tôi trở thành một người Việt trưởng thành, mà còn là một sinh viên trưởng thành. Tôi hiểu hơn văn hóa Việt Nam trên nhiều khía cạnh khác nhau. Để tiếp tục thực hiện những mong muốn tìm hiểu về truyền thống Việt trong cuộc sống của mình, tôi quyết định ghi danh học môn tiếng Việt ở trường UGA. Ngoài việc hoàn thành các yêu cầu ngôn ngữ cho chương trình học tại trường, trình độ tiếng Việt tôi cũng được nâng cao sau khi được học cách nói và viết văn bằng tiếng Việt một cách đúng đắn và chuyên nghiệp hơn. Tôi còn được học các đặc điểm văn hóa từ tất cả các vùng của Việt Nam, cũng như các phong tục, tập quán trong những ngày lễ hội truyền thống như là ngày Tết Việt nam. Tất cả bắt đầu như các trò chơi thú vị, tôi có thể biết được nhiều hơn về đất nước của tôi và tôi thật sự hài lòng về những gì tôi đã học. Có khi nó còn có tính chất giải trí đối với tôi.

quoc ca

Janny Kim Phạm và gia đình ngày tốt nghiệp

Cuối cùng, có một sự kiện đã làm cho tôi nhận ra mình rất tự hào là người Việt Nam. Vào Tháng Giêng năm nay (2015), tôi được mời hát quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa tại lễ khai mạc chương trình văn hóa của VSA, “Đêm Sài Gòn”. Đã nhiều lần hát quốc ca trong nhóm thanh niên, tôi không cảm thấy việc này khó khăn, tôi đồng ý ngay. Nhưng đêm đó, khi đứng trên sân khấu, trước lá cờ tự do của đất nước tôi, cùng với những người lớn tuổi hát bài quốc ca Việt Nam, tôi đã khóc. Một cảm xúc dâng tràn cùng với niềm tự hào về văn hóa của mình trổi lên mạnh mẽ trong tôi, một cảm giác chưa từng xảy ra trước đây. Chưa bao giờ tôi yêu văn hóa và dân tộc của mình như vậy, khi tôi nhận ra và hiểu được những gì bài hát đã diễn tả. Tại “Đêm Sài Gòn” ở giữa Athens, Georgia, tôi hát bài quốc ca đại diện cho cộng đồng Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bài hát ca ngợi một quá trình lịch sử dân tộc, tổ tiên và đất nước mà chúng tôi không còn được sống trên đó nữa.  Tôi chưa bao giờ nói với bất cứ ai về kinh nghiệm này, và cũng không ai trong số người xem chương trình có thể biết chuyện xảy ra vì tôi quay lưng về phía họ. Tuy nhiên, không một chút nghi ngờ, tôi biết rằng lúc này, khi những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của tôi là lúc trái tim của tôi đã được lấp đầy tình yêu Việt Nam. Tiếng hát của mọi người bất kể tuổi tác đang hát cùng với tôi, bài quốc ca, đã hoàn toàn  thay đổi tôi mãi mãi. Tôi đã thật sự trưởng thành, tôi đã hiểu được bài hát và cảm nhận được niềm tự hào dân tộc trong từng câu, chữ Việt.

JKP