Hôm nay, nhân buổi đẹp trời nhàn hứng, kẻ này xin lan man tản mạn về những bức thư tình.
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất ,
Anh trao em, kèm với một lá thư.
Em không nhận, và tình anh đã mất.
Tình đã cho không lấy lại bao giờ .
Trên là những câu thơ trong bài Tình Thứ Nhất của Xuân Diệu. Thuở còn ở Trung học, có cậu nào cô nào không đọc và mê bài thơ này. Ôi, chàng trai mới lớn ngày ấy quả là si tình và dại dột. Người đẹp chẳng những không nhận không đọc thư mà còn “… xé lòng non cùng giấy mới” khiến “mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê…” Thư tình thời mới lớn là như rứa, nghĩa là phần lớn đều có số phận bi thảm. Nhưng ai qua tuổi mười sáu mười bảy lại không viết thư tình cho người trong mộng. Xin cứ hỏi những khách đa tình hào hoa lãng mạn như Hoàng Định Nam và Thận Nhiên thì biết. Nhưng thư tình có từ bao giờ? Câu hỏi ấy cần được nêu lên khi chúng ta đi tìm con đường của những bức tình thư.
Thú thật, Nguyễn tôi ít đọc sách và nghiên cứu, không thể nào xác định được thư tình có từ lúc nào. Thời ông A Dong và bà E Và, quần áo chưa có mà mặc, làm gì đã có giấy bút, ngôn ngữ để viết những bức thư tình. Vậy phải sau đó ít lâu, lúc nhân loại biết nói và tìm ra ký hiệu để phiên dịch điều mình cảm và nghĩ thì lúc đó mới có thư tình. Thế nhưng, bàn luận như trên là kiểu nói huề vốn, ai cũng nói được. Thôi thì nói một cách cụ thể và có bằng chứng rõ ràng: Kể từ Nguyễn này mở mắt nhìn đời thì thư tình đã tràn lan. Thế nhưng, trải qua thời gian, thư tình đã biến đổi. Những lá thư tình “viết đi viết lại, mang đến lại mang về” (Đỗ Trung Quân) đã là chuyện của thập niên 1990 trở về trước. Thời @ (a còng – kỹ thuật số) thư tình đã chuyển sang khúc biến tấu khác…
Nguyễn đọc thấy lời trên trong một website (đã quên tên) và chợt có một vài suy tư khá là lẩm cẩm như sau. Trước hết, không biết là nên buồn hay nên vui đây. Bởi lẽ, như mọi người đều biết, càng ngày người ta càng ít viết thư cho nhau. Không tin, bạn thử hỏi những chàng những nàng đang phải lòng nhau xem. Kẻ này có biết một nhà thơ, ông này gặp một nàng trong hội văn và rồi hai người đâm ra mết nhau. Nàng ở tiểu bang Bluebonnet này còn chàng ở vùng hoa Redbud, cách xa nhau trên dưới 250 mao (miles). Kể từ khi đôi trẻ si mê nhau, cái bill điện thoại hàng tháng ở nhà chàng tăng lên đến chóng mặt và chàng cũng là người đóng góp kha khá vào sự thịnh vượng của hãng xe buýt xuyên bang Greyhound. Kẻ này những tưởng chàng là nhà thơ và nàng là nhà văn thì ắt hẳn phải viết cho nhau nhiều bức thư tình lâm ly lắm lắm để lưu lại làm mẫu mực cho đời sau. Thế nhưng, hỏi ra mới té ngửa: họ chỉ thỉnh thoảng viết cho nhau những cái notes dăm ba chữ hoặc đôi lời chúc trên những tấm thiệp vào dịp lễ Valentine hoặc Christmas hoặc sinh nhật của chàng và nàng. Tại sao? Tại sao ngày nay người ta không còn viết cho nhau những bức thư như ngày xưa nữa? Vì các đôi tình nhân đã hết lãng mạn hay vì con người ngày càng trở nên lười biếng hơn? Sự thật có lẽ là thế này: Trong đời sống gia tốc hiện nay, ai cũng chạy theo cái kim đồng hồ, quá sức bi zì (busy), không đủ bình tâm ngồi viết một trang thư. Thỉnh thoảng có nhớ nhau đến chết người -như chàng thơ và nàng văn nói trên- thì đã có cái điện thoại, và gần đây, e-mail.
Cũng đôi tình nhân nói trên, nếu sống lùi lại năm ba chục năm về trước, ắt hẳn sự tình đã đổi khác. Chàng và nàng sẽ viết cho nhau những bức thư dài trên giấy pelure màu, và sẽ nhờ ông đưa thư hoặc một cậu bé nào đó trao tới. Và nàng nhận được thư sẽ sướng run lên, và như nhà văn Trần Mộng Tú có lần miêu tả, nàng sẽ đưa bức thư lên hôn (ở đó có mùi nước miếng của chàng vì chàng đã lè lưỡi dán thư), rồi úp bức thư lên ngực, chỗ trái tim đang đập nhịp bolero rất mùi, cuối cùng mới dùng dao rọc thư ra đọc mê man.
Nói tới đây, Nguyễn tôi lại nhớ thời còn trung học ở Vương Phủ, mê một cô cùng xóm có đôi mắt Đức Mẹ. Yêu mê mà chỉ dám đứng xa nhìn và đêm đêm làm “con người đi ngoài sương gió” đạp xe qua nhà nàng để chỉ nhìn ánh đèn trong khung cửa sổ, phước lắm thỉnh thoảng mới thấy mái tóc nàng ẩn hiện. Thế rồi tới một ngày thằng đực rựa là kẻ này làm một việc trọng đại: viết thư tình cho nàng bày tỏ nỗi yêu. Bức thư tình đầu tiên trong đời ấy dài 8 trang, viết đi viết lại trên giấy pelure màu xanh, rồi còn bày đặt lấy trộm chai nước hoa của chị Thoa xịt vào cho nồng nàn mùi tình ái. Thư viết xong bây giờ làm sao trao đây? Bố bảo cậu con trai là Nguyễn tôi cũng không dám đưa tay cho nàng. Hay ta cứ liệng đại vào chân cô bé rồi bỏ chạy. Thế nhưng ngộ lỡ cô nàng không nhặt thư mà một thằng khốn kiếp nào nhặt được đem đọc cho cả xóm nghe thì có nước bỏ xứ ra đi. Cuối cùng thì cũng tìm ra lối thoát: Nguyễn hối lộ cho thằng cậu nàng tên là Khiêm nhờ nó trao tận tay cho đương sự. Thư đi rồi hồi hộp đợi chờ, mãi vẫn không thấy hồi âm, đành ôm mối tình tuyệt vọng (nhưng không mang xuống tuyền đài!). Thế rồi, một ngày nọ, cô nàng hận bà dì ghẻ bỏ nhà lên mãi tận Đà Lạt, không biết số phận lá thư tình đầu tiên của kẻ này rồi ra làm sao. Ôi ôi, em ơi. Xin em đừng xé quăng sọt rác! Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất… Nhớ lại một thời ngu ngơ (và ngu xuẩn) thôi thì chỉ biết cười lên một tiếng mà thôi.
Tuy vậy, chuyện của cu Nguyễn này vẫn không thảm hại bằng chuyện mấy anh chàng mết Thảo Mai ngày xưa ở Sài Gòn. Những anh chàng này sáng chiều theo chân TM tới trường rồi về theo tới tận cổng. Một trong những ông thần này là bạn Hiếu Đức cùng dạy với Nguyễn ở lớp đêm trường Lê Thị Hồng Gấm những năm đầu 1990 thế kỷ trước. Đức kể anh thường canh TM trước cổng trường Nguyễn Bá Tòng rồi theo về. Chỉ theo xa xa thôi không dám đến gần. Một hôm, Đức thủ một bức thư tình mang theo đến khu nhà TM rồi đứng cách một quãng ngó vào. Một lát sau, TM đang ở trong nhà thì nghe thằng bé hàng xóm gọi: Chị Mai ơi, có ai gởi cho chị cái thơ nè! TM chạy ra, mẹ nghe tiếng cũng chạy ra và bắt tại trận đang nhận thư của con trai. TM phải khóc lóc thanh minh với mẹ là tại nó tự ý viết chứ con có tình ý gì đâu. Nhưng mẹ vẫn mắng và dọa về mách bố. Hãi quá, TM nhờ con Hoa nhà bên chạy ra kêu Đức vào để ba mặt một lời giải mối oan này. Nhưng thấy Hoa có ý muốn gặp, lại có cả bà mẫu đứng đó nữa, Đức hoảng quá bỏ chạy một mạch. Sau này, có lẽ vì thất tình, Hiếu Đức tình nguyện đi Biệt Động Quân, có về thăm Mai một lần nhưng Mai lúc bấy giờ đã có chồng một con nên không gặp mặt. Ngoài Đức, còn mấy anh chàng nữa theo TM, viết thư tình giấu dưới gầm bàn chỗ Mai ngồi, có anh còn kèm theo một đóa ngọc lan nữa.
Bây giờ thì những bức thư tình như nói trên ngày một thưa thớt rồi mất tăm mất tích luôn. May ra còn tìm được trên trang sách như những bức thư tình rất đẹp Trịnh Công Sơn đã viết cho Dao Ánh. Viết tới đây, Nguyễn nghĩ mà thương cho những bức tình thư của lính. Tưởng tượng những người lính như Vũ Đạo Ánh, như Y Uyên đóng đồn tận trên đèo Hải Vân hay đồi Nora mây trắng, nhớ người yêu lâu lâu viết thư bày tỏ nỗi lòng, nhờ bạn về phép trao tới nhà hay nhờ KBC chuyển. Ôi thư của lính… Hãy nghe người lính Trần Thiện Thanh tâm sự:
Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.
Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.
Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay.
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.
Thư của lính thư không được dài như mong ước đâu em.
Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ hôn em.
Những bức thư tình đó nay đâu còn nữa. Nguyễn xin đưa ra một chứng nhân của thời vắng bóng những bức tình thư. Một ông đưa thư tên Nguyễn Phước Hồng làm việc tại bưu điện trung tâm Sài Gòn trong suốt 23 năm đã là “nhịp cầu” nối những mối tình vượt không gian qua những cánh thư. “Nhiều lúc vừa gõ cửa, cô gái chạy ra nhận được thư mong đợi mừng hớn hở, rối rít cảm ơn, tôi thấy cũng vui lây” – bưu tá Hồng tâm tình. Dù địa chỉ ở Thành phố có những khu như “ma trận”, người bưu tá ấy vẫn quyết tìm cho ra bởi lẽ nhiều cánh thư không chỉ có những dòng địa chỉ vô tri mà còn ghi vài câu thơ. Chẳng hạn như “Thư không cánh thư bay khắp nẻo, cảm ơn người vất vả đưa thư”. Cho tới bây giờ, ông Nguyễn Phước Hồng vẫn nhớ mối tình của người con gái ngày nào ở phường Đa Kao, quận 1, và người yêu phương xa. Ông thuộc lòng địa chỉ đó bởi góc bao thư bao giờ cũng có dòng chữ phương xa… Và điều khiến ông ghi nhớ hơn nữa là lần nào ông cũng phải hổn hển leo lên lầu 4 của chung cư. Những cánh thư tình dù không lập trình nhưng thường đều đặn đến mức người bưu tá chỉ cần: “Nhìn vào nét chữ, trong đầu tôi biết ngay địa chỉ sẽ đến của nó! Ngày trước mỗi ngày tôi chỉ đưa 300 lá thư, đa số là thư tình cảm có thể là tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình… Còn bây giờ số lượng thư tăng hơn nhiều, nhưng hầu hết là thư thời công nghiệp như quảng cáo, báo tin, fax chuyển nhanh…” Ông kể lại như một nuối tiếc.
Đến đây, Nguyễn tôi thấy cần, rất cần đọc một bài ai điếu cho những bức thư tình: Ôi, những trang thư tình ơi, những lơ-vờ lét-tơ yêu dấu ơi, cầu xin cho hương hồn các người được về nơi yên nghỉ. Thời (hậu) hiện đại này không còn có chỗ cho các ngươi nữa đâu. Mai đây, ta đi tới một tinh cầu khác làm lại một thế giới khác với những con người khác, lúc bấy giờ sẽ gọi các ngươi về lại.
TN