LỜI GIỚI THIỆU: Lề Chéo là một mục mới do nhà văn Phạm Thị Hoài đảm trách trên báo Trẻ. Khác Lề Trái, Lề Dân, càng không là Lề Phải hay Lề Đảng, Lề Chéo là cách một nhà văn băng qua giao lộ của suy nghĩ với tất cả tự do và độc lập của tác giả Thiên Sứ.
Ian Buruma
Phạm Thị Hoài dịch
Trước vụ bê bối của FIFA, nhiều người than rằng luật pháp ở nước ngoài nghiêm minh thế, các cấu trúc chính trị thuận lợi thế, báo chí tự do thông tin thế mà tham nhũng còn lên đến quy mô như thế thì mong gì dẹp được ở một nước như Việt Nam. Lo ngại của họ thật sự có cơ sở. FIFA đóng đô tại Thụy Sĩ, như hơn 700 hiệp hội thể thao quốc tế khác; ông cựu Chủ tịch Sepp Blatter sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ, là công dân Thụy Sĩ, quốc gia luôn thuộc nhóm 5 nước trong sạch nhất trong các đánh giá về tham nhũng toàn cầu. Cùng ngồi trong Ủy ban Điều hành FIFA có đại diện từ các hiệp hội bóng đá đầy thanh thế và có thể coi là rất ít tham nhũng của các nước Tây Âu. Vậy mà từ bao nhiêu năm nay, vũng lầy FIFA vẫn ngày càng phình to và dường như sẽ nhấn chìm toàn thế giới bóng đá.Vì sao?
Có rất nhiều lý do. Một trong những hướng giải thích được tác giả Ian Buruma nêu ra trong bài viết sau đây. Cái mafia bóng đá này lớn mạnh cũng bằng chính thói đạo đức giả của thời đại chúng ta, dựa vào các quy chiếu của phong trào chống thực dân, chống đế quốc một thuở ở các nước ngoài phương Tây. Cuối cùng chỉ có sự can thiệp thẳng thừng của Hoa Kỳ mới khiến thành trì tưởng như không gì phá nổi của các Bố già FIFA lung lay và có nguy cơ sụp đổ, song ngay lập tức những lời chất vấn về tư cách sen-đầm quốc tế và cánh tay vươn qua Đại Tây dương của “đế quốc tư pháp Mỹ” cũng vang lên.
Người dịch
Cartoon: Marian Kamensky
Trong vụ bắt giữ bảy quan chức FIFA tại một khách sạn Thụy Sĩ sáng sớm ngày 27 tháng Năm vừa rồi, điều bất ngờ duy nhất là cuối cùng họ vẫn bị bắt. Phần lớn đều cho rằng họ, những người đàn ông được nuông chiều, mặc những bộ com-lê đắt tiền và lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Thế giới, là ở ngoài tầm với của luật pháp. Bất chấp mọi lời đồn đại và tin tức về những vụ hối lộ, về tiền lót tay, về lũng đoạn bầu bán và những phương thức đáng ngờ khác, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cùng các đồng nghiệp và đồng minh của ông ta dường như luôn thoát thân lành lặn.
Mười bốn vị, trong đó chín người là đương kim hay cựu Ủy viên Điều hành của FIFA (nhưng Blatter không ở trong số đó) hiện đã bị tư pháp Hoa Kỳ truy tố về một loạt tội danh lừa đảo và tham nhũng. Ngoài những vụ việc khác, họ bị cáo buộc đã nhận 150 triệu dollar tiền hối lộ và lại quả. Thêm vào đó, cơ quan công tố của Thụy Sĩ đang điều tra những khuất tất đằng sau các quyết định trao quyền đăng cai World Cup năm 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar.
Tội phạm băng đảng có một truyền thống dài lâu trong thể thao nhà nghề, quả là như vậy. Giới gangster Mỹ từng rất quan tâm đến đấm bốc chẳng hạn. Ngay cả môn bóng gậy (cricket) tao nhã cũng bị vấy bẩn bởi sự thâm nhập của các mạng lưới cá độ và những kẻ mánh mung lừa đảo. FIFA chẳng qua là con bò sữa giàu nhất, nhiều quyền lực nhất và toàn cầu nhất trong tất cả các môn thể thao.
Có người ví FIFA với mafia và Blatter, sinh ra ở một làng nhỏ tại Thụy Sĩ, được mệnh danh là “Don Blatterone”*. Thế không thật là công bằng. Như chúng ta được biết, chưa có một hợp đồng giết người nào xuất phát từ trụ sở của FIFA tại Zürich. Song sự bảo mật tổ chức, sự hăm dọa các đối thủ cạnh tranh với những người đứng đầu của nó, và việc nó dựa vào hệ thống những ưu đãi, tiền hối lộ và các ràng buộc nợ nần cho thấy những tương đồng đáng lo ngại với giới tội phạm có tổ chức.
Ta có thể coi FIFA là một tổ chức rối loạn chức năng thay vì là một tập đoàn tội phạm, tất nhiên. Nhưng ngay cả với kịch bản khoan dung hơn như vậy, phần lớn các vi phạm vẫn là kết quả trực tiếp từ tình trạng hoàn toàn thiếu minh bạch của Liên đoàn. Toàn bộ thao tác hoạt động nằm trong tay một nhóm những người đàn ông gắn bó chặt chẽ (phụ nữ không có vai trò gì trong cái doanh nghiệp mờ ám này), tất cả đều hàm ơn ông chủ.
Tình trạng này không phải chỉ bắt đầu dưới triều Blatter. Trước đó, vị tiền nhiệm thâm hiểm của ông ta, João Havelange, người Brazil, đã biến FIFA thành một đế chế tham nhũng và giàu nứt đố, bằng cách kết nạp ngày càng nhiều các nước đang phát triển, rồi dùng những hợp đồng tiếp thị và truyền thông béo bở để mua phiếu bầu của họ cho ông chủ.
Qua cơ chế đó, những số tiền khổng lồ từ các tập đoàn như Coca-Cola và Adidas đã được tuồn vào những chiếc túi rất rộng của các nhà cầm quyền trong thế giới thứ ba, và nghe nói, vào cả túi của chính Havelange. Coca-Cola là nhà tài trợ chính của World Cup 1978 tại Argentina, khi đó nằm dưới sự cai trị của một chính quyền quân phiệt tàn bạo.
Blatter không đến nỗi thô thiển như Havelange. Khác với vị tiền nhiệm người Brazil, Blatter không lộ liễu cặp kè với phường gangster. Song thế lực của ông ta cũng dựa vào số phiếu của các nước nằm ngoài Tây Âu, và sự trung thành của các nước này cũng được bảo đảm bằng các cam kết về bản quyền truyền hình và nhượng quyền thương mại. Trong trường hợp của Qatar, đó là quyền đăng cai World Cup với khí hậu hoàn toàn không phù hợp và những sân vận động xây gấp trong những điều kiện kinh hoàng, bằng những nhân công nước ngoài bị trả công rẻ mạt và quyền của người lao động hầu như không đáng kể.
Nếu lên tiếng chỉ trích, những thành viên châu Âu có chút đòi hỏi cao hơn thường bị chụp mũ là có giọng điệu tân thực dân hay thậm chí kỳ thị chủng tộc. Quả thật, đó chính là bối cảnh khiến Blatter trở thành một nhân vật điển hình của thời đại chúng ta: Một doanh nhân tàn nhẫn, sắm vai người bảo hộ cho các nước đang phát triển, bênh vực quyền lợi của châu Phi, châu Á, Ả-rập và Nam Mỹ trước thế giới phương Tây ngạo mạn.
Thời cuộc đã thay đổi, từ thuở người ta hối lộ những kẻ dễ mua chuộc ở các nước nghèo để xúc tiến quyền lợi chính trị hay thương mại của phương Tây. Chuyện đó vẫn còn, tất nhiên. Nhưng thời nay, chỗ để thực sự kiếm tiền tấn thường ở ngoài phương Tây, đó là Trung Quốc, Vịnh Ba Tư, hay thậm chí là Nga.
Thời nay, doanh nhân phương Tây, kiến trúc sư và nghệ sĩ phương Tây, hiệu trưởng đại học và giám đốc bảo tàng phương Tây – hay bất kỳ ai cần những số tiền lớn để đầu tư cho những dự án tốn kém của mình – đều phải tiếp cận các nhà độc tài ngoài phương Tây. Chính khách do những thể chế dân chủ bầu nên cũng làm như vậy, tất nhiên. Và có vị – Tony Blair chẳng hạn – còn biến việc đó thành sự nghiệp sau khi hết nhiệm kỳ cầm quyền.
Nhưng bắt tay với các chế độ chuyên chính và những lợi ích kinh tế ám muội là việc chẳng lành. Liên minh hiện tại giữa các lợi ích của phương Tây – trong nghệ thuật và giáo dục đại học cũng như trong thể thao – với các thế lực giàu và phi dân chủ bao hàm những thỏa hiệp có thể dễ dàng hủy hoại uy tín đã công phu tạo dựng.
Một cách để đánh lạc hướng dư luận là mượn lại lập luận chống đế quốc cố hữu của cánh tả. Làm ăn với các nhà độc tài và bạo chúa mờ ám chẳng những không mang tiếng bị mua chuộc, mà còn được tiếng là cao cả. Bán nhượng quyền thương mại của một trường đại học hay một viện bảo tàng cho một quốc gia Vùng Vịnh, xây thêm một sân vận động “hoành tráng“ nữa ở Trung Quốc, hoặc kiếm bộn nhờ thiên vị cho Nga và Qatar trong bóng đá được coi là tiến bộ, là chống kỳ thị chủng tộc, và là một thành tựu của tinh thần ái hữu toàn cầu và của những giá trị phổ quát.
Đó là khía cạnh oái oăm nhất của FIFA dưới triều Blatter. Sự tham nhũng, việc mua bán phiếu bầu, sự khao khát uy danh quốc tế tới mức điên rồ của các ông chủ bóng đá, những bộ ngực ưỡn ra khoe mề-đay và tặng thưởng – tất cả những thứ đó đều không ngoài hình dung của chúng ta. Thói đạo đức giả mới là điều day dứt.
Than vãn về sự dịch chuyển quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu khỏi những thủ phủ của châu Âu và Hoa Kỳ là việc vô nghĩa. Và chúng ta không thể dự đoán chính xác những hệ quả chính trị của sự dịch chuyển ấy. Nhưng nếu câu chuyện đáng buồn của FIFA là một chỉ báo thì chúng ta có thể chắc chắn rằng, chính quyền có theo thể chế nào thì đồng tiền vẫn cai trị.
*Từ liên tưởng tới Don Vito Corleone, nhân vật Bố Già huyền thoại trong tác phẩm cùng tên của Mario Puzo và tác phẩm điện ảnh của Francis Ford Coppola.
Nguồn: Project Syndicate, 28/5/2015