Ngày 19 Tháng 6 tới đây, tổ chức BPSOS sẽ tổ chức chương trình “Vinh Danh và Tri Ân” tại Kennedy Center thuộc Washington DC. Dù là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa trong loạt hoạt động “Hành trình đến tự do” đánh dấu 40 năm cộng đồng người Việt hiện diện tại nước ngoài, chương trình dường như cũng nhận được một số thắc mắc về ý nghĩa và nội dung của nó. Chúng tôi trích giới thiệu lại một số câu hỏi đã được Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc và Chủ Tịch BPSOS và là Trưởng Ban Tổ Chức chương trình ở Kennedy Center, trả lời trên một số chương trình truyền thanh và truyền hình, với hy vọng giới thiệu đến độc giả một hoạt động tích cực để có thể tham dự nếu thuận tiện và có thể.
Tại sao chọn ngày 19/6 để kỷ niệm 40 năm đến Hoa Kỳ?
Chúng tôi tổ chức buổi Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center trùng với ngày mà cộng đồng người Việt ở khắp nơi sẽ tổ chức Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà là vì chúng tôi muốn công chúng Hoa Kỳ, đặc biệt là chính giới và các cựu chiến binh Hoa Kỳ, nhân ngày ấy sẽ cùng chúng ta vinh danh sự cống hiến của quân cán chính VNCH cho lý tưởng tự do. Còn để đánh dấu 40 năm người Việt đi tị nạn cộng sản, chúng tôi tổ chức một chuỗi sinh hoạt ở nhiều thành phố và kéo dài đến cuối năm. Chúng tôi mệnh danh chuỗi sinh hoạt này là “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” (hay Của Chúng Ta), tiếng Anh là Our Journey To Freedom. Chương trình “Vinh Danh và Tri Ân” ở Kennedy Center ngày 19 tháng 6 nằm trong chuỗi sinh hoạt đó.
BPSOS tổ chức Ngày Quân Lực VNCH hay ngày kỷ niệm 40 năm mất nước?
Chúng tôi không tổ chức “Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà” mà tổ chức buổi “Vinh Danh và Tri Ân”, thuộc chuỗi sinh hoạt “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” như kể trên, nhưng muốn nó gắn bó và ăn khớp với Ngày Quân Lực VNCH sẽ được tổ chức quy mô trong các cộng đồng Việt ở khắp nơi. Do đó chúng tôi chọn ngày 19 tháng 6.
Việc tổ chức Ngày Quân Lực VNCH là trách nhiệm của các tổ chức cựu quân nhân; họ đã làm bao năm qua và còn tiếp tục làm trong nhiều năm tới. Riêng năm nay, nhân dịp 40 năm kỷ niệm, chúng tôi tin rằng Ngày Quân Lực VNCH sẽ được tổ chức đặc biệt quy mô trong cộng đồng người Việt khắp Hoa Kỳ, nhất là ở Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi hoan nghênh điều này.
Đối tượng chính của chương trình Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center là công chúng Hoa Kỳ, vốn mang nhiều ngộ nhận hay thiếu hiểu biết về cuộc chiến Việt Nam. Chẳng hạn, người Việt tị nạn chúng ta hầu như ai cũng biết và cảm phục các vị tướng, tá và binh sĩ VNCH tuẫn tiết ngày 30 tháng 4, 1975, nhưng phần lớn người Mỹ không biết đến họ. Nay chúng tôi muốn nhiều thành phần ngưỡi Mỹ bắt đầu cùng chúng ta vinh danh những tấm gương anh hùng ấy ở nơi chốn trang trọng và uy nghi nhất quốc gia Hoa Kỳ. Và không gì bằng chọn đúng ngày 19 tháng 6 để thực hiện việc ấy.
Lý do nữa để chọn ngày 19 tháng 6 là vì sẽ có nhiều sinh hoạt trong các ngày 18-20 tháng 6 mà chúng tôi đã hoạch định từ trước; như thế đồng hương ở xa về vùng thủ đô Hoa Kỳ sẽ có thể thuận tiện tham gia nhiều sinh hoạt khác nhau trong cùng một chuyến đi.
Nội dung của chương trình?
Chủ đề của chương trình ở Kennedy Center là vinh danh những ai đấu tranh cho tự do và tri ân những ai đã cho chúng ta tự do: Đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, các người Mỹ phục vụ ở miền Nam Việt Nam trước 1975 và các quân cán chính VNCH.
Chúng tôi sẽ chính thức vinh danh và tri ân 7 cá nhân và tổ chức, cả Việt lẫn Mỹ. Xen kẽ là các tiết mục trình diễn nghệ thuật thật đặc sắc.
Còn chương trình chi tiết, chúng tôi đang làm việc với Kennedy Center để hoàn tất. Hy vọng chúng tôi có thể công bố trong vài ngày tới đây.
Sẽ gặt hái được gì sau ngày đó?
Qua buổi Vinh Danh và Tri Ân, chúng tôi muốn tranh thủ cảm tình và sự ủng hộ của chính giới và một số thành phần trong công chúng Hoa Kỳ cho công cuộc tranh đấu cho dân tộc Việt Nam được tự do và dân chủ. Đại thể, thông điệp lồng trong chương trình Kennedy Center là: “Đất nước và nhân dân Hoa Kỳ đã cưu mang và cho người Việt tị nạn chúng tôi tự do; nhưng chúng tôi ra đi không vì tự do cá nhân mà là để mưu cầu tự do cho cả dân tộc Việt Nam. Chúng tôi cảm ơn quý vị đã cho chúng tôi tự do ngày hôm qua và nay kêu gọi quý vị hãy cùng chúng tôi đưa dân tộc Việt Nam đến tự do vào ngày mai.”
Chúng tôi tin rằng, nếu tổ chức thành công chương trình ở Kennedy Center, nhiều chínhkhách Hoa Kỳ sẽ thấy rằng cộng đồng Mỹ gốc Việt có thủy có chung, có đạo nghĩa và chỉ trong 40 năm đã vươn lên ngang hàng với mọi sắc dân khác. Chúng tôi có báo trước với một số dân cử liên bang Hoa Kỳ về chương trình Kennedy Center; họ rất ngạc nhiên và cảm phục. Nay đã có trên 40 vị dân biểu và thượng nghị sĩ Liên Bang Hoa Kỳ đồng ý đứng tên làm Đồng Chủ Tịch Danh Dự cho chương trình Vinh Danh và Tri Ân.
Thành phần thứ hai mà chúng tôi muốn tranh thủ là các người Mỹ đã từng phục vụ hay tham chiến ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Trong tâm khảm, họ lúc nào cũng là đồng minh trong lý tưởng tự do của chúng ta. Vinh danh họ chính là cách để lôi kéo họ nhập cuộc với chúng ta. Điển hình, nhiều người trong số họ đã ghi danh tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, 18 tháng 6. Sự góp sức của họ sẽ tăng hiệu quả rất nhiều cho cuộc tổng vận động của chúng ta sắp tới đây.
Hiểu như trên thì buổi Vinh Danh và Tri Ân nằm trong kế hoạch “Hoa Kỳ vận”. Đó là một lý do chúng tôi kéo dài chuỗi sinh hoạt “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” đến tận cuối năm, khi mùa tổng tuyển cử 2016 ở Hoa Kỳ bắt đầu.
Có vinh danh không?
Sẽ có cả vinh danh và tri ân. Những ai thọ ơn thì tri ân người mình thọ ơn; những ai không thọ ơn thì vinh danh người đó. Chẳng hạn, người Việt chúng ta với nhau thì tri ân các chiến sĩ VNCH đã bỏ mình cho quê hương. Tuy nhiên, chúng ta không thể bắt các giới chức và quan khách Hoa Kỳ có mặt cũng phải tri ân như mình; đúng quy cách thì họ có mặt là để vinh danh. Cũng vậy, Dân Biểu Christopher Smith, một người sẽ được vinh danh, đã có công cứu giúp cho vài chục nghìn cựu thuyền nhân, tù nhân “cải tạo” và nạn nhân buôn người. Những người này cần tri ân DB Smith như một ân nhân. Nhưng những người khác thì đâu thể tri ân mà chỉ có thể vinh danh ông ta về tấm gương nhân bản.
Ai vinh danh ai?
Ban tổ chức cùng với quan khách, các nghệ sĩ trình diễn, các mạnh thường quân bảo trợ về tài chánh và truyền thông, một số tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ, và những vị dân cử Liên Bang nhận làm Đồng Chủ Tịch Danh Dự là thành phần đứng ra vinh danh.
Có hai thành phần được vinh danh. Thứ nhất là những người mà chúng tôi tuyển lựa để vinh danh trên sân khấu. Chúng tôi đã công bố danh sách thành phần này từ hơn tháng nay. Tuy rằng chúng tôi vinh danh cá nhân và tổ chức, sự tuyển lựa được sắp xếp để mang tính cách biểu tượng. Chẳng hạn, Binh Nhất Trần Văn Bảy biểu tượng cho tất cả những tử sĩ vô danh trong quân lực VNCH. Hoặc một gia đình người Mỹ từng bảo trợ (sponsor) cho rất nhiều người Việt di tản năm 1975 biểu tượng cho lòng nhân ái của nhân dân Hoa Kỳ nói chung.
Thứ hai là những người được các cá nhân ngoài ban tổ chức tự ý và tự túc vinh danh. Người đề xướng hoàn toàn đài thọ mọi chi phí và lo phương tiện để gởi người được vinh danh đến Kennedy Center. Ban tổ chức sẽ thay mặt những người đề xướng để vinh danh họ cùng một lúc và tại chỗ (thay vì lên sân khấu). Tên, hình và đôi dòng tiểu sử của họ sẽ được đăng trong quyển chương trình của buổi vinh danh.
Người được vinh danh gồm cả những người còn sống và người đã qua đời.
theo Mạch Sống