Làng truyền thông thế giới những tuần gần đây xôn xao rất nhiều quanh hoạt động đổ cát đắp đảo của Trung cộng trên Biển Đông, đặc biệt quanh các hòn đảo (thực tế là những bãi đá ngầm) nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam như Gạc Ma “Johnson South Reef”, Ga Ven “Gaven Reef”, Chữ Thập “Fiery Cross Reef”, Tư Nghĩa “Hughes Reef”…
Trung cộng đổ cát xây đảo trên Biển Đông. Ảnh CSIS
Các hãng truyền thông lớn, trong đó có CNN, còn gởi hẳn biệt phái viên tháp tùng các phi vụ thám sát của Hoa Kỳ quanh các bãi đá ngầm này để làm phóng sự. Nổi lên không ít quan ngại một khi đã hoàn tất xây dựng căn cứ nổi, chiếm đóng lâu dài các bãi đá ngầm này, thì Trung cộng sẽ mở rộng tầm hoạt động của không quân, thậm chí thiết lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ).
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung cộng đang hối hả đắp đảo Đá Vành Khăn “Mischief Reef” thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Reuters
Chính vì quan ngại này, để tạo thế đối trọng, mà Philippines, sau hơn 20 năm đóng cửa căn cứ hải quân Subic Bay Naval Base, nay lại đang gấp rút thương thảo mở lại vài căn cứ khác với Hoa Kỳ. Một cường quốc khác tại Đông Á là Nhật Bổn cũng mau lẹ viện trợ Philippines, Việt Nam, và các nước nhỏ trong vùng, không ít tàu thuyền, võ khí hiện đại. Và cả nước Úc nay cũng bắt đầu tỏ ý muốn gia tăng tuần tra Biển Đông với Hoa Kỳ.
Trên phương diện luật pháp quốc tế, chủ quyền trên biển đảo thuộc dạng phức tạp, rắc rối, và nhiều ngoại lệ bậc nhất. Một thời chưa xa, Hải Quân Hoàng Gia Anh Quốc từng bá chủ mặt bể, xem đâu cũng là nhà. Đến đầu thế kỷ 20, vì nhiều lý do, trong đó có giới hạn về phương tiện tàu bè, mà không ít nước chỉ xác lập chủ quyền trong vòng 5 cây số (3 mile) cách bờ biển. Đến năm 1967, còn 25 quốc gia vẫn áp dụng luật giới hạn 5 cây số (3 mile) này. Đến 2008, chỉ còn 2 nước xác nhận chủ quyền khiêm tốn trong vòng 5 km (Jordan bên Trung Đông và Palau cụm hải đảo tí hon giữa Thái Bình Dương thuộc Hoa Kỳ).
Vào khoảng đầu thập niên 1960, giai đoạn cuối cùng của chế độ thuộc địa, các quốc gia có bờ biển đã ra các tuyên bố chủ quyền biển đảo rất khác nhau. Có 26 nước đặt giới hạn chủ quyền tuyệt đối trong vòng 3 dặm. Khoảng 16 nước đòi chủ quyền tính từ bờ biển ra xa 6 hải lý. Chừng 66 nước xác định vùng biển trong vòng 12 hải lý (22 km) các đất liền cũng là nhà của mình. Cũng có 8 nước nới rộng đặc quyền khai thác và làm chủ vùng biển mở rộng đến 200 hải lý (370 km).
Phi cơ thám thính của Hoa Kỳ giám sát hoạt động xây đảo của Trung cộng. Ảnh CNN
Một cách chung, các quốc gia càng hùng cường, càng giàu có, thì càng dễ nới lỏng biên cương hải lý. Ngược lại những nước càng nghèo, cơm chưa no áo chưa ấm, thì đòi hỏi tranh chấp biển cả cũng thường khiêm tốn. Chủ quyền biển đảo, theo truyền thống, cũng thường để bảo vệ đặc quyền đánh bắt hải sản cho con dân ngư phủ xứ mình là chánh. Thời gian sau này, vấn đề làm chủ vùng biển còn gắn thêm quyền lợi khai thác dầu khí.
Để mưu tìm sự bình đẳng giữa các quốc gia, và nỗ lực thiết lập chuẩn mực quốc tế trên biển cả, thời hậu Thế Chiến Hai, Liên Hiệp Quốc bắt đầu ban hành các Công Ước về Luật Biển, tên gọi chánh thức là “United Nations Convention on the Law of the Sea” hay gọi tắt là “UNCLOS”. Chúng là các thỏa thuận quốc tế đạt được sau các hội nghị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, còn có các tên khác như “Law of the Sea Convention” hay “Law of the Sea Treaty”, v.v… Hội nghị “UNCLOS I” khởi sự năm 1956, kéo dài đến 1958, kết quả là 4 bản Công Ước về Luật Biển khác nhau. Đến 1960, Liên Hiệp Quốc lại triệu tập hội nghị “UNCLOS II”, nhưng không mang lại thỏa thuận mới nào.
Đa phần luật quốc tế về biển hiện thời đặt trên các Công Ước về Luật Biển hình thành tại hội nghị “UNCLOS III” kéo dài từ 1973 đến 1982. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 có thể nói là bộ luật tương đối đầy đủ nhất tính đến thời điểm hiện tại. Nó xác định quyền lợi và trách nhiệm của các quốc gia về vấn đề sử dụng bờ biển, cũng như thiết lập các nguyên tắc áp dụng cho thương mại quốc tế, môi trường, và quản trị tài nguyên biển cả.
Tàu bè Trung cộng bu quanh đảo Mischief Reef (Đá Vành Khăn). Ảnh www.theguardian.com
Tính đến đầu năm 2015, có 166 nước và Liên Âu dự phần vào luật “UNCLOS III”. Phần Hoa Kỳ, dù công nhận “UNCLOS III” là chuẩn mực cho luật quốc tế nhưng Quốc Hội vẫn chưa chánh thức phê chuẩn. Nhà cầm quyền Hà Nội, dưới chánh thể CHXHCNVN, phê chuẩn “UNCLOS III” vào giữa năm 1994, có kèm theo xác nhận chủ quyền đối với Hoàng-Trường Sa. Còn Trung cộng, đến giữa năm 1996 cũng phê chuẩn Công Ước Biển 1982 nhưng đồng thời không chấp nhận các điều khoản dành riêng cho vùng… Biển Đông.
Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 hay “UNCLOS III” quy định các quốc gia nằm trong đất liền, không giáp giới với biển (thí dụ như nước Lào láng giềng của Việt Nam) có quyền tiếp cận, giao thông ra biển, đi ngang các nước khác, mà không phải trả thuế hoặc lệ phí hải hành. “UNCLOS III” cũng định nghĩa 5 loại hải phận khác nhau: “Internal waters”, “Territorial waters”, “Archipelagic waters”, “Contiguous zone”, và “Exclusive economic zones”.
– “Internal waters” (tạm dịch hải phận nội địa): Bao gồm tất cả nước, sông, hồ… nằm trong nội địa 1 quốc gia. Quốc gia đó có quyền ban hành luật, giám sát, lẫn sử dụng mặt nước theo cách riêng của họ. Không tàu bè ngoại quốc nào có quyền đi vào “hải phận nội địa” nếu không có phép của nước sở tại.
– “Territorial waters” (tạm dịch lãnh hải): Tính từ bờ biển ra xa 12 hải lý (22 km hoặc 14 mile). Các nước ven biển có quyền đặt luật, giám sát, sử dụng tất cả tài nguyên biển. Tàu bè ngoại quốc có quyền đi qua vùng “lãnh hải” nếu là “Innocent Passage”. Tạm dịch là cuộc “Hải Hành Vô Tình” nếu tàu bè di chuyển liên tục, không gây bất an cho nước sở tại. Thí dụ cho “Innocent Passage” là các tàu chở dầu, tàu chở hàng, v.v… Ngược lại, tàu đánh cá, tàu dầu đổ dầu ra biển, các cuộc tập trận, tàu tuần tra thám thính… không được kể là “Hải Hành Vô tình” và phải xin phép mới được vào “Territorial waters”. Trong vùng “lãnh hải” này, luật quốc tế định các loại tàu ngầm phải trồi lên mặt nước và treo cờ rõ ràng…
Bắc Kinh có thể sắp xây phi đạo trên đảo Đá Gạc Ma “Johnson South Reef” thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh www.dw.de
– “Archipelagic waters” (tạm dịch lãnh hải quần đảo). Tương tự như “lãnh hải” nhưng áp dụng cho các quần đảo thuộc chủ quyền của 1 quốc gia. Quốc qua đó có chủ quyền trên tất cả vùng nước quanh quần đảo giống như là lãnh hải ngoài khơi đất liền, và tàu bè ngoại quốc cũng có quyền đi ngang nếu thuộc diện “Hải Hành Vô tình”.
– “Contiguous zone” (tạm dịch vùng biển kề cận). Nới rộng thêm 12 hải lý bên ngoài vùng “lãnh hải”. Các quốc gia có chủ quyền có thẩm quyền thiết lập và áp dụng luật giới hạn trên 4 phương diện: hải quan, đánh thuế, di dân, và môi trường / hoặc ô nhiễm môi trường.
– “Exclusive economic zones” hay “EEZs” (tạm dịch vùng đặc quyền kinh tế). Tính từ mép “Territorial waters” (lãnh hải) nới rộng ra 200 hải lý (khoảng 370 km hoặc 230 mile). Trong phạm vi này, các quốc gia có bờ biển liên hệ có trọn quyền khai thác mọi tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu hỏa, đánh cá, v.v…
Trung Quốc có tới 4,000 binh sĩ hải quân và thủy quân lục chiến với Bộ chỉ huy đóng ở đảo Phú Lâm “Woody Island” thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là căn cứ quân sự kiên cố nhất trên Biển Đông, có cả phi đạo hoàn chỉnh. Ảnh www.zerohedge.com
Trở lại với Biển Đông, nước cờ của Trung cộng, phê chuẩn luật biển quốc tế “UNCLOS III”, nhưng lại không chấp nhận các điều khoản dành riêng cho vùng này là nước cờ chuẩn bị cho tương lai. Một khi xác định dồn lực thôn tính Biển Đông, Bắc Kinh có thể bất kể luật quốc tế, vì Trung cộng chưa từng công nhận luật quốc tế áp dụng cho Biển Đông. Nơi này không chỉ dồi dào về nguồn lợi hải sản, năng lượng, mà còn là con đường duy nhất cho hải quân Trung cộng đi ra đại dương, vì biển Hoa Đông phía Bắc đã bị Nhật Bổn án ngữ. Trên phương diện chiến lược, các hòn đảo của Việt Nam mà Trung cộng hiện đang chiếm giữ và hối hả bồi đắp (Johnson South Reef-Gạc ma; Gaven Reefs-Ga Ven; Fiery Cross Reef-Chữ Thập; Hughes Reef-Tư Nghĩa đều nằm trên tuyến đường biển trọng yếu bậc nhất này.
Trước đây, Trung cộng đã chiếm đảo Phú Lâm “Woody Island” ở Hoàng Sa của Việt Nam, và đã xây xong phi đạo. Một khi Bắc Kinh đổ cát xây thêm căn cứ quân sự ở các đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa… thì phạm vi tác chiến của bộ đội Trung cộng càng mở rộng. Các chiến đấu cơ J-11 hay J-16 của Trung cộng hiện có thể bay xa chừng 1,500 km. Nếu chúng có đường băng, có thể cất cánh/hạ cánh từ các đảo này, thì khả năng không kích của không quân Trung cộng dễ dàng bao trùm không chỉ lãnh thổ đất liền Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á. Đây là một trong những hệ lụy phức tạp và nguy hiểm nhất, đã khiến cho không chỉ Việt Nam, hay Philippines, mà cả cộng đồng thế giới phản ứng dữ dội với Trung cộng trong thời gian qua.
TD