Menu Close

Cha đã đi qua vùng thảo nguyên

Từ “Cha” chỉ là một tên gọi khác
của lòng yêu thương
(Fanny Fern)

Mở đầu bài tản văn Cây Cô Độc để tưởng niệm phụ thân mình, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã dùng  câu của Fanny Fern làm đề từ. Và Khánh Minh vào đề như sau:

Đêm khuya đèn hắt bóng rầu rầu
Lệ chữ theo hoài trang sách sâu
Cha buông nét bút sầu ẩn sĩ
Một dải sơn hà một nỗi đau

Cách đây ba mươi mấy năm, tôi đã viết về cha tôi như thế. Cảm xúc từ một đêm rất khuya đi ngoài ban công nhìn vào bàn làm việc cha bên cửa sổ còn ánh đèn, in trên gương mặt xương nét sầu muộn cô độc. Khi đưa cha đọc, ông bảo, sao tứ tuyệt mà con để thất niêm luật thế… Chẳng bao lâu sau đó, ông bị đem đi, rất xa nhà. Không hiểu sao cuộc đời cha cứ đong đưa tù ngục, của cả hai phía. Tôi nghĩ cha tôi thật sự là người mơ mộng. Tại vậy, mà ông đúng là cây cô độc, như ông viết trong một vở kịch dở dang. Dang dở như sự nghiệp và hoài bão của ông. Cái nỗi đau dải sơn hà trong tâm cha thôi hãy để tan vào bụi tro trong chiếc tĩnh im lặng. Cha ơi. Con chỉ muốn nhắc đến tình cha, yêu thương con gái như thể mình là chỗ cho nó hành tỏi yêu thương. Làm nũng hết biết (giờ mới biết thế), từ cái ngày còn mặc áo đầm xoè trắng cho đến tuổi vòi tiền may một cái áo dài lụa hoàng hoa.”

Ôi, lòng thương cha của nữ sĩ thật là sâu sắc, cảm động. Đọc bài tản văn Cây Cô Độc và các bài khác trong Bóng Bay Gió Ơi*, ta được biết: Cha của Khánh Minh là người ôm mộng sơn hà và mộng văn chương nhưng chưa đạt hoài bão. Mở trường, dạy học và tham gia các hoạt động ngoài khuôn khổ khiến chính quyền quốc gia không tin ông. Mặt khác, với CS ông là người phản bội vì đã bỏ kháng chiến về với bên này hoạt động văn hóa ngoài vòng kiềm tỏa của Đảng – cái giá họ bắt ông trả thật quá đắt: tám năm tù khổ sai biền biệt khi trở về thì sức đã gần cạn kiệt. Về văn học, Lầu Thơ Minh Minh thuở ấy ở Sài Gòn từng là nơi vang hưởng tiếng đàn tiếng hát tiếng thơ và bóng hình của Trần Văn Khê, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Đức Quỳnh, Giản Chi, Ngân Giang, Mộng Tuyết, Doãn Quốc Sỹ, Hồ Điệp, Tuệ Mai, Tôn Nữ Hỷ Khương… Thân phụ Khánh Minh là người đã dịch nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ngoài ra còn soạn sách văn học và viết kịch Cây Cô Độc… Những trứ tác còn trên bàn thờ gia tiên ở Sài Gòn.

Nguyễn tôi trộm nghĩ ở giai đoạn lịch sử ấy biết bao người cha mang thân phận như cha NTKM, trong  khắp các nhà tù, trại tập trung. Ngược dòng thời gian về những năm 40, xin theo bước chân của thân phụ Nguyễn này qua vùng Thảo Nguyên. Ngày ấy, năm 1979-1980, ngồi trong trại tù Thanh Chương Nghệ Tĩnh, Nguyễn viết Thảo Nguyên trong đó có đoạn về Người Cha:

cha đã đi qua vùng thảo nguyên
gió mùa xưa chuyển cơn giông lớn
vang thiên thu chớp bể mưa nguồn
nước vượt bờ. trùng khơi nước rộng
hồn cựu kinh. thấp thoáng ngọn rừng
đám lưu dân qua vùng châu thổ
chẳng tìm đâu thấy một xóm làng
thảo nguyên. tàn khuya không ánh lửa
trời mịt mùng. muông thú kêu hoang

cha đã đi qua vùng thảo nguyên
những năm ấy trời làm đói khổ
kẻ sống. người chết. đều trơ xương
lại thêm khắp bốn bề giặc giã
muôn oan hồn. dấp dúi. lang thang
nương thân nơi đầu sông cuối bến
ngày gầy xơ. lất phất mưa phùn
đường bạch dương. chiều. không quán trọ
hành nhân. hành nhân. đêm thu phân

cha trở về trong căn nhà gỗ
trao cho ta chiếc gậy tìm đường
đêm uống trà khan. đọc thơ cổ
xót đời. qua một tiếng độc huyền

Thảo nguyên là đất lưu đày nhưng đôi khi cũng sáng lên trong tâm tưởng người làm thơ, trong đó có hình bóng người cha của mình. Câu chuyện, nói theo Thảo Trường, kết cấu với 99% sự thật và hư cấu cũng  99%. Bầu khí ở đây, như bạn có thể cảm nhận được, nửa mang hồn Cựu Ước nửa âm hưởng cổ thi. Trên thực tế, thân phụ của Nguyễn ở những năm 40 thế kỷ trước từng tham gia các hội kín yêu nước và bị Tây bắt lưu đày nhiều năm trên đất Lào cuối cùng vào năm 1948 bị trục xuất về Huế cùng với gia đình. Nguyễn hồi đó còn nhỏ xíu mới bảy tám tuổi mà đã theo cha qua những mảnh đất ngục tù biết mấy dặm sơn khê. Cha và cả người anh cả nữa bị Pháp bắt ở Khongsedone rồi đưa đi giam ở Paksé thuộc Nam Lào. Mẹ cho Nguyễn theo tới Paksé ở nhờ nhà cậu mợ Ái. Nhớ lần đầu tiên mang thức ăn vào nhà tù thăm cha. Nhìn thấy hình ảnh tả tơi của cha lúc cùng các bạn tù ra ăn cơm, Nguyễn bật khóc nước mắt chảy ròng ròng không nói nên lời. Sau thời kỳ ấy, cha và các bạn tù được chuyển đi lưu đày ở vùng núi non thuộc tỉnh Attopeu. Một lần nữa mẹ cho đi thăm nuôi cha. Từ Khongsedone, Nguyễn đi nhờ xe bò mất mấy ngày đêm tới Saravane, ở nhờ nhà chị Sáu. Sau đó, Nguyễn và một người bạn nữa quá giang xe chở hàng vượt suối vượt đèo của vùng thảo nguyên Boloven lên Attopeu. Cho đến nay qua hơn nửa thế kỷ Nguyễn còn nhớ như in chuyến đi ngày ấy. Xe chở hàng chật cứng, Nguyễn phải ngồi trên mui xe qua rừng qua truông. Tới nơi, Nguyễn và người bạn được cho vào ở cùng cha trong trại tù. Trại ở vùng sơn thôn, bên cạnh là con sông rừng nằm sâu thật sâu. Chiều chiều Nguyễn và cha anh tắm ở dòng sông ấy. Sau này khi bản thân qua những trại tù ở Yên Bái, Bắc Thái, Thanh Chương Nghệ Tĩnh, Nguyễn lại được nhìn thấy những cảnh như dựng lại từ bóng ảnh những vùng đất lưu đày Saravane, Attopeu. Cha và anh của Nguyễn bị giam ở Attopeu ít lâu thì được trục xuất về nước cùng với những người tù khác. Mẹ của Nguyễn và các em cũng được theo. Xe ngừng lại một hôm ở Savannakhet bên bờ sông Mékong rồi vượt đèo Lao Bảo về Huế. Lần đầu tiên qua sông Hương, Nguyễn được nhìn thấy những lá đò sao yêu dấu thế. Ở lại lao Thừa Phủ ít hôm, cha và anh Nguyễn được thả ra về ở xóm Vương Phủ nơi thôn Vỹ Dạ.

Nhìn lại suốt thời thơ ấu ấy, Nguyễn thấy cha mình tuy không hoàn hảo không là người thông thái nhưng có học hành và yêu nước. Ông cũng là người yêu ca nhạc, biết làm thơ và đàn độc huyền rất hay, nhiều đêm ông đàn và mẹ của Nguyễn ca Huế, ôi thời hạnh phúc. Thời ấy Nguyễn được cha khá cưng chiều. Tự tay ông làm những chiếc đèn Trung Thu cho Nguyễn chạy chơi múa hát cùng xóm. Và cũng chính tay cha đóng cho Nguyễn chiếc xe hơi 4 bánh bằng gỗ ván, ở đầu có sợi dây kéo đi chơi như Mr Toyman trong tản văn Nguyễn viết ngày nào. Cha đi làm ở huyện Hương Thủy, đạp chiếc xe đạp đen hiệu Saint Étienne có cái chuông rất to qua hàng chục cây số. Chiếc xe ấy sau cho Nguyễn dùng suốt thời kỳ đi học trường Quốc Học Huế. Cứ thế, cứ thế, cha nuôi cho Nguyễn ăn học cả những năm ở Luật và Văn Khoa Sài Gòn. Một tình yêu thô mộc nhưng quý giá. Vậy mà, hỡi ơi, Nguyễn không đền đáp lại được bao nhiêu.

Hôm nay, sắp tới Father’s Day, Nguyễn nghĩ tới những người cha như cha của NTKM, cha Nguyễn (và cả bản thân mình nữa) từng đi qua thảo nguyên lưu đày nên có ít dòng tưởng niệm. Chiều ơi, xin nước mắt đừng rơi.

TN