Dân Sàigòn có lẽ ai cũng từng nghe nói đến khu chợ đầu mối Cầu Muối trên đường Cô Bắc, kéo dài ra Nguyễn Thái Học đến chân cầu Ông Lãnh. Đây là phạm vi chính, tiếp đó là khu chợ Bến Chương Dương vòng xuống Đề Thám cắt ngang Cô Giang hình thành một khu dân sinh tấp nập.
Tôi đến thăm gia đình dì ruột trong con hẽm nối liền từ đường Trần Hưng Đạo qua Cô Bắc nơi nhóm họp chợ Cầu Muối xưa. Trước khi Sàigòn thất thủ, mặt trước con hẽm là khu cư xá sĩ quan Hoa Kỳ sang trọng, còn bên trong là hai dãy nhà của những công chức cũ, thế nên ra vô phải được người gác nhận diện mới được mở cổng. Lúc nhỏ tôi rất thích đến chơi nhà dì vì đây là một khu cực kỳ yên tĩnh, chỉ cần bước chân đến cổng là đã ngửi được mùi thơm tho, sạch sẽ.
Chợ Cô Giang xưa – nguồn wikimapia.org
Ngược hẳn lại, phía bên đường Cô Bắc lại là khu chợ Cầu Muối dơ dáy, phức tạp. Chợ Cô Giang sống bám vào chợ Cầu Muối nhưng cũng có lẽ nhờ vậy mà từ năm 2013, khi chợ Cầu Muối phải di chuyển ra chợ đầu mối Tam Bình-Thủ Đức thì chợ Cô Giang vẫn tiếp tục tồn tại. Không quá sầm uất, không ảnh hưởng nhiều đến giao thông vì chủ yếu chỉ là một chợ nhỏ nhóm họp hàng ngày bán cho dân sinh sống chung quanh, chợ Cô Giang sống sót như thân phận của cư dân bèo dạt rồi lại tụ về.
Theo dì đi chợ, tôi thường có dịp dạo quanh chợ Cô Giang. Vẫn là ngôi chợ nhỏ, chốn xưa vẫn đó, nhưng quang cảnh đã thay đổi rất nhiều. Chỉ những căn tiệm be bé nằm trong khuôn viên chung cư Cô Giang là ít nhiều còn xập xệ, còn hầu hết những tiệm dọc theo đường Cô Giang từ Hồ Hảo Hớn đến Nguyễn Thái Học bây giờ đã hóa thành những căn nhà đúc ba tầng lầu. Trên con đường này có một chùa cổ trước đây mang tên Linh Sơn Cổ Tự, giờ cũng đang sửa chữa lại với tòa tháp cao cả chục tầng mới tinh khôi. Cách chùa vài bước, là xưởng cơ khí Isuzu ngày trước, bây giờ đổi tên là Isamco, xây cất hoàn toàn mới với hơn mười tầng lầu và khu trưng bày các loại xe Toyota.
Nhìn bên ngoài khu Cô Giang có vẻ giàu lên, nhưng nhìn vào lòng chợ nước cống vẫn còn chảy lênh láng trên mặt đường tráng nhựa tạm bợ. Giấc cao điểm, lòng đường chật cứng những thúng tre chất chứa đủ các loại sản vật từ các thứ mắm rẻ tiền như mắm cá linh, cá lóc, cá sặc đến đủ các thứ củ ngâm. Bên cạnh là những giỏ tôm tép mồng không mấy vệ sinh… Quan sát kỹ, sẽ thấy cuộc sống của dân chúng hãy còn khó khăn, vì trên các phản thịt có vẻ sung túc, giá cả tương đương với giá heo bò ở nước ngoài. Lương Cộng sản nhưng giá Tư bản là trái khoáy của xã hội này.
Chung cư Cô Giang ngày nay
Dù sao người đi chợ cũng tìm thấy niềm vui khi bước qua hàng cá trê, cá bông lau, lươn hãy còn đang quẫy đuôi bơi lội trong những thau chứa nước. Chỉ cần ra dấu, ngay lập tức con cá được bắt ra đập đầu, mổ bụng, đánh vẩy, ruột cá giữ lại theo yêu cầu… Qua hàng đậu hủ, các bà nội trợ sẽ vớt mấy bì đậu tươi trắng, nuột nà hoặc những miếng đậu chiên tại chỗ vàng rụm lấy ra từ những chảo ngập dầu. Rau cải ở chợ thì lúc nào cũng tươi rói, phong phú, đa dạng các chủng loại từ rau muống, mướp đắng, tần ô, cho đến những bó salade Đà Lạt lá phẳng, lá xoăn xanh mướt, rồi rau mồng tơi, rau dền và cả những thứ thật nhỏ như cọng hành, bó hẹ, ớt hiểm.
Điều rất sướng là người nội trợ bây giờ được phục vụ đến tận cùng, hành, tỏi, ớt, tất cả đều có thể tìm mua bình thường, đồng thời cũng có thể mua khi đã lột sẵn, xay nhuyễn, bào mỏng. Rau củ như khoai tây, cà-rốt gọt sạch, được cắt nhỏ giúp phụ nữ sau một ngày làm việc trên đường về ghé qua mua vội, về đến nhà, chỉ trong thời gian ngắn, là có thể quây quần cùng với gia đình bên mâm cơm nóng sốt, thơm ngon.
Việt Nam giờ đây các loại trái cây hầu như có thể tìm thấy quanh năm chứ không chỉ theo mùa như ngày trước. Tại chợ Cô Giang không thiếu những hàng trái cây bày bán trên sạp, những hàng này thường là các loại trái cây được tuyển, thích hợp cho cúng kiếng, biếu xén. Nếu ăn trong gia đình thì mua những trái cây bày dưới đất, vì giá cả mềm hơn tuy phẩm chất không bằng. Ngoài ra còn các hàng trái cây di động trên những xe ba gác, giá chỉ khoảng chừng một phần tư giá trên sạp, có điều là trái cây gần như đã bị đánh lận con đen, xoài keo thành xoài cát Hòa Lộc, nhãn hạt to thành nhãn hạt tiêu, v.v… Dù rằng chẳng ai tin nhưng vẫn đắt hàng vì vào thời kỳ đắt đỏ không phải ai cũng có nhiều tiền.
Nói về các thứ thời trang dành cho tầng lớp bình dân thì chợ Cô Giang không thiếu những cửa hàng trong nhà, trên sạp, dưới đất. Ở đó, phụ nữ có thể tìm được những bộ quần áo đẹp vừa túi tiền để dự tiệc hoặc bận trong nhà, màu sắc từ trang nhã, nhẹ nhàng đến lòe loẹt. Cũng không hiếm những nhãn mác không xuất xứ, kể cả các loại mỹ phẩm, nữ trang, tuy không nói nhưng ai cũng biết đó là hàng lậu đưa vào từ Trung Quốc với đầy đe dọa sức khỏe cho người tiêu dùng. Biết sao bây giờ, dân nghèo thì đành xài hàng kém phẩm chất lượng. Phụ nữ Việt nghèo đành chịu cho phấn Trung Quốc ăn da mặt với hy vọng xinh đẹp trong chốc lát.
Hàng ngày chợ Cô Giang nhóm họp từ khoảng 4 giờ sáng, kéo dài đến 12 giờ trưa là bắt đầu dọn dẹp nhường cho các đội vệ sinh làm nhiệm vụ, để sau đó lác đác một vài hàng ăn uống như chè, cháo bắt đầu lục đục. Nếu ở chợ Cô Giang buổi sáng có đầy các hàng điểm tâm như phở, bún bò huế, cơm tấm, bánh cuốn… thì đến chiều sẽ thành nguyên một khu vực ăn nhậu sầm uất rầm rầm đến quá nửa đêm. Dọc theo hai bên lề đường góc Đề Thám-Cô Giang sinh sôi những quán bình dân với thực đơn gồm nào là hủ tiếu xào, mì xào, cơm chiên, rồi đến các món nhậu như tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến, ghẹ và chắc chắn không thể thiếu bia. Theo thống kê, Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á và trong chợ Cô Giang cánh đàn ông có thể tìm được đủ các loại bia chai, bia tươi, bia sệt với bảng quảng cáo “Uống ít tiểu, ít tiền, say nhiều”!
Nói đến chợ Cô Giang là phải nói đến chung cư Cô Giang. Chung cư Cô Giang được xây cất từ năm 1968 với tổng số 750 gia đình sinh sống. Năm 2006, UBND TP có chủ trương “cải tạo mặt bằng” nhưng mãi đến đầu 2011, trước tình trạng hư hao trầm trọng, mới ban lệnh tháo dỡ khẩn cấp.
Chung cư Cô Giang đến tận bây giờ vẫn luôn luôn là một vết nhức nhối cho người dân ở đây. Chung cư luôn là hang ổ của các tệ nạn xã hội từ xì ke, ma túy, cho đến cướp giật, mại dâm, với những con đường luồn lách ngoằn ngoèo, xuyên suốt từ Cô Giang qua Cô Bắc tạo thành những lối thoát thân khi có những cuộc bố ráp của công an hoặc khi xảy ra nạn cướp giật quanh khu vực. Chỉ cần kẻ cướp chạy biến vào chung cư này thì coi như mất biệt tăm tích.
Tương lai, chung cư Cô Giang sẽ được xây thành trung tâm thương mại với quy mô 30 tầng, 1,092 căn gia cư. Đây sẽ là một trong những khu trung tâm Sàigòn, vì chỉ mất 20 phút đi bộ là có thể đến chợ Bến Thành, tam giác vàng Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Yersin, nơi đang tọa lạc một cửa hàng Mc Donald và với 15 phút đi bộ sẽ rơi vào thủ phủ Tây ba-lô Đề Thám, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu.
Chợ Cô Giang không cách quá xa chợ Bến Thành, chợ Thái Bình. Nhưng chợ Bến Thành so với chợ Cô Giang thì giá cả cao gấp đôi và nhất là nạn hét giá quá cao gấp bốn, năm lần so với giá gốc làm người mua cho dù có trả giá bao nhiêu cũng không thoát khỏi chuyện mua hớ, mua lầm. Những chợ nhỏ như chợ Thái Bình, chợ Cô Giang hiện tượng nói thách bây giờ không còn nhiều nữa, người bán thường không nói giá quá cao nhưng người mua vẫn nên trả giá. Điều mà chắc chắn khi đi các chợ như Cô Giang, Thái Bình và ngay cả chợ Bến Thành người mua không bao giờ tránh được là nạn cân thiếu. Từ thịt, cá, rau cải, trái cây… cho đến tỏi, hành, hẹ, trọng lượng không bao giờ chính xác, khi về cân lại lúc nào cũng thiếu, ít thiếu theo ít, nhiều thiếu theo nhiều, đó là một thứ luật bất thành văn của chợ Việt Nam. Chỉ tăng thêm mà không giảm từ sau “giải phóng”.
Số phận chợ Cô Giang cũng đã được định đoạt, nhất là khi khu trung tâm thương mại Cô Giang thành hình, khi đó dù muốn dù không những người buôn bán ở đây cũng sẽ phải ngậm ngùi chia tay với nơi đã nuôi sống bản thân và gia đình họ từ bao chục năm qua. Sẽ không còn cảnh những người già cô đơn, mỗi sáng thức sớm ra chợ mua chút thịt, chút cá, chút rau, tranh thủ rề rà nói dăm ba câu chuyện trời mưa trời nắng với người bán hàng mà họ đã biết nhau từ rất lâu, có khi từ lúc cha mẹ họ còn sinh thời đến khi tóc họ đã bạc màu. Sẽ không còn cảnh người nội trợ chạy ra mua vội cọng hành, cọng cải mà lúc sáng lỡ quên. Theo đà phát triển hiện nay, siêu thị đã, đang và sẽ còn giết chết tiểu thương trong các đô thị, đây chính là mối đe dọa đối với các chợ nhỏ. Chỉ trong quận 1 đã có nào là siêu thị Co-op Cống Quỳnh, một siêu thị đã thành lập được hơn mười năm nay và rất thành công trong lĩnh vực bán lẻ, nào là Citimart Nguyễn Trãi tuy không chiếm được thị phần đáng kể như Co-op Cống Quỳnh nhưng nếu khách hàng muốn tìm các loại thực phẩm ngoại nhập thì có thể sẽ tìm thấy ở đây. Chung quanh chợ Cô Giang còn rất nhiều những cửa tiệm tư nhân kinh doanh như một siêu thị nhỏ mà ta có thể tìm mua tất cả các mặt hàng khô thượng vàng hạ cám và vòng quanh chợ mọc lên không ít những siêu thị gia đình phục vụ 24/7. Dù sao thì vào siêu thị người mua vẫn cảm thấy yên tâm về mặt phẩm chất, vệ sinh, nhất là thoát được cảnh hét giá, chửi mắng nặng lời của người bán.
Thật sự, những khu chợ như chợ Cô Giang vẫn còn rất nhiều, từ quận 1 sang quận 3 cho đến các quận ngoại thành. Nhưng chợ Cô Giang chắc chắn sẽ không tồn tại được lâu nữa, vì nằm ngay giữa trung tâm, một địa điểm vàng. Mà thời của “cướp ngày là quan” đang thịnh đạt, thì một địa điểm vàng sẽ như một túi mật mà bầy ruồi nhặng cùng các quan chức sẽ hết mình giành giật.
TN – tháng 6-2015