Vai trò, trách nhiệm và sự thương yêu của người cha hiện nay ắt ít nhiều đã có sự thay đổi so với ngày xưa, khi những hành xử, thái độ và mối quan hệ cha-con đã thay đổi theo một nhãn quan và môi trường xã hội khác biệt. Từ những người cha đặt nặng vai trò xã hội và mang trách nhiệm nuôi gia đình, con cái ngày nay cần những thế hệ người cha gắn bó, gần gũi với con cái hơn trong quá trình hình thành nhận thức, tính cách, xu hướng về quan hệ xã hội của các em. Nó đòi hỏi người cha không chỉ là người thầy, một khuôn mẫu cho con cái mà còn là người bạn, một người mà con cái có thể tin tưởng và gần gũi để thố lộ, chia sẻ những suy nghĩ, tâm cảm của mình. Chính vì vậy, làm cha trở thành một quá trình học hỏi liên tục cho những người cha.
Trong số vô số những câu chuyện cảm động về sự hy sinh của người cha, một câu chuyện về quan hệ cha-con vẫn còn đọng lại trong tôi khá lâu, vì nó cho những người cha như tôi một suy nghĩ về sự yêu thương và trách nhiệm làm cha của mình. Nó chẳng phải những câu chuyện ngợi ca sự hy sinh của người cha thường tình, mà nó là bài học, là điều để những người cha đọc được phải suy gẫm. Một câu chuyện quen thuộc mà có thể một số các bạn cũng từng đọc được nó ở đâu đó, nhưng tôi vẫn tóm lược và viết lại câu chuyện theo trí nhớ như thế này:
nguồn huffingtonpost.co.uk.org
“Một cậu bé chạy đến cha mình đang làm việc và cất tiếng hỏi:
– Cha! Cha làm việc được bao nhiêu tiền mỗi tiếng đồng hồ?
Người cha ngạc nhiên và tỏ ý không hài lòng về câu hỏi đứa con, nhưng ông vẫn trả lời:
– 20 tiền.
Cậu bé cúi đầu, lí nhí trong miệng:
– Cha cho con mượn 10 tiền được không?
Đang làm việc mệt, người cha giận dữ:
– Con không thấy cha phải làm việc liên tục và vất vả không hả. Còn con chỉ muốn xin tiền để mua đồ chơi hay ba thứ vô tích sự.
Cậu bé mắt đỏ hoe, lặng lẽ bước vào trong. Người cha bình tâm trở lại, thấy hối hận vì đã nặng lời với con nên theo vào nhà. Ông móc túi trao cho cậu bé tờ 10 đồng. Đang úp mặt trên gối, cậu bé mừng rỡ, quay lại ôm chầm lấy cha mình. Rồi cậu lật gối, lấy thêm một ít tiền lẻ nữa. Thấy tiền, cơn giận của người cha lại bốc lên:
– Tại sao đã có tiền mà con còn muốn xin thêm của cha? Tại sao con lại muốn xài nhiều tiền như vậy.
Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt, cậu bé nức nở:
– Bởi con có nhưng chưa đủ. Con chỉ muốn có đủ 20 tiền để mua một giờ làm việc của cha. Xin cha ngày mai hãy về sớm hơn để ăn tối với con được không?
Người cha lặng người, ôm chầm lấy con trai và cả hai ngồi yên như vậy rất lâu.”
Và sợ rằng độc giả sẽ quên đi sau khi đọc xong, bên dưới câu chuyện còn kèm theo một lời bàn đại ý rằng, “Nếu ngày mai bạn mất đi, hãng sẽ thay ngay một người khác, trong khi gia đình và những đứa con của bạn là không thể thay thế”. Cái kết đẹp và ý nghĩa, là cái kết cần thiết của tình cha con đúng nghĩa theo mạch những câu chuyện dụ ngôn mang tính giáo dục kiểu “chicken soup for the soul” như vậy. Đó là cái kết tương tự hình ảnh người cha trong tiểu truyện “Chàng viết mướn thành Phirenze” của cuốn Tâm Hồn Cao Thượng qua bản dịch Hà Mai Anh, mà tôi đã đọc thời niên thiếu và còn đọng hoài trong trí nhớ về một tình cha con thật cảm động. Câu chuyện kể về cậu bé Julio bị cha la mắng vì học hành xao lãng, cho đến khi ông biết được vì lòng hiếu thảo, đêm đêm cậu bé đã lén thức dậy thay cha viết mướn nên sa sút việc học, ông đã ôm hôn và xin lỗi vì đã mắng oan con mình.
Câu chuyện ngần ấy ắt đã quá đủ, đã đánh động được tình cảm của những người đang làm cha. Thế nhưng tôi lại cứ muốn đặt thêm những tình cảnh kết thúc khác, theo sự quan sát của tôi từ những mối quan hệ cha-con chung quanh. Chúng ta cứ thử theo mạch chuyện mà kết câu chuyện như sau: “Người cha gật đầu, xoa đầu con trai. Nhưng hôm sau, hôm kế, những ngày tiếp nữa, ông vẫn chẳng về nhà sớm hơn để một lần ăn tối cùng con trai”. Hay khác hơn, “Người cha quay người, giọng nghiêm lại: Con có biết cha làm lụng vất vả như vậy chỉ để lo cho con, lo cho gia đình?”. Tôi thử đặt thêm dăm cái kết này vì nhìn thấy không ít những người cha cũng luôn yêu thương và đặt kỳ vọng nơi con cái, nhưng họ lại đặt công việc lên hàng đầu, hoặc họ quá đa đoan, tham lam với công việc. Mà đời sống này nếu muốn, thì quả lắm chuyện tất bật. Cái xe, cái nhà, cái vườn… lúc nào cũng có lắm chuyện cần sửa, cần làm hay phải làm. Vừa xong hồ sơ thuế, lại đến việc khiếu nại thuế nhà. Cái máy lạnh chưa kịp thay xong đã đến chuyện bảo hiểm vì chiếc xe bị cọ quẹt. Đứa con gái vừa mới khỏi bịnh thì đứa con trai cần đi nha sĩ hay đi khám mắt. Ngần ấy thứ đã chiếm hết thời gian. Những người cha không còn thời gian cho mình, thì còn đâu thời gian cho con cái. Không kể một số người cha quên đi rằng, họ có những đứa con.
nguồn childrenswishingwell.org
Bạn hỏi tôi, vậy chúng ta phải làm sao? Thú thật tôi không biết, vì chính mình cũng loay hoay với những điều như vậy và mỗi người có những thứ tự ưu tiên mà chúng ta đặt ra. Tôi chỉ nhớ đến câu chuyện anh chàng người Mễ cắt cỏ cho nhà tôi. Những ngày còn độc thân hay khi chưa có con nhỏ, cuối tuần tôi cũng cắt cỏ, sơn rào, sửa nước rỉ…, đủ việc linh tinh như những người đàn ông phải làm đã kể trên. Nhưng từ ngày có con, tôi kiếm một “amigo” người Mễ, cứ dăm ba tuần lại đến cắt cỏ. Có lần tôi nhắn anh ta đến làm ngày Chủ Nhật, anh ta khất lại ngày Thứ Hai vì Chủ Nhật cần “đi lễ nhà thờ và đi chơi với con”. Và cũng có thể là buổi chiều tối, anh lại có thêm việc mở nhạc xập xình, nướng barbecue uống dăm chai bia với gia đình và những “amigo” khác. Tôi nghe và thích ngay cái cách sống của anh chàng cắt cỏ. Vì đó là cách mà mỗi người có thể làm. Ai cũng than không đủ thời giờ, không bao giờ thiếu việc cần làm. Vì chúng ta CHỌN như vậy. Tôi đã thấy không ít những người cha khá giả, sung túc gấp nhiều lần anh chàng cắt cỏ người Mễ kia, nhưng ngày Chủ Nhật thay vì cùng đi xem phim, đi bơi với con nhỏ, họ sẵn sàng bỏ cả ngày trời để tự mình cắt cỏ, sơn lại cái hàng rào. Và tiếp tục cái điệp khúc “không đủ thời gian”. Tôi nghe được câu chuyện về một người cha có dăm cái nhà cho mướn, nên luôn bận rộn với chúng. Trong một lần leo cao sửa nhà và chiếc thang đổ, anh qua đời để lại những đứa con nhỏ đang rất cần cha. Câu chuyện nghe được mà xót xa. Một tai nạn, nhưng đó là một tai nạn lẽ ra có thể đã tránh được. Đã không phải xảy ra, nếu anh chọn cách khác hơn. Lại nữa, dù ít hơn, nhưng tôi vẫn nghe được từ những người giữ trẻ quen biết. Các cụ, các dì giữ trẻ kể lại rằng, hầu như luôn có những cú điện thoại mà cha mẹ hỏi thăm việc muốn gởi con qua đêm hay để lại suốt tuần, chỉ đón về ngày Chủ Nhật. Tôi đoán rằng những người cha mẹ này phải rất bận. Hoặc họ có những ưu tiên khác hơn để có thể đánh đổi việc chăm sóc con cái như vậy. Tôi vẫn luôn cố tìm hiểu lý do. Nhưng chưa thành công.
Mà đó chỉ mới lo riêng cho cá nhân và gia đình mình, đã không đủ thời gian, đã hết sức lực. Nên tôi vẫn thán phục đời sống những người cha Mỹ. Không biết mức độ yêu thương của họ có bằng những người cha Á Đông hay không, nhưng tôi tin chắc họ bỏ thời gian cho con cái, vui cùng con cái nhiều hơn. Đến sân banh, nếu họ không đang huấn luyện cho con mình và những trẻ nhỏ khác thì họ cũng đang hò reo, cổ vũ cho con đang chạy trên sân. Vào rạp hát, thấy gia đình họ thảnh thơi cùng đang xem bộ phim mới vừa được chiếu. Tình nguyện phụ giúp trường học đôi lần trong năm, tôi cũng chỉ thấy hầu hết là những người cha bản xứ. Công việc xã hội thiện nguyện, cũng chẳng có mấy người chúng ta. Ngay cả khi vợ chồng ly dị, họ cũng chẳng ly dị với con cái nên thái độ và hành xử những cô bé trong những gia đình gãy vỡ này xem ra vẫn hết sức cân bằng và đáng mến. Tất nhiên bạn có thể và có quyền không đồng ý với nhận xét này, bởi vì thật ra nó cũng chỉ những gì riêng tôi đã thấy, đã gặp hay qua những lần tiếp xúc với những cô bé bạn học của con gái tôi. Bạn không đồng ý bởi vì bạn đang nghĩ rằng tình thương của bạn dành cho con cái là tất cả, là trên hết mọi việc. Bạn dành hết sức cho công việc chỉ vì lo cho con cái. Bạn tự làm nhiều điều để dành dụm cho con nhiều hơn. Và bạn gặp những người cha Mỹ bê tha. Tôi tin bạn. Nếu bạn chọn như vậy hay muốn lấy cái bê tha, buông thả trách nhiệm của người khác để biện minh cho mình. Nhưng tôi cũng tin rằng, các em cần chúng ta dành thêm nhiều thời gian hơn. Không chỉ thời gian chúng ta ngồi kèm con cái học. Không phải thời gian chúng ta chở con cái đi học thêm, học đàn. Mà thời gian để có với nhau những niềm vui của tuổi thơ và của chính chúng ta, để chúng sẽ trở thành những ký ức đẹp mãi mãi về sau trong mối quan hệ cha-con.
Có thể con trai bạn, con gái tôi chưa hề thốt lên rằng, “muốn mua một giờ làm của cha” như trong câu chuyện dụ ngôn. Hoặc cái iPad và chiếc máy điện toán chơi game đã đủ làm các em hài lòng và đủ thay thế chúng ta. Đã cho chúng ta một sự yên tâm về mối quan hệ cha mẹ và con cái, về trách nhiệm làm cha, làm mẹ của mình. Nhưng nếu chúng ta mong đợi một tình yêu thương và một mối quan hệ cha mẹ-con cái thật sự gần gũi hiện tại và khi các em trưởng thành, thì sự yên tâm giả tạo đó chỉ là một cách tạm thời và rất chênh vênh. Bạn và tôi hay những người cha mà tôi gặp ở trường học, ở những hoạt động xã hội, ở trên sân banh, ở rạp hát, ở những công viên giải trí… với con nhỏ cũng chỉ có 24 tiếng mỗi ngày như nhau mà thôi. Sắp xếp để dành cho con cái thêm một giờ, nhiều giờ hơn nữa, chừng nào chúng ta còn có thể, là những thứ mà đến lúc nào đó chúng ta sẽ thấy nó không kém phần ý nghĩa và cần thiết như việc bạn đang dành thêm một đồng, nhiều đồng mà chưa bao giờ thấy đủ.
nguồn iledebeaute.ru
ĐYT