Menu Close

Những bất lợi trong việc bảo lãnh khi lập Khai Sinh trễ

Trước hết, văn phòng Robert Mullins International cần tóm lược một số thông tin mới nhất liên quan đến Những Tác Động Hành Pháp về di trú của Tổng thống Obama.

– Theo thông tấn AP, chính phủ sẽ không yêu cầu Tối Cao Pháp Viện duyệt lại quyết định của một chánh án Hoa Kỳ yêu cầu tạm hoãn tác động hành pháp về di trú của Tổng thống Obama. Bộ Tư Pháp tin rằng cách tốt nhất là tập trung vào việc kháng cáo sắp tới để cho thấy rằng những tác động hành pháp nên được phép tiến hành.

– Một buổi điều trần thứ hai tại Tòa Rộng Quyền Thứ Năm vào tháng 7, 2015 sắp đến liên quan đến sự ngăn trở kể trên và chúng ta chưa biết ba chánh án nào trong hội đồng điều trần sẽ tham dự. Trong Tháng Năm vừa qua, trong buổi điều trần đầu tiên, Tòa Rộng Quyền Thứ Năm đã quyết định rằng Những Tác Động Hành Pháp nên để cho Quốc hội quyết định có chấp thuận và hợp pháp hóa vấn đề này hay không?

o O o

Trong chủ đề chính hôm nay, chúng ta sẽ bàn về vấn đề trở ngại sẽ xảy ra cho một số người có khai sinh nhưng lập ký trễ hạn.

Ở Việt Nam từ giữa thập niên 1950 cho đến giữa thập niên 1980, người dân phải sống rất vất vả để sống còn và thường không xem việc lập khai sinh đúng hạn là việc ưu tiên. Thực tế cho thấy người dân đã cố gắng tối đa tránh việc liên hệ với các viên chức chính quyền ở địa phương. Thêm vào đó, những hồ sơ ghi chú việc sinh thường bị hủy hoại bởi thiên nhiên và những biến động dân sự. Nhiều người không có ý định có một bản khai sinh trong nhiều năm sau khi sinh ra đời.

Trong thời gian gần đây, các viên chức làm việc tại Sở di trú và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hiểu biết rất ít về lịch sử cận đại của Việt Nam, vì thế họ dè dặt khi phải chấp nhận việc khai sinh trễ hạn. Họ kiểm tra thông tin từ Bộ Ngoại Giao và từ đó họ hiểu rằng việc làm khai sinh trễ hạn phải được kèm theo nhiều loại giấy tờ và bằng chứng khác nhau. Đối với Sở di trú và Bộ Ngoại Giao, giấy khai sinh trễ hạn không được xem là bằng chứng mạnh mẽ về việc sinh.

Đôi khi, Sở di trú yêu cầu phải nộp giấy xác nhận của chính quyền địa phương giải thích tại sao một giấy khai sinh bản chính không thể có, hoặc Sở di trú muốn giới chức ở địa phương xác nhận người này sinh ra ở khu vực mà họ cai quản. Nhiều viên chức nhà nước từ chối cấp một giấy xác nhận không thể trích lục khai sinh vì họ không có bằng chứng nào cho thấy việc sinh này xảy ra ở quận huyện của họ. Các viên chức nhà nước này sẽ chỉ yêu cầu các đương đơn viết đơn giải thích và công chứng chữ ký, và họ sẽ không xác nhận nội dung của lá đơn này .

Cho đến nay, chưa đến một nửa số gia đình muốn làm khai sinh cho con cái trong thời gian hạn định. Nhà nước Việt Nam đưa ra giới hạn thời hạn thời gian làm khai sinh như sau: Một tháng cho cư dân ở đồng bằng và hai tháng cho những người ở vùng cao nguyên và những nơi hẻo lánh.

Bộ Ngoại Giao nói rằng: “Việt Nam không có hệ thống quốc gia trung ương lưu trữ những hồ sơ ghi nhận việc sinh. Nhiều hồ sơ đã bị thất lạc trong thời chiến tranh và việc quản trị hồ sơ rất cẩu thả, nhưng phần lớn những thành phố lớn có thể còn lưu giữ hồ sơ cũ, và những hồ sơ lưu trữ ở miền Bắc hầu hết còn tồn tại. Khi những giấy tờ chính không còn nữa, những bằng chứng thứ hai liên quan đến những người Việt thoát khỏi đất nước từ Tháng Tư 1975 có thể còn tồn tại từ những người này và trong những hồ sơ tỵ nạn của họ”.

Vậy thì Sở di trú sẽ yêu cầu nộp những bằng chứng nào khi xảy ra việc đăng ký khai sinh trễ hạn?

Người bảo lãnh hoặc người được bảo lãnh nên bắt đầu với việc nhờ hai nhân chứng từng sống ở thời điểm xảy ra việc sinh và cá nhân họ hiểu biết về việc này làm đơn xác nhận và có công chứng. Những đơn xác nhận có công chứng của người bảo lãnh và người được bảo lãnh sẽ không được chấp thuận.

Những bằng chứng thứ hai có thể bao gồm:

– Giấy chứng sinh của nhà thương có ghi tên đứa trẻ và tên cha mẹ.

– Hồ sơ y tế có tên đứa trẻ và tên cha mẹ.

– Hồ sơ học bạ của trường học.

– Hồ sơ của nhà thờ có tên đứa trẻ và tên cha mẹ.

– Thẻ căn cước và sổ thông hành có tên đứa trẻ và tên cha mẹ.

– Tóm lại, cần những giấy tờ cho thấy có ghi tên đứa trẻ và tên cha mẹ và nộp cho Sở di trú.

Sổ Gia Đình trước năm 1975 hoặc “hộ khẩu” sau năm 1975 có thể giúp hoặc chẳng giúp ích gì cả. Bộ Ngoại Giao nói rằng: “Những bản sao việc đăng ký trong tờ khai gia đình hoặc hộ khẩu có thể có. Tuy nhiên, việc ghi chú là người phối ngẫu (vợ-chồng) hoặc con cái trong tờ khai nhân khẩu gia đình này không đủ chứng minh cuộc hôn nhân hợp pháp hoặc liên hệ ruột thịt. Những người sống chung và con nuôi có thể ghi vào Hộ Khẩu đang sống chung với nhau nhưng không là bằng chứng về sự quan hệ của họ”.

Dĩ nhiên, việc thử liên hệ di truyền DNA có thể là sự chọn lựa nếu những người liên hệ đều còn sống.

Hỏi Đáp Di Trú

– Hỏi: Khi Sở di trú yêu cầu nộp thêm bằng chứng, họ thường muốn có những bằng chứng này trong ba tháng, đôi khi chỉ 30 ngày. Như vậy có đủ thời giờ để thử DNA không?

– Đáp: Người bảo lãnh sẽ cần yêu cầu Sở di trú cho thêm thời gian. Sau khi việc thử DNA ở Hoa Kỳ hoàn tất và dụng cụ thu mẫu DNA được gửi về Việt Nam, văn phòng IOM thường xếp lịch lấy mẫu DNA người ở Việt Nam từ hai đến ba tháng, vì thế kết quả thử DNA không thể hoàn tất dưới 4-5 tháng được.

– Hỏi: Có thể dùng việc thử DNA để chứng minh liên hệ anh chị em không?

– Đáp:  Việc thử DNA chưa thể xác định khả năng cùng huyết thống qua việc thử nghiệm di truyền DNA, vì thế Sở di trú không thể quyết định rằng kết quả thử nghiệm liên hệ anh chị em ruột thịt có đủ để tin tưởng hay không và không thể chấp nhận kết quả DNA liên quan đến liên hệ anh chị em. Tuy nhiên, nếu anh chị em có cùng cha mẹ, và nếu cha mẹ đều còn sống thì kết quả thử DNA có thể sẽ được xem xét.

– Hỏi: Tại sao bây giờ Sở di trú lại yêu cầu về bằng chứng về việc sinh?

– Đáp: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng: “Giấy tờ dân sự giả mạo thường xảy ra ở Việt Nam và rất dễ dàng làm giả những giấy tờ liên quan đến thông tin cá nhân sau năm 1975”. Và, khi tỷ lệ bảo lãnh gian dối trong các diện hôn thê – hôn phu và diện vợ chồng quá cao ở Việt Nam đã khiến cho Sở di trú rất nghiêm ngặt trong việc đòi hỏi những giấy tờ chứng minh.