Tuy đã vào mùa mưa và đến hôm nay đã giữa tháng 5 mà trời vẫn nóng gay gắt, một cái nóng hầm hập, thiêu đốt làm mồ hôi vã ra như tắm, khí hậu oi bức, ngoài đường xe lớn, xe nhỏ vẫn đan xen như mắc cửi, đồng loạt phun ra những loạt khói đen ngòm gây ô nhiễm trầm trọng cả toàn thành phố.
Đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn – nguồn mytour.vn
Ở khu phố Tây Ba-lô (vì đi đâu cũng vác theo cái ba-lô trên lưng, lang thang nay đây mai kia) Tây trắng, Tây đen, Tây da vàng… tất cả ngồi dọc theo các quán ăn, bar rượu, café nhìn ngắm người qua kẻ lại cùng lúc hy vọng đón được chút gió trời. Do trời nắng và mỗi đêm đều thức quá khuya nên có phần vắng vẻ, khu phố Tây chỉ thật sự đông đúc về đêm, đêm càng khuya càng đông, dù sao “Tây” ngủ cũng không giống “ta”! Khu phố Tây bao bọc một cụm bốn con đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu dù vẫn tồn tại những khu vực ăn theo sầm uất khác nhưng chính vẫn là đây, nhà nhà làm du lịch, người người làm dịch vụ.
Xe hạng sang phục vụ khách du lịch – Hình minh họa
Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà nằm trên con đường Phạm Ngũ Lão xưa, lúc đó thuộc quận Nhì của thủ đô Sàigòn. Tại đây tôi đã cất tiếng khóc đầu tiên, rồi chập chững bước vào đời, lớn lên và sống ở đây hơn nửa đời người cùng cha mẹ, anh em trải qua những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc, được giáo dục, được “học ăn, học nói, học gói, học mở” theo nề nếp xưa, biết kính trên, nhường dưới, không đấu đá, không tranh giành sống chết, không chà đạp lẫn nhau dù biết rằng cuộc sống lúc nào cũng khắc nghiệt.
Nhắm mắt lại tôi cũng hình dung được ngôi nhà của mình ngày xưa, cách đó không xa là tòa soạn báo Tiếng Vang, rồi tạp chí Thời Nay, báo Màn Ảnh, nhà xuất bản Thế Giới. Xa hơn nữa hướng về phía chợ Thái Bình là nhà xuất bản Sống Mới. Đối diện phía bên kia đường là Nha Lộ Vận nơi đăng ký trước bạ các giấy tờ xe gắn máy. Cũng trên đường Phạm Ngũ Lão ở số 38 là báo quán Tạp chí Văn của Mai Thảo và cũng là nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng mà có thời từng là tòa soạn báo Ngày Nay có Nhất Linh lui tới. Thời đó, những con đường Đề Thám, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu vẫn còn rất lụp xụp, thô sơ. Tôi nhớ trước ngày biến cố lịch sử ập đến, những người chòm xóm có giao tình thân thiết rủ nhau “chạy trốn Việt cộng” bằng cách chạy ra bến tàu, bến Bạch Đằng để tìm đường vượt thoát trước khi mất nước và đến sáng 30/4 thì nhà nào cũng cửa đóng then cài, ngoài đường vắng hoe. Trưa đến, đúng vào thời khắc lịch sử cũng đúng là lúc những người vì lý do gì đó không thể ra đi, hé cửa nhà, len lén nghe ngóng để thấy trên đường lộ chính, trong những con hẻm lặng ngắt như tờ, những ai đó đã vất lại những bộ quân phục cũ, những khẩu súng trường, súng ngắn bừa bãi như một sự đoạn tuyệt âm thầm với quá khứ cũ mà họ đã hình dung ra được sẽ gây nguy hiểm cho sự sinh tồn trong mất mát ảnh hưởng đến bản thân và gia đình họ.
Những ngôi nhà dần dần mở cửa chỉ có điều hàng xóm đã thay đổi, không phải hoàn toàn là ông A, bà B của quá khứ mà có những ngôi nhà đã có chủ mới là anh Ba, chị Bảy. Những con người lạ hoắc từ đâu đến, có khi từ miền Bắc xa xôi vào hoặc từ U-Minh, Đồng Tháp đến chiếm cứ… Chủ cũ đã di tản, chủ mới dán nhãn “Cách Mạng” trên trán đầy hãnh tiến. Chúng tôi biết họ thuộc phía chiến thắng, nên luôn cẩn thận lời ăn tiếng nói mỗi khi giao tiếp. Rồi cuộc sống tiếp diễn, ngày qua ngày cho đến khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, lác đác những người ngoại quốc lần mò đến tìm kiếm cơ hội mới, ở một đất nước nhập nhòe tranh tối tranh sáng nhưng lại có giá công nhân rẻ mạt. Phong trào học ngoại ngữ bắt đầu phát triển, ban đầu là những người đã từng làm việc cho Hoa Kỳ ngày xưa, với số vốn liếng tiếng Anh sẵn có, mở lớp dạy thêm kiếm sống. Rồi các trung tâm với vài thanh niên ngoại quốc cần tiền trang trải cho nhu cầu sinh sống được mời dạy như giáo sư bản xứ, rồi cũng từ những lớp học này, những học sinh có tài chính dư dả muốn tiếp xúc với người ngoại quốc để thực tập nhiều hơn, nên mỗi chiều sau giờ làm việc lại hẹn thầy ra ngoài quán tán gẫu.
Một góc phố Tây Ba-lô tấp nập
Phải đi đâu bây giờ? Vô nhà hàng thì quá đắt. Nắm bắt được nhu cầu này, một vài học viên tiếng Anh sinh sống trên đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện có ý tưởng mở ra những tiệm sinh tố bình dân, đặc biệt là những chủ quán này nói được tiếng Anh, có người rất giỏi vì đã học qua nhiều khóa, có người chỉ là bập bẹ nhưng không sao, vừa học vừa làm mà, đồng thời làm vài món ăn Tây phổ biến như bò “bít-tết” khoai chiên, spaghetti với sauce cà chua, vài món salade, v.v… và đương nhiên là có cả bia nên đã thu hút nhanh. Một tiệm làm ăn được, rồi là hai ba tiệm, name card được in với những tên rất kêu “Bar Guns and Roses”, “Baby Doll Coffee”, “War and Peace Snack”… Hàng quán phát triển kéo theo các nhà trọ rẻ tiền, khách sạn, các phục vụ vui tươi, giải trí ít tốn vải…
Người ngoại quốc khi tìm đến một đất nước nào đều có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, con người, đất nước đó, các công ty du lịch theo hình thức xe đò ra đời. Đã qua rồi thời kỳ xe đò chở thêm gà, vịt, hay máy lạnh “dởm” chỉ lạnh vào buổi sáng sớm, đến trưa là hành khách bắt đầu đổ mồ hôi hột, giờ đây là những xe máy lạnh đời mới mà tới trưa hành khách vẫn từ “lạnh toát đến lạnh lùng”. Ban đầu chỉ là xe ghế ngồi cao cấp, giờ có cả xe giường nằm với rất nhiều chuyến trong ngày, nhiều nhất là xe đêm, khách lên xe ngủ một giấc thức dậy đã tới nơi.
Tiên phong cho kiểu du lịch “open tour” này phải nhắc đến Sinh Café, là văn phòng đầu tiên tiếp thị khách Tây rất thành công. Đến đường Đề Thám bây giờ vẫn còn nhìn thấy một văn phòng du lịch “hoành tráng” của Sinh Tourist, hậu thân Sinh Café bao bọc bởi hằng hà sa số những văn phòng cạnh tranh khác, nào Kim, Hạnh, Nam Phương, Phương Nam, Huỳnh Gia… và không thể không nhắc đến Phương Trang nổi tiếng nhất hiện nay với đội ngũ xe hiện đại đời mới, từng bước đã dành vị trí hàng đầu qua mặt đàn anh Sinh Tourist từ chất lượng xe cho đến cách phục vụ. Giờ thì du lịch Tây Ba-lô đã thay đổi màu da, trên các xe đò “chất lượng cao” này giờ đây rất hiếm hoi khách da trắng, phần lớn chỉ là khách Việt Nam, có cả trong nước và Việt kiều thay nhau hát Karaoké mùi mẫn, vì một thực tế rất đáng buồn là du khách nước ngoài đa số đều tuyên bố một câu xanh rờn: “Việt Nam tốt đẹp lắm, người Việt Nam hiếu khách lắm nhưng chúng tôi chỉ đến một lần và không muốn quay lại!” Hết sức dễ hiểu khi du khách đến Việt Nam thì luôn bị chèo kéo, cướp giựt, giá cả cắt cổ, còn những dịch vụ khác thì hết sức nhàm chán, lúc nào cũng hết múa rối nước lại đến đàn ca dân tộc. Và trên mảnh đất của “Điểm đến thiên niên kỷ” nếu du khách không “boa” xộp, sẽ bị chửi té tát. Tuy không hiểu ngôn ngữ bản xứ, khách Tây vẫn đoán ra những kẻ đang mắng chửi mình nói những lời thô lỗ.
Quang cảnh một khu “Bia Bệt” đường Bùi Viện
Du khách da trắng đa số đều thích biển, biển Việt Nam tuy đẹp nhưng trên bờ lại rất dơ, những khu biển sạch thì hoang sơ, vắng vẻ, thiếu an ninh, còn những khu biển đã được khai thác thì khách sạn, hàng quán xẻ thịt nát cả bãi biển do tầm nhìn hạn hẹp của chính quyền địa phương chỉ quan tâm đến những phong bì “lại quả”. Phải ra Vũng Tàu chiều Thứ Bảy để thấy bãi Thùy Dương biến thành bãi rác.
Còn một đặc điểm khác, phố Tây Ba-lô không hổ danh là khu bia ôm của bọn bạch dương. Khách sạn, quán ăn, bar rượu đan ken nhau trên suốt bốn mặt đường và ngay cả trong từng con hẻm chi chít ở đây, cũng đầy gái ăn sương. Ban ngày đến tận ban đêm, phục vụ da diết 24/7. Nên ở đây không khó để tìm những cô gái trẻ, mặt mũi non choẹt lượn lờ chung quanh với những chiếc váy ngắn cũn cỡn.
Phố Tây Ba-lô tuy không lớn nhưng số lượng khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ đếm không xiết, cũng phải đến hơn cả trăm với đủ các giá cả tùy theo chất lượng, phòng sang máy lạnh tính khác, phòng quạt máy giá khác, rồi giường tầng, có cả những căn nhà trọ dành cho “Tây bụi” thứ thiệt, năm ba người một phòng trải chiếu dưới đất thì giá bèo thiệt luôn, chỉ khoảng 3 đô/đêm vì khách bụi đâu cần gì phòng ốc, chỉ đêm đến có chỗ tắm rửa, ngả lưng, để đến sáng lại đi. Khu Tây Ba-lô tấp nập nhất vẫn là vào ban đêm. Ở đây, ngoài du lịch còn những dịch vụ khác như cho thuê xe đạp, xe gắn máy, quầy lưu niệm, siêu thị gia đình, “mát-xa”, cho thuê sách Anh ngữ và báo Playboy đọc giải sầu đêm khuya…
Phố Tây luôn đông đúc, nhộn nhịp và thu hút rất nhiều khách đến hàng đêm, đó cũng chính là lý do gây nên cảnh mất trật tự vì các hàng quán bày bàn ghế từ lề đường tràn xuống lòng đường chỉ còn chừa một lối rất nhỏ cho xe di chuyển, vì thế chính quyền đang bắt đầu kế hoạch “lập lại trật tự” khu phố này. Nhiều quán bị chính sách “truy quét thẳng tay” nên phải dẹp bàn ghế, nhưng vẫn phục vụ bia bằng cách lót giấy hoặc thảm cho khách ngồi bệt hai bên lề đường Bùi Viện. Cách phục vụ này tạo ra nét đặc biệt ở đây, nên giờ được gọi là khu “Bia Bệt”.
Nhiều người cho rằng đây là một kế hoạch tốt vì sẽ thiết lập lại trật tự cho khu vực này, chấm dứt tình trạng kẹt xe thường xuyên nhưng nếu xét về mặt kinh doanh thì phố Tây Ba-lô đã quá nổi tiếng như một điểm ăn uống về đêm đông đúc cho “tây” kể cả “ta”, nên UBNDTP “nhất trí” cho xây dựng tạm thời một phần công viên 23/9 đối diện chợ Thái Bình để phục vụ khách Tây. Nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa nghe thêm thông báo gì mới. Cư dân phố Phạm Ngũ Lão xưa, thời còn là quận Nhì Sàigòn, thì kinh nghiệm từ lúc “nhất trí” cho đến “thi công” còn phải qua khâu “của hồi môn” lại quả cho các quan.
Con đường xưa tập trung các nhà xuất bản và các tòa soạn những tạp chí văn chương lớn của miền Nam, bây giờ xanh đỏ lòe loẹt phấn son của những cô gái bán thân cho Tây và cười ngặt nghẽo nói dăm câu tiếng Anh bồi, là hình ảnh rõ ràng nhất của 40 năm “giải phóng” thủ đô. Làm sao những cô gái này biết đến câu nói của một nhà văn: Bụng các thiếu nữ phải chứa miểng chai thời đại một khi lãnh đạo quốc gia đánh mất tự trọng. Nhưng có lẽ, Đảng ta đang muốn cạnh tranh với Xóm đĩ Pattaya.
TN – Sàigòn 26 tháng 5-2015