Cho đến nay đã có rất nhiều người tỏ ý rằng họ rất mê thích môn chụp hoang dã (chim chóc) nhưng điều cản trở họ nhất là sự thiếu “đồ nghề”. Nói là đồ nghề nhưng thật sự hầu hết họ đã làm chủ một máy ảnh DSLR rồi, họ chỉ thiếu một ống kính lớn chuyên dùng để chụp xa (supertele). Nhưng điều khó khăn để làm sở hữu một loại ống kính như vậy là sức nặng của nó – trong cả hai ý nghĩa. Nặng về trọng lượng và cũng nặng về giá tiền. Những ống kính này được bán từ $5,500 tới $18,000 tùy theo tiêu cự và khẩu độ tối đa. Trọng lượng của chúng cũng khá nặng, thường thì khoảng 10 lbs. nhưng ít nhất cũng 5 lbs.
Tác giả đang “săn ảnh” với ống kính Sigma 150-600mm.
Vào tháng Chín năm vừa qua, công ty Sigma đã thông báo ra hàng cho loại ống kính supertele zoom 150-600mm của họ, bao gồm hai hạng – ‘Sports’ và ‘Contemporary’. Sigma đã từng sản xuất những supertele zoom từ nhiều thập niên, nhưng không một ai trong nghề có thể xem nó là “địch thủ đáng kể”. Vì sự cồng kềnh, chậm, và có phẩm chất ảnh rất thấp. Nhưng kể từ năm 2013, hãng Sigma đã có một hướng đi mới với những sản phẩm của họ: tất cả những ống kính mới do họ sản xuất sẽ được sắp theo một trong ba hạng: ‘Sports’, ‘Art’, và ‘Contemporary’. Đời ống kính này là một tiến bộ vượt bực hơn những đời từ trước, và trong vài trường hợp còn cạnh tranh với hoặc qua khỏi phẩm chất của ống kính tương đương của hai hiệu “đại gia” – Nikon và Canon.
Dù hai món hàng mới của Sigma đã được thông báo đã lâu, mãi tới Tháng Hai năm 2015, hạng ‘Sports’ của ống kính này mới bắt đầu có trong tồn kho để bán cho khách hàng. Trong khi các tay nhiếp ảnh đang mơ ước cầm trong tay hạng ‘Contemporary’ phải đợi thêm ba tháng nữa – tới cuối Tháng Năm Sigma mới bắt đầu bán.
Hình chân dung chim chụp bằng ống kính Sigma 150-600mm. Lưu ý background tuyệt mờ, làm chủ thể nổi hẳn.
Tôi đã từng tránh mua ống kính supertele hạng nặng của Sigma từ khi có kinh nghiệm không tốt với hàng Sigma nhiều năm về trước. Nhưng sau những thay đổi khả quan trong hàng ngũ ống kính của Sigma hai năm qua, tôi đã bắt đầu để ý và theo dõi xem họ có gì mới lạ và những lời đồn có thật hay không. Lần này tôi đã quyết định thử ống kính 150-600mm ‘Contemporary’ – một “ứng cử viên” cho những người đã từng mơ ước có cơ hội chụp thể loại ảnh thú hoang dã (chim chóc) nhưng chưa dám bỏ tiền mua. Vài ngày trước, Sigma đã gởi về cho tôi một ống kính mới tinh.
Lần đầu tiên tôi mở thùng và đem ống kính Sigma 150-600mm “Contemporary” ra “xài thử”, nhấc ống kính lên, tôi có cảm giác như nó nặng cỡ 70-200mm f/2.8 hoặc nặng hơn tí và dài hơn. Thật đáng mừng, so với trọng lượng của những ống kính Nikon 500mm, 600mm, và 800mm thì ống kính Sigma supertele có cảm giác như nhẹ như lông vịt; cầm trên tay cả ngày mà không mệt.
Phần quan trọng nhất tôi muốn thử là phần lấy nét tự động (autofocus hoặc AF). Lúc đầu ống kính có vẻ lười biếng, chạy tới chạy lui tìm nét hơi lâu. Nhưng sau khi chỉnh vài công tắc trên ống kính và trên máy, tôi đã “dợt” cho nó chạy ào ào như những anh chàng lính con.
Ống kính lấy nét đủ nhanh để chụp chim bay (Vịt Gỗ) trong bóng (gần) tối.
Trái lại với những lời đồn và “kiến thức chung” từ trước, ống kính này vẫn chụp ra hình rõ ở những tiêu cự tối đa, như 500mm tới 600mm. Bạn có thể khóa ống kính ở những tiêu cự 150mm, 180mm, 200mm, 250mm, 300mm, 400mm, 500mm, và 600mm để ống kính khỏi bị “tuột” khi bạn đang mang trên vai để đi bộ.
Về hệ thống chống rung, tôi đã thử những setting khác nhau nhưng cuối cùng vẫn thấy tốt hơn khi tắt nó hoàn toàn “OFF”.
Để đánh giá tổng quát, tôi thích chiếc Sigma ở những điểm: nhẹ cân, rẻ tiền, tương đối gọn, phẩm chất khá tốt; ngược lại, tôi không thích nó ở những điểm: hướng xoay để zoom ngược chiều với những ống kính hiệu Nikon – khó làm quen, vòng cổ để gắn tripod làm cản trở tay cầm và không cân đối, đôi khi chậm trong hoàn cảnh thiếu ánh sáng.
Nói chung, nếu bạn là một tay ảnh mới bước đầu vào thể loại chụp thú hoang dã, ống kính này thật sự quá tốt cho bạn.
AN