Rượu xuất hiện cả ngàn năm nay, là thức uống lâu đời được xem như thuốc tiên hay “nguồn sống”. Bá tánh dùng rượu trong dịp lễ lạt, để làm đầu câu chuyện kết bạn kết bè, chén thù chén tạc, và cũng để giải sầu. Rượu được dùng dưới nhiều hình thức, muôn hình vạn trạng nên điều dễ hiểu là rượu được con người yêu chuộng và được yêu chuộng qua biết bao nhiêu thời đại bất kể mực thang xã hội, giàu nghèo.
Rượu khiến cơ thể lâng lâng, dễ chịu; làm tê các cảm giác đau đớn về thể xác cũng như tâm thần ngay sau khi uống, từa tựa như các loại ma túy. Khoan khoái như thế nên bá tánh dễ mềm môi và tiếp tục uống, mỗi ngày một thường xuyên và mỗi ngày một gia tăng dung lượng, dẫn đến nghiện ngập cũng như nhiều vấn nạn xã hội khác.
Ngày nay, câu nói dường như nằm lòng của bá tánh là “uống [rượu] vừa phải” (responsible drinking) để tránh tai nạn và những bệnh tật đến từ việc quá chén mềm môi. Nhưng mới đây, bản tường trình, the 2014 World Cancer Report (WCR), do trung tâm nghiên cứu về ung thư quốc tế, International Agency for Research on Cancer (IARC), trực thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (the World Health Organization, WHO) cho thấy chẳng có một lượng rượu nào, “vừa phải” hay không vừa phải, là “an toàn”. Nôm na là nhiều hay ít, rượu cũng gây tai hại cho cơ thể.
Ta biết khá nhiều về sự tác hại của rượu. Người say sưa liên miên là những người bị xơ gan, bụng trướng. Đệ tử thần lưu linh là những người thường bị xuất huyết vì máu không đông vì tiết giảm tiểu cầu và giảm chất đông máu.
Một chứng bệnh khác đến từ ảnh hưởng của rượu là suy tim, cơ tim sưng trướng nên không còn co bóp một cách hữu hiệu gây ra “nonischemic dilated cardiomyopathy” chưa kể những chứng bệnh ‘lặt vặt’ khác như cao huyết áp, tim loạn nhịp (atrial fibrillation) và đột quỵ.
Với một bản tổng kết sơ sơ về bệnh tim mạch nặng nề như thế nên các chuyên gia nghiên cứu đã bắt đầu đặt lại câu hỏi cho mệnh đề “rượu đỏ, uống vừa phải, bảo vệ tim”. Mệnh đề này, dựa trên sự mạnh khỏe của những người Pháp uống rượu đỏ trong mỗi bữa ăn tối qua nhiều năm, đã trở nên phổ thông trong một thời gian khá dài!
Bản trường trình của WCR 2014 đã trở thành một cáo trạng: Rượu là thủ phạm liên quan đến nhiều loại ung thư (alcohol is a carcinogen). Tiến Sĩ Jürgen Rehm, góp phần trong chương trình nghiên cứu về rượu của WCR và cũng là chuyên gia tại the Centre for Addictions and Mental Health, Toronto, Ontario, Canada, kết luận rằng rượu gây ung thư thực quản, ống dẫn thức ăn uống từ miệng đến dạ dày, và một số loại ung thư khác.
Mức rủi ro [về ung thư] gia tăng theo tỷ lệ thuận với lượng rượu tiêu thụ. Uống càng nhiều thì mức rủi ro bị ung thư càng gia tăng như ung thư vòm miệng, cuống họng, thanh quản, thực quản, ruột già, gan và vú.
Sự liên quan giữa ung thư và rượu trong các loại ung thư như hoại huyết, cổ tử cung, âm hộ, và da đang được các chuyên viên tìm hiểu.
Độc tố đến từ rượu bao gồm acetaldehyde, acrylamide, aflatoxins, arsenic, benzene, cadmium, ethanol, ethyl carbamate, formaldehyde, và chì (lead). Ethanol là độc tố quan trọng nhất và mức chuyển hóa của ethanol tùy thuộc vào di tính. Tạm hiểu là người chuyển hóa ethanol, kẻ chuyển hóa chậm tùy theo dòng giống.
Ethanol trong rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde. Thành chất này khi tiếp giáp với màng nhày tráng bộ phận tiêu hóa từ miệng, cuống họng, thực quản… kích thích sự tăng trưởng của các tế bào màng nhày. Rượu gia tăng mức estrogen và thụ thể của nội tiết tố IGF dẫn đến sự tăng trưởng [bất thường] của tế bào vú.
Nói chung sự tăng trưởng quá mức và bất thường là nguồn gốc của ung thư chưa kể các yếu tố khác.
Rượu và thuốc lá, thuốc lào là một sự kết hợp nguy hại hơn nữa. Tỷ lệ ung thư các bộ phận trong hệ tiêu hóa gia tăng cao hơn khi con người dùng rượu và thuốc lá cùng lúc. Ung thư vòm miệng, 80%, và ung thư thanh quản, 90%, có thể ngăn ngừa qua việc đừng hút thuốc lá và uống rượu.
Cần sa, ma túy có cùng tác hại như thuốc lá và rượu nhưng lại được (bị) kiểm soát chặt chẽ vì sinh sau đẻ muộn. Con người quá quen thuộc với thuốc lá và rượu, sử dụng thường xuyên như món ăn thức uống, như các món hàng tiêu thụ hàng ngày. Do đó việc kiểm soát rượu và thuốc lá trở nên vô cùng phức tạp, đòi hỏi một chính sách kết hợp nhiều phương diện, từ luật pháp (chỉ bán rượu cho người trưởng thành, tiệm rượu chỉ được mở cửa trong một thời gian giới hạn…) đến thuế má (đánh thuế nặng nề mọi loại rượu) và y tế (mở rộng các chương trình cai rượu, chữa trị và phục hồi cho các tai nạn đến từ rượu…).
Tất nhiên các chính sách kiểm soát này sẽ gặp sự chống đối mạnh mẽ của kỹ nghệ sản xuất và buôn bán rượu cũng như các đệ tử thần lưu linh. Ngăn cấm rượu là một chính sách thất bại, chi bằng để tự do nhưng kiểm soát và đánh thuế để lấy tiền tài trợ các chương trình giải quyết vấn nạn do rượu gây ra?
Như thuốc lá, ta có thể cổ động các chương trình giáo dục, nói về tác hại của rượu; ghi rõ các tác hại trên nhãn hiệu mỗi chai rượu và nhất là hàm lượng rượu trong mỗi ly…
Nói chung, tiết giảm rượu như tiết giảm thuốc lá, thuốc lào, càng ít càng tốt. Riêng với các đệ tử thần lưu linh, chia tay không xong thì việc ngưng uống một, hai ngày trong tuần lễ là một việc làm hữu ích, cho gan cơ hội nghỉ ngơi và phục hồi.
TLL