Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung cộng thể hiện một phần qua đường lưỡi bò tai tiếng, lần đầu thấy in trên bản đồ Hoa Lục vào thập niên 1940. Trong khi nhiều chuyên gia luật quốc tế đã xem đường lưỡi bò mâu thuẫn với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (1), Trung cộng liên tiếp bác bỏ các chỉ trích của quốc tế, tỉnh bơ cho rằng các hoạt động khai thác trên Biển Đông không khác gì xây đường sá nhà cửa tại chính Hoa Lục, thậm chí còn tố ngược “vài quốc gia bên ngoài đang tìm cách xía vào nội bộ Biển Đông”. Đằng sau bức màn ảo thuật này còn nhiều biến động ngầm trong xã hội Trung cộng, cuộc đấu trí của Việt Nam, chiến lược tái phối trí của Hoa Kỳ, và thậm chí cả nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Trung cộng xây dựng trên Biển Đông. nguồn johnib.wordpress.com
Một nhân tố trọng yếu trên sân khấu Biển Đông là Hoa Kỳ, mặc dù bờ biển nước này cách xa đó hằng ngàn dặm. Trên bình diện quyền lợi quốc gia, Hoa Kỳ không hẳn quan tâm nước nào làm chủ hòn đảo nào tại quần đảo Hoàng Sa (2) -Trường Sa (3), hay cả Biển Đông. Quyền lợi của Hoa Kỳ đặt trên nguyên tắc tự do 100% trên hải phận quốc tế cho các hoạt động giao thương, và nhất là cho Hải Quân Hoa Kỳ (4). Trong quá khứ, không ít lần Hoa Kỳ nghiêng về cách giải quyết tranh chấp biển đảo một cách ôn hòa, dựa trên luật quốc tế. Tháng Tư 2011, Washington chủ động “hạ nhiệt” khủng hoảng sau khi 1 chiến đấu cơ Trung cộng đâm vào 1 phi cơ thám thính của Hoa Kỳ ngoài khơi đảo Hải Nam (5).
Chiến hạm Trung cộng diễu võ giương oai trên Biển Đông. Ảnh Getty Images
Nhưng tình thế hiện tại có chiều đổi hướng. Không phải vô tình mà Hải Quân Hoa Kỳ vừa điều 1 phi cơ thám thính tân kỳ bậc nhất sang Đông Á. Chiếc P8-A Poseidon mới ra mắt chưa đầy 2 năm tuổi, thiết kế trên sườn Boeing 737, có cả hầm chứa torpedo chuyên săn lùng tàu ngầm, lẫn hệ thống hỏa tiễn không-đối-đất (6) mang tên Harpoon. Phi cơ P8-A Poseidon được trang bị nhiều cột antenna, máy quay phim, và hàng loạt thiết bị dọ thám tân kỳ nhất thế giới, nên còn được gọi là “CIA listening station in the sky” (7). Mấy tháng qua, chiếc P8-A Poseidon đã âm thầm bay nhiều phi vụ trên không phận Biển Đông, cách riêng là vùng Hoàng-Trường Sa, canh chừng Trung cộng. Sự kiện Hải Quân Hoa Kỳ công khai sứ mạng của nó, thậm chí còn cung cấp nhiều thông tin chưa từng thấy cho làng truyền thông, có thể là phương cách chuẩn bị cho công luận trước các ứng xử cứng rắn hơn nhiều lần đối với Trung cộng trên Biển Đông trong tương lai.
Theo các nguồn tin cao cấp tại Washington, Hoa Kỳ đang hoạch định phái thêm nhiều chiến đấu cơ và chiến hạm Hoa Kỳ tiếp cận các đảo nhân tạo của Trung cộng trong vòng bán kính 20 km, mặc cho Bắc Kinh đã nói bất cứ phi cơ hay tàu bè ngoại quốc nào đi vào bán kính 200 dặm đều phải “xin phép” họ. Trong những tháng vừa qua, nhiều lần phi cơ Hoa Kỳ phớt lờ các cảnh báo lặp đi lặp lại của Trung cộng, vẫn tiếp tục các phi vụ thám sát trên quần đảo Hoàng-Trường Sa. Ngay thời điểm hiện tại, nhiều chiến hạm Hoa Kỳ đang thường xuyên theo dõi hải quân Trung cộng như hình với bóng trên Biển Đông.
Trung cộng kéo giàn khoan đi lấn chiếm Biển Đông. Ảnh www.dw.de
Trên bề mặt, sự càn lướt của Trung cộng phản chiếu 1 cường lực đang lên. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu chỉ có sự bất an trong giới cầm quyền chóp bu tại Bắc Kinh. Các phát ngôn kiểu dân tộc quá khích, thậm chí hiếu chiến, tràn ngập trên thế giới mạng xã hội ảo (8) tại Hoa Lục những năm tháng gần đây rất có thể có sự dung dưỡng của chính Bắc Kinh. Lá bài kích thích tinh thần “Đại Hán” có thể là kế sách đánh lạc hướng công luận, để giảm thiểu các áp lực đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, công bằng xã hội… trong nội tại xã hội Hoa Lục ngày nay. Có cả thực tế mấy năm qua kinh tế Trung cộng tuột dốc, nhất là kỹ nghệ sản xuất liên tiếp cắt bỏ vô số công ăn việc làm. Thêm vào 1 Biển Đông náo động, nếu Trung cộng lùi bước trước Philippines hay Việt Nam, có thể là 1 đòn không nhẹ lên uy tín, thậm chí cả sự tồn vong của chính đảng cộng sản Trung quốc. Mỗi phát ngôn hay ứng xử “đanh thép” của Bắc Kinh đối với Philippines hay Việt Nam là điều không khó hiểu. Chúng có thể giúp kéo dài thêm chút ảo tưởng về vị thế đảng của Trung cộng.
Mặt khác, đã thấy không ít dư luận đánh giá hoạt động xây “Vạn Lý Trường Thành Trên Cát” của Trung cộng là lọt thỏm vào thế cờ mai phục của Hoa Kỳ. Thời gian qua, nước Nhật, 1 anh hào Đông Á, đã xúc tiến viện trợ Philippines, Việt Nam, và các nước khác trong vùng, không ít tàu thuyền, võ khí hiện đại. Nước cờ này không phải vô tình. Để tiếp tục phát triển bình thường, cứ mỗi 6 tiếng, nền kinh tế Nhật cần 1 chuyến tàu dầu băng qua Biển Đông an toàn. Nam Hàn cũng lệ thuộc vào hải hành ngang Biển Đông để nhập cảng năng lượng. Nước Úc vừa manh nha ý muốn gia tăng tuần tra Biển Đông với Hoa Kỳ. Ngay cả Ấn Độ, dù không vướng hệ lụy trực tiếp trên Biển Đông, nhưng vì quan ngại cho viễn ảnh Trung cộng bá chủ Á Châu, nên đã thắt chặt liên hệ đồng minh với các quốc gia trong vòng tranh chấp Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Nhật Bổn, Úc… Nhất là trường hợp Philippines, hơn 20 năm sau khi đóng cửa căn cứ hải quân Subic Bay Naval Base, nay lại đang gấp rút thương thảo với Hoa Kỳ về việc mở lại vài căn cứ khác.
Không ảnh của Không Lực Philippines điểm chỉ tàu thuyền Trung cộng quanh đảo Mischief Reef (Đá Vành Khăn) thuộc Trường Sa của Việt Nam. Ảnh www.skynews.com.au
Về phần Washington, không dưới chục lần, các phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc lẫn của Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao, khi trả lời chất vấn của báo giới, đã tái xác định các cam kết quân sự của Hoa Kỳ đối với đồng minh trong vùng, và rằng Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ các nguyên tắc về tự do thông thương cả trên biển lẫn trên không trong vùng Biển Đông. Cả Đài Loan (Taiwan) lẫn Philippines đều được bảo vệ dựa trên các hiệp ước an ninh, bảo đảm Hoa Kỳ sẽ trực tiếp trả đũa nếu Trung cộng manh động với họ. Hoa Kỳ cũng có các hiệp ước tương tự đối với Nam Hàn và Nhật Bổn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có hiệp ước nào trói buộc Hoa Kỳ và cho phép Washington ra tay bảo vệ Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam là nước chiếm giữ nhiều đảo nhất trong quần đảo Trường Sa, mặc dù còn có nhiều nước khác xác nhận chủ quyền. Nếu chỉ tính riêng về khoảng cách, ngoài Philippines cách đó chừng 100 dặm đường chim bay, thì Trường Sa gần bờ biển Việt Nam nhất. Trong khi đó đất liền Trung cộng ở xa trên 600 dặm. Trên phương diện địa chánh trị và tài nguyên thiên nhiên, việc Trung cộng ngang nhiên áp đặt chủ quyền đường lưỡi bò chiếm 90% Biển Đông là sự xâm hại trực tiếp đến 70% vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (9) dựa theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Còn trên phương diện lịch sử, Việt Nam có bằng cớ hẳn hoi chứng minh các triều đại phong kiến người Việt, từ ít nhất là thế kỷ 17, đã từng đặt luật cai quản Hoàng-Trường Sa.
Ngoài VN, có ít nhất 6 quốc gia khác nhận chủ quyền trên quần đảo Trường Sa: Trung cộng, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia. Ảnh www.huffingtonpost.com
Các yếu tố này trên thực tế không đủ để cản bước tham vọng của Trung cộng trên vùng Biển Đông. Bắc Kinh đã chiếm toàn phần quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 sau các trận hải chiến với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thời đó. Trung cộng sau đó xây căn cứ quân sự kiên cố nhất Biển Đông trên đảo Phú Lâm (10) thuộc quần đảo này, với cả phi trường làm Bộ chỉ huy và hằng ngàn binh sĩ đồn trú. Mặc dù Việt Nam vẫn xác định chủ quyền, khó hình dung việc Trung cộng sẽ tự nguyện rời bỏ nơi này. Thêm vào đó, từ năm 2012, Philippines cũng đã đánh mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough Shoal về tay Trung cộng.
Như vậy, chỉ còn quần đảo Trường Sa vẫn còn trong vòng tranh chấp và chưa lọt vào tầm kiểm soát hoàn toàn của Trung cộng. Trong vùng biển này, Trung cộng đã hoàn tất xây dựng thêm 1 phi đạo tại Bãi Đá Chữ Thập (11) đủ lớn để đặt căn cứ cho binh sĩ và thủy thủ Trung cộng đồn trú, với đầy đủ hệ thống radar cảnh báo lẫn phi đạo dài 3 cây số có thể đón nhận mọi loại chiến đấu cơ của không lực Trung cộng. Không ảnh thám sát của Hoa Kỳ cũng cho thấy Bắc Kinh đang xây tiếp phi trường dã chiến tại Bãi Đá Gạc Ma (12) và Bãi Đá Châu Viên (13).
Với Bắc Kinh tiếp tục xây “Vạn Lý Trường Thành” nhân tạo giữa Biển Đông, đã thấy không ít dư luận gọi Biển Đông là trái bom nổ chậm, và chiến cuộc có thể bùng nổ dễ dàng, nhất là các giao tranh giới hạn. Chính Tân Hoa Xã (14), cái loa chánh thức của Trung cộng, cũng đã cảnh báo nếu Hoa Kỳ nhất định truy cản hoạt động đắp cát xây Hàng-không-mẫu-hạm-cố-định trên Biển Đông của họ, thì 1 cuộc đối đầu võ lực giữa Hoa Kỳ và Trung cộng là điều không thể tránh khỏi. Trên phương diện quân sự, những tiền đồn trên cát của Trung cộng nhiều phần chắc chỉ đứng vững trong một thời gian ngắn. Hải quân Trung cộng cũng vô phương thọ địch Hải Quân Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Hoa Kỳ và Trung cộng trên Biển Đông cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đời sống của 1.4 tỉ dân chúng trong vùng, trong đó có 90 triệu người Việt.
TD
Chú thích:
(1) Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển: 1982 UN Convention on the Law of the Sea (UNCLOS III)
(2) Quần đảo Hoàng Sa: Paracel Islands
(3) Quần đảo Trường Sa: Spratly Islands
(4) Hải Quân Hoa Kỳ: U.S. Navy
(5) Đảo Hải Nam: Hainan Island
(6) Hỏa tiễn không-đối-đất: Air-to-surface missile
(7) “CIA listening station in the sky”: trạm nghe lén trên không trung của CIA (tạm dịch)
(8) Mạng xã hội ảo: Social Media (tạm dịch)
(9) Vùng biển đặc quyền kinh tế: Exclusive Economic Zone (dựa theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982)
(10) Đảo Phú Lâm: Woody Island
(11) Bãi Đá Chữ Thập: Fiery Cross Reef
(12) Bãi Đá Gạc Ma: Johnson South Reef
(13) Bãi Đá Châu Viên: Cuarteron Reef
(14) Tân Hoa Xã: Xinhua News Agency